05/10/2012 08:24 GMT+7

Sông Tranh: "Không động đất vẫn có nguy cơ trôi đập"

Đ.Nam
Đ.Nam

TT - PGS.TSKH Phan Văn Quýnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định ngay cả khi không động đất, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn có nguy cơ trôi.

Chuyên gia về địa chất này cũng đề xuất hướng xử lý để không phải phá đập mà vẫn giữ được an toàn cho dân.

Xem toàn bộ thông tin về vụ việc Sông Tranh 2

hnFMR5qJ.jpgPhóng to
PGS.TSKH Phan Văn Quýnh - Ảnh: C.V.K.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Quýnh nói: Thời gian qua chúng ta chú ý vào động đất, khe nhiệt ở Sông Tranh 2 nhưng cái yếu của thủy điện này là nền móng. Bởi tại sao khe nhiệt lại rộng ra, gây rò nước? Tôi cho rằng chính nền của đập bằng đá granit đã bị tác động, biến dạng, giãn ra. Tức là nền đập đã có vấn đề.

Không hiểu tại sao lại cho xây...

Sạt lở không liên quan đến động đất

Về tình trạng sạt lở vai trái đập thủy điện Sông Tranh 2, ông Vũ Đức Toàn - phó trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3 - cho biết: Những vết sạt lở cũng như những rọ đá đang được công nhân sắp xếp trên mặt đường nằm trong kế hoạch gia cố vai trái thân đập Sông Tranh 2. Hồ sơ thiết kế của tiểu dự án này được lập từ tháng 11-2011 và được chủ đầu tư phê duyệt, triển khai thi công vào tháng 7-2012, hoàn toàn không liên quan đến những dư chấn của các trận động đất vừa qua.

Giúp dân trên 3,6 tỉ đồng

Ngày 4-10, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc di dời bảy hộ dân ở thôn 1 và thôn 6, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My bị ảnh hưởng do nước lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 dâng cao (trong đó một hộ diện vùng sạt lở) đến nơi ở mới an toàn. Tỉnh cũng hỗ trợ chi phí khai hoang đất sản xuất cho dân (khoản hỗ trợ này được tính theo diện tích đất sản xuất của dân bị mất khi đến nơi tái định cư). Tổng kinh phí hỗ trợ lần này trên 3,6 tỉ đồng.

* Đứt gãy ở Sông Tranh 2 có còn hoạt động không? Báo cáo “Đánh giá tình hình động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiên tai” do nhóm PGS Cao Đình Triều thực hiện nói động đất cực đại có thể lên đến 6,1 độ Richter, ông nghĩ thế nào?

- Đập thủy điện Sông Tranh 2 nằm ngay trên một đứt gãy nhỏ và tôi cho rằng đứt gãy đó đang hoạt động. Ta còn phát hiện nước khoáng nóng ở khu vực đó thì không thể nói nó không hoạt động được. Ai cũng biết về nguyên tắc là không nên xây đập ở khu vực có đứt gãy đang hoạt động, bởi nó chỉ cần dịch chuyển vài milimet đã tạo nên nứt đập. Còn khả năng gây động đất kiến tạo thì mức 6,1 độ Richter không phải không có khả năng. Bởi nếu tôi tính theo đứt gãy khác thì khả năng động đất còn có thể lên đến 7 độ Richter. Nhưng do đới đó đã nằm im nên không ai tính nữa. Song cũng không nên nói động đất cực đại chỉ 5,5 độ Richter, bởi khẳng định điều này là không có cơ sở khoa học.

Đứt gãy tại Sông Tranh 2 trước mắt không tạo nên nguy hiểm bằng việc xây đập trên nền đá granit. Đá granit đúng là rất cứng, nhưng tiếp xúc với nước sẽ tạo thành cao lanh, mà cao lanh thì trắng, mềm, trơn. Chỉ cần một mùa, các tảng granit có thể thành các cục nhỏ, nát ra. Thực tế hiện trường, trượt lở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 rất nhiều, thung lũng khu vực rất to chứng tỏ đá đã bị phá hủy rất mạnh.

* Nghĩa là đập Sông Tranh 2 ngoài nguy cơ vỡ do động đất còn nguy cơ khác lớn hơn có thể phá hủy đập?

- Đúng. Họp Hội đồng nghiệm thu nhà nước, nhiều người cứ nói đập không thể nứt, rồi động đất chỉ có thể lên 5,5 độ Richter. Tôi cho rằng đó là tập trung cãi ở chỗ không thật quan trọng. Bởi nếu xây đập trên nền granit, không cần động đất vẫn có khả năng nền móng bị yếu dẫn đến trôi đập. Bây giờ vào thủy điện Sông Tranh 2 đã thấy hai vai núi giữ hai bờ đập thủy điện bắt đầu có hiện tượng sạt, do đá granit ở vai bắt đầu tác dụng với nước và vỡ vụn ra. Chủ đầu tư đã phải gia cố đá trong rọ sắt đắp lên chỗ bị sạt. Đập bêtông có thể rất chắc, nhưng nguy cơ hai vai đập sạt thì thân đập không còn điểm tì, có thể trôi. Mà đập trôi thì hậu quả không khác gì vỡ đập cả. Tôi cho rằng chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào nguy cơ này.

Cần minh bạch thông tin

* Theo ông, với những nguy cơ động đất, nền yếu, vai đập sạt... có còn cách nào giảm nguy cơ cho dân?

- Trước tiên cần minh bạch thông tin, tập trung phân tích đúng nguy cơ lớn nhất bởi nếu xác định được nguy cơ rồi thì với kỹ thuật hiện nay, con người có thể giải quyết nhiều vấn đề. Giờ chủ đầu tư đã đặt rọ đá lên vai đập nhưng kè kiểu đó không nhiều tác dụng, chỉ có thể khiến nước không tràn qua. Tất nhiên, nếu để nước tràn thì vai đập chỉ một năm có thể “xong” nên vẫn cần phải chèn vào. Song vấn đề căn cơ hơn, theo tôi, là phải tính phương án xấu nhất để xem nếu trôi đập thì nước sẽ tràn đến đâu, khu vực nào nguy hiểm thì phải di dân, điểm cao nào an toàn phải đánh dấu để tình huống xảy ra giảm được thiệt hại...

* Có nên tính đến tình huống ngừng, phá đập?

- Theo tôi, bây giờ phá không nổi mà ngừng vận hành đập cũng không xong. Các tổ máy mở hết nhưng nếu lũ lớn, nước vẫn có khả năng lên đến trên 170m. Đây là cái dở của việc không làm cửa xả đáy. Không biết đó có phải ý tưởng của nhà thầu Trung Quốc không, nhưng rõ là nó làm ta không có khả năng giảm nước xuống thêm.

Bây giờ, theo tôi, vẫn còn giải pháp. Trên Sông Tranh 2 đang có Sông Tranh 1 và dưới còn có Sông Tranh 3 đang xây. Vì vậy, cần tính toán cơ chế vận hành hồ chứa thật hợp lý Sông Tranh 1 và 3 có thể “gánh” cho Sông Tranh 2. Đặc biệt, Sông Tranh 3 đang xây, cần tính xem có thể gia cố thân đập cũng như chiều cao để có thể chịu được, ngăn nước xuống hạ du ngay cả khi đập Sông Tranh 2 trôi. Lâu dài, tôi cho rằng cần tính lại việc xây đập thủy điện trên nền đá granit, bởi thủy điện Lai Châu cũng được xây trên nền đá này. Không cẩn thận, nó sẽ lặp lại đúng câu chuyện của Sông Tranh 2.

Quy hoạch thủy điện chưa nhìn toàn diện

Bộ Công thương đã xây dựng và đưa ra lấy ý kiến nhân dân dự thảo thông tư quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện.

Xung quanh dự thảo này, ông Lê Kim Truyền - phó chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ thủy điện Việt Nam - nói: Việc lập quy hoạch thủy điện ở ta còn quá dựa vào thủy năng để đề xuất dự án mà chưa có cái nhìn toàn diện liên quan đến môi trường, dân cư, đất đai...

Về những bức xúc gần đây của dư luận đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường của một số dự án thủy điện, ông Truyền chỉ ra một số nguyên nhân: Thứ nhất là thiếu điều kiện kỹ thuật, thiết bị để khảo sát, nghiên cứu. Thứ hai là không có tài liệu đánh giá địa chất, địa tầng ở sâu dưới mấy cây số xem cấu tạo máng ở dưới đó thế nào. Cách làm việc nặng về hội đồng phê duyệt cũng có vấn đề, hội đồng thường là những vị có chức có quyền chứ không phải chuyên môn sâu. Cán bộ kỹ thuật mà nói thẳng quá thì có khi không được mời vào hội đồng nữa.

Còn ông Đặng Đình Cung - kỹ sư tư vấn chiến lược công nghiệp, Việt kiều Pháp - cho biết điều 4 của dự thảo quy định về “nội dung, sản phẩm quy hoạch thủy điện” thiếu hai quy định quan trọng. Quy định thứ nhất là đánh giá ảnh hưởng đến an toàn cư dân. Quy định thứ hai là định kỳ kiểm tra tính bền vững và an toàn của công trình. Điều 4 nên dựa trên tài liệu OP 4.37, “Safety of Dams” (An toàn đập) do Ngân hàng Thế giới công bố năm 1996. Việc áp dụng nguyên văn những tiêu chuẩn quốc tế là cần thiết trong vấn đề này.

Đ.Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên