Kỳ 1: Vỡ tổ Kỳ 2: Những vụ “bắt cóc” Kỳ 3: Chim non lìa tổ
Phóng to |
Tổ ấm vỡ, sự mất mát của những đứa trẻ khó mà bù đắp được - Ảnh: Gia Tiến |
Tan tác
Mẹ được cứu sống. Bố mẹ cãi nhau dữ hơn, bố vắng nhà nhiều hơn. Người lớn có hàng trăm bất hòa để cãi nhau không bao giờ dứt. Rồi một chiều mưa tôi thấy mẹ ôm em út đi khỏi nhà. Mẹ không về nữa.
Mẹ về nhà bà ngoại rồi mở một cửa hàng tạp hóa. Mỗi khi anh em tôi đi học về, mẹ thường ngoắc vào, dúi cho mấy gói bánh. Nhưng anh trai lúc nào cũng kéo tay tôi đi thật nhanh. Nếu gần mẹ, tôi sẽ bị bố và bà nội mắng, dù tôi thèm vô cùng cảm giác được gần mẹ.
Rồi mẹ tôi đi. Bà tôi bảo mẹ mày đi miền Nam lấy chồng khác rồi. Cuộc sống ở đó sung sướng và nhàn hạ hơn. Bố tôi nhanh chóng cưới một người phụ nữ khác. Anh em tôi ở với bà nội. Bà nghèo, anh em tôi sống đời lam lũ: sáng đi học, chiều cắt cỏ, chăn bò, nấu cơm, kiếm củi... Tối đến, khi hàng xóm rộn vang tiếng cười trong bữa cơm gia đình thì bà cháu tôi cô độc, lầm lũi, cắm cúi ăn. Bà trở nên cáu bẳn, khó tính vì cuộc sống khó khăn. Gia đình càng khốn khó hơn khi bố tôi bỏ người vợ mới cưới rồi trở về nhà.
Bố bắt đầu uống rượu nhiều hơn, mỗi lần say bố đều khóc. Rồi bố tôi dẫn về nhà nhiều người phụ nữ. Tôi không thể nhớ hết họ. Bố về rồi đi triền miên, bệnh triền miên. Dường như cuộc đời của bố chỉ quẩn quanh bệnh tật, rượu và những người phụ nữ. Tôi biết hàng xóm, anh em đều coi khinh gia đình tôi lắm. Tôi nhận ra điều đó qua những câu nói mỉa mai của mọi người.
Anh tôi thi rớt Đại học Y Huế. Rồi anh xin làm công nhân tại một công ty bia. Lúc này bà nội bảo: “Chúng mày lớn rồi, bà ra ở riêng!”. Anh tôi đi làm xa, tôi ở một mình trong căn nhà ngói ba gian.
Bây giờ nghĩ lại, tôi không hiểu sức mạnh nào đã giúp tôi vượt qua những ngày tháng ấy. Tôi lầm lũi đến lớp rồi về nhà. Tôi thấy xấu hổ về gia đình mình. Bố tôi ở xa và ngày càng bệnh nặng hơn. Lâu lâu bố lại điện về bảo tôi vay gửi cho bố một ít tiền. Tôi chạy khắp nhà anh em, chú bác để vay tiền cho bố nhưng không ai dang tay giúp gia đình tôi mãi được.
Có những cái tết bố không về, hai anh em tôi ăn tết với nhau. Khi hàng xóm, anh em nội ngoại tề tựu bên mâm cơm gia đình cũng là lúc tôi thấy tủi thân nhất. Tôi mong một bữa cơm có đủ bố mẹ, có thể mẹ sẽ la mắng tôi hoặc thậm chí bố mẹ tôi sẽ cãi cọ với nhau. Nhưng thà như vậy còn hơn một mình tôi cô độc trong căn nhà này.
Không gia đình
Nhưng tôi vẫn phải sống. Một buổi đi học, buổi còn lại tôi làm mấy sào ruộng và trồng đậu, cà... để có cái ăn. Mùa hè tôi đạp xe đi khắp xóm mua hoa hòe về sơ chế rồi bán kiếm ít đồng trả tiền điện, tiền thức ăn, tiền mua sách vở.
Ký ức về những ngày ấy chỉ là một khoảng không lầm lũi và u buồn. Tôi thường xuyên khóc: khóc khi một mình ngồi nhìn nồi cơm trắng lúc chập choạng chiều, khóc khi nhận xong một cuộc gọi giữa cơn say tít tắp nơi xa của bố, khóc khi nghe tin mẹ ở trời Nam không hạnh phúc và khóc khi nhà hàng xóm có tiếng nói, tiếng cười. Và tôi mặc kệ tất cả, tiếp tục sống lay lắt như thế cho đến khi bước chân vào cổng trường đại học.
Năm đầu tiên tôi xa nhà vào TP.HCM học đại học cũng là lúc bố đau nặng phải về quê. Bố sống trong căn nhà cũ của gia đình. Bố không còn đủ sức để rong ruổi trên những con đường dài, với những người phụ nữ khác nữa. Một buổi tối khi tôi đi dạo trong ký túc xá thì bố gọi. Tôi nhớ như in giọng bố ướt nhòe ngày hôm ấy: “Bố bị ung thư rồi, bố sống không còn bao lâu nữa đâu, con gắng học thành người...”. Tôi suy sụp. Tôi thấy mình lạc chân vào một hố sâu đen tối không thể nào thoát ra.
Hè năm 2 đại học tôi về chăm sóc bố. Ung thư giai đoạn cuối, bố tôi xác xơ. Bố trở nên cáu bẳn và khó tính. Bệnh bố ngày càng nặng, có lẽ không có gì đau đớn hơn khi nhìn người thân của mình dần vuột khỏi bàn tay mình mà không thể níu giữ lại được. Bàn tay tôi quá nhỏ bé, tôi không thể nào giữ bố lại cho riêng mình. Rồi một đêm bố lên cơn co giật trước sự hoảng loạn gào khóc của tôi. Đau đớn và cô độc. Sáu giờ sau bố tôi ra đi. Khi chiếc khăn tang phủ kín mặt, khi họ hàng bảo tôi cầm chiếc gậy chống thay cho anh trai chưa về kịp, khi người ta bảo bốc bảy nắm đất vứt xuống mộ cho bố, tôi biết mình đã mất bố thật rồi. Và tôi biết ước mong ăn một bữa cơm sum họp gia đình sẽ mãi mãi không bao giờ thành hiện thực.
Tôi ra trường, tìm được việc làm thì cũng là lúc mẹ bị người ta lừa lấy hết tài sản. Chúng tôi động viên mẹ về nhà. Mẹ về, lại xung khắc với bà nội và các cô của tôi. Bà tôi, các cô tôi và mẹ tôi cãi nhau không dứt vì những chuyện không đâu. Hằng ngày bà lên nhà tôi kêu khóc, bà chặt cây cối, ném vỡ bát đĩa, bà bảo mẹ tôi là oan gia của gia đình, bỏ con đi theo trai rồi còn quay về...
Đã có những lúc tôi ước rằng mình có thể quên đi tất cả thuộc về gia đình này. Nhưng tôi không thể. Người ta nói vết thương lòng nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Nhưng những đứa trẻ không gia đình như chúng tôi vẫn phải lớn lên với nỗi đau sâu kín trong tâm hồn mà khó ai nhìn thấy được...
Từng ngồi xét xử nhiều vụ án ly hôn, thẩm phán Trần Vũ Thanh Phương - TAND Q.8, TP.HCM - chia sẻ: hiện ngày càng có nhiều vụ án ly hôn của những gia đình thuộc hàng khá giả. Các cặp vợ chồng này thành đạt, cùng là những người kiếm tiền giỏi, có học thức cao. “Có khi ngồi nghe hai vợ chồng hơn thua nhau tại tòa khi tranh chấp ly hôn, tranh chấp tài sản và quyền nuôi con mà hội đồng xét xử thấy thật xót xa cho những đứa con của họ. Tôi từng biết có vụ chỉ vì chuyện mâu thuẫn gay gắt khi ly hôn của cha mẹ mà đứa con gái đang học lớp 9 đã bị trầm cảm nặng, có dấu hiệu của bệnh tâm thần... “ - thẩm phán Phương kể. Thẩm phán Bùi Văn Trí, phó chánh Tòa dân sự TAND TP.HCM, cho biết khi xem xét đơn ly hôn của các đương sự, tòa thường phải dành nhiều thời gian để hòa giải, động viên các đương sự đoàn tụ. Chỉ khi nào xét thấy mâu thuẫn giữa vợ chồng trầm trọng kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì mới tuyên xử cho ly hôn. Khi tuyên giao con cho người mẹ hay cha nuôi dưỡng, tòa cũng phải cân nhắc, xem xét thật kỹ các điều kiện về nhà cửa, điều kiện sống, công việc, thu nhập, thời gian của cha, mẹ để quyết định ai sẽ là người có thể nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái sau ly hôn một cách tốt nhất. Mục đích cuối cùng của việc chọn ai nuôi con vẫn là tương lai cho trẻ. |
---------------------------------------------------------------
Đón đọc số tới: Trong thế giới người mẫu nhí
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận