Kỳ 1: Vỡ tổKỳ 2: Những vụ “bắt cóc”
Phóng to |
Theo bố hay theo mẹ? Cả hai đều là mất mát - Ảnh: Gia Tiến |
Vết thương lòng
“Giờ em chỉ mong việc ly hôn của ba má kết thúc thật nhanh” - ngồi trên dãy ghế đá trước phòng xét xử, Bảo Ngọc - sắp tròn 16 tuổi, học lớp 8 - nói một cách lạnh lùng. “Chị hỏi tại sao hả? Ba má em chiến tranh lâu lắm rồi, không nhớ từ khi nào, nhưng em đã cùng ba ra tòa hòa giải, tòa sơ thẩm, phúc thẩm, rất nhiều lần mà có được gì đâu. Chỉ buồn thêm!” - Ngọc thủng thẳng nói tiếp.
Trong phòng xử, vị hội thẩm hỏi ba Ngọc: “Anh có thể tha thứ cho vợ để làm lại từ đầu không? Nếu cần thiết, phiên tòa có thể hoãn cho anh suy nghĩ, để cùng anh cứu vớt một gia đình. Vì hạnh phúc của các con anh thì không một điều gì có thể mua được”...
Anh khóc: “Tôi đã quỳ xuống chân vợ để xin cô ấy suy nghĩ lại vì gia đình, nhưng rồi không thể hàn gắn...”.
Vị hội thẩm quay sang hỏi chị, chị bảo không thể, vì tình cảm đã không còn. Chị bỏ đi, để lại cho anh ba đứa con. Giờ chị đang khởi kiện đòi nhà vì cho rằng căn nhà anh và con đang ở được mua từ tiền của bố mẹ chị nên chị không đồng ý chia đôi. Tiếng trả lời vọng ra bên ngoài phòng xử, Bảo Ngọc ngẩng mặt lên cố ngăn giọt nước mắt.
Suốt cả buổi xét xử và trong giờ nghị án, Ngọc đi lướt qua, không nhìn tới mặt má. Em phán quyết lạnh lùng như một vị quan tòa: “Bả đã bỏ ba con em đi theo người đàn ông khác. Thế mà giờ bả lại kiện đòi nhà, đòi tài sản. Thật tàn nhẫn, không bao giờ em nghĩ mình sẽ tha thứ cho bà ấy...”. Suốt cả câu chuyện, Ngọc không thèm gọi một tiếng “má”.
...Cách đó không xa, một phòng xét xử khác đang xử vụ tranh chấp “thay đổi người trực tiếp nuôi con”. Ngồi chung một hàng ghế, hai anh chị cố gắng ngồi nhích ra càng xa nhau càng tốt. Chị tố khổ: “Trước đây tôi không có điều kiện chăm sóc con nên mới để anh nuôi. Nay tôi mở xưởng may gia công tại nhà, thu nhập 10 triệu đồng/tháng, tôi muốn đưa con về nuôi. Anh không cho tôi thăm con, không cho con ngủ với tôi, giữa trời mưa to gió lớn anh cũng cho người qua bắt con về...”.
Từ ngày ly hôn họ không muốn nhìn mặt nhau. Mỗi lần chị nhớ con đều nhờ em út tới nhà anh đón con. Tối đến, khi muốn rước con về, anh nhờ xe ôm tới đón vì không muốn gặp chị. Khi ly hôn, chị đồng ý cho chồng nuôi con vì bản thân chị nợ nần tứ phía. Đến khi trả được một phần nợ, chị về nhà bố mẹ ở, kinh tế ổn định thì muốn đón con về. Bản án sơ thẩm ngày 21-5-2012 của TAND Q.4 đã tuyên bác yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của chị. Đến phiên phúc thẩm, tòa vẫn tuyên xử anh được quyền nuôi con. Kết thúc phiên tòa, anh mãn nguyện bước nhanh qua, còn chị đứng lại đanh giọng chửi thầm. Chỉ có cậu bé 4 tuổi - tài sản tranh chấp giữa anh và chị - là không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Con ghét ba, con ghét mẹ
Ba mẹ ly hôn. Sau mấy tháng không gặp mẹ vì bị ba bắt về nuôi, khi gặp lại mẹ bé Muội hét lên: “Con ghét mẹ, mẹ ác lắm, con không ở với mẹ đâu”. Những lời ấy làm chị Đ.T.B.H. (ngụ phường An Khánh, quận 2, TP.HCM) chết lặng. Chỉ mấy tháng trước thôi, khi còn ở với chị, con bé đã tự tay vẽ tặng chị một cái thiệp. Trên thiệp nắn nót ghi: “Tặng mẹ! Con yêu mẹ nhiều lắm. Mẹ xin các bác, các chú cho con ở với mẹ nha. Con muốn ở với mẹ. Con không ở với ba. Ba ác lắm!”.
Hôm TAND tỉnh Đồng Nai xét xử vụ ly hôn, khi ba lại gần, cũng chính bé Muội đã khóc thét không chịu nhìn ba. Người lớn ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong tâm hồn non nớt của một cô bé 8 tuổi.
Trong máy tính của chị B.H., những đoạn phim về con gái đầy ắp. Đó là hình ảnh Muội trong sáng, ngây thơ với mái tóc dài. Muội vô tư ca hát và hát rất hay. Muội vui đùa dưới mái ấm gia đình. Lật lại sổ học bạ của Muội tại trường tiểu học đều thấy kết quả học tập của em rất tốt. Thế nhưng bắt đầu từ cuối năm học lớp 2, cô giáo chủ nhiệm phê: “Trong học tập em có sa sút, ít tập trung, làm bài chưa cẩn thận”. Cũng ở trang này, phần ý kiến phụ huynh, chị B.H. viết: “Thời gian qua gia đình có nhiều chuyện xảy ra ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập của bé, mong các cô giúp đỡ”. “Chuyện xảy ra trong gia đình” mà chị H. đề cập chính là chuyện chị và anh gãy đổ rồi bước vào cuộc chiến giành nuôi con.
Thời điểm này, khi bạn bè đã bắt đầu bước vào năm học mới, Muội không được đến trường. Trao đổi với chúng tôi, đại diện ban giám hiệu một trường tiểu học ở TP Biên Hòa cho biết: trường sẽ không tiếp tục nhận Muội vào học vì vụ tranh chấp quyền nuôi con của ba mẹ em vẫn đang tiếp diễn. Ba mẹ Muội vẫn thay nhau đến trường gây xáo trộn hoạt động của trường. Hiện tại học bạ của Muội vẫn được nhà trường lưu giữ. “Nhà trường không dám cho ba hoặc mẹ của cháu rút học bạ, vì làm như thế người còn lại sẽ đến làm phiền nhà trường. Đợi có phán quyết của tòa án giao Muội cho ai nuôi thì chúng tôi mới trả học bạ cho người đó” - đại diện ban giám hiệu trường cho biết.
Không biết đến giờ này nếu cho Muội chọn, em sẽ về ở với ai. Khó mà cân đong rằng anh và chị ai thương Muội nhiều hơn. Cũng khó mà đo đếm hoặc chắc chắn rằng Muội sống với ai sẽ hạnh phúc hơn. Chỉ có nỗi buồn là rất thật. Tuổi thơ hồn nhiên, bình yên của Muội đã bị người lớn lấy đi. Mà tuổi thơ đã ra đi sẽ không bao giờ trở lại...
Trong quyển album nhỏ của chị L.T.L. (nhà ở P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), bên cạnh hàng trăm bức ảnh chị theo dõi chồng mình đi với người phụ nữ khác, còn có một lá thư gấp nhỏ của con trai út viết cho ba: “Kính gửi ba của con! Được biết ba đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn mẹ, con rất buồn và ảnh hưởng đến việc học hành của con hiện nay. Nguyện vọng của con là không muốn ba mẹ ly hôn, con muốn ba về sống chung với gia đình để đưa con đi học. Gia đình luôn vui vẻ như trước...”. Đọc những lời con viết mà lòng chị như tan chảy. Rời khỏi nhà, chị còn dúi vào tay tôi số điện thoại của anh nói: “Cô có gọi cho ổng thì nhắn ổng về giùm tui một tiếng”. Căn nhà ấy, con hẻm ấy, cả chị và hai đứa con trai vẫn đợi anh quay về... |
Kỳ tới: Chuyện gia đình tôi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận