11/07/2012 10:10 GMT+7

Cô gái khiếm thị vào đại học

MAI LÂM
MAI LÂM

TT - Phòng thi vắng hoe. Căn phòng rộng thênh. Hai thí sinh ngồi lọt thỏm giữa những dãy bàn ghế. Có lẽ đây là phòng thi ĐH đặc biệt nhất tại hội đồng thi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM kỳ thi năm 2009 bởi số thí sinh dự thi bằng số giám thị coi thi.

I3tmmR0b.jpgPhóng to
Sinh viên Nguyễn Thị Mến học bài môn tiếng Anh trên sách chữ nổi cô tự chép. Bên cạnh là bịch hạt cườm Mến mang theo để tranh thủ xâu móc chìa khóa vào giờ rảnh - Ảnh: M.Lâm

Đến giờ phát đề thi. Hít một hơi thật sâu, thí sinh Nguyễn Thị Mến mới khẽ khàng mở máy tính xách tay. Cô giám thị số 2 cầm đề xuống bàn thí sinh rồi bắt đầu đọc đề. Hai thí sinh lọc cọc gõ đề thi vào máy. Một mớ âm thanh líu nhíu dính vào nhau vang lên. Người nghe không quen sẽ không hiểu đó là tiếng gì. Đây thật ra là chương trình hỗ trợ người khiếm thị sử dụng máy tính. Càng gõ, âm thanh phát ra từ chiếc máy tính của thí sinh Mến càng hỗn độn. Phím xóa được sử dụng liên tục vì lỗi sai chính tả. Mến toát mồ hôi. Cái máy tính mới mượn trước ngày thi vài bữa đã làm khổ cô. Viễn cảnh thi rớt và nỗi ám ảnh từ những kỳ thi dần hiện ra trong đầu Mến...

6 lần rớt tốt nghiệp THPT

Mến thường nói vui: “Muốn kiếm một người rớt tốt nghiệp nhiều cỡ Mến không phải dễ”. Đợt thi năm thứ nhất: toán 2 điểm. Mến sốc. Thầy giáo chủ nhiệm không hiểu được khi cô học trò khiếm thị siêng năng, chăm chỉ, bài làm trong lớp thường xuyên được điểm 8, điểm 9 lại thi rớt. Mến lại ôn tập để thi lại. Lần thi thứ nhì số môn bị điểm kém tăng lên: toán 3 điểm, văn 3 điểm, sử 4 điểm. Lần thi thứ ba môn toán cũng không vượt nổi điểm 3. Lần thứ tư, thứ năm, rồi thứ sáu, Mến vẫn không chinh phục nổi môn toán.

Mới 8 tuổi, mẹ dắt Mến vào Trung tâm Bảo trợ người già, tàn tật và trẻ em Thị Nghè. Rồi mẹ về một mình, cho tới bây giờ cũng chưa quay lại. Mến thành bơ vơ. 14 tuổi, Mến “chuyển nhà” về ở tại Hội Người mù TP.HCM và được cho học chữ nổi. Học tới cấp II, nhờ học lực khá em được cho ra học hòa nhập cùng những bạn sáng mắt ở trường phổ thông bên ngoài. Lên cấp III, Mến là nữ sinh Trường THPT Chu Văn An. Những năm đi học, ít có khó khăn nào làm chùn bước cô trò nhỏ. Thế nhưng tới lần thứ sáu thi rớt tốt nghiệp thì Mến thật sự nghĩ: Thôi rồi, đời mình chỉ còn nước đi bán vé số.

Thương học trò, mấy thầy cô từng dạy Mến tập hợp bảng điểm các năm học của cô bé, gửi đơn xin cho Mến được đặc cách tốt nghiệp THPT. May nhờ học lực trong lớp của Mến thuộc loại khá, cộng thêm sự kiên nhẫn đi thi ròng rã sáu lần của cô, cuối cùng Mến cũng được xét đặc cách tốt nghiệp.

Khổ luyện

Những ai từng được nghe kể về quá trình luyện thi ĐH của Mến đều phải cảm phục. Người mù học tiếng Việt đã khó, học tiếng Anh càng khổ. Chọn thi vào khoa ngữ văn Anh Trường đại học KHXH&NV TP.HCM, cô biết điều đó quá sức mình. Vậy là Mến đi luyện thi. Mến rụt rè vào đăng ký khóa luyện thi tại trung tâm bên Trường Bùi Thị Xuân. Thầy hiệu trưởng trường thấy tội nghiệp, không lấy tiền học mà chỉ nói một câu: “Con cứ vào thử xem có học được hay không đã”.

Đây là khóa luyện thi ĐH đại trà, đâu có chương trình, giáo viên và cả giáo trình dành riêng cho người khiếm thị. Cô giáo luyện môn tiếng Anh mua giùm Mến một bộ sách, dúi vào tay em mà trong lòng cũng không hiểu liệu cô trò tội nghiệp này sẽ học bằng cách nào. Mến ôm sách về nhà. Vét hết tiền để dành, em đi mua một máy ghi âm. Trở về trung tâm Hội Người mù TP, Mến đi tìm cô Nguyệt. Cô Nguyệt là giáo viên dạy môn định hướng cho Mến tại trung tâm này. Mến năn nỉ cô Nguyệt đọc từng bài trong sách để em thu âm. Khổ nỗi cô Nguyệt lại không biết tiếng Anh. Vậy là cô đọc bằng cách đánh vần từng chữ, từng chữ một. Chẳng hạn như để đọc chữ “student”- sinh viên, cô phải đọc là “sờ, tờ, u, đờ, e, nờ, tờ”. Với kiểu đánh vần từng âm tiết một như vậy, tranh thủ thời gian rảnh, cô Nguyệt lại giở những quyển sách luyện thi dày cộm toàn tiếng nước ngoài ra để đọc vào máy ghi âm. Ngày cô Nguyệt đọc, đến đêm Mến lấy máy về, kiên nhẫn rã từng đoạn băng, nghe từng từ, từng từ để ghép thành câu rồi tỉ mẩn chép lại bằng chữ nổi. Nhiều đêm nghe ù cả tai, khắc chữ mỏi cả tay, cơn buồn ngủ kéo tới mà Mến không dám đi ngủ, phải ráng làm cho xong để còn kịp xóa băng đi, sáng mai lại đem lên cho cô Nguyệt đọc phần bài kế tiếp.

Ròng rã luyện từ tháng 2 đến tháng 6-2009, Mến mới đủ can đảm tham dự kỳ thi tuyển sinh vào ĐH. Trước ngày thi, trường ĐH gọi điện yêu cầu thí sinh phải có máy tính xách tay. Bài thi sẽ được làm trực tiếp trên máy tính, được chấm chung với những thí sinh bình thường, không chấp nhận bài thi bằng chữ nổi. Từ trước đến nay Mến chỉ mới được học vi tính võ vẽ. Vả lại máy tính mà em quen dùng là máy để bàn. Với người sáng mắt, việc làm quen với một bàn phím mới và sử dụng thành thạo cũng mất vài ngày, huống chi Mến không nhìn thấy gì. Hết cách, Mến gọi điện cầu cứu cha Bảo Lộc - một vị linh mục tốt bụng. Cha Bảo Lộc gọi điện cho một người quen để mượn máy cho Mến. Mượn được máy rồi, máy lại không có chương trình hỗ trợ người khiếm thị. Mến phải đem máy nhờ người cài đặt giùm. Lo xong hết các thứ thì ngày thi đã đến. Mến không kịp có thời gian để làm quen với chiếc máy tính mới...

Đi lên bằng những yêu thương

...Đã quá 20 phút kể từ khi tính giờ làm bài. Bàn phím lạ lẫm và những lỗi sai chính tả liên tục khiến Mến phát hoảng. Những thước phim ký ức vừa quay về trong đầu, vội vã... Ít ai biết được rằng để có tiền trang trải, mua sắm thêm sách, vở... để học, Mến phải đi bán vé số. Với chiếc gậy dò đường, cái áo mưa mì ăn liền, chai nước suối nhỏ, Mến bắt xe buýt từ Hội Người mù TP đi xuống Q.5, Q.6... để bán.

Hồi mới ra nghề, chưa quen đường, Mến bị xe tông gãy chân, may nhờ người đi đường đưa vào cấp cứu ở bệnh viện. Những ngày mưa ướt lóp ngóp, co ro đứng nép dưới mái hiên, những ngày nắng cháy mài chân trên đường, những lần khóc không thành tiếng khi bị giật hết vé số ở đâu ùa về, rõ ràng trong ký ức.

Rồi hình ảnh chú Hùng xe ôm quen thuộc, mấy năm ròng chở Mến đi học với giá hữu nghị chỉ 20.000 đồng/tuần, cô giáo Thảo ở Trường Chu Văn An tìm đủ cách để xin cho Mến được tốt nghiệp THPT, cô Nguyệt nửa chữ tiếng Anh không biết mà đã hoàn thành kỳ tích chuyển ngữ trọn bộ sách Anh văn.

Và mới sáng nay thôi, trước giờ thi, cha Bảo Lộc còn gọi điện dặn Mến trưa nay ghé nhà cha ăn cơm để chiều còn thi tiếp. Ông sợ tô mì gói lót lòng - tiêu chuẩn cho học viên ở Hội Người mù mỗi sáng - không đủ dinh dưỡng.

Và nếu không dặn vậy, thể nào Mến cũng chỉ dám ăn ổ bánh mì hay tô hủ tiếu gõ - thực đơn thường xuyên của những ngày đi bán dạo. Để Mến được ngồi trong phòng thi này, đã có bao nhiêu là khó nhọc, bao nhiêu là yêu thương...

Mến giơ tay hỏi cô giám thị mấy giờ và được cho biết còn hơn 2/3 thời gian làm bài. Mến thở phào, hít thêm một hơi dài rồi tiếp tục gõ vào máy. Lần này cô gõ chậm rãi và bình tĩnh hơn...

Bịch hạt cườm ở giảng đường

Với kết quả thi đạt 17,5 điểm, cô học trò mù Nguyễn Thị Mến đã trúng tuyển ngành ngữ văn Anh Đại học KHXH&NV TP.HCM K18 hệ tại chức (niên khóa 2009-2012). Suốt gần bốn năm học, dù vẫn phải đi bán vé số dạo ban ngày và học vào ban đêm nhưng kết quả học tập của Mến đạt loại khá.

Năm nay là năm cuối, bài vở nhiều, Mến không thể đi bán thường xuyên. Cô ra chợ đầu mối mua hạt cườm về học cách xỏ vòng tay, móc chìa khóa để bán. Mỗi móc khóa Mến bán được 7.000 đồng. Mỗi ngày đi học, hành trang của cô, ngoài sách vở, còn có bịch hạt cườm và túi móc khóa để chào hàng trong lớp.

MAI LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên