Phóng to |
Ngày nào chợ ế thì người Việt lại dọn hàng sớm - Ảnh: TR.N. |
Vào những chiều cuối tuần ở Warsaw, chúng tôi đã tìm đến chợ Bakalarska để tìm hiểu hoạt động kinh doanh của bà con người Việt thời khủng hoảng kinh tế.
“Bán buôn chẳng dễ ai ơi”
Chợ mới Baka, hay chợ hoa (tên quen gọi của chợ Bakalarska) gần đường lớn Grojeska được cải tạo cho hàng trăm người Việt kinh doanh từ năm 2010 với 600 chỗ bán ngoài trời... Khác với khu trung tâm thương mại Wólka Kosowska chủ yếu bỏ mối sỉ, chợ Baka thường bán lẻ cho người Ba Lan và người Việt đi mua đông đảo vào mỗi cuối tuần. Quần áo ở đây có giá rất bình dân.
Chúng tôi làm quen với vợ chồng anh chị Toàn - Nga và cùng đứng quầy bán hàng may mặc phụ anh chị. Mặc dù là chiều thứ bảy cuối tuần nhưng khách mua vẫn rất ít, đến khoảng 15 giờ chiều là vắng hẳn người dạo chợ. Công việc dọn hàng quả thật rất nặng nhọc khi phải bưng bê những thùng cactông chứa hàng nặng ký và kéo xe đưa hàng từ sạp đến khu lưu trữ đêm.
Ở Baka có rất nhiều phụ nữ vừa đứng bán hàng vừa đảm đương những việc nặng như thế. Chị Nguyễn Thị Hiền, quê ở Thanh Hóa, cho biết chị đang mang thai và sẽ sinh con trong ba tuần nữa, thế nhưng chị vẫn ra chợ mỗi ngày.
Mặc dù buôn bán không thuận lợi nhưng anh chị Toàn - Nga vẫn chăm chỉ mỗi ngày mở sạp hàng từ 5g30 sáng đến 18g chiều dọn về. “Không thể nghỉ bán được, cho dù có bệnh tật sơ sơ cũng phải mở sạp, mùa đông âm 25oC vẫn đứng bán vì nếu không là mất sở hụi đóng tiền thuê sạp, tiền thuê nhà, ăn uống và tiền “nuôi” giấy tờ tạm trú để lao động ở Ba Lan” - anh Toàn nói.
Người Việt một thời thành danh trong nền kinh tế chợ giữa thị trường Ba Lan với bao đức tính cần cù chịu khó, buôn bán làm ăn từ TP đến những vùng sâu vùng xa nhất Ba Lan, từ mùa hè sang mùa đông giá rét... trong quá khứ nay đang tồn tại chật vật trong khó khăn. Hà, một thanh niên quê ở Bắc Ninh sang Ba Lan 10 năm, hiện đang thất nghiệp nên ra chợ Baka tìm kế sinh nhai, cho biết: “Bây giờ tìm kiếm việc làm rất khó khăn. Đi làm thuê làm mướn (kéo xe, trông quầy hàng) thì tiền lương rẻ. Công việc lại nặng nhọc từ 6g sáng đến 18g chiều, phải bốc hàng mấy trăm thùng/ngày. “Sức trâu” nào cũng khó chịu nổi lâu dài”. Nhưng Hà cho biết trước áp lực của cơm áo gạo tiền nơi đất khách, rồi thì anh cũng phải đi làm sau khi nghỉ ngơi một thời gian chứ không thể thất nghiệp dài ngày được.
Đìu hiu khu thương mại
Từ thủ đô Warsaw đi theo đường cao tốc E 67 sang E 77 và rẽ vào đường Nadrzeczna là đến khu trung tâm thương mại Wólka Kosowska. Khu vực này gồm bốn trung tâm lớn quy tụ người buôn bán gốc Việt, gốc Hoa và gốc Thổ Nhĩ Kỳ. “Những năm trước, cảnh bán buôn ở đây luôn tấp nập và sầm uất, người mua kẻ bán trao tay tiền cục khối lượng lớn xoay như chong chóng, còn bây giờ thì ế ẩm lắm” - một chủ sạp bán quần bò (quần jean) cho biết.
Những vụ “bùng” (vỡ nợ) có thể lên tới hàng triệu USD xảy ra thường xuyên trong giới làm ăn buôn bán người Việt ở các trung tâm cũng bắt nguồn từ việc kinh doanh thua lỗ và lừa đảo. Gần đây, một số người bán hàng “có số má” như N.L. (bán quần bò), V. “rụi” (bán quần áo trẻ em)... vỡ nợ hàng trăm ngàn USD lại càng khiến tình hình kinh doanh của cộng đồng u ám hơn bao giờ hết. Những chủ nợ dù xót của nhưng không thể làm gì khi con nợ cao chạy xa bay.
Theo nhiều doanh nhân người Việt có thâm niên làm ăn hàng chục năm qua trên đất khách như Trung, Vinh, Tuấn..., bên cạnh lý do chung là khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động mạnh thì có nhiều nguyên nhân khác khiến hoạt động kinh doanh của người Việt ở Ba Lan gặp khó khăn. Trần Hoàng, một nhân viên văn phòng luật người Việt ở Warsaw, cho biết: “Môi trường pháp lý Ba Lan thay đổi, chính sách siết chặt hơn, việc kinh doanh nhỏ lẻ ngày càng đi vào quy củ, mức đánh thuế thu nhập rất cao cũng là các lý do khiến nhiều người Việt quen kiểu làm ăn chụp giật, không khai báo thuế... trước đây nay trở nên bị động”. Ba Lan hiện nay không còn là đầu mối trung chuyển hàng hóa ở Đông Âu quan trọng nhất nữa, đồng thời sức cạnh tranh buôn bán giữa các chợ và giữa các cộng đồng sắc tộc tăng cao, sức mua của người dân bản xứ lại giảm do lạm phát, thu nhập ít...
Ông Trần Quốc Quân, phó chủ tịch Tập đoàn thương mại Âu - Á (EACC) trụ sở ở Wólka Kosowska, cho biết: “Đây là thời buổi khó khăn nhất của cộng đồng kinh doanh VN ở Ba Lan kể từ thời bán buôn tại chợ trời ở sân vận động Mười Năm”. Dù vậy, theo ông Quân: “Người Việt đang tìm kiếm cho họ cách làm ăn hiệu quả phù hợp với khả năng của mình để vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Bà con vẫn cố gắng bám trụ giữ chỗ cửa hàng để hi vọng những năm tới tình hình sẽ khá hơn”.
Trở về quê hương
Tháng 4-2012, nhật báo Ba Lan Wyborcza có bài báo phản ánh về “Cộng đồng châu Á nhỏ đang rời bỏ chúng ta” đề cập đến nhiều doanh nhân người Việt đã chia tay Ba Lan để đi nước khác hoặc trở về VN đầu tư kinh doanh.
Bài báo trích dẫn phát biểu của tiến sĩ Kinga Wysienska - một nhà xã hội học và khoa học chính trị ở Viện nghiên cứu chính sách công ISP - khẳng định: “Đây là một xu hướng mạnh. Lượng người VN rời Ba Lan không phải hàng trăm mà là hàng ngàn. Những người bán lẻ quần áo may mặc đang trải qua thời điểm tồi tệ nhất”.
Có vẻ như sau giai đoạn buôn bán ăn nên làm ra thời sân vận động Mười Năm, nhiều người Việt rơi vào vết mòn trong tư duy kinh doanh và không năng động trong việc thay đổi hình thức kinh doanh phù hợp tình hình mới, ví dụ phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ ở mọi nơi thay vì vẫn tập trung ở các trung tâm.
Việt, 32 tuổi, sang Ba Lan từ năm 2001, sau 11 năm mưu sinh ở Ba Lan, cho biết anh trở về quê hương vào trung tuần tháng 7 này để tìm kiếm cơ hội làm việc trong nước bởi ở Ba Lan “chợ ế, làm ăn khó khăn quá”.
Doanh nhân Trần Quốc Quân thì nói: “Nhiều doanh nhân gốc Việt tại Ba Lan không kinh doanh nữa hoặc kinh doanh cầm chừng chứ không quyết liệt như xưa. Họ bắt đầu chuyển tiền về VN làm ăn, mua nhà cửa... để nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già trên quê hương”.
Hơn 20.000 người Việt ở Ba Lan Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, đại sứ VN tại Ba Lan Nguyễn Hoằng cho biết: “Cộng đồng người Việt ở Ba Lan hiện nay ước tính có khoảng 20.000-25.000 người, chủ yếu tập trung làm ăn buôn bán ở thủ đô Warsaw”. Trước đây, vào thập niên 1990-2000, Ba Lan từng là nơi đất lành chim đậu, môi trường kinh doanh an toàn và dễ chịu hơn các quốc gia Đông Âu khác như Ukraine hay Nga. Ba Lan cũng là một thị trường với sức mua cao (hơn 38 triệu dân) và là đầu mối trung chuyển hàng hóa từ châu Á sang các nước Tây Âu, Đông Âu... đã giúp người Việt buôn bán rất khấm khá, nhiều doanh nhân trở thành triệu phú đôla, phất lên từ việc bỏ mối hàng hóa ở chợ trời sân vận động Mười Năm. Cộng đồng gốc Việt được đánh giá là một cộng đồng khá thành đạt và hội nhập tốt ở Ba Lan. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận