Phóng to |
Bác sĩ Roberto De Castro |
Hành trình Thiện Nhân: Không dừng lạiĐêm nhạc nối tiếp Hành trình Thiện Nhân
Áo thun đen, quần kaki xám, mái tóc dài xõa ngang cổ áo, râu quai nón muối tiêu lún phún, nụ cười hiền lành thường trực trong mắt, trên môi... nom Roberto De Castro tuổi 50 giống một nghệ sĩ nhiều hơn là một bác sĩ tiết niệu hàng đầu thế giới.
Chỉ có thể chứng kiến bác sĩ Roberto thật sự là một “tiên ông”, có thể thay đổi số phận một đứa trẻ như thế nào khi theo chân ông vào phòng khám, đến phòng mổ.
Làm tất cả cho các cháu...
Xuống Nội Bài sau chuyến bay dài hàng chục ngàn kilômet, về khách sạn, vừa kịp nhăn mặt với cái oi bức của mùa hè Hà Nội thì bác sĩ Roberto đã đi bộ sang ngay Bệnh viện Nhi trung ương, nơi đã trở nên quen thuộc với ông sau hơn một năm song hành cùng Hành trình Thiện Nhân.
Mở cửa, lặng lẽ bước vào hội trường đang đông đúc, ồn ào với gần 90 gia đình bệnh nhi mới, ông nhẹ nhàng cầm micrô nói một lời cam kết: “Tôi không dám chắc sẽ chữa trị được cho tất cả bệnh nhi, nhưng tôi hứa sẽ làm tất cả những gì tốt nhất và nhiều nhất cho các cháu”. Nói vậy và nở một nụ cười, bác sĩ Roberto mỉm cười cúi chào rồi đi thật nhanh ra ngoài. Giờ khám bệnh đã bắt đầu.
Phóng to |
Bác sĩ Roberto De Castro với bé Thiện Nhân tại Hà Nội - Ảnh: Tự Trung |
"Kỹ thuật này cũng do may mắn mà tôi tích lũy được, chuyển giao cho các bác sĩ VN thì có thể giúp được nhiều bệnh nhân hơn. Hai tay tôi ngắn lắm " Bác sĩ Roberto De Castro |
Nhẹ nhàng đeo găng tay, nhẹ nhàng thăm khám những tổn thương, khiếm khuyết của đứa trẻ, nhẹ nhàng giải thích và kiên nhẫn chờ từng lời của người phiên dịch, thảo luận sôi nổi với các cộng sự về lộ trình điều trị, một ca khám bệnh của bác sĩ Roberto kéo dài đến cả 15-30 phút. Bác sĩ và bệnh nhi, cha mẹ các bé không nói chuyện trực tiếp được bằng lời, nhưng vẻ trìu mến pha lẫn xót xa trên gương mặt bác sĩ, ánh đau đáu đợi chờ trong mắt những ông bố, bà mẹ thì không cần đến ngôn ngữ.
Phóng to |
Bác sĩ Roberto luôn tạo được sự thân thiện với bệnh nhi - Ảnh: Tự Trung |
Bé Thảo Nhi bị hẹp bàng quang, rò đường tiểu, đã phẫu thuật đến năm lần ở các bệnh viện nhi TP.HCM. Vừa cầm bệnh án, các nhân viên đã nói ngay: ca này không nằm trong chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục”. Cô bé ngơ ngác, nước mắt người mẹ trẻ lập tức trào ra, bác sĩ ngay lập tức hiểu vấn đề. Ông quay lại với các cộng sự nói bằng vẻ khẩn nài nhưng cương quyết: “Đừng đóng cánh cửa cơ hội của họ”. Sau thăm khám bên ngoài, Thảo Nhi đã được bác sĩ xếp lịch hẹn khám gây mê sâu. Và một cánh cửa cơ hội đã lại mở.
Bé Nhi Hậu bị dị tật lỗ tiểu thấp, sau khi thăm khám, lại một cuộc tranh luận nổ ra: theo thỏa thuận của chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục”, bác sĩ Roberto sẽ chỉ trực tiếp cầm dao mổ với những ca đặc biệt phức tạp, còn các ca như bé Hậu, các bác sĩ bệnh viện nhi sẽ thực hiện. Nhưng danh sách phẫu thuật “lỗ tiểu thấp” ở Bệnh viện Nhi trung ương đã được xếp tới năm 2017. Thêm một lần nữa sau rất nhiều lần trong ngày, bác sĩ Roberto nhỏ giọng thuyết phục: “Bé nên theo điều trị tại Việt Nam để còn được theo dõi và chăm sóc hậu phẫu tốt hơn. Tuy nhiên nếu cương quyết muốn theo chương trình của chúng tôi thì phải chờ một chút...”.
Rất ngưỡng mộ Trong phòng phẫu thuật, vừa thao tác như múa trong ca phẫu thuật tế vi, bác sĩ Roberto vừa hướng dẫn, trao đổi từng chút với các đồng nghiệp Việt Nam. Đứng cùng êkip phẫu thuật với ông, bác sĩ Lê Anh Dũng, phó trưởng khoa ngoại tiết niệu Bệnh viện Nhi trung ương, hào hứng: “Chúng tôi rất vui và rất cảm ơn bác sĩ Roberto De Castro và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á đã chọn viện nhi để hợp tác. Có vậy chúng tôi mới được chiêm ngưỡng và học hỏi kỹ thuật mổ điêu luyện của ông. Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tái tạo bộ phận sinh dục. Khi bác sĩ Roberto đến và trình diễn phẫu thuật tái tạo hạ nắp từ da bụng này, rất nhiều bác sĩ tiết niệu cả nước đã đến tham quan và tỏ ra rất ngưỡng mộ”. |
Ông luôn kết thúc một ca khám bệnh bằng những câu hỏi: “Anh/chị ở đâu tới đây? Đi đến đây bằng gì?” và gật đầu mỉm cười hài lòng khi nghe ai đó trả lời “Đi máy bay”, nhăn mặt ái ngại khi nghe dịch “Đi xe khách”. Lập tức ông hỏi tiếp: “Từ đó đến đây bao xa?”.
Sáng hôm sau, trước giờ vào phòng phẫu thuật, sau khi hội chẩn ca mổ bác sĩ Roberto còn lục ra trong tập hồ sơ hai trường hợp ông đã ghi chú và đề nghị bác sĩ viện nhi cho phép sắp xếp bổ sung khám sâu gây mê, vì: “Bệnh nhi này được đưa đến từ miền Nam rất xa xôi, gia đình lại rất nghèo”.
Mối duyên Việt Nam
Hỏi bác sĩ Roberto vì sao lại nhận lời đến VN để lao động cật lực mà không lấy một đồng nào, ông mỉm cười chỉ cậu bé đang thoăn thoắt nhảy một chân xung quanh: “Vì muốn tiếp tục được điều trị cho Thiện Nhân, vì muốn gặp lại Thiện Nhân và Mai Anh, những bệnh nhân đã trở thành bạn rất thân thiết của tôi sau ca mổ”.
Ông bảo trước đó chưa biết VN, nhưng biết gia đình Thiện Nhân đã vắt kiệt sức để lo chi phí đưa bé đến Bologna (Ý), lại nghe Mai Anh kể ở VN còn một số bệnh nhi khác. “Nhưng cả tôi và Mai Anh đều không ngờ là có tới hàng trăm”, ông lại cười. Và bác sĩ đã gặp bệnh nhân thì làm sao có thể chối từ. Ông gật đầu, mở ra cánh cửa của hi vọng và cơ hội.
Rồi ông lại lo nữa: “Bệnh nhân nhiều quá vì VN có dân số đông, lại là nơi có nhiều người bị tai nạn. Tôi chỉ có hai tay, lại còn không có thời gian nữa. Phải có cách khác giúp bệnh nhân”. Ông chủ động đề nghị tổ chức hội thảo khoa học để trình bày, trình diễn kỹ thuật tái tạo bộ phận sinh dục hòng mong “các bác sĩ VN có thể tiếp tục cứu thêm nhiều cuộc đời”.
Ôm Thiện Nhân vào lòng, bác sĩ Roberto thầm thì như ông là một người cha VN thật sự: “Các căn bệnh, khiếm khuyết khác lộ ra ngoài, bệnh nhân sẵn sàng chia sẻ nên được chú ý hơn. Các khiếm khuyết về bộ phận sinh dục không chỉ tổn thương thể xác mà cả tâm hồn, thường bị che giấu, lặn vào trong nên ít được cộng đồng biết đến, giúp đỡ. Nó làm người ta tuyệt vọng, cuộc sống không còn ý nghĩa. Nhờ có Thiện Nhân, những bệnh nhân ấy ở khắp mọi miền của VN mới biết họ còn hi vọng, cái đã mất còn có thể tái tạo, bệnh nhân và bác sĩ được gặp nhau. Tôi rất biết ơn bé...”.
Phóng to |
Mười năm nghiên cứu để thành công với kỹ thuật "Tái tại bộ phận sinh dục", nay bác sĩ Roberto De Castro sẵn lòng chuyển giao công nghệ phẫu thuật cho các bác sĩ Việt Nam - Ảnh: Tự Trung |
Ngày thứ bảy, khám liên tục từ 8g-20g, bác sĩ Roberto mỉm cười thở ra: “60 bệnh nhân một ngày quả là quá nhiều, tôi cũng chưa bao giờ khám nhiều như vậy. Nhưng nếu điều trị tốt, so sánh với 60 thanh niên khỏe mạnh chúng ta sẽ có sau này thì có phải là quá ít không?”.
Đến ngày phẫu thuật, đúng 8g sáng đã thấy ông xuất hiện ở khoa ngoại A3. Vẫn chiếc áo thun quen thuộc, thêm cái balô sau lưng. Bên trong là những con dao mổ đặc biệt và những ống thuốc đặc trị ông tự mua bằng tiền túi và mang từ Ý sang. “Tôi sắp được trả cho một bệnh nhân cuộc sống của họ, tôi rất hạnh phúc” - bác sĩ Roberto lại cười. Và trước khi vào hẳn phòng phẫu thuật, ông còn quay lại hỏi: “Hôm qua đội Ý đá trận đầu có thắng không nhỉ? Sợ không tập trung được vào ca mổ, tôi đã không dám thức để cổ vũ đội nhà”.
Đến VN lần này, bác sĩ Roberto trọ trong một khách sạn chỉ cách viện nhi 200m, sáng sớm đi bộ sang khám, phẫu thuật đến tận tối mới về, lại lao ngay vào máy tính để ghi lại bệnh án từng trường hợp. Không ngày nghỉ, không lịch tham quan mới kịp khám cho 90 bệnh nhi và mổ 29 ca, có ca dự kiến kéo dài cả 10 tiếng. Bác sĩ Roberto xòe bàn tay trước các nhà báo: “Rất tiếc tôi chỉ có hai bàn tay này để đến đây, và chỉ có thể cố hết sức để một ca phẫu thuật tại VN có giá thành bằng 1/50 ca phẫu thuật tương tự tại châu Âu, châu Mỹ (tức chỉ khoảng 30 triệu đồng VN - NV). Chương trình vẫn chưa hoàn tất nhiệm vụ quyên góp tài chính. Tôi mong mọi người VN hãy chung tay để các bệnh nhi của chúng tôi có được một vé đến trưởng thành”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận