29/03/2012 09:12 GMT+7

"Mẹ" của mầm lan Việt

MAI LÂM
MAI LÂM

TT - Nhận thấy nhiều nhà vườn trồng lan trên diện rộng thường phải mua cây con từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)... với giá cao mà chất lượng thì phập phù, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM giao nhiệm vụ cho phòng công nghệ sinh học ứng dụng: “Nghiên cứu làm sao “đẻ” được lan con chất lượng cao.

Không phải để làm thí nghiệm cho ra vài lứa lan ngắm chơi mà phải sản xuất hàng loạt, tạo nguồn cung cấp ổn định cho nông dân”. Nhiệm vụ đó đặt lên vai hai nữ kỹ sư trẻ: Nguyễn Thị Huệ và Vương Thị Hồng Loan.

Kỳ 1: Lộc “đốm trắng”Kỳ 2: Bên trong phòng sản xuất phóng xạKỳ 3: Hùng “medic”

LoyDNePe.jpgPhóng to
Kỹ sư Nguyễn Thị Huệ “huấn luyện” lan con tại vườn ươm khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Mai Lâm

“Chín tháng cưu mang”

Tại phòng “hộ sinh” của các giống lan, dưới ánh sáng rất nhiều bóng đèn neon là từng dãy bình thủy tinh ken dày, chất cao trên giá. Bên trong bình là những mầm xanh nhỏ xíu được bảo vệ trong môi trường vô trùng, nồng mùi hóa chất. Kỹ sư Vương Thị Hồng Loan lần lượt giới thiệu tuổi đời của từng bình: có bình chỉ lấm tấm những chấm xanh, có bình cây đã tượng hình, nhỏ như đầu kim.

Đây là những mầm lan được sinh sản từ kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Kỹ thuật này không quá mới nhưng từ trước đến nay phần nhiều các viện nghiên cứu chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu thực nghiệm, chưa đi vào sản xuất đại trà.

Chị Loan tâm sự: “Lúc mới nhận nhiệm vụ, mình cảm thấy khá áp lực. Lý thuyết thì ai cũng biết, làm thí nghiệm thì dễ nhưng làm thiệt thì run”. Những cây lan đầu dòng màu đẹp, khỏe mạnh, siêng bông được chọn để thực hiện công đoạn sinh học phân tử, mục đích là kiểm tra sức khỏe xem cây có bị bệnh đốm vòng, bệnh khảm hay không.

Giai đoạn kiểm tra sức khỏe của cây trên máy PCR rất kỹ lưỡng và mất khá nhiều thời gian. Bình quân một ngày chỉ “khám” được một cây. Khi đã xác định đủ sức khỏe sinh sản, cây lan giống mới được đem vào phòng cấy mô. Những mầm lan đầu tiên được cấy lên môi trường tạo chồi. Thức ăn đầu tiên của mầm lan là... rau câu - dung dịch agar có bổ sung khoáng đa lượng, vi lượng, vitamin và một số chất điều hòa sinh trưởng.

Được nuôi trong bình kín, cứ cách 2-3 tháng, sau khi đã đánh chén hết dinh dưỡng trong agar, mầm lan được cấy chuyền sang môi trường mới có nhiều thức ăn hơn. Chị Loan kể: “Suốt mấy tháng trời, lúc nào cũng phải để mắt coi chừng từng bình. Thấy “đứa” nào èo uột một chút là phải cho ăn thêm, nếu không nó suy dinh dưỡng hoặc chết”. Lớn thêm một chút, lan không chỉ ăn rau câu mà còn đòi ăn chuối, uống nước dừa.

Dừa tươi, loại có cơm dừa còn non, dịch tiết chuối chín, dịch khoai tây nghiền là món khoái khẩu của lan trong giai đoạn tăng trưởng. Cứ thế, sau 2-3 lần cấy chuyền, từ một phát hoa của cây giống có thể tạo được hàng trăm ngàn, hàng triệu cây lan con theo nhu cầu. So với phương pháp nhân giống tự nhiên, mỗi lan bố, mẹ chỉ có thể cho ra được 4-5 chồi con. Lan con được cưu mang, nuôi dưỡng trong bình kín, phòng kín 9-10 tháng mới có thể chào đời.

Từ phòng thí nghiệm, vẫn nằm nguyên trong bình, lan con được đem ra ngoài. Hai ngày đầu tiên lan vẫn còn nằm trong bình, yên vị trên hành lang phòng thí nghiệm. Không còn phòng kín, không còn máy điều hòa, lan phải làm quen với không khí nóng bức, bụi bặm và ánh nắng chói chang. Hai ngày sau lan chính thức thoát khỏi bình thủy tinh, bắt đầu một cuộc sống mới.

Lan đi “nhà trẻ”

Buổi sáng tại khu nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài vườn có một dáng nhỏ gầy đang len giữa những khóm hoa. Giày cao gót cũ, nón vải đội đầu, chị Nguyễn Thị Huệ lọt thỏm giữa những cây lan mokara vàng chanh, vàng điểm đang đợt trổ bông. Ở vườn lan này, nếu như chị Loan là mẹ sinh thì chị Huệ được coi là mẹ dưỡng. Ngày lan mới ra vườn, chị đổ bao nhiêu là công sức cùng rất nhiều âu lo. Khi đó, lan con non mướt, thân nhỏ bằng đầu tăm. Hai chiếc lá non ngơ ngác nhìn mặt trời.

Hai nhánh rễ ốm nhom, ngắn ngủn xòe ra lúng túng, vụng về nằm trên đất. Ngoài vườn chỉ có nắng, chỉ có đất chứ không có nước dừa, chuối chín, khoai tây nghiền. Bài học đầu tiên chị Huệ dạy cho lan con là cách tự tìm kiếm thức ăn. Thay vì phải bó thành từng bó rồi trồng lan xuống môi trường đất, cưỡng bức rễ non phải tiếp xúc với đất như cách làm cũ, chị rải một lớp mụn dừa mỏng rồi rải lan con lên trên. Phải rải thật tự nhiên để tập cho lan biết tự chòi đạp, tự hướng rễ của mình vào lớp mụn dừa để hút lấy thức ăn, nước uống. Chị Huệ giải thích: “Giai đoạn huấn luyện cho cây này rất quan trọng. Khi thay đổi môi trường sống, từ chỗ cái gì cũng có sẵn, cái gì cũng vô trùng chuyển sang môi trường tự nhiên, cây nào có khả năng tự thích nghi cao, bản năng sinh tồn tốt thì mới sống được”.

Sau giai đoạn huấn luyện, số lan con biết tự tìm thức ăn được lọc riêng, bó thành từng bó để trồng vào từng khay nhỏ. Cách làm mới này của chị Huệ đã tiết kiệm được nhân công và tiền bó cây. Lúc trước, khi vừa xuất phòng, trung tâm phải thuê nhân công bó cây con. Một người ngồi bó ròng rã một ngày được chừng 700-800 cây, tiền công 75.000-80.000 đồng. Để rồi sau giai đoạn huấn luyện, số cây chết đâm ra mất công bó. Môi trường huấn luyện cho lan ban đầu là môi trường sợi chỉ dừa, sau chị cũng cho đổi sang mụn vỏ dừa vì ưu điểm khả năng giữ ẩm cao, giá thành rẻ.

Ngày nắng, chị Huệ cầm theo bình phun xịt để tưới nước cho cây. Ngày mưa, chị theo sát từng khay cây để siết nước nếu cây dư ẩm. Mùa mưa lan mau lớn nhưng nuôi cực. Không coi chừng kỹ, cây bị ẩm là nhiễm bệnh liền. Thấy cây nào thân yếu, lá mỏng thì phải cho uống canxi, cây nào ốm quá thì cho thêm kali, chất vi lượng. Chị Huệ cười: “Lan con cũng giống như con nít vậy, không chăm kỹ là đau bệnh liên miên. Nuôi lan con nhiều khi còn cực hơn vì khi bệnh không biết la, không biết khóc”. Chăm bẵm tám tháng ròng, ngày lan cứng cáp cũng là ngày có thể xuất vườn, về với nông dân.

Vậy là sau 18 tháng sinh ra và lớn lên trong vòng tay mẹ Loan, mẹ Huệ, mỗi cây lan con xuất vườn có giá 6.200 đồng, rẻ hơn giá lan nhập từ Thái Lan, có giá 6.500-7000 đồng/cây. Lan con xuất vườn khỏe mạnh, có sức đề kháng bệnh tốt, nông dân đem về trồng ít bị rủi ro. Đến nay, từ phương pháp nhân giống và nuôi cấy mô, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đã cho ra đời cây con giống chất lượng cao, cung cấp cho nhiều vườn lan lớn trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành.

Sau thời gian đầu, những nhà vườn đến đặt mua về trồng thấy hiệu quả đã trở thành khách hàng thân thiết. Hiện số lượng đặt hàng đã gần 1,5 triệu cây giống. Trung tâm đang có kế hoạch mở rộng khu vườn sản xuất từ 6.500m2 lên 2ha. “Nền nông nghiệp của Thái Lan và các nước tiên tiến đã đi trước mình khá xa. Muốn cạnh tranh được, bên cạnh việc học hỏi dần thì phải giành lại ưu thế sân nhà. Nói gì thì nói, nông dân mình xài giống của mình vẫn yên tâm hơn. Về trồng có trục trặc gì thì còn biết chỗ mà mắng vốn”- chị Huệ thổ lộ như vậy về niềm đam mê nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của mình.

--------------------------------------

Đón đọc kỳ tới: Phía sau “Bố già”

Đúng 40 năm trước, một siêu phẩm điện ảnh đã ra đời, nói về thế giới ngầm tội ác tại Mỹ. Bố già (The godfather) không chỉ là phim. Phía sau nó là chân dung thực của những ông trùm mafia tàn bạo.

MAI LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên