Kỳ 1: Lộc “đốm trắng”
Phóng to |
Anh Nguyễn Văn Sỹ bên chiếc máy đo nhiệt đặc biệt - Ảnh: H.Điệp |
Sản phẩm đặc biệt
Thay bộ quần áo thường phục, mặc vào người chiếc áo khoác chỉ dành cho khu vực sản xuất, bước qua nhiều lớp cửa khác nhau, hai kỹ sư trẻ đã vào khu vực sản xuất hết sức đặc biệt bởi mọi quá trình sản xuất đều diễn ra trong chiếc máy được đóng kín. Không ai nhìn rõ sản phẩm được sản xuất và đóng gói như thế nào bởi tất cả đều được làm tự động và họ điều khiển cả quy trình thông qua máy tính đặt cách máy không xa.
Máy đo nồng độ phóng xạ “made in Viet Nam” Tháng 3-2011, Nhật Bản hứng chịu một trận sóng thần kinh hoàng khiến một số nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ. Các thanh nhiên liệu phóng xạ có độ bán rã hàng trăm năm đe dọa cuộc sống con người. Cùng nỗi lo nhiễm xạ ở Nhật Bản, một công ty chuyên nhập khẩu hàng gia dụng, thực phẩm của Nhật đã mời các kỹ sư người VN ở Trung tâm Gia tốc đo nồng độ phóng xạ trong những sản phẩm nhập khẩu. Vậy là sau đó, chiếc máy đo nồng độ phóng xạ nhỏ nhắn “made in Viet Nam” ra đời. “Về nguyên lý hoạt động cũng giống như máy đo nồng độ phóng xạ nhập ngoại nhưng giá thành rẻ hơn nhiều” - anh Sỹ cho biết. |
7g30, năm lọ sản phẩm dược phóng xạ có dán tên từng bệnh nhân được hoàn tất đặt trong những container chì và chuyển gấp ra bệnh viện, nơi có năm bệnh nhân đang chờ được tiêm dược chất vào người để xác định tế bào ung thư sớm.
Những sản phẩm dược chất chứa đồng vị phóng xạ được sản xuất theo đơn đặt hàng từ các bệnh nhân: “Có bệnh nhân và có lịch sử dụng dược chất thì chúng tôi mới làm”, anh Sỹ nói. Thường đơn đặt hàng được bệnh viện tổng hợp từ bệnh nhân và gửi đến từ vài ngày trước, trong đó ghi rất rõ thời gian bệnh nhân sẽ được tiêm dược chất phóng xạ. “Căn cứ vào thời gian được dùng cho bệnh nhân mà trong quá trình sản xuất sẽ điều chỉnh để thời gian bán rã của dược chất phù hợp với thời gian đó”.
Theo anh Sỹ, thời gian bán rã của đồng vị phóng xạ Flo18 là 120 phút trong điều kiện môi trường. Vậy nên mỗi lọ sản phẩm dược chất phóng xạ này không được sử dụng trước khoảng thời gian trên sẽ tự bán rã và không còn giá trị gì trong việc chẩn đoán bệnh. Chiếc máy sản xuất đồng vị phóng xạ này có mặt ở VN đã được ba năm. Đó cũng là khoảng thời gian mà hai kỹ sư trẻ Tiến và Sỹ gắn bó với công việc sản xuất dược chất đặc biệt này.
Học sản xuất phóng xạ
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, anh Sỹ về công tác tại Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân cùng thời điểm với anh Tiến, tốt nghiệp ĐH Khoa học tự nhiên. Vậy là cả hai có “duyên” gắn với nhau từ niềm đam mê ứng dụng công nghệ cao vào cuộc sống. Trước đây, khi nghe nói đến phóng xạ thì đều biết đó là chất nguy hiểm có thể gây biến đổi gen ở người, động vật và thực vật, nhưng cả anh Sỹ và Tiến đều không nghĩ có ngày mình sẽ trở thành người nắm vững và trực tiếp sản xuất phóng xạ.
“Dược chất phóng xạ hiện được sản xuất mới chỉ ứng dụng trong y học, nhất là những bệnh viện có khoa y học hạt nhân. Ba năm trước, khi mình ngỏ lời với gia đình và bạn bè về quyết định sẽ tham gia sản xuất đồng vị phóng xạ thì không ít người ngỡ ngàng. Bởi dư âm vụ thất thoát phóng xạ của Viện Công nghệ xạ hiếm năm 2006 vẫn còn ám ảnh rất nhiều người” - anh Tiến cho biết.
“Lúc đầu gia đình và bạn bè tôi cũng lo lắm, bởi chúng tôi là người trực tiếp tiếp xúc với những chất phóng xạ ấy. Đó là nỗi lo không có con, ốm đau, bệnh tật... Nhưng tất cả quy trình sản xuất đều được đảm bảo an toàn tuyệt đối nên không có chuyện xảy ra sai sót được” - anh Tiến nói.
Một tháng trực tiếp được nhận chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia hàng đầu của nước ngoài để làm quen với chiếc máy mà vốn họ chỉ được biết trên lý thuyết: vô trùng khu vực đặt máy, khu vực điện, buồng bia, đóng gói, kiểm nghiệm sản phẩm...
Đây là nguồn cung cấp đầu tiên các đồng vị phóng xạ cho bệnh nhân để chẩn đoán ung thư sớm. Theo nguyên lý, sau khi tiêm đồng vị phóng xạ vào cơ thể sẽ dùng máy để chụp lại toàn bộ cơ thể nhằm tìm kiếm những tế bào ung thư thông qua việc các tế bào ấy “ăn gluco” đã được dẫn cùng đồng vị phóng xạ. Không chỉ được chuyển giao công nghệ sản xuất và sử dụng chiếc máy, hai kỹ sư trẻ này còn được chuyển giao luôn cả công nghệ bảo trì máy: “Đây là chiếc máy sản xuất đồng vị phóng xạ đầu tiên được đưa về VN, bây giờ thì một vài nơi đã có” - anh Tiến cho biết.
Ứng dụng “xinh xắn”
Trong phòng làm việc của họ có một chiếc hộp khá đặc biệt: “Đây là máy đo nhiệt do một vị bác sĩ đông y đặt làm” - anh Tiến khoe. Chiếc “nhiệt kế” kỳ lạ này có hai chiếc bút: “Đây là hai đầu nhiệt kế để có thể đo ở hai vị trí khác nhau”. Khi ấy trên màn hình của máy đo nhiệt kế biểu thị nguồn nhiệt 22OC. Anh Sỹ nắm tay vào một đầu bút, một dòng nhiệt kế tăng lên đến 30OC: “Đó là nhiệt độ trong lòng bàn tay”. Vị bác sĩ này đặt nhiệt kế để dành cho việc khám và chẩn đoán bệnh khi đo nhiệt độ của đầu các ngón tay. Và đây không phải là chiếc nhiệt kế “lạ lùng” duy nhất mà vị bác sĩ này đặt. “Ông ấy từng đặt chiếc nhiệt kế có 24 bút và nghe nói nó rất hữu dụng trong việc chẩn đoán bệnh” - kỹ sư Tiến nói.
Trước khi ra khỏi phòng làm việc, anh Sỹ bấm điện thoại gọi về nhà. Có tín hiệu kết nối điện thoại nhưng không có người trả lời bởi lúc ấy chẳng có ai ở nhà. Động tác bấm điện thoại gọi về nhà của anh chỉ là để bật điện sáng và bật bình nóng lạnh. “Về đến nhà thì nước nóng vừa tắm” - anh Sỹ bảo vậy.
Đó chỉ là một trong những công nghệ “con con” mà anh Sỹ cùng nhiều kỹ sư khác của phòng điện tử hạt nhân, Trung tâm Gia tốc, ứng dụng trong sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, ngoài những ứng dụng “vui vẻ” ấy, công việc của họ là những thứ không nhìn thấy và khó sờ thấy được.
__________
Kỳ tới: Hùng “medic”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận