15/03/2012 07:51 GMT+7

Digan đồng bằng

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Đó là những gia đình nghèo khó quanh năm rong ruổi mưu sinh, làm thuê mướn khắp chốn đồng này qua đồng nọ, đến đâu họ đậu ghe, che lều bạt trú ngụ ở đấy giống như dân... digan.

I3BXRN6B.jpgPhóng to
Gia đình anh Nguyễn Văn Đồ quanh năm lênh đênh cùng chiếc ghe nhỏ khắp vùng tứ giác Long Xuyên đánh bắt cá, làm thuê mướn mưu sinh - Ảnh: Đ.VỊNH

Giữa chốn đồng sâu hoang vắng bên vạt rừng tràm cạnh con kênh Huệ Đức, Tri Tôn (An Giang), sau một ngày làm lụng mệt nhoài, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng trở về chiếc ghe nhỏ cũ kỹ vốn là tổ ấm của mình. Nghỉ ngơi chốc lát, anh xách chài rảo kiếm ít cá, còn vợ anh đi hái mớ rau dại rồi loay hoay gom cành lá rụng nhóm bếp. Mấy hộ ở vài túp lều gần đấy cũng ra bờ đê thổi lửa cho bữa cơm chiều, khói chiều hôm sà xuống là đà mặt kênh. “Lâu nay tụi tui quen sống giữa chốn đồng xa không nhà không cửa với rau đồng, cá nước này rồi” - anh Hùng vừa lần gỡ tay lưới vừa nói.

Trôi dạt mưu sinh

Anh Hùng bảo quê mình vốn ở vùng kinh tế mới Lương An Trà, Tri Tôn, nơi ấy vẫn còn nghèo khó lắm, thiếu công ăn việc làm nên nhiều người dân lần lượt bỏ đi tứ xứ mưu sinh. Anh cũng vậy, phận nghèo tha phương đó đây kiếm sống mãi đến ngoài 30 tuổi mới gặp được cô gái lỡ thì trong một gia đình nghèo cũng đi làm thuê rày đây mai đó như mình. Họ sống chung, sắm chiếc ghe nhỏ cà tàng làm nơi ở, và cái tổ ấm ấy tiếp tục tháng ngày lênh đênh xuôi khắp các nẻo kênh từ Tri Tôn qua Thoại Sơn, xuống Kiên Giang làm thuê mướn. “Lúc này đang làm công cho chủ lô khai thác cá trong rừng tràm. Tới đây lúa chín rộ thì làm công thu hoạch, xong vụ thì nhổ cỏ, phun thuốc, bón phân cho các chủ ruộng... Quanh năm cứ lam lũ khắp đồng này qua đồng nọ” - chị Trâm, vợ anh Hùng, cho hay.

Dọc nhiều tuyến kênh nội đồng trong vùng tứ giác Long Xuyên, chúng tôi vẫn gặp những hộ nghèo từ nơi khác trôi dạt đến mưu sinh như thế. Trong căn chòi lụp xụp che tạm bằng mấy tấm nilông thấp lè tè bên bờ kênh Vĩnh Tế, ông Ba Chon ngồi tẩn mẩn vá lại tay lưới, ở phía sau vợ con ông đang chăm sóc bầy vịt. Ông kể quê mình ở xã Nhơn Hội, huyện An Phú (An Giang), hằng năm khi nước sông đỏ sậm màu phù sa, gia đình ông bắt đầu xuôi ghe xuống đây che lều ở. Ngày ngày vợ chồng ông thả lưới trên cánh đồng ngập lũ dọc biên giới, khi nước trên đồng rút cạn người ta trồng lúa thì rong ruổi khắp các tuyến kênh kéo lưới đánh bắt cá, cá lớn bán cho bạn hàng, cá vụn, ốc tép loại nhỏ dành nuôi vịt. “Nhiều cái tết vẫn ở trong đồng, thường qua mùa mưa mới quay về nhà, sau đó chờ con nước lũ tràn đồng lại đi tiếp. Ròng rã quanh năm” - ông Ba Chon nói.

Lây lất đồng xa

Lúc này một số nơi bắt đầu thu hoạch vụ đông xuân, từng đoàn người lại dắt díu nhau vô các chốn đồng sâu, gặt mướn ở đâu họ che lều bạt trú ngụ ở đấy. Bên bờ kênh Mẹc Lung, Vĩnh Điều, Giang Thành (Kiên Giang), sau một ngày quần quật làm việc trên đồng, khi chiều xuống cả nhà ông Bùi Văn Hậu tất tả tỏa ra các thửa ruộng đặt bẫy chuột. Đêm, dưới ánh đèn bình ăcquy leo lét, họ ngồi giê mớ lúa vừa mót được trong ngày. Ông Hậu bảo tháng trước gia đình mình qua tận Tháp Mười, Đồng Tháp làm công, nhưng bên đó giờ đây người ta thường thuê máy gặt liên hợp và hiện lúa thu hoạch gần xong nên khó tìm việc, bèn tìm xưống đây. “Dưới này đồng ruộng mênh mông, nhiều hộ nông dân canh tác hàng trăm công đất nên dễ kiếm việc, lại còn đánh bắt chuột bán có tiền đắp đổi. Rất nhiều hộ nghèo ở Chợ Mới quê tui cũng xuống đây kiếm sống như vậy” - ông Hậu cho hay.

Digan đổi đời

Tại vùng tứ giác Long Xuyên có khá đông gia đình nghèo từ các nơi khác trôi dạt đến làm thuê mướn cho các chủ đất. Một số hộ có diện tích canh tác lớn nhờ tích tụ ruộng đất, chẳng hạn như ông Đỗ Quý Hạo (Hòn Đất, Kiên Giang), bà Lê Thị Hạnh (Thoại Sơn), ông Nguyễn Lợi Đức (Tri Tôn)... đã nhận nhiều gia đình vào làm công lâu dài gắn bó với mình. Số nhân công này được hướng dẫn thêm về kỹ thuật canh tác, được lo nơi ở ổn định, giao khoán trồng và chăm sóc lúa khoai, làm ở xưởng sản xuất giống... Nhờ vậy cuộc sống dần khấm khá, con cái được học hành đàng hoàng, không ít hộ đã có nhà cửa khang trang.

Quá nửa khuya, khi bầy chim ăn đêm quay về tổ xáo xác, cha con ông liền lồm cồm dậy đi gom rập chuột về, giữa chốn đồng không mông quạnh mờ mờ sương lạnh, ánh đèn soi cứ loang loáng. Trời vừa hửng sáng họ quay lại chòi với những chùm rập chuột quảy lủng lẳng trên vai. Chờ bạn hàng đến mua chuột xong, ăn vội mớ cơm nguội, vợ chồng ông xuống ruộng gặt mướn, mấy đứa con nhỏ thì mót lúa. Làm lụng vất vả, bữa cơm hằng ngày của họ hầu như chỉ có rau dại, thịt chuột. “Sống giữa màn trời chiếu đất thiếu thốn, cơ cực nhưng mà kiếm được đồng ra đồng vào, chứ ở quê nhà khó tìm được công ăn việc làm lắm” - ông Hậu tâm sự.

Ở Giang Thành chúng tôi còn gặp mấy tốp ghe nhỏ từ Tân Châu, Phú Tân (An Giang) qua, mỗi chiếc ghe neo đậu núp dưới tàn cây là nơi trú ngụ của cả gia đình, cũng lây lất kiếm sống với nghề đánh bắt cá, làm thuê. Trong chiếc ghe nhỏ đã quá rệu rã, chị Nguyễn Thị Loan đang ngồi lựa mớ cá bắt được sau chuyến đi cào về. Chị cho hay những hộ sống lênh đênh trên sóng nước này cũng giống như vợ chồng mình đều không có đất đai, xưa nay vốn mưu sinh với nghề câu lưới.

Những năm gần đây phần lớn đồng ruộng đều đã trồng lúa ba vụ, nhất là nguồn thủy sản ngày càng giảm nên phải tìm đến những cánh đồng cho xả lũ, dọc biên giới giáp Campuchia để đánh bắt. Lúc này, gia đình mấy anh em của chị cũng đang xuôi ghe theo dòng kênh Vĩnh Tế xuống tận Kiên Lương, Hà Tiên kéo lưới. “Bây giờ cá cạn kiệt không nhiều như trước nữa nên đến đâu vẫn phải tranh thủ làm thuê làm mướn thêm mới đủ đắp đổi” - chị nói.

Bao năm theo gia đình lặn lội mưu sinh, những đứa trẻ đều lần lượt bỏ học sớm. Tuổi thơ các em dần quen với cuộc sống lây lất giữa chốn đồng sâu, bên những bờ kênh vắng. Chiều chiều, sau một ngày làm lụng quần quật, mấy đứa con nhỏ của ông Hậu nhảy ùm xuống dòng nước đục ngầu nô đùa. Đôi khi chúng ngồi thẫn thờ nhìn xa xa về phía chân trời đêm vừa hừng ánh điện, ánh mắt xa xăm. Có lẽ chúng đang đau đáu về bến sông ở quê nhà.

“Mình đi làm ăn xa, để con cái ở nhà không an tâm, sợ lêu lổng đâm ra hư hỏng, mang theo thì tụi nó còn phụ tiếp, lo cơm nước đỡ đần cho mình. Nhưng lắm khi nghĩ lại thấy tội nghiệp, thiệt thòi cho con. Cũng tại cảnh nghèo phải lang bạt đó đây kiếm sống, chứ biết làm sao hơn!” - ông Hậu phân trần, nửa như tâm sự.

Con cái của ông Ba Chon cũng vậy, cô bé Huỳnh Thị Trang vừa nghỉ học theo cha mẹ trông em và chăm bầy vịt. Nhiều lần đến huyện nghèo An Phú quê Trang, chúng tôi biết cứ đến vụ thu hoạch lúa học sinh vẫn thường theo cha mẹ đi làm thuê, nhiều lớp học trở nên vắng tanh, và sau mỗi mùa lúa lại thưa thớt dần. Nhớ trường, nhớ bạn, Trang đem theo chồng sách cũ, thỉnh thoảng dạy cho đứa em trai út học chữ. Đêm trong căn chòi rách nát, dưới ánh đèn dầu hiu hắt, nghe tiếng bi bô tập đánh vần của con, ông Ba Chon chợt thở dài não nuột. Tiếng thở dài giữa chốn đồng xa sao nghe buồn mênh mang, chơi vơi...

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên