18/01/2012 07:02 GMT+7

Hoàng Sa - nơi tôi đã sống - Kỳ cuối: Tiếng chim cuốc Hoàng Sa

TRẦN HÒA
TRẦN HÒA

TT - 38 năm đã trôi qua. 38 năm làm thay đổi bao nhiêu là sự việc. Nhưng trong tôi 38 năm như chỉ mới hôm qua.

Kỳ 1: Quãng đời đặc biệtKỳ 2:Mấy mươi năm nghẹn ngàoKỳ 3: Những ngày tháng không bao giờ quên

T8cm4p1u.jpgPhóng to
Những phụ nữ Việt Nam trên đảo Hoàng Sa (1940) - Ảnh tư liệu

Khoảng tháng 10-1973, tôi cầm sự vụ lệnh về tiểu khu để nhận thuốc men đi đảo Hoàng Sa.

Tôi lúc đó tuổi đôi mươi. Không vướng bận vợ con, chút máu lãng tử trong người trỗi dậy. Hơn nữa nghe truyền thuyết kể rằng: “Ngày xưa triều đình lập đội Hoàng Sa. Khi đưa tiễn và đi giữ biển đảo quê hương, họ được xem như những anh hùng, một đi không trở lại”. Còn mình hôm nay tàu to, súng lớn có gì mà e sợ.

Chiều hôm đó chúng tôi có mặt tại cảng Tiên Sa. Chiếc tàu “Hương Giang 404” sừng sững uy nghi đang sẵn sàng vượt trùng khơi.

Tập kết lương thực, súng ống xuống tàu xong, tàu nhổ neo. Tạm biệt đất liền chúng tôi vượt biển đến Hoàng Sa.

Sau một đêm vật vã vì biển động mạnh, sáng hôm sau tàu đến đảo. Hải đảo Hoàng Sa như một dải cát vàng trải dài trong nắng sớm. Nước quanh đảo xanh như mạ non. Từng đợt sóng lăn tăn đuổi nhau vào bờ, tạo nên một không gian thanh bình yên ả.

Tôi thật sự choáng ngợp. Quê hương ta đẹp biết bao!

Bàn giao giữa hai toán quân xong, chúng tôi ở lại, anh em đợt trước về đất liền.

Mặt trời lặn xuống biển. Hoàng hôn vừa trùm lên đảo. Bỗng tiếng con chim cuốc trong rừng bàng kêu lên từng hồi, tạo cho cảnh kẻ ở người về buồn man mác. Tiếng cuốc kêu sao da diết nhớ thương.

Rồi thời gian cũng qua đi, chúng tôi thích nghi dần với cuộc sống của một cư dân trên đảo.

Chúng tôi chia thành năm tổ, mỗi tổ bảy người. Nhà ở thì có một tòa nhà đúc bêtông, có sân thượng và một vọng gác, trên đó có một khẩu súng 12,7 li, dưới nền nhà là hầm chứa nước mưa để uống. Kế bên tòa nhà của lính là đài khí tượng. Ngoài biển vào có một cầu tàu có đường ray để vận chuyển vào đảo và từ đảo ra tàu nhưng nay đã hư hoàn toàn.

Trên đảo cũng có nhà thờ và chùa nhưng đã hoang phế, chỉ có ngôi miếu là còn tươm tất. Đặc biệt trên đảo Hoàng Sa có một giếng nước ngọt mà các đảo khác không có.

VZAn5m60.jpgPhóng to
Bia chủ quyền Việt Nam do người Pháp dựng ở Hoàng Sa năm 1938. Trên bia có ghi rõ: Vương quốc Đại Nam 1816 - năm vua Gia Long bắt đầu thực thi chủ quyền của Việt Nam tại các đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu

Biển đảo hiền hòa và hào phóng. Cung cấp hải sản không thiếu một thứ gì! Nhưng cũng có lúc nổi cơn giận dữ, biển thét gào với những trận cuồng phong. Những đợt sóng cao như trái núi lừ lừ tiến vào đảo trông thật kinh hoàng, nhưng điều may mắn là Hoàng Sa chưa bao giờ ngập trong sóng biển.

Có một lần biển động, bão đến bất ngờ. Một tàu cá Trung Quốc không kịp vào bờ tránh bão nên đã tấp vào đảo ngay trong đêm. Bão mạnh dần, chiếc tàu cá bị đánh dạt mất giữa biển khơi.

Phương tiện không còn, gia đình ngư dân Trung Quốc kia lại trở thành cư dân bất đắc dĩ của đảo.

Mặc dù lương thực sử dụng đã được tính toán chi li, nhưng tình người trong cơn hoạn nạn, ai nỡ ăn no để nhìn người khác đang đói. Vậy là toàn đảo sẻ chia, cưu mang gia đình Trung Quốc kia cho đến ngày họ xin được tàu về lại quê hương.

Ngày chia tay họ cũng ôm hôn anh em trên đảo, ngôn ngữ bất đồng nhưng trong đôi mắt hiện lên bao sự quyến luyến và biết ơn những người Việt Nam.

Thế rồi những ngày tiếp theo đó, tàu Trung Quốc đến đánh bắt cá tại vùng biển đảo Hoàng Sa càng nhiều hơn. Khi tàu hải quân Việt Nam tuần tra thì họ chạy ra hải phận quốc tế, khi tàu hải quân đi rồi thì họ lại buông neo thả lưới quanh đảo.

Anh em trên đảo chỉ có nhiệm vụ giữ đảo, còn đẩy đuổi ngư dân nước ngoài xâm phạm lãnh hải thì phương tiện không có.

Ba tháng rồi cũng trôi qua, chiếc tàu “Chí Linh 11” đón chúng tôi về lại đất liền, buổi chiều di chuyển ra tàu, con chim cuốc trong rừng bàng lại kêu từng hồi, như nhắn nhủ hãy nhớ về lại với Hoàng Sa.

Tàu nhổ neo, chạy một vòng quanh đảo để chào từ biệt. Đâu biết rằng lần chia tay đó Hoàng Sa chỉ còn trong tưởng nhớ không nguôi. Nhớ đêm chia tay, anh em rủ nhau đốt lửa, thức cùng Hoàng Sa. Tiếng hạ uy cầm của chú Võ Vĩnh Hiệp bên đài khí tượng hòa cùng tiếng hát bên ánh lửa bập bùng. Giữa muôn trùng sóng gió tiếng hát vẫn cất cao như miệt mài, như nhắc nhủ: “Một ngàn năm... một trăm năm...”.

Chiều nay đi giữa quê lại nghe tiếng chim cuốc kêu. Bỗng bồi hồi nhớ đến con chim cuốc ngày nào trên đảo Hoàng

Sa. Chắc bây giờ chiều chiều nó vẫn gióng lên tiếng kêu thương khắc khoải hướng về đất liền với bao nỗi chờ mong.

Riêng tôi, khi nào Hoàng Sa còn nằm trong tay kẻ cậy mạnh hiếp yếu, thì tiếng con chim cuốc trong ta sẽ còn mãi kêu lên dù cho nhỏ đến giọt máu cuối cùng, hầu nhắc thế hệ mai sau rằng: “Ta phải về Hoàng Sa”.

Tháng 10-1969 nhận được sự vụ lệnh của đơn vị, tôi ra làm đảo trưởng Hoàng Sa cùng 35 người lính và bốn nhân viên khí tượng, với nhiệm vụ giữ an ninh đảo và bảo vệ chủ quyền đảo Hoàng Sa. Đồng thời liên lạc báo cáo tin tức về an ninh, thời tiết khí tượng về đất liền.

Mổ heo cúng đảo xong, sáng hôm sau tôi đi quan sát một vòng trên đảo. Không khí rất ấm áp và dễ chịu với những bãi cát mịn trắng phau. Khi ra bờ biển nhìn xung quanh, tôi thấy những đảo nhỏ phía xa xa. Và ngay tại bờ biển tôi thấy có một nghĩa địa chôn những người đã mất khi làm nhiệm vụ trên đảo. Kế nghĩa địa là miếu Bà. Trong miếu thờ Phật Quan Âm.

Trung tâm đảo có một tòa nhà chính và kế bên là nhà khí tượng. Tòa nhà chính do Pháp xây cất lúc nào trên đảo chúng tôi không biết. Nhưng tòa nhà rất chắc chắn với tường dày đến 2m để chống chọi lại những cơn bão. Khi trở về, tôi đã ghi lại trên đường theo thứ tự của những đợt ra quân giữ gìn đảo từ đợt 1 đến đợt 36 và tôi là đợt 37 (tháng 10-1969).

Mặc dù tháng 10 nhưng thời tiết ngoài đảo rất ấm áp. Mỗi ngày chúng tôi đi quan sát xung quanh đảo và báo cáo tin tức an ninh cùng thời tiết khí tượng về đất liền.

Sau hơn ba tháng trên đảo, đã đến ngày chúng tôi và bốn nhân viên khí tượng trở về đất liền để đợt mới ra thay.

Chúng tôi náo nức trở về đất liền và mang theo những luyến tiếc, những kỷ niệm vui buồn cùng Hoàng Sa - một quần đảo thân yêu của đất nước mà nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải tranh đấu mãi mãi.

NGUYỄN VĂN ĐỨC (nguyên đảo trưởng Hoàng Sa)

TRẦN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên