17/01/2012 09:14 GMT+7

Hoàng Sa - nơi tôi đã sống - Kỳ 3: Những ngày tháng không bao giờ quên

NGUYỄN VĂN CÚC
NGUYỄN VĂN CÚC

TT - Cứ đến tháng giêng hằng năm là tôi không sao xua được cảm giác thẫn thờ mất mát, bởi những ký ức về vẻ đẹp hoang sơ của Hoàng Sa cũng như ký ức đau buồn khi chứng kiến Hoàng Sa bị rơi vào tay hải quân Trung Quốc vào ngày 19-1-1974.

Mảng ký ức đó cứ lởn vởn trong đầu, như chỉ xảy ra vào hôm qua.

Kỳ 1: Quãng đời đặc biệt Kỳ 2: Mấy mươi năm nghẹn ngào

pmzd5crw.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Văn Cúc (trái) và đồng đội ở Hoàng Sa năm 1973 - Ảnh tư liệu gia đình ông Cúc

Tôi có duyên với biển cả, với đại dương và cả với Hoàng Sa. Sinh ra trong một gia đình làm nghề đánh bắt cá, tuổi thơ của tôi gắn liền với biển. Nhưng khi lớn lên, tôi chọn một nghề không liên quan tới biển, vậy mà cuộc đời đưa đẩy tôi lại công tác tại quần đảo Hoàng Sa. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình may mắn được làm việc, được cống hiến sức trẻ tại mảnh đất thiêng liêng ấy và tôi muốn chia sẻ để mọi người được biết, để con cháu thế hệ mai sau luôn biết rằng Hoàng Sa vô cùng tươi đẹp là một phần của Tổ quốc Việt Nam, hãy ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam và hãy giành lại chủ quyền Hoàng Sa. Ước vọng lớn nhất của đời tôi là một lần nữa được đặt chân đến Hoàng Sa để lại được sống trong không khí mát lành của biển cả, xua tan cảm giác nhớ mong.

Tôi được điều đi Hoàng Sa để khảo sát, sửa chữa và xây thêm bể ngầm chứa nước mưa, lấy nước ngọt phục vụ cả quần đảo. Cả thảy tôi ra Hoàng Sa được ba lần. Lần đầu là đầu năm 1973. Lúc đó tôi chỉ ra hai ngày để khảo sát tình hình các bể chứa nước cũ, ước lượng nguyên vật liệu cần thiết để lần sau mang ra đảo. Lúc tàu gần đến đảo, tôi có cảm giác lâng lâng khó tả vì sắp đặt chân lên vùng đất thiêng liêng.

Ở trên đảo một ngày, tôi cùng năm người nữa đi tham quan đảo chim. Đây là cảnh tượng làm tôi thích thú và ngạc nhiên nhất khi ở Hoàng Sa. Trên đảo có vô số chim và con vích đẻ trứng, đặc biệt chúng không sợ sự xuất hiện của chúng tôi. Cảnh tượng hoang sơ với những hốc đá và nhiều chim biển làm chúng tôi cảm thấy thích thú.

Lần thứ hai tôi ra đảo là bắt tay vào sửa chữa, xây dựng các bể ngầm chứa nước ngọt. Các bể này xây từ thời Pháp thuộc. Khoảng 20 bể, mỗi bể chứa khoảng 1.000m3 nước, được xây ngầm xung quanh ngôi nhà để chứa nước mưa từ trên trần nhà đổ xuống. Đây là khoảng thời gian lâu nhất tôi ở Hoàng Sa. Ở trên đảo, một ngày trôi qua rất bình dị, sáng dậy tập thể dục sau đó ăn cơm rồi bắt tay vào làm việc. Công việc được phân chia cụ thể, rõ ràng cho từng người nên ai làm việc nấy, tới giờ ăn trưa, đi ngủ rồi làm tiếp. Buổi chiều khi công việc đã xong, tôi thường lang thang đi dạo xung quanh đảo và hay đến cầu tàu ngồi hóng gió. Đó là những lúc tôi nhớ nhà nhất. Khi tôi ở ngoài đảo thì vợ tôi mang thai đứa con thứ hai. Để quên đi nỗi nhớ nhà, thỉnh thoảng tôi cùng anh em chơi đá bóng hay đi câu cá, bắt ốc. Đó là thú vui chính của chúng tôi.

kXkyGxeR.jpgPhóng to
Đào giếng nước ngọt trên đảo Hoàng Sa năm 1938 - Ảnh tư liệu

Tôi không nghĩ lần thứ ba ra đảo để lấy mẫu đất, khảo sát thực địa, làm sân bay cũng là lần ra đảo cuối cùng. Khi đã lấy được mẫu đất, khảo sát xong thực địa chúng tôi lên tàu rời khỏi đảo về đất liền. Đang lênh đênh trên biển thì gặp tàu chiến của Trung Quốc. Họ áp sát tàu chúng tôi, buộc quay về lại đảo. Cảm giác bàng hoàng khi trực tiếp chứng kiến Hoàng Sa bị chiếm. Cảm giác đau đớn và xót xa khi thấy mảnh đất của Việt Nam rơi vào tay kẻ khác.

Sau một ngày bị bắt giữ trên đảo, lính Trung Quốc cho tàu nhỏ chở chúng tôi về đảo Hải Nam. Sau đó đưa chúng tôi lên tàu lớn về Quảng Châu - Quảng Đông (Trung Quốc). Chúng tôi ở đó cả tháng trời. Đó là lần đầu tiên tôi đón tết ở nơi đất lạ, cảm giác hờn tủi đau đớn khi ăn tết xa quê hương, vợ con, bên cạnh đó lại mang nỗi niềm chua xót khi Hoàng Sa bị chiếm giữ. Trung Quốc trao trả chúng tôi cho Hồng thập tự quốc tế tại Hong Kong. Tôi là một trong năm người đầu tiên được trao trả. Chúng tôi lên máy bay về sân bay Tân Sơn Nhất. Rồi về Đà Nẵng. Niềm vui được đoàn tụ cùng gia đình, được quay về quê hương đất nước cũng không thể xua tan nỗi buồn mất Hoàng Sa.

Tôi có đôi lời nhắn nhủ con cháu cũng như các thế hệ mai sau là cần phải hiểu rõ lịch sử của Hoàng Sa, về sự gian khổ, khó khăn đi khai phá giữ gìn Hoàng Sa của cha ông từ thời chúa Nguyễn. Luôn ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam. Bằng mọi giá phải lấy lại chủ quyền Hoàng Sa cho Việt Nam.

Vùng đất này chỉ trồng dương liễu và cây nhàu, rất khó có thể trồng được loại rau quả nào. Bên bãi trồng cây dương liễu có một cái miếu, có tượng đồng đen và xung quanh có khoảng 25 ngôi mộ được đắp bằng đất. Người trên đảo nói miếu đó rất linh thiêng. Nghe đâu năm 1968 có ông thuyền trưởng định đưa tượng đồng đen về chùa ở Đà Nẵng để thờ, nhưng khi chuẩn bị vào cúng thì chiếc thuyền cứ xoay vòng, không thể tiến về bến cảng. Ông thuyền trưởng thấy vậy đem tượng trở lại miếu. Tôi ăn tết ở ngoài đảo nên mồng 1 tết tôi có ra miếu để thắp hương.

Ở ngoài đảo sợ nhất là cảnh thiếu nước, chúng tôi sử dụng nước mưa, được chứa ở các bể ngầm xung quanh nhà khí tượng. Tôi đã chứng kiến ba lần bị thiếu nước, mỗi lần kéo dài khoảng 10 ngày. Khát quá nên chúng tôi lấy nước giếng lên để dùng, nhưng nước giếng chỉ uống được khi còn nóng, để nguội rất khó uống. Uống nước giếng này liên tục ba ngày sẽ bị đau bụng, nhưng thuốc men lại không có. Anh em lúc đó chia sẻ với nhau từng thìa đường, miếng sữa. Những lúc đó mới thấm được tình cảm của anh em xa nhà như thế nào.

__________

Binh lính và nhân viên Việt Nam đồn trú ở Hoàng Sa đã từng cứu và cưu mang nhiều người Trung Quốc bị nạn. Nhưng...

Kỳ tới: Tiếng chim quốc Hoàng Sa

NGUYỄN VĂN CÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên