20/10/2011 06:24 GMT+7

Người bắt mạch "bệnh trời"

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - Danh bạ điện thoại của bà có rất nhiều số của nông dân, ngư dân ở mọi miền. Ai gọi hỏi chuyện mưa nắng của ông trời, bà đều nghe máy rồi còn dặn: “Lần sau bà con gọi nếu thấy tôi bận chưa nghe máy, bà con nhớ gọi lại giùm”.

F2X3Ektg.jpgPhóng to
Bà Lê Thị Xuân Lan bên bản đồ đẳng áp, theo dõi đường đi của một cơn bão trên biển Đông - Ảnh: VIỄN SỰ

Bà là thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng dự báo và phục vụ Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Nam bộ. Hẹn rất nhiều lần, nhưng chỉ đến hôm cơn bão số 4 đã tan hẳn tôi mới gặp được bà ở quán cóc cạnh đài. Cuộc trò chuyện thỉnh thoảng vẫn bị ngắt quãng bởi điện thoại của nông dân, ngư dân hỏi chuyện nắng mưa.

Bà cười với giọng Quảng Nam chưa bị pha lẫn: “Nông dân, ngư dân nhiều người còn nghèo, họ điện thoại cho mình là phải tốn tiền. Cần lắm họ mới gọi, mình phải nghe máy chứ”. Sự tất bật của bà làm nhiều người quên bà đã về hưu gần hai năm, chỉ còn đảm nhiệm vai trò cố vấn. Nhưng hình như vậy mà bà có thời gian để nói chuyện mưa nắng nhiều hơn với người dân.

“Bà đỡ” cho bản tin thời tiết

Bà Lan nói làm dự báo khí tượng, điều bà trăn trở không chỉ là sự chính xác mà còn nói làm sao cho người dân hiểu hết những dự báo ấy. Trăn trở mãi mà chưa thấy lối ra thì đến năm 2001, trong chuyến đi thực tập sinh ba tháng bà được mời dự hội thảo và tham quan ở Đức và Bỉ, thấy ở đó mỗi trung tâm khí tượng đều có một phim trường, các dự báo viên kiêm luôn vai trò MC để nói chuyện thời tiết với khán giả. Bản tin thời tiết của họ như một chương trình giải trí, chuyển tải được thông tin khẩn cấp nhất, căng thẳng nhất nhưng vẫn dễ hiểu và thu hút được lượng lớn khán giả truyền hình.

Học hỏi kinh nghiệm của các trung tâm này, bà đề xuất làm những bản tin phù hợp với khán giả VN. Tuy nhiên chuyện một phim trường nằm trong đài khí tượng ở VN có lẽ là không tưởng. Vậy là có khác một chút, các MC của đài truyền hình sẽ đóng vai trò dẫn chuyện. Thời gian đầu việc thực hiện các bản tin dự báo thời tiết có MC không đơn giản vì thiếu thông tin. Mày mò từ những điều được học hỏi, bà cùng đồng nghiệp tổ chức làm từ nội dung bản tin, từ những câu chữ nhỏ nhất để cho khán giả xem một cách phổ thông, tất cả đều được soạn thảo và luôn cải tiến. Rồi bà và đồng nghiệp cũng là những người đứng lớp, mở những khóa đào tạo vài tháng cho các MC của bản tin thời tiết trước khi họ thay nhân viên khí tượng kể chuyện mưa nắng với người xem truyền hình.

Bây giờ những chuyện kể nắng mưa ấy trên các đài không còn là chuyện lạ, bởi thế bà Lan càng tất bật hơn. Mỗi ngày bà phải soạn, duyệt những bản tin trên các kênh HTV7, HTV9, Truyền hình Kiên Giang rồi VOH, VOV giao thông, VTC14... Những người nghe bà kể chuyện cũng không còn là khán giả một cách chung chung mà có bản tin riêng mang tính chuyên đề theo từng nhóm: cho nông dân, ngư dân trên VOH; cho các tài xế, người dân lưu thông trên đường ở VOV giao thông; cho người dân thị thành, người đi du lịch trên VTC14…

Làm dâu trăm họ

Thời gian làm việc mỗi ngày của bà gần như kín mít, ngoài những bản tin thời tiết cho các báo, đài chờ duyệt, bà còn được mời tham gia đứng lớp ở ba trường ĐH: Khoa học tự nhiên, Tài nguyên - môi trường, Khoa học xã hội và nhân văn, giảng dạy các môn học về khí tượng. Tuy nhiên phóng viên săn tin thời tiết từng gọi cho bà đều được tiếp chuyện và giải thích cặn kẽ. Bà Lan bảo: “Đúng là tôi rất bận nhưng lúc nào cũng phải nói cho kỹ, bởi với các phóng viên nếu ghi sai thì hàng ngàn bạn đọc sẽ nhận hậu quả. Còn nông dân, ngư dân có cấp bách mới gọi cho mình”.

Chỉ vì lý do đơn giản ấy mà điện thoại của bà luôn mở, như cơn bão số 4 vừa rồi dù không đổ bộ vào đất liền nhưng điện thoại của bà vẫn nóng vì hai đoàn tàu đánh cá neo ở Trường Sa nhờ tư vấn, hoặc bà con cần được chỉ dẫn đường tránh bão. Rồi mưa to gây lũ ở Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam… mấy ngày nay nông dân lại í ới gọi bà xem nước năm nay cỡ nào, có còn mưa tiếp không để xuống giống…

Không có quy định nào bắt bà phải nghe điện thoại, phải trả lời tất thảy thắc mắc về thời tiết của mọi người. Nhưng bà cứ ám ảnh mãi từ cơn bão Linda (bão số 5) năm 1997, Đài KTTV khu vực Nam bộ là nơi đầu tiên phát thông tin về cơn bão, những bản tin chi tiết được truyền đi liên tục. Nhưng chỉ sau bão một ngày, bà phải gạt nước mắt chứng kiến những thiệt hại về người và tài sản của người dân ở nhiều cửa biển Bạc Liêu, Cà Mau bởi họ không tin bão sẽ vào. Sau cơn bão ấy, bà cùng những dự báo viên của đài dành nhiều tháng trời rong ruổi khắp các cửa biển Cần Giờ, Gò Công, Bến Tre… để nói cho ngư dân nghe về bão và thiên tai. Rồi số điện thoại cá nhân của bà được công khai trên các đài phát thanh để kịp thời tư vấn. Bởi “mình có dự báo tốt đến đâu mà người dân vẫn chủ quan thì cũng bằng không” - bà nói.

Những dự báo “vượt rào”

Năm 1997, bà Lê Thị Xuân Lan cùng các đồng nghiệp ở Đài KTTV khu vực Nam bộ chính là nơi đầu tiên phát bản tin bão Linda khi phát hiện một vùng mây xoáy ở Trường Sa, dự báo sẽ mạnh lên thành bão và đổ bộ nhanh vào Nam bộ. Hôm đó là thứ sáu, đúng vào ngày có bản tin dự báo thời tiết 10 ngày trên VOH và bà đã quyết định phát tin bão ngay khi chưa trung tâm dự báo nào trên thế giới gọi tên cơn bão này. Đúng như dự báo, chỉ 48 giờ sau bão Linda ập vào đất liền khu vực Nam bộ.

Gần đây nhất, tháng 12-2006 khi các dự báo đều cho rằng bão Durian sẽ đổ bộ vào Bình Thuận và các tỉnh miền Đông thì ngay trong cuộc họp ở bộ chỉ huy tiền phương với Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, bà nhận ra cơn bão đã chuyển hướng vào miền Tây Nam bộ. Bà Lan đã mạnh dạn đề xuất với phó giám đốc Đài KTTV khu vực Nam bộ, sau đó vị này nhanh chóng trao đổi với Phó thủ tướng và ông Trọng đã quyết định rút bớt lực lượng cứu hộ từ miền Đông về miền Tây Nam bộ, kịp thời ứng cứu khi cơn bão tràn qua.

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên