Phóng to |
Rất nhiều người tìm đến thăm ngôi nhà nơi Michael Jackson đã sinh ra - Ảnh: T.Y. |
Tôi đã có một cơ may khi đến Gary đúng vào dịp kỷ niệm hai năm ngày mất của ông hoàng nhạc pop. Cơ may, không chỉ vì đó là một ngày rất quan trọng với những người hâm mộ ca sĩ Michael Jackson, mà còn vì đó là một trong những dịp hiếm hoi được thấy thành phố Gary rũ mình, lấy lại chút náo nhiệt thuở nào.
Nhỏ như garage xe hơi
Khác với hình dung của chúng tôi về một ngôi nhà được quy hoạch riêng biệt, ngôi nhà của Michael Jackson nằm lọt thỏm trong một khu phố nghèo ở Gary, không có một sự tách biệt nào đáng kể. Để vào nhà ông thì tất cả đều xuống xe và đi bộ trên một con đường nhỏ, hai bên là những ngôi nhà tồi tàn, cũ kỹ.
Điểm tươi sáng duy nhất của dãy nhà này là những bài hát của Michael Jackson được mở vang lên liên tục. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, nhà nào cũng cố tình mở to hơn nhà khác, tạo nên một không khí náo nức khác thường cho mọi người khi càng đến gần ngôi nhà nhân vật chính.
Hàng trăm người đang tụ tập chụp ảnh trước tấm bia bằng đá có hình ảnh Michael Jackson với điệu nhảy moonwalk huyền thoại. Phía trên là dòng chữ “Hometown of Michael Jackson, Gary, In.” (Quê nhà của Michael Jackson, thành phố Gary, Indiana).
Nếu bỏ đi tấm bia này, bỏ luôn cả dãy hàng rào cao hơn 1,5m kiên cố và cả khoảnh vườn xinh đẹp phía trước cùng lớp sơn tường trắng mới tinh (những thứ vốn chỉ mới được xây lại cách đây một năm cho mục đích du lịch) thì ngôi nhà này không khác gì những hàng xóm của mình, chật chội và thiết kế cực kỳ đơn giản. Được hai vợ chồng Joseph và Katherine Jackson mua vào năm 1950 với giá 8.500 USD, ngôi nhà rộng 200m2 có hai phòng ngủ này đã là nơi trú ngụ của 13 thành viên trong gia đình Jackson, gồm bố mẹ và 11 người con.
Trong cuốn sách Michael Jackson: The Magic, the Madness, the Whole Story, 1958-2009, Randy Taraborellli cho người ta một sự hình dung không thể cụ thể hơn: “Bạn có thể bước năm bước từ cửa trước ra ngay sau nhà, nó thật sự không lớn hơn cái garage cho hai chiếc xe hơi là bao nhiêu! Michael ngủ cùng một em nhỏ trên giường tầng, phía trên là hai người anh, phía dưới là một cậu em khác, ba cô con gái thì ngủ ở ghế sofa và khi đứa em út ra đời chỉ có thể nằm trong nôi”.
Sống trong hoàn cảnh chật chội, khó khăn như thế nhưng tình yêu âm nhạc của anh em nhà Jackson vẫn lớn lên rất mạnh mẽ. Họ ca hát, chơi đàn, đánh trống, tập nhảy mỗi ngày trong căn nhà nhỏ dưới sự động viên cũng như giám sát chặt chẽ của người cha, một công nhân nhà máy thép đầy tham vọng - Joseph Jackson.
Năm 1969, khi The Jackson 5, nhóm nhạc của năm anh em nhà Jackson, ký được hợp đồng với Hãng đĩa Motown Records, Jackson vừa tròn 11 tuổi thì họ đã chính thức rời khỏi căn nhà nghèo nàn này để tìm vận may đổi đời ở Los Angeles. Đây cũng là lúc Gary bước vào giai đoạn khủng hoảng vì bị cạnh tranh về sản xuất thép, tỉ lệ thất nghiệp, tội phạm gia tăng và hàng chục ngàn người cứ thế bỏ đi.
Bởi thế, trong suốt quãng đời còn lại của mình, Michael Jackson chỉ quay về đây vỏn vẹn thêm hai lần nữa vào năm 1983 và 2003. Hiện nay căn nhà thuộc quyền sở hữu của Tim Brown, một người chú họ của ca sĩ này. Chính vì nhà còn người ở nên khách du lịch không được phép vào tham quan bên trong, chỉ đứng bên ngoài hàng rào mà thôi.
Phóng to |
Tấm bia bằng đá có hình ảnh của ngôi sao nhạc pop - Ảnh: T.Y. |
Điệu moonwalk còn mãi
Có một quá khứ chật chội và nghèo nàn nhưng giờ ngôi nhà của Michael Jackson lại là nơi “hái ra tiền” của thành phố Gary. Mọi thứ ở khu vực này đều được khoác lên lớp áo đậm chất Michael Jackson. Cùng với tấm bia thiết kế rất công phu, những tảng đá trong khu vực sân vườn cũng được sắp xếp, ghi khắc rất nghệ thuật sơ đồ cuộc đời, sự nghiệp của Michael Jackson.
Những con đường ở xung quanh ngôi nhà này đều được đặt tên có chữ Jackson, từ Jackson Family đến Jackson Brothers... và bản thân ngôi nhà cũng có địa chỉ là 2300 Jackson.
Bà Katia Mason, một người dân đang bán hàng lưu niệm ở đây, cho biết: “Cứ tới những dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của ông ấy thì chúng tôi lại tranh thủ dựng lều để bán áo thun, đồ chơi, poster và bán rất chạy!”. Quả thật, 90% những người đến đây đều mặc trang phục ít nhiều có hình ảnh của Michael Jackson, từ nón, áo, găng tay bạc đến những chiếc áo thun in hình ca sĩ này đủ kiểu. Hoa hồng, gấu bông, những tấm poster tự trang trí, những dòng chữ “Miss you”, “We love you forever”... tràn đầy tình cảm được gắn chen chúc trên hàng rào chắn.
Tấm bảng lưu niệm chi chít chữ ký của khách đến viếng thăm, có người từ California, từ Canada, rồi Anh, Úc, Nam Phi... và tất nhiên, cả Việt Nam!
Mỗi người có những cách tưởng nhớ đặc biệt và khác nhau. Nếu như rất nhiều thanh niên vận đồ hệt Michael Jackson đang hào hứng chụp hình và trình diễn điệu moonwalk trong vô số bài hát huyền thoại như Thriller, Dangerous, Beat it... thì ngược lại, cũng có không ít người lớn tuổi đến đây đứng lặng lẽ trước tấm bia, nước mắt rơi và những tiếng sụt sùi tiếc nuối vang lên không giấu giếm.
Ông Tonny, một người Mỹ gốc Phi, đã lái xe từ Indianapolis đến đây với một poster tự làm công phu, cho biết: “Cả gia đình tôi làm chung suốt ngày hôm qua, vì chúng tôi đều là người hâm mộ Michael Jackson. Con trai tôi đang đứng nhảy đằng kia, vợ tôi đang chọn mua áo cho đứa con gái còn lại!” Cách đó không xa, vài em bé đang khóc mếu máo vòi mẹ mua cho bằng được một chú... Michael Jackson nhồi bông.
Tất cả họ, bằng tình yêu bất tận dành cho Michael Jackson, đã là minh chứng tuyệt vời cho dòng chữ xúc động trên tấm bia tưởng niệm đằng kia: “Never can say goodbye” (Không bao giờ có thể nói lời từ biệt).
Gary - thành phố biến mất
Gary nằm ở bang Indiana, bờ đông nước Mỹ, chỉ cách Chicago sầm uất hơn 40km về phía tây nam. Tuy nhiên, thành phố này lại không sở hữu một chút hình ảnh hào nhoáng nào của nước Mỹ mà trở thành một thành phố đang biến mất: không việc làm, không người ở, không nhà cửa... Ngay cả con đường chúng tôi lái xe hơi đến đây cũng vắng vẻ đến rợn người, mật độ xe thưa thớt, hàng loạt nhà máy bỏ hoang, đường tàu cũ kỹ nằm phơi mình dưới nắng mưa. Trung tâm thành phố là những dãy nhà xám xịt, cáu bẩn, chất đống bàn ghế xiêu vẹo, những con thú bông nằm vất vưởng... Người đi bộ hiếm hoi, trên đường là vài ba cậu thanh niên da đen mặc quần thụng, đội nón lệch, miệng ngậm điếu thuốc phì phèo. Nhà hoang khắp nơi, cỏ lan cả ra mặt đường, lẫn trong cỏ là vô số vỏ bia, rượu, bao cao su và đặc biệt là những mảnh kính vỡ tràn lan. Hầu hết nhà ở đây đều bị ném đá hoặc bắn súng vào cửa kính vỡ loang lổ, dù là nhà nhỏ hay nhà cao tầng có nhiều căn hộ. “Cứ sau mỗi trận ẩu đả của các nhóm tội phạm là vậy, ngày nào cũng có nên không nhà nào còn nguyên vẹn đâu” - bà Loretta, người phụ trách Trung tâm cộng đồng Sorjouner Truth House ở đây, cho biết. Như để minh chứng cho câu nói này, khi chúng tôi sắp ra về thì có lệnh giới nghiêm vì vừa xảy ra một vụ bắn nhau gần đó. Ba chiếc xe cảnh sát hụ còi, nhấp nháy đèn đỏ chạy đến, những sợi dây chắn vàng đen thường thấy trong phim Mỹ lập tức được giăng đầy căng thẳng. Vài người đứng lặng lẽ trước nhà quan sát tình hình, không thấy ai la hét, bàn tán xôn xao như thói thường, hình như họ đã quen với việc này lắm rồi. Có lẽ vì thế mà năm 2010, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã xếp Gary thuộc nhóm 10 thành phố nguy hiểm nhất trên toàn nước Mỹ. Tất cả mọi người đều bật ra câu hỏi khi đến đây là: “Tại sao giữa một nước Mỹ giàu có đến thế lại lọt thỏm một thành phố đang chết dần như vậy?”. Và câu trả lời là một hành trình khá dài quay ngược thời gian. Được xây dựng từ năm 1906 bởi US Steel Corporation (Công ty Thép Hoa Kỳ), thành phố này từng phát triển cực thịnh với các nhà máy thép, thu hút hàng trăm ngàn người nhập cư đến làm việc. Gary từng được mệnh danh “thành phố phép mầu” và là một vệ tinh quan trọng của Chicago. Tuy nhiên, đến những năm 1960, ngành công nghiệp thép tại Mỹ vấp phải tình trạng cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ nước ngoài, Gary dần đi đến điểm lụi tàn. Bởi chỉ cần “một nhà máy thép bị đóng cửa thì khoảng 30.000 lao động sẽ mất việc và phải rời xa thành phố này để kiếm kế mưu sinh” - Steve McShane, giáo sư sử học Trường Indiana University Northwest, cho biết. Và gia đình của Michael Jackson cũng nằm trong số những cư dân “trốn chạy” thành phố chết vào thời điểm đó. Văn phòng thống kê dân số Hoa Kỳ cho hay một con số lạnh lùng: chỉ trong vòng 10 năm (2000-2010), dân số của TP đã giảm đến 22%, hơn 80% dân số ở đây là người da đen với tỉ lệ thất nghiệp 9,8%. Chính quyền bang Indiana và thành phố Gary đã có nhiều biện pháp níu kéo dân số ở lại như mở rộng sân bay, phá hủy, dọn dẹp hơn 3.000 căn nhà bỏ hoang và nhất là đầu tư hơn 300 triệu USD xây dựng bảo tàng, khách sạn và trung tâm triển lãm cuộc đời của Michael Jackson. Và thật trớ trêu khi sự kiện một người đã qua đời lại là niềm hi vọng gần như duy nhất của Gary... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận