Phóng to |
Cụ bà Hoàng Thị Dỏ chăm chút tấm di ảnh người con trai giờ vẫn còn nằm đâu đó trong lòng biển lạnh. Ảnh: L.Đ.Dục |
Nỗi niềm của mẹ..
Phải đến lần thứ ba ra Trường Sa và thềm lục địa tôi mới đến được vùng biển Cô Lin. Buổi sáng 10-5-2010 ấy, sau lễ tưởng niệm các liệt sĩ diễn ra trên boong con tàu HQ 936, tôi đã mang được chai nước lấy từ chính vùng biển nơi bạn hi sinh về cho gia đình. (Cũng như hai năm trước, khi về Thái Bình thăm gia đình liệt sĩ Vũ Quang Chương - người đã hi sinh khi bão làm sập nhà giàn DK1 - chúng tôi bắt gặp trên bàn thờ anh một nhành san hô được đồng đội anh mang về từ thềm lục địa. Ông Vũ Quang Dương, bố liệt sĩ Chương, vẫn coi nhành san hô như một phần hồn cốt của đứa con mình thể nhập vào đó.
"Nếu tìm được hài cốt thằng con trai út của tui, tui sống thêm... mười năm nữa" Bà cụ Hoàng Thị Dỏ(81 tuổi, mẹ liệt sĩ Tống Sĩ Bái ở P.1, TP Đông Hà) |
Bà cụ Dỏ năm nay 81 tuổi, kéo chéo áo lau nước mắt, rồi loay hoay phủi bụi trên di ảnh con. Nhìn bà cụ, tôi lại nhớ cái dáng ngồi gần như bất động của ông Hoàng Sĩ, bố liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, khi có ai nhắc đến đứa con trai đã nằm xuống trong lòng biển Trường Sa. Cũng như những ông bố bà mẹ của các liệt sĩ Trường Sa, được nhìn thấy chút xương cốt của con mang về từ đáy biển từ hơn 20 năm nay luôn là một mong ước khắc khoải.
Trong số thân nhân của 56 liệt sĩ hi sinh theo tàu HQ 604 được lấy mẫu xét nghiệm ADN, có đến 25 bà mẹ của các liệt sĩ được lấy mẫu máu. Khó mà diễn tả hết nỗi mong chờ kết quả xác định danh tính con mình của các bà mẹ.
Đứa con - giọt máu của mẹ sinh ra, chăm bẵm lớn khôn rồi hiến dâng cho Tổ quốc, nay lại thêm một lần chính giọt máu tuổi già của mẹ lại như một tín vật để tìm ra đâu là đứa con của mình trong nhúm xương tập thể mang lên từ đáy biển. Hai mươi lăm bà mẹ được lấy mẫu máu nhưng chỉ có hai bà mẹ có được niềm vui tìm thấy con là mẹ Nguyễn Thị Nhơn, mẹ của liệt sĩ Đậu Xuân Tư ở xã Nghi Yên và mẹ Nguyễn Thị Mỹ, mẹ của liệt sĩ Hồ Văn Nuôi ở xã Nghi Tiến, cả hai liệt sĩ đều cùng quê huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
Tôi chợt nhớ đến hình ảnh mẹ Lê Thị Muộn ở Đà Nẵng, năm nay mẹ đã 80 tuổi, gia tài quý nhất của mẹ là chiếc áo trắng được sửa lại từ chiếc áo hải quân của người con trai, liệt sĩ Phạm Văn Sự. Là mẹ Hồ Thị Lai, mẹ liệt sĩ Trương Quốc Hùng, năm nay 75 tuổi, cũng ở Hòa Cường, Đà Nẵng với tờ báo Quảng Nam - Đà Nẵng được in vào tháng 3-1988 có bài viết về những đứa con Đà Nẵng của mẹ luôn được mẹ gìn giữ cẩn thận như một kỷ vật. Trận chiến năm ấy, phường Hòa Cường có đến bảy liệt sĩ ngã xuống trong “vòng tròn bất tử” giữ đảo Gạc Ma. Là bà mẹ của liệt sĩ Phạm Văn Thiềng ở Bố Trạch (Quảng Bình) trong căn nhà trống trải bên quốc lộ 1... Những bà mẹ ấy nay đã qua ngưỡng tuổi cổ lai hi, có mẹ đã qua tuổi 90, nhưng nỗi mong ngóng đứa con nằm lại biển xa dường như hai mươi mấy năm qua vẫn vẹn nguyên. Ai cũng nói: Giá đón được hài cốt con về chắc sẽ an vui để trời cho thêm tuổi...
Bao giờ các anh về?
Mong ước được quy tập trọn vẹn hài cốt các liệt sĩ đang nằm ở vùng biển Cô Lin, Gạc Ma không chỉ của những người mẹ, của gia đình các anh mà đã được Quân chủng Hải quân khẩn trương thực hiện.
Ngay sau khi phát hiện vị trí tàu chìm và tổ chức cất bốc hài cốt, quân chủng đã thành lập ban chỉ đạo quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hi sinh tại quần đảo Trường Sa do phó chính ủy quân chủng làm trưởng ban. Tuy nhiên, như đã nói, do vị trí tàu HQ 604 bị chìm nằm trên thềm san hô cách đảo Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép chưa đến 1 hải lý, nên sau lần cất bốc vào tháng 8-2008, việc tiếp tục tìm kiếm vẫn chưa đạt kết quả.
Năm trước, khi chúng tôi lên đảo Cô Lin, từ trên đài quan sát của đảo, hướng ống kính viễn vọng về phía Gạc Ma, một người lính trên đảo chỉ cho tôi vị trí chiếc tàu bị chìm vào ngày 14-3-1988. Và bây giờ, nhiều hài cốt các anh vẫn còn im lìm dưới lòng biển lạnh.
Ám ảnh câu chuyện con tàu nằm dưới đáy vùng biển Cô Lin lại khiến chúng tôi nhói lòng mỗi khi nhớ đến Trường Sa và khắc khoải: Bao giờ thân xác các anh được trở về đất Mẹ?
“Việc quy tập hài cốt liệt sĩ trên biển là một công việc khó khăn gấp bội lần so với việc quy tập trên bộ. Nhiều năm qua quân chủng đã nỗ lực trong công tác tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ hải quân nhân dân Việt Nam, đó không chỉ là chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của Bộ Quốc phòng và quân chủng, mà còn là tình cảm, trách nhiệm của những người lính với đồng đội, là đạo lý của người Việt. Với đặc thù của hiện trường, việc xác định vị trí các con tàu bị đắm trên biển không phải là chuyện dễ do ảnh hưởng tác động của dòng chảy, sự bồi lắng, việc tìm kiếm dưới đáy biển cũng gặp nhiều nguy hiểm hơn so với trên bộ. Mặt khác, hài cốt anh em bị ngâm lâu trong nước biển cũng khó tìm thấy nguyên vẹn. Việc quy tập trên biển cũng đòi hỏi kinh phí rất lớn về tàu thuyền, trang thiết bị...tuy nhiên dù chi phí có lớn đến thế nào, nếu phát hiện được hài cốt, quân chủng vẫn quyết tâm cất bốc. Việc tìm thấy hài cốt các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Trường Sa vừa qua thật sự đã mang lại niềm tin cho các lực lượng chức năng, niềm tin cho quân chủng và lớn nhất là mang lại niềm vui cho gia đình các liệt sĩ”. |
__________________
Đón đọc số tới: Truy tìm “căn cước” chó Phú Quốc
117 năm trước tại Bỉ, chó Phú Quốc từng được ghi danh như một trong những loài chó “danh giá” trên thế giới. Nhưng rồi những mai một và sự sơ suất của con người, loài chó này suýt nữa đã mất đi “căn cước” đầy vinh dự của mình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận