Phóng to |
Vợ và con anh Phạm Vinh trước bàn thờ chồng, cha - anh chính là ngư dân đã tử nạn tại Trường Sa - Ảnh: Lê Đức Dục |
Kỳ 1: Cuộc kiếm tìm trên biển Long Châu Kỳ 2: Trả lại tên cho anh Kỳ 3: Theo chân người anh hùng trên đoàn tàu không số Kỳ 4: Giữa lòng cát trắng biển xanh
Việc lặn vào những con tàu chìm dưới đại dương để tháo dỡ phế liệu sắt thép mang lại thu nhập không thua kém gì những chuyến đi biển đánh cá của các ngư dân khác. Tàu Thành Công 07 của ông Võ Văn Chức là một con tàu như thế.
Dấu tích cuộc quyết tử ...
Sắp vào dịp Vu lan, khoảng rằm tháng 7 âm lịch năm 2008, khi tàu ông Chức vừa đến vùng biển Cô Lin thì tàu QNg-96219 của các ngư dân cũng vừa phát hiện một chiếc tàu chìm ở độ sâu 21m nước, cách đảo Cô Lin 3,7 hải lý và cách đảo Gạc Ma của ta đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép chừng 1 hải lý. Cả hai tàu đều báo cho anh em trên đảo Cô Lin biết và có ý nguyện sẽ giúp lặn cất bốc hài cốt anh em, gọi là góp chút lòng thành với những người đã vị quốc vong thân.
Thông tin trên được Sở chỉ huy Vùng 4 Hải quân báo về Bộ tư lệnh quân chủng và lãnh đạo quân chủng đã nhận định: Rất có thể đây là chiếc tàu HQ 604 bị chìm trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.
Với kinh nghiệm của những ngư dân chuyên lặn khai thác phế liệu từ những con tàu đắm, ông Chức và anh em trên tàu Thành Công 07 đã quyết định lặn khảo sát xác tàu để giúp quân chủng.
Chiều 10-8-2008, ông Chức báo cho anh em chỉ huy trên đảo Cô Lin được biết các thợ lặn của tàu đã tiếp cận được con tàu. Tàu dài khoảng 45m, rộng 7,5m, cao 6,5m, có hai khoang, giữa hai khoang có trụ cẩu. Đặc biệt anh em thợ lặn khi kiểm tra sơ bộ trong một khoang nhỏ của tàu đã phát hiện một số xương cốt và nhiều vũ khí quân tư trang, trong đó có cả một đôi dép nhựa trắng, trên dép có ghi “Triển lãm thành tựu kinh tế Việt Nam - huy chương vàng dép nhựa Tiền Phong, Hải Phòng”. Cùng với các số hiệu quân tư trang khác đã chứng tỏ đây chính là tàu HQ 604 do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy.
Cùng với sự hỗ trợ của quân chủng hải quân, trong ngày 11-8 anh em thợ lặn tàu Thành Công 07 đã thâm nhập các khoang tàu và tìm kiếm được một số hài cốt liệt sĩ hi sinh cùng con tàu tròn 20 năm trước để đưa vào đảo Cô Lin.
Hôm đó anh em ngư dân cũng như các chiến sĩ trên đảo Cô Lin đều không cầm được nước mắt khi nhìn những mẩu xương cốt đồng đội.Những hài cốt đã nằm dưới lòng biển lạnh hơn 20 năm qua cùng chiếc tàu anh hùng đã cảm tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc giữa trùng khơi.
Anh em trên tàu Thành Công 07 kể lại rằng tàu HQ 604 bị chìm ở khu vực nước rất trong, có thể nhìn xuyên suốt tận đáy. Tuy nhiên trong quá trình tìm kiếm, tàu hộ vệ tên lửa 557 của Trung Quốc thường trực ở đảo Gạc Ma thường xuyên ra quấy nhiễu. Nếu không có trục trặc gì việc quy tập hài cốt trong xác chiếc tàu HQ 604 sẽ không mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên trong quá trình lặn, thợ lặn Phạm Vinh trên tàu Thành Công 07 (quê ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) bị nhồi máu cơ tim, anh em đã đưa vào cấp cứu tại đảo Cô Lin nhưng không cứu được. Tàu Thành Công 07 phải đưa thi hài anh Phạm Vinh về Lý Sơn mai táng. Số hài cốt liệt sĩ trên tàu được tìm thấy bước đầu đã được anh em trên tàu trao cho cán bộ chiến sĩ trên đảo Cô Lin hương khói trước khi đưa về đất liền. Sự cố xảy ra với anh Vinh đã khiến cuộc tìm kiếm hài cốt bị gián đoạn từ bấy đến nay...
Câu chuyện người thợ lặn
Trước chuyến ra Trường Sa, chúng tôi đã tìm về thôn Đông của huyện đảo Lý Sơn để thăm gia đình người thợ tử nạn trong cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên vùng biển Cô Lin.
Đời thợ lặn, chuyện tử nạn khi mưu sinh cũng không phải hi hữu. Nhưng trường hợp anh Phạm Vinh lại rất đặc biệt. Chúng tôi muốn nhắc đến anh trong câu chuyện về công cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên biển Đông, như một sự tưởng niệm dành cho người ngư dân đảo Lý Sơn với công lao tìm thấy những hài cốt đầu tiên trong số 64 hài cốt các liệt sĩ hải quân hi sinh ngày 14-3-1988.
Thắp nén nhang trên bàn thờ chồng, chị Vũ Thị Nga, vợ anh Vinh, ngậm ngùi: “Chồng tui theo đội tàu lặn phế liệu của ông Chức nhiều năm rồi. Cả năm lênh đênh trên biển. Theo tàu đi hàng mấy tháng trời, anh em trong đội có khi thay nhau về đảo mua sắm gạo, thức ăn rồi đi nhờ theo tàu cá ra khơi để tiếp tế cho anh em thợ lặn trên tàu. Trước ngày anh Vinh lên cơn nhồi máu cơ tim và tử nạn, hôm 12-7 âm lịch, người từ tàu cũng vừa về đảo Lý Sơn mua gạo, dầu mang ra tiếp tế cho tàu, báo tin cho từng nhà rằng anh em trên tàu đều bình an khỏe mạnh. Không ngờ chỉ vài hôm sau gia đình đã nhận tin anh Vinh tử nạn”.
Căn nhà vắng người đàn ông trụ cột, mẹ anh Phạm Vinh, bà Nguyễn Thị Hường năm nay 66 tuổi nói với tôi: “Thằng Vinh mất đi chỉ thương vợ nó còn trẻ, hai con nó còn nhỏ, còn thì “sinh nghề tử nghiệp”, coi như nó cũng đã báo đáp phần nào cho đất nước khi tham gia lặn vớt hài cốt anh em”.
Chị Nga nay là công nhân trong đội vệ sinh môi trường của huyện đảo, mức lương chừng hơn 1 triệu đồng/tháng. Hai con của anh Vinh, bé Phạm Thị Mỹ Hạnh học lớp 8 và em trai Phạm Chí Công học lớp 4.
Riêng con tàu Thành Công 07 của ông Võ Văn Chức đã nhiều lần tham gia kiếm tìm thi hài và hài cốt các liệt sĩ hi sinh trên biển. Năm 2007, trên vùng biển Ninh Thuận có hai phi công hi sinh trong khi bay huấn luyện, chính anh em ngư dân trên tàu ông Chức đã tham gia tìm và vớt được thi hài hai phi công đưa về đơn vị làm lễ truy điệu.
Khi sự cố xảy ra, chỉ huy trưởng Vùng 4 Hải quân, đảo Cô Lin đã hỗ trợ dầu máy và lương thực thực phẩm cho anh em trên tàu QNg-96219 và tàu Thành Công 07 đưa anh Vinh về và cử đoàn công tác do đại tá Mai Tiến Tuyên - phó chính ủy Vùng 4 Hải quân (nay đại tá Tuyên là chính ủy Vùng 2 Hải quân) dẫn đầu ra chia buồn cùng gia đình anh Phạm Vinh cũng như thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình anh em ngư dân trên tàu Thành Công 07.
Tháng 5-2010, khi lên đảo Cô Lin, đại úy đảo trưởng Nguyễn Trung Phương đã đưa chúng tôi đến bên bàn thờ đặt trên tầng ba của tòa nhà, anh Phương bảo:
“Hài cốt các liệt sĩ tàu HQ604 đã được đưa về đây, tắm rửa, đặt trang trọng trên bàn thờ Tổ quốc và nhang khói cho đến ngày tàu của quân chủng đưa hài cốt các anh về đất liền”.
_____________
Hài cốt tìm được là ai trong số các liệt sĩ Trường Sa đã hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền? Đó là một hành trình đầy gian nan để xác định chính xác tên anh...
Kỳ cuối: “Mẹ ơi, con đã về đây...”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận