Read this on Tuoitrenews.vn Kỳ 1: Cờ Tổ quốc trên biển Đông
Phóng to |
Tàu địa chấn Bình Minh khảo sát ở vịnh Bắc bộ - Ảnh tư liệu |
Và người Việt cũng ngang dọc nhiều hơn trên đại dương để không chỉ tìm kiếm tài nguyên mà còn trực tiếp khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển của Tổ quốc.
Khát vọng khởi đầu
Chiến tranh chấm dứt, thời kỳ hòa bình đã mở ra nhiều điều kiện hơn để tiếp tục khảo sát tài nguyên dưới đáy biển của đất nước. Để thuận lợi cho hoạt động trên biển, từ năm 1978 Tổng cục Dầu khí đã tập trung chuyển đổi một chiếc tàu đánh cá thành tàu khảo sát địa chấn biển đầu tiên của đất nước mang tên Bình Minh.
Hiện nay tàu Bình Minh 02 chính là tên gọi tiếp nối của tàu Bình Minh này và được đánh số thứ tự để phân biệt. Có nhiều ý kiến hỏi tại sao lại đặt tên Bình Minh? Theo giải thích của TS Minh, Bình Minh cũng có nghĩa là sự tươi sáng, tiên phong đúng như Bình Minh là con tàu khảo sát địa chấn biển tiên phong của đất nước.
Kỹ sư Nguyễn Cương Binh, người từng làm việc trên tàu Bình Minh, nhớ lại: “Đó là con tàu đánh cá được hoán đổi công năng. Tàu có tải trọng nhỏ, không đủ sức chịu sóng gió lớn. Máy móc được trang bị chủ yếu của Liên Xô. Công nghệ khảo sát địa chấn đã hiện đại hơn thời kỳ còn phải làm phao gỗ để thu địa chấn, nhưng vẫn lạc hậu so với các tàu khảo sát phương Tây ở vùng biển phía Nam...”.
Kỹ sư Binh kể tuy không so được với tàu Bình Minh 02 tải trọng 2.000 tấn, sử dụng công nghệ của những cường quốc hàng hải như Anh, Mỹ bây giờ, nhưng anh em lúc đó rất háo hức đón nhận con tàu Bình Minh. Từ chập chững những bước khảo sát địa chấn trên đất liền trong thập niên 1960, rồi tiến dần ra ven biển và bây giờ đã có tàu ra xa bờ. Không ai kiềm chế được niềm vui tự hào!
Nhiệm vụ của tàu Bình Minh lúc đó chủ yếu tập trung khảo sát địa chấn ở vùng biển vịnh Bắc bộ. Hoạt động của con tàu này đã đặt nền móng để các chuyên gia, kỹ sư Việt dần nắm vững công nghệ khảo sát địa vật lý biển hiện đại như búi dây thu địa chấn điện áp (streamer), súng hơi (airgun), định vị vô tuyến (selidis)... Về sau vùng biển này còn có thêm các tàu địa chấn lớn của Nga sang tham gia khảo sát.
Thường xuyên có mặt trên các con tàu treo hai quốc kỳ Nga và Việt Nam này, kỹ sư Binh là người đại diện phía VN giám sát và hỗ trợ hoạt động của các kỹ thuật viên người Nga. Ông nhớ những năm 1995-1996, thời kỳ mình có mặt trên con tàu khảo sát Nga Zephyr, đã có lúc “chạm trán” và bị tàu hải quân Trung Quốc quấy nhiễu, cản trở hoạt động.
Nhật ký hải trình của kỹ sư Binh vẫn còn ghi rõ lúc 16 giờ ngày 21-10-1995, tàu Zephyr đang khảo sát trên vùng biển vịnh Bắc bộ thuộc chủ quyền VN thì tàu hải quân 510 của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện áp sát.
“Con tàu quân sự ấy to lắm. Súng ống các loại phơi hết ra ngoài chứ không ngụy trang như bây giờ. Thật sự tôi và các bạn Nga không ngại khả năng đụng độ, nhưng sự có mặt của nó đã làm chúng tôi không thể làm việc được”. Kỹ sư Binh kể thêm hôm đó, tàu Trung Quốc cứ chờn vờn quanh tàu khảo sát suốt từ 16 giờ đến hơn 20 giờ mới chịu rời đi.
Cũng trong năm 1995 này, tàu Zephyr lại tiếp tục bị tàu hải quân 557 của Trung Quốc cản trở hoạt động. Đội khảo sát đã thả dây thu tín hiệu và đang làm việc như bình thường thì tàu Trung Quốc tiến vào và chạy cắt ngang tuyến dây cáp thu địa chấn để phá hoại. Nhưng thuyền trưởng tàu Zephyr đã kịp thời cho hạ sâu dây thu địa chấn xuống lòng biển, nên tàu Trung Quốc không thể phá hoại được.
Gây rối suốt mấy giờ mà tàu khảo sát Zephyr vẫn không chịu lùi bước, cuối cùng tàu quân sự Trung Quốc phải rời đi.
“Anh em người Việt lẫn người Nga đều bực bội lắm! Zephyr là con tàu khảo sát biển hạng nặng của Nga, mỗi chuyến đi biển dài hàng tháng. Trên tàu lúc nào cũng có hơn 30 người thay phiên nhau khảo sát địa chấn liên tục ba ca suốt ngày đêm. Mỗi lần tàu Trung Quốc gây trở ngại không chỉ gây ức chế tâm lý anh em, mà còn làm thiệt hại kinh tế rất lớn. Mỗi giờ tàu Zephyr phải ngừng hoạt động là mất biết bao nhiêu tiền, nhất là trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, phải xoay xở từng đồng ngoại tệ để trả cho đối tác...”. Kỹ sư Binh tâm sự thêm mặc dù gặp nhiều cản trở, nhưng họ vẫn nỗ lực làm việc với tinh thần kiên trì bám biển để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển của Tổ quốc.
Những người bạn Nga trên tàu Zephyr cũng không e ngại tàu quân sự Trung Quốc. Họ tự tin đã làm việc đúng theo luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam.
Ở thềm lục địa phía Nam
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, các hoạt động khảo sát địa chấn thềm lục địa phía Nam VN tiếp tục được đẩy mạnh để nhanh chóng tìm kiếm tài nguyên cho đất nước.
TS Ngô Thường San, nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí VN, người nhiều năm gắn bó với ngành địa chất dầu khí, kể Công ty Dầu khí miền Nam đã chủ động ký ngay hợp đồng thuê Công ty CGG (Pháp) khảo sát hơn 1.200km tuyến địa chấn khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ven biển Minh Hải - Thuận Hải ngay trong năm 1976.
Đến năm 1978, Công ty Geco tiếp tục được mời khảo sát hàng ngàn tuyến địa chấn biển trên nhiều lô và cấu tạo Bạch Hổ trên thềm lục địa phía Nam. Lúc này đất nước đang rất khó khăn, ngoại tệ cực kỳ khan hiếm, nhưng việc thuê Geco khảo sát đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Nó tạo cơ sở chi tiết ban đầu để VN có thể tiến hành khoanh vùng biển tiềm năng cho các chương trình khoan thăm dò dầu khí tiếp theo.
Từ năm 1980-1989, Liên đoàn địa vật lý biển Viễn Đông Liên Xô là đối tác chính để khảo sát các vùng biển thuộc chủ quyền VN. Tàu khảo sát đại dương Poisk và Iskatel mang quốc kỳ Liên Xô - Việt Nam không chỉ hoạt động thăm dò tài nguyên dưới đáy biển, mà còn trực tiếp khẳng định chủ quyền biển VN chưa một phút giây nào bị gián đoạn.
Từng có mặt trên tàu địa chấn hai thân Gemeaux của Công ty CGG, TS Minh vẫn nhớ ông là nhân chứng của phát nổ thu địa chấn trên vùng biển mỏ Bạch Hổ sau năm 1975. Sáng hôm ấy biển trời xanh thẳm, bình yên. Súng hơi (air gun) bắn thật trơn tru. Nhưng thuyền trưởng người Pháp cảnh báo: “Biển tĩnh lặng như vậy là báo hiệu dông gió”.
Quả nhiên, chỉ lát sau biển trời đã trở mây đen nghịt, gió giật đùng đùng. Sóng phủ tràn lên cả mặt tàu Gemeaux. Thuyền trưởng phải cho tàu chạy vòng vòng cắt sóng để tránh bị đánh lật. Pháo hiệu được liên tiếp bắn lên trời để tàu hải quân đi theo hộ tống ứng cứu, nhưng cũng không thể tiếp cứu được vì sóng quá lớn.
Các thành viên đoàn địa chấn người Việt, kể cả thủy thủ Pháp, say sóng vật vã. Nhiều người đã nghĩ đến tình huống xấu nhất trên biển, nhưng cuối cùng tàu chạy thoát được cơn bão kinh hoàng về Vũng Tàu. Chưa kịp nghỉ vài hôm để lấy lại sức, con tàu lại quay mũi ra khơi. Và họ tiếp tục hành trình tìm tài nguyên cho Tổ quốc...
__________
Những nhà khảo sát địa chấn biển VN đã góp phần quan trọng trong công cuộc tìm kiếm tài nguyên và khẳng định chủ quyền biển của Tổ quốc. Những lúc khó khăn nhất, họ được hỗ trợ tối đa từ quân đội và hải quân...
Kỳ tới: Đạp sóng gió biển Đông
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận