09/06/2011 07:33 GMT+7

Hành trình Bình Minh: Cờ Tổ quốc trên biển Đông

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Đó là một hành trình lặng thầm đầy tâm huyết của bao thế hệ. Giữa đại dương bao la, họ đã đánh đổi cả tuổi trẻ và xương máu của mình cho những kỳ vọng về tương lai đất nước. Hành trình của tàu Bình Minh đã bắt đầu bằng những khát vọng như thế...

Read this on Tuoitrenews.vn

blzZa8AW.jpgPhóng to
Kỹ sư Nguyễn Cường Binh, người đã gắn bó với khảo sát địa chấn biển từ thời kỳ đầu - Ảnh: Q.Việt
Video clip "Chuyện kể từ tàu Bình Minh 02" - Thực hiện: TVO

Xúc động lần giở lại các kỷ vật, TS Trương Minh vẫn nhớ mãi năm tháng đạp trên sóng gió để khảo sát địa chấn biển Tổ quốc. Đó là khoảng năm 1968, khi chiến tranh đang khốc liệt, TS Minh và đồng nghiệp khảo sát địa vật lý được lệnh của Tổng cục Địa chất, Chính phủ VN Dân chủ cộng hòa, tiến hành hoạt động khảo sát ngoài biển.

Dù đã có kinh nghiệm khảo sát địa vật lý trên đất liền, nhưng họ vẫn bỡ ngỡ với hoạt động trên biển mà nhất là trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn thiết bị làm việc chuyên dụng. Tuy nhiên, họ vẫn hừng hực quyết tâm như tinh thần người lính ra trận và hiểu rằng mình không chỉ thăm dò tài nguyên mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển quốc gia. Khởi đầu ra biển của họ gần như là tay trắng nhưng tràn đầy tình yêu nước.

Tiến ra đại dương

Vùng biển hoạt động khảo sát của họ tập trung chủ yếu ở vùng ven vịnh Bắc bộ. TS Minh xúc động nhớ do chiến tranh và thiếu thốn phương tiện làm việc nên họ chủ yếu dựa vào dân. Hoàn cảnh của dân lúc này cũng rất khó khăn, nhưng nghe nói được phục vụ Tổ quốc là tất cả đều đồng lòng hăng hái.

Nhờ tàu thuyền của ngư dân, đội của TS Minh đã tiến hành khảo sát được rất nhiều khu vực ven biển vịnh Bắc bộ. “Lúc ấy, chúng tôi chỉ cẩn trọng máy bay ném bom và pháo hạm ngoài biển thôi. Còn tất cả anh em đều tự tin làm việc trên vùng biển của mình, chẳng có ai dòm ngó, tranh giành chủ quyền gì cả”.

Rất nhiều kỷ niệm mà đến giờ TS Trương Minh vẫn chưa thể quên được, nhưng sâu nặng nhất với ông chính là tình cảm của người dân. Ngư dân vừa đánh cá vừa là “tai mắt” của đội khảo sát trên biển. Họ sẻ chia từng chỗ ngủ khô ấm nhất, từng con cá, củ khoai cho anh em những lúc đói lòng. Đặc biệt những kinh nghiệm đi biển nông, sâu, luồng lạch thủy triều, mức sóng, mùa gió của ngư dân cũng giúp ích đội khảo sát rất nhiều.

Chính năm tháng trải nghiệm gắn bó với ngư dân đã tạo điều kiện cho những nhà khảo sát biển như TS Minh hiểu rõ tấm lòng và sức mạnh của người dân với Tổ quốc. Mỗi ngư dân như một cột bia chủ quyền thiêng liêng bằng chính xương máu trên đầu sóng ngọn gió, họ còn ra khơi thì biển cả của Tổ quốc sẽ còn trường tồn.

Có chỗ dựa vững chắc vào người dân, đội khảo sát địa chấn biển Bắc bộ lúc ấy rất quyết tâm làm việc. “Chúng tôi là thế hệ người Việt khảo sát địa chấn đầu tiên ra biển. Kinh nghiệm chưa có, mà cần thiết bị gì cũng thiếu, nhưng tinh thần thì hăng hái lắm” - kỹ sư Nguyễn Cường Binh, người gần 50 năm gắn bó với ngành khảo sát địa chấn, kể thêm lúc ấy hoạt động thu nổ để khảo sát địa chấn biển phức tạp hơn trên đất liền rất nhiều. Chưa có các búi dây thu nổ địa chấn dưới đáy nước hoặc búi dây địa chấn nổi điện áp chuyên dụng, họ phải mày mò tự tìm cách làm riêng.

Anh em chế hàng trăm phao gỗ để đặt các máy thu địa chấn ở đất liền ra làm việc trên biển. Và những chiếc phao đó được liên kết với nhau thành cả dây phao dài 600-1.000m. Còn máy chính thì đặt trên canô để kéo dây phao thu địa chấn. Phức tạp và nguy hiểm nhất là thu nổ. Lúc ấy chưa có súng hơi (air gun) nên buộc phải sử dụng thuốc nổ liên tục. Mỗi điểm nổ sử dụng 10kg thuốc nổ TNT và phải nổ liên tục hàng chục điểm cách nhau chỉ 50-100 m để thu tín hiệu địa chấn.

Kỹ sư Binh là người triển khai phương cách khảo sát địa chấn này. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng không ai nặng lòng. Tất cả chỉ tập trung cho công việc và trách nhiệm với Tổ quốc. Chính TS Minh có lần mải mê làm việc đã bị lạc qua đêm trên biển. Bây giờ nhắc lại những kỷ niệm này, lớp người tiên phong đi khảo sát biển như TS Minh, kỹ sư Binh vẫn tự hào: “Tuy chưa hiện đại nhưng đó là dấu ấn của người Việt đi thăm dò tài nguyên biển của đất nước. Nó cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm để phát triển ngành khảo sát địa chấn đại dương sau này”. Mỗi lần ra khơi, trên đầu họ luôn có lá cờ Tổ quốc tung bay. Và đó chính là niềm tin thiêng liêng cho bao lớp người Việt tiến ra đại dương...

Dấu ấn Việt trên thềm lục địa phía Nam

Song song với nỗ lực tiến ra tìm tài nguyên đại dương ở miền Bắc, công tác khảo sát địa chấn biển cũng được gấp rút thực hiện ở miền Nam. Thuận lợi của chính quyền Sài Gòn lúc đó là có thể hợp tác với các công ty Mỹ và phương Tây có nhiều kinh nghiệm và thiết bị hiện đại để làm việc hiệu quả trên biển. Đặc biệt, trong bối cảnh các nước khu vực đã tìm thấy dầu như Indonesia, Malaysia, Brunei, mong muốn của chính quyền Sài Gòn lại càng được đẩy mạnh hơn.

Kỹ sư địa chất Nguyễn Văn Vĩnh, người của Tổng cuộc dầu hỏa Sài Gòn, kể từ cuối thập niên 1960, chính quyền Sài Gòn đã tập trung quốc sách phát triển ngành dầu khí và thực hiện hàng loạt bước tiến quan trọng như tuyên bố chủ quyền thềm lục địa, khảo sát địa vật lý biển, ban hành luật, ký các hợp đồng...

Năm 1968, Anh đã cử một đội chuyên gia sang phối hợp với các kỹ thuật viên địa chấn miền Nam VN để khảo sát địa chấn biển khu vực này. Đến năm 1969, Công ty Naval Oceanographic Office tiến hành một đợt khảo sát địa chấn quy mô lớn hơn với 16.000km tuyến được khảo sát. Từ đó thềm lục địa VN đã hé lộ nhiều tiềm năng dầu khí.

Trước viễn cảnh sáng sủa, Công ty Ray Geophysical tiếp tục được một số nhà khai thác dầu quốc tế chuẩn bị vào miền Nam VN thuê khảo sát địa chấn, địa từ và trọng lực kỹ hơn. Hơn 10.000km tuyến khảo sát đã được tàu VFV Hunt thực hiện trong hai năm 1969-1970 và cho kết quả khả quan về tiềm năng tài nguyên dầu dưới thềm lục địa VN. Ngoài ra, những hoạt động này cũng trực tiếp khẳng định chủ quyền của người Việt đã được thực hiện trên vùng biển của mình.

---------------------------------------------

Sau 30-4-1975, hoạt động khảo sát địa chấn biển của VN vẫn tiếp tục. Mặc dù đã xuất hiện những cuộc “chạm trán”, nhưng công cuộc thăm dò tài nguyên và giữ vững chủ quyền biển của Tổ quốc chưa bao giờ gián đoạn.

Kỳ tới:Những phát nổ địa chấn trên biển

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên