08/05/2011 06:50 GMT+7

Khoảng lặng sau tiếng cười - Kỳ cuối: Sứ mạng cuộc đời

NSƯT THÀNH LỘC (My Lăng ghi)
NSƯT THÀNH LỘC (My Lăng ghi)

TT - Mỗi người có một số phận. Nghệ thuật đã chọn tôi hay tôi đã đến với nghệ thuật thì đều là sự sắp đặt của Thượng đế. Chưa bao giờ tôi hối tiếc việc trở thành nghệ sĩ. Với tôi, được nhiều hơn mất.

3zOGt4Ul.jpgPhóng to

NSƯT Thành Lộc trong hậu đài trước giờ diễn vở Hồn Trương Phi da Hàn Tỷ - Ảnh: Gia Tiến

Khai sáng tâm hồn mình

Đánh đổi lớn nhất của tôi là sức khỏe, tuổi trẻ, đau khổ, nước mắt và thậm chí cả máu. Sức khỏe và tuổi trẻ là hai thứ không bao giờ quay lại được. Tiếc nuối lớn nhất trong cuộc đời tôi là thấy mình ngày càng già đi. Già đi nghĩa là thời gian làm nghệ thuật không còn lâu nữa. Tôi ước có được sức khỏe của một thanh niên để làm việc, để cống hiến được lâu hơn, nhiều hơn với khán giả.

Nhưng giá trị của những cái được lớn hơn nhiều so với giá trị của những cái mất đi. Tôi trưởng thành hơn, hiểu biết hơn, vị tha hơn và trái tim rộng mở hơn. Nếu không có nghệ thuật, có lẽ tôi sẽ là người hẹp hòi, ích kỷ hơn. Vì cái đích cuối cùng của nghệ thuật là hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Người nghệ sĩ là kỹ sư của tâm hồn. Chưa cần biết anh khai sáng được tâm hồn ai, nhưng trước hết người nghệ sĩ đã khai sáng được chính tâm hồn mình.

Môi trường nghệ thuật là nơi người ta dễ tạo được tên tuổi nhưng cũng dễ gây tai tiếng nhất. Tôi hạnh phúc vì mình đã có một chỗ đứng khá đặc biệt trong lòng công chúng. Ngoài sự ngưỡng mộ, tôi còn nhận được sự yêu thương, quý trọng của khán giả. Mà sự quý trọng, yêu thương thì không phải ai cũng có được. Nó không thể đánh đổi, không thể mua được bằng tiền.

Làm diễn viên được sống cả trăm đời người, trở thành hàng trăm con người khác nhau với những tính cách, số phận không phải là mình. Bất cứ nhân vật nào cũng có một phần ít nhiều tính cách của tôi. Kể cả những cái chưa hoàn thiện. Tôi gửi tình cảm thật vào vai diễn. Còn ở ngoài đời đôi khi phải đóng kịch để tồn tại, để được an toàn. Vì người làm nghệ thuật trình diễn luôn thể hiện mình ra trước công chúng. Nhưng thành công của người này lại tạo sự khó chịu, thậm chí ganh ghét, thù hằn cho người khác.

Ngay từ lúc mới vào nghề, tôi đã được giao nhiều vai chính lẫn phụ đến mức không còn quan tâm tới vai chính hay thứ. Tôi rất nhớ lời dạy của cha: Chỉ cần sống hết mình với nhân vật thì dù đứng ở góc tối nhất trên sân khấu con vẫn tỏa sáng. Đóng vai phụ mà hay thì mới là người diễn viên giỏi. Tôi cũng rất tâm đắc câu nói: Không có vai diễn nhỏ. Chỉ có người diễn viên nhỏ bé. Càng vai phụ vai thứ, càng ít đất diễn thì tôi càng đầu tư nhiều tâm lực vì phải suy nghĩ, sáng tạo để đắp da đắp thịt cho nhân vật hoàn thiện hơn.

Để là thiên sứ của đời

Nhưng những vai phụ của tôi lại tỏa sáng hơn diễn viên thủ vai chính. Đó là căn nguyên của những năm tháng dài tôi phải đối mặt với những đấu đá, ganh ghét. Trong một cuộc họp gồm các diễn viên ngôi sao kịch nói của nhiều thế hệ tại nhà hát Hòa Bình, tôi được giao một vai phụ của một vở hài lớn. Trong một lớp diễn, tôi phải nhào tới ôm chầm lấy nhân vật chính - một người bạn lâu ngày mới gặp. Nhưng người này đã nói một câu làm tôi ngỡ ngàng: Đừng có xô đẩy tôi nhiều quá làm mất hình tượng của một diễn viên chính! Suốt vở diễn đó tôi nhất định không chạm tới áo của diễn viên này, chỉ diễn từ xa. Nhưng vai diễn ấy lại được khán giả yêu thích như vai chính. Kể từ sau đó, những vai thứ của tôi có những đoạn nhiều đất diễn đều bị đề nghị cắt bớt.

Nghệ thuật dù là thánh đường thì vẫn là nơi người ta làm việc để sống. Có những lúc người ta phải “nanh nọc” mới an toàn. Mà khi nhìn như thế thì chả có gì vui. Người nghệ sĩ nhạy cảm và mong manh lắm. Thế nên, dù ít hay nhiều, những ganh ghét, đố kỵ cũng làm mình bị tổn thương. Bởi vậy, dù muốn hay không, tôi phải diễn xuất ngoài đời để được tồn tại, để được bình an hơn.

Nghệ thuật là nơi người ta dễ bị tai tiếng nhất. Bởi nghệ sĩ là người của công chúng nên nhất cử nhất động của họ đều bị lọt vào tầm ngắm, hay bị để ý, xét nét. Từ đó, vô hình trung người ta tước đi quyền tự do, quyền được sống thật với chính mình của một con người bình thường với một nghệ sĩ.

Không ai đo đếm được giá trị của một vở kịch, giá trị của một vai diễn. Đó là giá trị vô hình nhưng len lỏi vào trái tim con người, tồn tại bền bỉ từ ngày này qua ngày khác, có sức sống trường tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Công việc của người nghệ sĩ như công việc của một thiên sứ nghệ thuật. Tôi ngầm hãnh diện vì điều đó. Cho nên tôi luôn tâm niệm: phải sống sao cho xứng đáng với giá trị nghệ thuật mà mình tạo ra.

Nếu coi cả nhân loại là trăm ngàn loài hoa thì người nghệ sĩ là loài hoa sặc sỡ nhất, thậm chí dị thường hơn. Chính vì sặc sỡ nhất nên chóng tàn nhất. Cho nên, khi người nghệ sĩ đang ở độ rực rỡ nhất, ngát hương nhất thì hãy bung mình tỏa hương sắc ngào ngạt nhất, tươi tắn nhất để làm cho cuộc đời thêm đẹp. Nhưng ngay cả khi đóa hoa đó tàn, người nghệ sĩ không còn tuổi trẻ, sức lực cống hiến cho khán giả nữa, thì thân xác của đóa hoa tàn úa đó cũng phải hóa thành loại phân tốt nhất, màu mỡ nhất cho các loài hoa khác mọc tươi tốt hơn.

Khoảng lặng là những phần thưởng, là món quà mà Thượng đế ban cho người nghệ sĩ. Nếu không có những khoảng lặng đó họ sẽ là người hời hợt, và khi đó tác phẩm của họ không có chiều sâu. Họ sẽ không thăng hoa được trong nghệ thuật. Những khoảng lặng sẽ là lúc chạm vào tâm hồn con người. Người nghệ sĩ đích thực cần phải chịu nhiều cô đơn hơn một chút, đau khổ hơn một chút. Cuộc đời họ phải chịu nhiều bất trắc, tai ương hơn người thường một chút. Khi đó họ mới đồng cảm và chia sẻ được với nỗi đau của nhân loại và thăng hoa trong nghệ thuật.

Nhìn lại 23 năm đi diễn, tôi thấy mình là người có diễm phúc. Cuộc đời tôi đã trải qua những khoảnh khắc đau đớn nhất, chua chát nhất, cay đắng nhất trên sân khấu. Tôi coi đó là khoảnh khắc lưu giữ dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Tôi không vì niềm đau mà hối tiếc, trách nghề, không bao giờ nghĩ nếu không làm nghệ sĩ có lẽ sẽ không đau đớn hơn người khác khi gặp những tình huống như thế.

Sau vở diễn khán giả vỗ tay rần rần. Còn tôi một mình lặng lẽ chạy xe về nhà trên con đường vắng. Lặng lẽ mở cửa. Lặng lẽ ăn cơm khi đồng hồ gần 12g đêm. Lặng lẽ tắm rửa. Lặng lẽ lên giường, ngả lưng, tựa gối và... đọc kịch bản cho vở diễn mới. Đó là những khoảng lặng, rất lặng, sau cánh gà của người diễn viên. Khoảng lặng là những khoảnh khắc cần thiết với nghệ sĩ. Nhưng họ phải thoát ra được nỗi đau cá nhân để sống trọn với vai diễn. Vì khi trên sân khấu, họ không còn là người bình thường nữa. Họ là một diễn viên. Mà đã là diễn viên thì phải làm tròn sứ mệnh, vị trí và vai trò của mình.

Nghệ sĩ MINH NHÍ

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: “Kép Tư Bền” của Minh Nhí Kỳ 2: Kiếp tằm dâu... Kỳ 3: Bước qua cổng đời Kỳ 4: Nước mắt vô hình Kỳ 5: Đóng cửa và khóc Kỳ 6: Nhìn đời cười buồn Kỳ 7: Thơ tình của Vượng

NSƯT THÀNH LỘC (My Lăng ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên