24/04/2011 10:00 GMT+7

Đến Xayaburi

HỒNG VÂN (từ Xayaburi)
HỒNG VÂN (từ Xayaburi)

TT - Xayaburi những ngày này đã trở thành một địa danh “nóng” đối với hàng triệu người dân Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Phóng viên Tuổi Trẻ đã đến tận hai ngôi làng nơi dự kiến làm đập thủy điện Xayaburi.

qql4ItR7.jpgPhóng to
Dân làng Parkneun - cạnh nơi dự kiến xây đập Xayaburi - đánh cá ở sông Mekong. Họ được lệnh ngừng trồng trọt từ đầu năm 2011 - Ảnh: Hồng Vân

Để đến được hai ngôi làng Houay Souy (thuộc tỉnh Xayaboury) và Parkneun (thuộc tỉnh Luang Prabang), chúng tôi đã phải trải qua một hành trình khá vất vả: từ thủ đô Vientiane (Lào), chúng tôi đến tỉnh Luang Prabang bằng máy bay mất đúng một giờ.

Từ Luang Prabang, thuê xe đi đến Nan - một huyện của tỉnh này, tuy chỉ có 80km nhưng phải mất đến vài giờ đồng hồ vì đường khá xấu. Sau một đêm ngủ ở Nan (nơi đây còn khá nghèo nàn, không có điện), chúng tôi đi một chuyến phà qua sông Mekong để đến với làng Talan. Từ đây đi đến làng Houay Souy mất 45 phút xuôi dòng Mekong bằng thuyền.

Talan mới, Talan cũ

Trừ dân địa phương và những người có liên quan đến con đập Xayaburi, chúng tôi là những người khách lạ hiếm hoi xuất hiện ở Talan, nơi có khu trại khá lớn dành cho các công nhân tham gia việc mở đường đến Xayaburi.

Đơn vị thi công đã làm gần như mới hoàn toàn con đường vào Talan. Trước đây, đi từ bến phà đến Talan phải mất ba giờ vì đường nhỏ, xóc, cây cối nghiêng ngả cả vào lòng đường. Nay chỉ mất 20 phút, đường 8m quang đãng. Không khí mở đường rất hối hả, công nhân làm liên tục, thường làm thêm giờ, chỉ nghỉ trưa, chiều. Xe bồn chở nước tưới đường giảm bụi liên tục chạy xuống sông Mekong hút nước. Mọi loại xe trên công trường tất bật làm việc của mình. Trong giờ làm việc không thấy có công nhân la cà ở quán xá.

Có hai trại tạm cho công nhân, một lớn, một nhỏ trên đường vào làng Talan. Trại nhỏ có một số ít xe công trình, tất cả đều mang logo của Công ty Ch Karnchang (Thái Lan). Trại lớn có hai khu, một nằm ở ven đường, một nằm trên đồi cao. Làng Talan hiện nay được xem như điểm nóng của công trình, với việc khẩn trương mở đường dẫn đến Houay Souy.

Ngay khu vực nhộn nhịp nhất của Talan, đoạn bắt đầu lên dốc để đi đến làng Houay Souy có bảng chỉ đường nội dung: “Khu vực đập, trại chính đi thẳng”. Muốn đi thẳng, phải qua được trại kiểm soát mà chỉ có xe thi công thuộc dự án mới được phép ra vào. Chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ bên trái để tránh chốt gác. Ở đây có gần mười hàng quán dù không nằm trên con đường chính. Các tiệm đều bán chung nhiều mặt hàng như sim, thẻ nạp tiền điện thoại hiệu Etl, Tigo (rất phổ biến tại Lào), nước uống và đồ ăn vặt...

Một chủ quán cho biết chị vốn ở làng Nala, cách Talan 16km, cũng thuộc tỉnh Xayaboury, vừa chuyển đến mở quán được ba tháng. Phía đối diện tiệm này, chủ các cửa hàng đều là những người chuyên nghiệp theo chân các con đập thủy điện. Họ buôn bán ở đập thủy điện Nam Ngum II 3-4 năm, cho đến khi Nam Ngum II đi vào hoạt động năm 2010. Các công nhân thi công đập Nam Ngum II chuyển đến Xayaburi, và họ có mặt ở Talan.

Anh Dee, người Lào, công nhân lái xe tải tại công trình mở đường ở dự án thủy điện Xayaburi, cho biết do có kinh nghiệm về nhu cầu ăn uống của công nhân nên khi đến làm việc ở Talan, anh và vợ đã hợp đồng thuê đất mở quán trong vòng bốn năm với giá 100.000 kip/tháng (12,4 USD).

Những người chậm chân hơn phải trả 200.000 kip/tháng (24,8 USD) mới có được chỗ bán hàng. Một két bia Lào giá tại Luang Prabang là 90.000 kip, giá ở Talan là 120.000 kip. Một chai nước giá 8.000 kip, giá tại Talan là 10.000 kip. Anh Dee cho biết: “Nghe các sếp nói chuyện khi ăn cơm, việc xây dựng đập Xayaburi có tiến hành hay không còn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, trước mắt vẫn cứ lo mở đường”.

Chúng tôi đếm có 21 quán trên cả đường chính, gần khu trại công nhân và đường phụ. Chỉ có ba chủ quán là người thuộc tỉnh Xayaboury, còn lại đến từ các nơi khác, chủ yếu là Vientiane và là những người từng buôn bán ở đập thủy điện Nam Ngum II dọn đến.

Nơi nhiều hàng quán nhất của Talan được người ở đây gọi là “Talan mới”. Còn Talan cũ đìu hiu, quạnh quẽ hơn, nằm ở dưới dốc, bên bờ sông Mekong. Người của làng Talan mới phần lớn là dân tứ xứ, không phải là người dân địa phương. Cả Talan mới và cũ đều không có điện lưới nhà nước.

Từ ngày công trường xây dựng chuyển về, mang theo máy phát điện để sử dụng, người dân xung quanh được bắc dây dùng điện chung không phải trả tiền cho đến khi công trường ngưng hoạt động, thường là 17g.

Người dân Lào có nguyện vọng làm việc tại công trường sẽ được nhận ngay tức khắc. Lao động giản đơn nhất được trả 150 baht/ngày. Tiền được trả bằng baht hoặc bằng kip nhưng quy theo tỉ giá tiền Thái Lan. Anh Dee nhận 10.450 baht/tháng, nếu làm thêm giờ, thường là làm thêm 4 giờ/ngày, mỗi giờ được trả 30 baht. Ngoài ra, phía Công ty Ch Karnchang trả tiền hai bữa cơm/ngày, mỗi bữa 800 kip.

Twkxt6W8.jpgPhóng to
Nguồn: Tổ chức sông ngòi quốc tế cung cấp

“Đó là giá hời”!

Khác với nhiều người dân, ông Sysavath Luanglasa - trưởng làng Pakneun - hào hứng: “Theo tôi, dự án thủy điện Xayaburi sẽ được xây dựng. Vì đoàn khảo sát đã đến để kiểm tra lần chót những tài sản có giá trị để tính toán đền bù cho người dân. Tôi có hai ngôi nhà và họ sẽ xây lại một ngôi nhà tương tự cho tôi, ngôi nhà còn lại được thanh toán bằng tiền mặt với giá 200 triệu kip. Đó là giá hời”.

Hai làng ven sông,đôi đường tâm sự

Từ Talan, chúng tôi đi thuyền khoảng 30 phút xuôi dòng Mekong đến làng Houay Souy và làng Pakneun. Hai ngôi làng nằm đối diện nhau, rất gần vị trí xây dựng đập Xayaburi. Nếu đập được cho phép xây dựng, họ sẽ là những người đầu tiên bị di dời.

Chúng tôi gặp ông Fanh, 75 tuổi, đang ngồi vớt cá bằng một cái vợt. Vớt mấy lần mới được một con cá nhỏ bằng ngón tay nhưng đó là vì ông vớt cá giết thời gian chứ không hẳn để kiếm cơm. Ông có lưới cá ở một khu vực khác để thật sự làm kinh tế. Mỗi năm ông Fanh kiếm được 10 triệu kip (1.246 USD) tiền bán cá, chủ yếu đánh bắt từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 6.

“Nếu chính quyền yêu cầu phải đi thì chúng tôi đi vì đâu thể làm gì khác được - ông buồn rầu nói - Tôi không muốn đi, tôi không muốn mất rừng gỗ teak mình dày công vun trồng”.

Tuy không biết mình có bao nhiêu hecta đất, nhưng ông khẳng định đã trồng 5.000 cây gỗ teak vào nhiều thời điểm khác nhau và sợ số tiền bồi thường sẽ thấp hơn mong đợi. Theo ông, một nửa người dân trong làng đồng ý việc xây đập và nửa còn lại mong việc xây đập không bao giờ diễn ra. Nhưng những người đồng ý xây đập không muốn đi xa khỏi nơi họ đang sống. Nếu phải di dời, cũng sẽ di dời đến nơi nào gần chỗ ở cũ.

Làng Houay Souy có hơn 60 gia đình, chủ yếu sống bằng nghề làm nông, trồng lúa, mè, nuôi bò, đánh bắt cá và lóng vàng từ sông Mekong. Làng không có trạm y tế. Có một ngôi trường tiểu học chỉ dạy từ lớp 1 đến lớp 4. Học sinh lớp 5 phải vượt sông qua làng Pakneun đối diện. Người ốm đau nặng cũng được đưa qua sông đến trạm y tế làng bên.

Đi sâu vào trong làng, chúng tôi gặp một nhóm phụ nữ nhàn rỗi ngồi nói chuyện dưới bóng cây. Một người trong số đó cho biết đầu năm 2011, chính quyền yêu cầu người dân không trồng trọt vụ mùa nữa để chuẩn bị xây đập. Đàn ông vẫn đi đánh cá bình thường. Nhưng những người khác, lẽ ra giờ này trong năm đang ở ngoài đồng giặm lúa, trồng mè thì bây giờ ngồi chơi.

Chúng tôi chào tạm biệt ông Fanh rồi xuống thuyền đi thẳng sang làng Pakneun. Sông Mekong mùa này cạn nước, trở nên nhỏ nhoi và hiền hòa. Nhờ vậy, chỉ mất chưa đến 5 phút chúng tôi đã sang đến bờ bên kia thuộc địa giới tỉnh Luang Prabang. Lúc này là buổi chiều mát, ngay bờ sông có khoảng 10 người trai, gái, già trẻ tụ tập đánh cá. Người dân làng rất thân thiện và vui vẻ. Họ cho biết người trong đoàn khảo sát thường xuyên đến làng để kiểm tra, tính toán việc đền bù nhưng không ai biết khung giá là bao nhiêu, như thế nào.

Làng Pakneun dù đời sống kinh tế khá hơn hẳn so với làng Houay Souy do người dân có nhiều đất trồng trọt tại chỗ hơn, có đường đi thuận tiện hơn nhưng vẫn không có điện. Người dân làng chặn suối, làm nhiều đập thủy điện nhỏ để có điện cho gia đình sử dụng. Nhưng theo ông Sysavath Luanglasa - trưởng làng, điện chỉ còn thắc thỏm được đến tháng 7 do hết nước. Ông Luanglasa cho rằng người dân đã mòn mỏi với đời sống tối tăm. Họ muốn sự văn minh, hiện đại, muốn có điện lưới quốc gia. Ông cho biết làng sẽ dời đến làng Houay Hip cách đó 11km. Chỉ có điều làng Houay Hip cũng là một địa chỉ tối tăm mà điện lưới quốc gia Lào chưa vươn tới!

Cách nhà ông Luanglasa không xa, chúng tôi thăm nhà cụ bà 75 tuổi, có chín người con với một vườn mít trái chi chít. Bà không hề biết nhà mình sẽ được bồi thường như thế nào và bao nhiêu tiền. Bà nói: “Họ đến đây chụp hình tôi với cây mít trước nhà, rồi đi. Tôi không muốn đi đâu cả. Tôi đã già rồi. Tự tay tôi đã trồng những cây mít, cây xoài, cây dừa trong vườn, trên rẫy. Mất bảy năm trời chúng mới ra trái. Bây giờ tôi phải bỏ chúng lại. Tôi muốn để dành trái cây ngon ngọt này cho các cháu của mình và chúng có thể ăn suốt cả cuộc đời”.

HỒNG VÂN (từ Xayaburi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên