Phóng to |
Cô gái sinh con tại Bệnh viện Seriruk ở Bangkok - Ảnh: Vy Hoàn |
Phóng to |
Các cô gái Việt Nam đi đẻ thuê ở xứ người -Ảnh: Vy Hoàn |
Giải cứu 14 cô gái Việt trong đường dây đẻ thuê ở TháiPhát hiện 14 phụ nữ Việt Nam đẻ thuê ở Thái LanSẽ khởi tố kẻ buôn người
Câu chuyện của họ bắt đầu từ những xóm nghèo ở ĐBSCL. Với các cô gái này, nghèo dường như là cái phận. Cái khổ đeo đẳng suốt thời con gái, quần quật không đủ ăn. Có người chưa lập gia đình, có người chồng bỏ, có người tự nuôi con, nuôi cha mẹ. Có người phải bỏ con cho chồng nuôi để đi làm xa. Đến một ngày, thấy những bạn gái trong xóm “đi lao động nước ngoài” về có tiền sửa nhà cửa, có vốn làm ăn, các cô gái xin số liên lạc với “chủ lao động” với mong muốn thoát nghèo.
Khi chủ đồng ý “giúp”, có 10/14 cô đều biết công việc họ sẽ làm là mang thai hộ cho các cặp vợ chồng ở Thái Lan. Có người hiếm muộn, có người không thể tiết lộ danh tính với xã hội. Họ muốn có con nhưng không thể sinh được. Họ cần người mang thai hộ những đứa con được thụ tinh nhân tạo từ trứng và tinh trùng của cha mẹ. Nghĩ rằng vừa giúp người, vừa có tiền nuôi gia đình nên các cô gật đầu ra đi.
“Sau khi thỏa thuận, chủ yêu cầu tụi em đi chụp hình, tự bỏ tiền làm hộ chiếu, sau đó ngồi xe qua Campuchia xin thị thực Thái Lan rồi đi xe lên TP.HCM. Tại đây sẽ có người mua vé máy bay một chiều và hướng dẫn làm thủ tục bay. Qua đến đây có người đón và đưa về nhà chăm sóc. Sau này tụi em biết đó là vợ thứ của ông chủ bên Đài Loan. Bên kia, ông cũng có bà vợ người Việt Nam. Tụi em qua đây là do chị này sắp xếp. Như em, tự qua một mình từ tháng 6” - cô N.N. kể.
Tại căn nhà trong khu Tararom tại Bangkok, các cô ở chung với nhau trong phòng gắn máy lạnh. Có người giúp việc lo nấu ăn và giặt giũ. Có máy vi tính nối mạng Internet để liên lạc với gia đình. Họ được phép đi lại thoải mái, tự đi mua sắm, ăn uống thêm. “Nhưng tụi em không đi đâu xa vì không biết tiếng và không có tiền. Theo hợp đồng, nếu chưa đậu thai, họ cho mỗi tháng 50 USD tiêu vặt. Nếu có em bé rồi, họ cho 100 USD để bồi dưỡng thêm. Sau khi sinh và hoàn tất giấy tờ cho con, tụi em được 5.000 USD với điều kiện con phải khỏe mạnh và nặng trên 2,8kg. Nếu nhẹ hơn, họ sẽ phạt 1.000 USD - cô gái 23 tuổi S.T. nghẹn ngào - Con em sinh ra gần đủ chuẩn, chỉ được gần con bốn ngày, giao con hơn tháng nay rồi nhưng em vẫn chưa nhận được đồng nào. Em từng gặp khách em (cha đứa bé) qua webcam và hình hộ chiếu”.
Khi các cô kể lại hoàn cảnh của mình, ai nghe cũng rối lòng. “Cha mẹ tụi em nghèo lắm. Không nhà không cửa từ nhỏ, hiện phải ở nhờ nhà nội. Bên nội cứ kiếm chuyện đuổi mẹ em ra khỏi nhà. Tụi em từng bươn chải làm da giày tại Sài Gòn nhưng vẫn không đủ ăn. Thôi thì liều một chuyến về cất nhà nuôi cha mẹ, có vốn làm ăn”. Giọng hai cô B.T. và K.G. rớm nước mắt cộng với những hơi thở dài.
T.P., cô gái 19 tuổi, nghẹn ngào: “Em chỉ học hết lớp 2 rồi phụ mẹ kiếm sống. Nhà nghèo quá, không được học hành, em đi phụ bán quán nước suốt tháng cũng chỉ được 1,2 triệu đồng. Cha đi biển bữa có thì 50.000 đồng, bữa thì không. Đâu ngờ qua đây làm công việc này. Em uất quá, không ăn uống, không dùng thuốc bổ, quyết bỏ cái thai. Mẹ biết em qua đây, còn cha thì em nói dối là đi Sài Gòn làm ăn. Nếu cha biết chắc em bị đòn chết quá”.
Còn nhiều lắm nỗi khổ và nguyện vọng. Có cô lo lắng muốn về nhà. Có cô tiếc công sức vì bị lừa. Có cô mong nhận được tiền sữa như đã ký trong hợp đồng. Có cô xin có chút tiền để về nhà dưỡng thai, sinh con và sẵn sàng trả con cho bố mẹ bé. Khi có điện thoại để gọi về báo bình an, một trận mưa nước mắt lại đổ xuống. Những câu nói các em dặn dò người nhà nghe nhói cả lòng.
Gọi điện đến đại sứ quán cầu cứu Bốn cô gái bị lừa sang Thái Lan đẻ thuê đã gọi điện đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok kêu cứu. Sau khi xác minh và chắc chắn có dấu hiệu phạm pháp, Đại sứ quán Việt Nam thông báo cho nhà chức trách và Cục Điều tra đặc biệt (DSI) của Thái Lan đã vào cuộc phá án. Tối 23-2, cảnh sát ập vào ngôi nhà hai tầng nơi các cô đang ở tại làng Tararom, soi Ramkhamheng 150, khu vùng ven Bangkok. Cảnh sát đã bắt giữ một người Thái và một phụ nữ người Đài Loan. Người này là vợ thứ hai của ông chủ người Đài Loan và chịu trách nhiệm ký hợp đồng, tài chính thu chi tại Bangkok. Sáng 24-2, 13 cô gái được đưa về Trung tâm bảo vệ và dạy nghề Kredtrakarn, trực thuộc Bộ An sinh xã hội và an ninh con người của Thái Lan tại tỉnh Nonthaburi. Riêng một cô vào Bệnh viện Seriruk để sinh từ ngày 20-2 do có dấu hiệu xấu của thai. Em bé chào đời bằng sinh mổ ngày 21-2 và được chuyển viện ngay vì sinh non, chỉ cân nặng 1,6kg. Hiện cô đang ở Bệnh viện Synphet và nằm trong lồng kính đặc biệt, phải hỗ trợ máy thở và dinh dưỡng. Chi phí lên đến gần 18.000 USD cho cả mẹ và con. Chiều 24-2, Bệnh viện Nopparat cử đoàn y bác sĩ khám tổng quát và siêu âm toàn bộ cho 13 cô. Có một cô đã sinh xong hơn một tháng, hai cô mang thai bảy tháng, năm cô mang thai ba tháng và năm cô chưa có thai. |
Ngày 26-2, đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok đã đến Trung tâm bảo vệ và dạy nghề Kredtrakarn để thăm 13 cô gái Việt Nam. Đón đoàn là bà Penapha - chuyên viên xã hội và ông Pongsak Chuchunklin - chuyên viên Sở chống buôn người. Họ cho biết ban đầu các cô có thái độ bất hợp tác vì lo sợ sẽ bị giam giữ, một vài cô nhịn đói vì thức ăn không hợp khẩu vị. Sau đó, có phiên dịch giúp trao đổi nên các cô chịu nghe theo sự sắp xếp của trung tâm. Khi được gặp các quan chức Đại sứ quán Việt Nam, các cô gái đều khóc: “Chú ơi, cứu con”.
Ông Phạm Minh Tuấn, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam, đã khuyên các cô bình tĩnh, giữ sức khỏe và tuân theo sự chăm sóc của nhân viên trung tâm. Vì đây là trường hợp đặc biệt, có cả phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh nên phía Thái Lan giải quyết mang tính tích cực và nhân đạo, cho các cô vào nhà lánh nạn chứ không phải trại tạm giam. Ở đây các cô được đối xử như nạn nhân chứ không phải nghi can.
Tất cả đều mong được quay về nhà càng sớm càng tốt. Chỉ một vài người muốn ở lại sinh rồi giao con cho bố mẹ bé, xin tiền thù lao rồi về. Tất cả các cô đều lo sợ và có cảm giác thiệt thòi, thậm chí hoang mang không biết về nhà có chịu nổi sức ép của dư luận qua thông tin báo chí mấy ngày nay hay không. Tham tán Bùi Đình Chăm an ủi và khuyên các cô nên xin về hết.
Cùng ngày, đoàn đến Bệnh viện Seriruk ở Bangkok vì được tin Cục Xuất nhập cảnh Thái Lan mời đến cùng đón cô gái còn lại xuất viện. Cô đã được đưa đến Trung tâm Kredtrakarn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận