Phóng to |
Vụ mất trâu không kiện...
Mười một năm sau khi vợ mất, ở vào tuổi 51 ông T. vẫn khỏe mạnh. Sáng 13-1-2004, ông thức sớm đi tập thể dục như lệ thường. Ông dẫn theo con trâu một tuổi mập cui láng kít cho nó ăn cỏ, gọi là có bạn.
Trên đường đồi vắng vẻ, ông nghe có tiếng bước chân người đi về phía mình. Hóa ra đó là cô I., người cùng thôn với ông. Cô I. tròm trèm 40 tuổi, chưa có chồng nhưng đã tranh thủ “cải thiện” được hai đứa con và nhan sắc vẫn mặn mà!
Sáng ấy cô I. gánh một gánh phân chuồng đi ngược về phía ông. Khi đến trước mặt ông cô dừng lại, để gánh xuống và mở miệng chào. Thấy nụ cười xinh xắn của cô hàng xóm vất vả, ông T. xúc động cồn cào gan ruột, đỡ đòn gánh định gánh giúp. Trời xui đất khiến làm sao bàn tay ông lại đặt đúng lên bàn tay cô. Cô I. không rút tay lại, chỉ nhìn xuống đất rồi... cả hai đồng lòng đưa nhau vào một bụi rậm “nói chuyện”.
Tàn cuộc mây mưa cô I. không nói một lời, lặng lẽ gánh phân ra ruộng. Ông T. sau khi định thần lại mới sảng hồn vía vì không thấy con trâu cui đâu nữa. Ông chạy khắp đồi, khắp ruộng vẫn không thấy bóng dáng nó, đành thất thểu trở về nhà.
Ba ngày sau, ông T. nghe người trong xã đồn con trâu của ông đang bị nhốt trong chuồng trâu của nhà ông C., người cùng xã. Ông T. vội vàng đến xem cho rõ thực hư. Đúng là con trâu mập cui láng kít của ông rồi. Song trong cuộc nói chuyện tay đôi này, thái độ ông C. rất căng thẳng. Ông C. kề miệng sát tai ông T. nói nho nhỏ mấy câu. Ông T. liên tiếp gật đầu, mặt cứ tái mét. Tan cuộc nói chuyện, ông T. đứng dậy xuôi cò ra về, không dám rờ tới… cái đuôi con trâu dù nó đúng là con trâu của ông!
Người con trai lớn của ông T. thấy cha không dắt được trâu về thì lấy làm ức lòng. Anh bèn gửi đơn thưa ông C. ra ủy ban xã.
Trước chính quyền xã, ông C. khai ra mọi diễn tiến gay cấn, éo le của buổi sáng hôm ấy. Chính ông là người trực tiếp chứng kiến cảnh ông T. và cô I. cùng đưa nhau vào bụi rậm để... “nói chuyện”. Trong lúc hai người mải mê giấc vu sơn thì con trâu thong thả đi vào ruộng lúa mới trổ đòng của nhà ông C. ăn hết một vạt lúa. Tức mình, ông C. nắm dây xỏ mũi dắt luôn con trâu về “tạm giam” trong chuồng trâu của mình. Mấy ngày qua ông vẫn cho con trâu ăn uống tử tế. Hôm ông T. tìm đến xin nhận lại trâu, ông C. có dọa rằng: “Hễ ông ngoan cố đòi lại trâu thì tôi sẽ công bố chuyện ông và cô I. quan hệ ngoài rừng”. Ông C. nhấn mạnh: ông chỉ dọa vậy cho ông T. nhớ mà chừa thôi chứ không có ý định bắt luôn con trâu.
Mấy vị trong ủy ban và công an xã bấm bụng cười thầm về câu chuyện mất trâu hi hữu này. Xã phân xử: ông T. ham vui không quản lý trâu, để trâu ăn lúa của ông C. thì phải xin lỗi và đền bù thiệt hại cho ông C. số tiền 100.000 đồng (trong đó bao gồm năm ngày công chăm sóc và cho trâu ăn uống). Ông C. phải trả lại con trâu cho nhà ông T.. Mọi chuyện ngoài con trâu là chuyện đời tư, xã không can thiệp!
Và cái đuôi bò đứt
Ra trước Tòa án nhân dân huyện Trà My (Quảng Nam) hôm ấy có ông Khánh, nguyên đơn và ông Thức, bị đơn. Cả hai ông cùng ngụ một thôn ở xã Trà Dương.
Ông Khánh trình bày: ông đã 75 tuổi, không làm được việc nặng nữa nên chỉ còn cách nuôi bò kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ngày 1-2-2000, con bò mẹ trong đàn bò của ông đẻ được một chú bê đực. Khi chú bê mới được sáu ngày tuổi, ông cột con bò mẹ trong chuồng, cho chú bê chạy chơi ngoài bãi trống để nó mau cứng cáp. Thấy chú bê nhảy nhót, con chó nhà ông Thức chạy ra rượt táp vào mông làm đứt hẳn một nửa đuôi bê.
Ông Thức xác nhận chính con chó nhà mình đã cắn đứt đuôi chú bê. Thế nhưng khi ông Khánh đề nghị ông Thức đưa 200.000 đồng để thuốc thang cho chú bê, ông Thức không đồng ý. Ông Thức yêu cầu ông Khánh đưa cả bò mẹ lẫn bê cho ông chăm sóc.
Tư pháp xã hòa giải đôi bên không thành phải chuyển hồ sơ lên tòa. Bởi con bê đứt đuôi mất hết giá trị nên ông Khánh đành bán cả mẹ lẫn con với giá 1,8 triệu đồng. Theo ông Khánh, đáng ra phải là 2 triệu đồng. Ông đề nghị tòa buộc ông Thức phải đền bù cho ông số tiền 200.000 đồng về việc chó nhà ông Thức cắn đứt đuôi chú bê.
Về phía mình ông Thức lập luận: đúng là con chó nhà ông đã táp đứt đuôi chú bê vì nó “nhìn thấy gai mắt” khi bê ta chạy nhảy chứ không phải vì nó là chó dữ. Chuyện chó cắn đứt đuôi bò là chuyện của… chó chứ ông không biểu nó cắn! Ông Khánh yêu cầu ông đền số tiền 200.000 đồng thuốc thang cho chú bê là quá đáng, ông Thức sẵn sàng trả tiền thuốc thang điều trị chứ không đồng ý đưa tiền. Còn việc ông Khánh bán bò hạ giá là do cần tiền gấp chứ không phải do con bê đứt đuôi mà ra.
Bút ký tòa ghi lại đoạn hỏi đáp: Thẩm phán: Ông Thức, con chó nhà ông có phải là chó dữ không? Ông Thức: Mô có, thưa tòa. Hắn hiền khô à. Thẩm phán: Hiền khô sao hắn cắn đứt đuôi con bê của ông Khánh? Ông Thức: Thưa tòa, ấy là vì nó nhìn thấy cái đuôi con bê cứ cà tưng cà tưng nên nó gai con mắt. Thẩm phán: Mấy con bò khác cái đuôi cũng cà tưng cà tưng răng chó ông không cắn? Ông Thức: Cái ni thì tui chịu. Hắn ưng cắn thì hắn cắn chớ tui có biểu hắn cắn mô.
Tòa đồng ý rằng ông Thức không bảo con chó của mình cắn đứt đuôi bò ông Khánh nhưng theo luật dân sự, khi vật nuôi gây ra thiệt hại cho người khác thì chủ vật nuôi phải có trách nhiệm bồi thường.
Theo thời giá ở địa phương, một chú bê giá 400.000-500.000 đồng. Quan niệm của người nuôi bò ở Trà My cũng rất rõ ràng: bò phải có đầu, có đuôi hoàn chỉnh. Việc con chó cắn đứt đuôi làm giảm hẳn giá trị của chú bê. Bò cụt đuôi rất khó bán, ngay đến những nơi giết mổ cũng ít khi chịu mua. Nếu còn đủ đuôi, cả bò mẹ và bò con bán có thể hơn 2 triệu đồng nhưng do bò con đứt đuôi nên ông Khánh chỉ bán được 1,8 triệu đồng. Việc ông Thức không chịu đền bù cho ông Khánh là thiếu thiện chí, thiếu trách nhiệm.
Tuy nhiên, tòa cũng nhận thấy chuyện chó cắn đứt đuôi bò là cái rủi của đôi bên nên mỗi bên cần chấp nhận một ít thiệt thòi để giữ cho tình làng nghĩa xóm được bền vững. Tòa buộc ông Thức phải bồi thường cho ông Khánh 175.000 đồng tiền giá trị chú bê giảm sút do đứt đuôi. Ngoài ra, ông Thức phải chịu 50.000 đồng tiền tạm ứng án phí.
_______________________
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Vụ án “chơi” con cọpKỳ 2:Rơchăm Sơn đi kiệnKỳ 3: Con rọ rạyKỳ 4: “Chuyện tình” xứ núi
_______________________
Cái nghĩa cái tình xóm núi vốn khắng khít, nồng ấm như ché rượu cần, thơm thảo như cây quế, cây hồi. Tuy nhiên, sự giản đơn, mộc mạc của tâm hồn đôi khi lại gây những trớ trêu đầy sóng gió...
Kỳ cuối: Tình nghĩa láng giềng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận