08/10/2010 06:30 GMT+7

Thầy thuốc, bệnh nhân và những sự cố - Kỳ 3: Vụ kiện con mắt!

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Ông Huỳnh Hữu Thông (50 tuổi, Hoa Kỳ) một ngày nọ về VN đi khám ở Bệnh viện Mắt Sài Gòn, 100 Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM. Triệu chứng của ông là cảm giác bị chói và hơi mờ mắt khi chơi quần vợt trên sân. Ngày 5-6-2009, bác sĩ chẩn đoán ông bị đục thủy tinh thể mắt phải và khuyên mổ phaco với giá 7,9 triệu đồng.

eIy6kbmf.jpgPhóng to
Luật sư (thứ hai từ trái qua) của Văn phòng luật sư người nghèo (Q.10, TP.HCM) tư vấn pháp luật việc khởi kiện cho người nhà và bệnh nhân bị mù mắt sau mổ phaco tại BV Mắt TP.HCM - Ảnh: THẾ KIỆT

Kỳ 1: Tai biến giữa đời Kỳ 2: Cái lý của bệnh viện

Mổ xong... tối mắt!

Bác sĩ bảo mổ chỉ vài phút là xong, đảm bảo 100%, bốn giờ sau mổ thuốc mê tan sẽ sáng mắt, ba ngày sau vết thương lành sẽ sáng hẳn. Ông đồng ý mổ và xuất viện về ngay trong ngày.

Ông Thông kể bốn tiếng sau ca mổ ông không thấy sáng mắt. Hôm sau ông gọi cho bác sĩ mổ thì được hẹn hai ngày sau tái khám. Ngày 8-6 bác sĩ khám mắt cho ông, kê toa thuốc và hẹn tuần sau tái khám. Thấy uống thuốc, nhỏ thuốc mà mắt vẫn khó chịu và không thấy gì, ông Thông đến Bệnh viện Mắt TP.HCM khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán ông bị loạn dưỡng giác mạc sau đặt thủy tinh thể nhân tạo và nói nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ bị mù vĩnh viễn.

Ông quay lại Bệnh viện Mắt Sài Gòn khám thêm hai lần. Toa thuốc ngày 20-6 ghi chẩn đoán “mắt phải: TD TASS/phaco” (theo dõi hội chứng ảnh hưởng phần trước sau mổ phaco - PV). Tiếp tục sử dụng thuốc nhưng mắt không cải thiện và đến ngày phải trở về Mỹ nên ông không thể ở lại VN. Trước khi lên máy bay bốn tiếng, ông ghé Bệnh viện Mắt Sài Gòn một lần nữa. Một bác sĩ khám và cho biết đại ý mắt của ông phải mất 3-6 tháng, thậm chí một năm mới hết.

Trở về Mỹ ông đã phải đến khám và điều trị ghép giác mạc tại Bệnh viện San Francisco General hết 50.000 USD. Biên bản phẫu thuật tại bệnh viện này ghi ông Thông được ghép giác mạc mắt phải. Chẩn đoán trước khi phẫu thuật cho thấy ông Thông bị phù giác mạc phải, màng tơ huyết dày bám chặt vào màng trong và mống mắt.

Biên bản phẫu thuật ghi ông Thông “có tiền sử phẫu thuật đục thủy tinh thể vào tháng 6-2009 ở VN. Sau đó mắt đã bị viêm nhiễm nghiêm trọng, có thể dẫn đến hội chứng ảnh hưởng phần trước và hỏng tế bào màng trong giác mạc có phù giác mạc nghiêm trọng...”.

Tháng 4-2010, ông Thông về VN và gửi đơn khiếu nại lên Sở Y tế TP.HCM yêu cầu bồi thường 85.000 USD, bao gồm 50.000 USD ghép giác mạc và 35.000 USD do mất thu nhập trong mười tháng điều trị, không đi làm được.

Ông Thông cho biết bệnh viện đã thoái thác trách nhiệm và thách ông thưa ra tòa, vì cho rằng trong y văn thế giới vẫn có những sai sót trong phẫu thuật mắt và do cơ địa của ông không phù hợp. Ông Thông bức xúc cho biết bệnh viện thiếu thiện chí và ông đã phải nhiều lần từ Mỹ về Sài Gòn chầu chực để được giải quyết bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa được.

Lỗi do... bệnh nhân (?!)

Ông Thái Thành Nam - giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn - nói: “Chúng tôi làm có sai đâu mà đền. Giỏi lắm chúng tôi chỉ hỗ trợ 1/10 là cùng, tức 8.500 USD với điều kiện không được kiện cáo, không được tung thông tin lên mọi nơi. Nhưng ông Thông không chịu và gửi đơn đến các báo thì bệnh viện không hỗ trợ nữa”.

Ông Nam nói quan điểm của mình: “Sau khi mổ, ông Thông chỉ tái khám 1-2 lần trong vòng tuần đầu rồi đi luôn. Việc ông Thông không tái khám theo chỉ định thì không thể khẳng định được mắt ông hư vì cái gì, mà hiện tại mắt ông Thông đâu có hư! Nếu nói mổ trong vòng một tuần đến 10 ngày mà bị mù là vô lý. Thà là anh điều trị ở đây một thời gian dài 5-6 tháng, bác sĩ kết luận mù thì mới được. Tôi hỏi hiện tại mắt anh có mờ không, có mù không, ông Thông bảo không. Tôi mới bảo nếu thế anh đừng có nói mắt anh mù, cho dù anh điều trị bên Mỹ hay ở đây. Nếu ông ở lại đây chúng tôi điều trị tiếp cho ông. Biết đâu không cần phải mổ, hoặc cũng có thể phải mổ, phải ghép giác mạc. Ông Thông chưa cho chúng tôi được làm hết quyền. Tự nhiên ông bỏ ông đi, bây giờ quay về đòi tiền...”.

Theo ông Nam, việc điều trị phải có sự hợp tác của hai bên, nếu bác sĩ sẵn sàng mà bệnh nhân không sẵn sàng thì kết quả điều trị không thể phán đoán được. Mọi chuyện tranh chấp không thể giải quyết được bằng con đường thương lượng thì chỉ còn ra tòa.

Ông Nam nói mổ mắt vẫn có thể gặp những tai biến, rủi ro, không bác sĩ nào cố tình làm cho bệnh nhân như vậy. Hơn nữa bệnh viện chỉ thu tiền mổ mắt chưa đến 8 triệu đồng thì bệnh nhân không thể đòi 85.000 USD được. Việc ông Thông đòi bồi thường 85.000 USD là “chuyện của họ”, và dù ở Mỹ hay Singapore cũng không có nơi nào ghép giác mạc lên đến 20.000 USD.

Ông Nam cũng khẳng định yêu cầu bồi thường mất thu nhập 35.000 USD do mắt bị hư cũng không hợp lý, vì thị lực mắt phải trước khi mổ của ông Thông là 1/10, mắt trái cũng 1/10. Nếu đeo kính lên được 2-3/10, với thị lực như vậy ở VN đã không được lái xe mà ở Mỹ thì yêu cầu còn cao hơn.

Sẽ kiện!

Do bệnh viện không bồi thường, ông Thông đã ủy quyền cho luật sư Phạm Công Út - giám đốc Công ty luật Phạm Nghiêm (TP.HCM) - đứng ra giải quyết vụ việc.

Luật sư Út cho biết khi ông làm việc với Bệnh viện Mắt Sài Gòn, phía bệnh viện nói: “Trước khi mổ anh đã ký cam kết không khiếu nại khi có tai biến xảy ra. Vậy anh đâu có quyền khiếu nại chúng tôi”. Ông Út nói bệnh viện dựa vào bản cam kết là không đúng, vì Luật khám chữa bệnh đã quy định giấy cam kết chỉ là cam kết đồng ý phẫu thuật. Nếu bệnh viện dựa vào cam kết đó để phủ nhận quyền khiếu nại của bệnh nhân là trái luật.

Lý luận mà phía luật sư đưa ra là: Nếu không có chuyện phẫu thuật mắt tại BV Mắt Sài Gòn thì không xảy ra chuyện giác mạc bị hỏng và phải ghép giác mạc ở Mỹ. Dù vậy, ông Út cũng động viên ông Thông nên thương lượng với bệnh viện nhưng ông Thông vẫn kiên quyết khởi kiện.

Theo luật sư Út, ông Thông đã chứng minh được số tiền điều trị 50.000 USD ở Mỹ và chứng minh được khi chưa mổ mắt phải ông làm tài xế taxi với thu nhập 40.000 USD/năm. Sau khi bị tai biến do phẫu thuật, thu nhập năm qua của ông Thông chỉ còn 7.500 USD. Đó là chưa kể thiệt hại sau này ông Thông phải chịu do không thể tiếp tục công việc lái xe. Luật sư Út khẳng định bản thân ông chỉ muốn thương lượng với bệnh viện hơn là kiện vì hai lý do: ông Thông nhanh chóng lấy được tiền về Mỹ trả nợ và bệnh viện cũng giữ được uy tín.

“Tuy nhiên, khi thương lượng không thành mà phải đưa nhau ra tòa thì chúng tôi đòi đầy đủ chứ không chỉ 85.000 USD” - luật sư Út khẳng định.

___________________

Ở một góc khác, trước lời đe dọa của người thân bệnh nhân sau ca tai biến, một bác sĩ giỏi đã thốt lên: “Nếu tôi chết mà người thân của ông sống lại, tôi cũng để cho ông giết!”.

Kỳ tới: Nỗi lòng thầy thuốc

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên