06/10/2010 07:07 GMT+7

Thầy thuốc, bệnh nhân và những sự cố - Kỳ 1: Tai biến giữa đời

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Chuyện gì xảy ra khi có tai biến y khoa dẫn đến chết người? Một phía là thân nhân người bệnh với dấu hỏi lớn: Vì sao người thân tôi chết? Phía khác là thầy thuốc với những lý do đầy tính chuyên môn hay những mệt mỏi hoặc tự dằn vặt mình: “Giá tôi chết thay được”...

Những câu chuyện để ngỏ về mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân trong sự cố y khoa...

XmrE3nXr.jpgPhóng to

Trong căn nhà trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM, bà Vũ Thị Thu Hà đau xót mở cho tôi xem những tấm ảnh chồng bà, ông H.V.T. (56 tuổi), đã mất cách đây nhiều tháng. Đó là hình ảnh ông T. hạnh phúc bên con trai vừa nhận bằng tốt nghiệp cử nhân tin học ở Úc.

Tại bệnh hay tại bác sĩ?

Được chẩn đoán bị bệnh viêm gan siêu vi C, ngày 28-6-2009 ông đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khám, được bác sĩ Đ.D.L.H. chỉ định chích và uống thuốc một năm. Khi điều trị, sức khỏe ông T. giảm sút rất nhanh theo thời gian chích thuốc - theo lời bà Hà. Mỗi lần tái khám, ông T. đều kể về tình trạng sức khỏe của mình cho bác sĩ H. với mong muốn bác sĩ có cách giúp nâng đỡ thể trạng.

Nhưng bác sĩ H. bảo đó là phản ứng bình thường, nếu ngưng thuốc sẽ mất tác dụng và bệnh càng trầm trọng hơn.

Sau năm tháng điều trị, ông T. luôn mệt mỏi, bứt rứt, tâm trí bất an, da nổi mẩn đỏ... Trong lần tái khám cuối năm 2009 ông tiếp tục than với bác sĩ về những diễn biến bất thường trong người.

Bà Hà nhớ lại lúc ấy chồng mình đứng ngay tại phòng khám run rẩy cởi áo cho bác sĩ xem những vết lở loét khắp người. Gần như khóc ông nói với bác sĩ không thể tiếp tục điều trị trong tình trạng suy sụp như vậy.

Lúc này bác sĩ H. mới giảm liều thuốc chích.

Ngày 13-1-2010, sau khi chích mũi thuốc của tháng thứ bảy, ông T. thấy khó chịu, lên cơn sốt, ói liên tục. Bà Hà đưa chồng đến một bệnh viện tư cấp cứu. Hai ngày sau ông T. vẫn không bớt, bà xin cho chồng xuất viện. Về nhà bà gọi cho bác sĩ H. và được khuyên đưa ông T. vào Bệnh viện Đại học Y dược TP cấp cứu...

Trưa 16-1, ông T. đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP nhưng tối cùng ngày bác sĩ cho về nhà. Thấy chồng quá yếu, bà Hà xin cho chồng ở lại điều trị nhưng bác sĩ vẫn bảo chưa cần thiết và cho thuốc về nhà uống ba ngày. Hai ngày sau ông T. tiếp tục sốt 40 độ C, nôn ói liên tục, ăn uống không được, có lúc người lịm đi. Bà Hà đưa chồng trở lại bệnh viện cấp cứu.

Sau khi làm các xét nghiệm, chụp X-quang phổi, bác sĩ cho ông T. về nhà cùng ba ngày thuốc và chẩn đoán phản ứng thuốc chữa viêm gan C.

“Tôi hoang mang, lo lắng cùng cực, không hiểu sao bác sĩ cứ bảo về, không cho nhập viện” - giọng bà khàn đặc vì khóc.

Một ngày uống thuốc trôi qua, sức khỏe ông vẫn xấu đi nghiêm trọng. Trưa 20-1, bà Hà lại tất tả đưa chồng đến một bệnh viện tư cấp cứu. 15g cùng ngày bác sĩ ở bệnh viện tư này nói ông bị nhiễm trùng huyết rất nặng và chuyển qua bệnh viện khác điều trị. Ngày 16-2, ông T. tử vong sau ba tuần điều trị với viện phí hơn 130 triệu đồng.

Lo tang ma cho chồng xong, ngày 24-3 bà Hà gửi đơn khiếu nại Bệnh viện Đại học Y dược TP với hai lý do: bác sĩ H. thiếu quan tâm đến người bệnh, khám bệnh qua loa, không có biện pháp nâng đỡ sức khỏe cho bệnh nhân; bác sĩ phòng cấp cứu thiếu trách nhiệm, chẩn đoán không đúng bệnh khiến ông T. chuyển nặng, không thể cứu chữa kịp dẫn đến tử vong.

Bà Hà còn yêu cầu bác sĩ H. phải bồi thường tiền chữa bệnh viêm gan C cho chồng hơn 100 triệu đồng. Bà Hà khẳng định chồng bà bị tác dụng phụ của thuốc hành hạ quá mức, sức đề kháng suy giảm, mất kiểm soát nhưng bác sĩ cứ kêu chích hoài và điều này đã gián tiếp làm chồng bà chết.

hsij8UEL.jpgPhóng to

Bà Nguyễn Thị Hà được chồng chăm sóc tại bệnh viện - Ảnh: Thanh Hà

Tai biến sau lần mổ

Trong một phòng bệnh, tiếp tôi người phụ nữ òa lên khóc: “Em muốn... Em muốn đi... mà... mà không... không đi... được!”. Bà thốt ra từng tiếng chậm rãi, ngọng nghịu. Bà tên Nguyễn Thị Hà (55 tuổi, Q.1, TP.HCM), còn chồng là ông Lê Tấn Ngọc.

Theo ông Ngọc, ngày 18-7-2009 vợ ông nhập viện tại khoa nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP. Tại đây vợ ông được chẩn đoán bị rò động mạch cảnh xoang hang. Bác sĩ thông báo gia đình có đủ khả năng thì chuẩn bị 30 triệu đồng để điều trị can thiệp mạch máu não sẽ khỏi bệnh. Chiều 27-7, bà Hà được đưa vào phòng thủ thuật nhưng nửa giờ sau bác sĩ ra báo phải đóng thêm 20 triệu đồng.

Do người nhà chưa liên lạc được với ông Ngọc (đang đi làm) bác sĩ đã ngưng ca thủ thuật bảo chờ hôm sau đóng tiền sẽ làm tiếp.

Ngày 28-7 ông Ngọc đóng tiền, chiều cùng ngày bà Hà được đưa vào phòng thủ thuật lần hai. Tuy nhiên, khoảng hai giờ sau bác sĩ lại báo gia đình phải lo thêm 30 triệu đồng nữa để thực hiện tiếp thủ thuật. Gia đình ông Ngọc tiếp tục chạy tiền để đóng viện phí. Sau bốn giờ thủ thuật vợ ông Ngọc được chuyển ra ngoài.

Ngày 29-7, bà Hà đột nhiên bị sốt nhưng bác sĩ làm thủ thuật đi công tác nên bà Hà phải chờ mấy hôm sau bác sĩ về mới kiểm tra lại. Kể từ đó bà Hà không ngồi dậy được, tay chân sưng phù, không thể tự ăn uống, tiêu tiểu phải có người giúp, nửa người bên phải bị liệt. Ngày 7-8, bệnh viện cho bà Hà xuất viện với viện phí hơn 95,7 triệu đồng.

Theo hướng dẫn của bác sĩ, bà Hà được người nhà tập vật lý trị liệu mỗi ngày nhưng sức khỏe diễn tiến xấu đi. Ngày 24-8, ông Ngọc đưa vợ đến bệnh viện cấp cứu vì khó thở và yếu liệt nửa người. Bệnh viện cho chụp MRI, xét nghiệm..., tiến hành hội chẩn. Từ đó đến nay bà Hà vẫn ở bệnh viện điều trị.

Ông Ngọc cho biết đã phải mượn nợ hàng trăm triệu đồng để trị bệnh cho vợ với hi vọng khỏi bệnh vợ chồng sẽ cố cùng nhau làm việc trả nợ, nào ngờ... Một năm nay, cứ sáng sớm ông dậy giúp vợ làm vệ sinh, cho ăn uống rồi đi làm. Lúc vắng chồng, muốn đi vệ sinh bà phải nhờ những người xung quanh giúp đỡ. Chiều ông trở vô bệnh viện và ở lại cho đến sáng hôm sau để chăm sóc vợ.

Theo ông Ngọc, vợ chồng ông không có nhà cửa, con cái mà đi theo các công trường để ở và làm việc. Vợ ông nấu cơm, bán căngtin phục vụ công nhân, mỗi tháng thu nhập 7-8 triệu đồng.

“Sau một năm chữa trị ở bệnh viện, vợ tôi từ người đi lại bình thường trở thành yếu liệt khó có khả năng phục hồi...” - ông Ngọc than thở.

Ngày 9-8-2010, ông Ngọc gửi đơn yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại. Ông Ngọc nói dù các chi phí điều trị từ ngày 24-8-2009 đến nay bệnh viện chưa thu nhưng ông thấy việc hỗ trợ trên chưa thỏa đáng. Ông Ngọc yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại cho vợ ông số tiền 227,7 triệu đồng.

---------------------------------------------

Ở một phía khác, bệnh viện bảo đã làm hết trách nhiệm và không sai sót về y học. Họ sẽ chấp nhận ra tòa vì... quá mệt mỏi với khiếu nại của bệnh nhân.

Kỳ tới: Cái lý của bệnh viện

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên