07/10/2010 07:02 GMT+7

Thầy thuốc, bệnh nhân và những sự cố - Kỳ 2: Cái lý của bệnh viện

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - “Bệnh viện đã quá mệt mỏi vì kiện tụng” - ông Nguyễn Hoàng Bắc, phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, lắc đầu mệt mỏi khi trả lời về những vụ khiếu nại kéo dài của gia đình ông T. và bà Hà (bài “Tai biến giữa đời” - kỳ 1).

CYSW08Xe.jpgPhóng to
Bệnh nhân Vương Thị Hà sống đời thực vật trong sự chăm sóc của người thân - Ảnh: L.TH.H.

“Bác sĩ đã làm đúng!”

Về cái chết của ông H.V.T., Bệnh viện Đại học Y dược TP nói ông T. được bác sĩ Đ.D.L.H. chẩn đoán viêm gan siêu vi C mãn tính (xơ gan độ 2), có tăng men gan, chỉ định chích thuốc Pegasys một năm là đúng. Sau một tháng điều trị men gan đã ổn, xét nghiệm Anti HCV âm tính. Bác sĩ H. đã chẩn đoán và điều trị đúng, liều lượng chính xác. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị có tác dụng phụ của thuốc là giảm bạch cầu và bác sĩ H. đã điều chỉnh giảm liều cho phù hợp.

Theo bệnh viện, tác dụng phụ gây sốt của thuốc thường chỉ xảy ra ở tháng đầu tiên điều trị, còn ông T. đến tháng thứ bảy của liệu trình điều trị mới bị sốt. Do đó nguyên nhân gây sốt không phải do tác dụng phụ của thuốc. Trong quá trình điều trị có tác dụng phụ là giảm bạch cầu nên bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng cơ hội. Khi vào cấp cứu, ông T. chỉ có dấu hiệu sốt cao và rối loạn tiêu hóa, không thấy triệu chứng và hình ảnh của viêm phổi hay nhiễm trùng huyết.

Sáng 4-11-2009, chị Vương Thị Hà (28 tuổi, Q.8, TP.HCM) được bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM mổ nội soi cắt u tuyến thượng thận trái. Đến 21g30 cùng ngày, chị được đưa ra phòng hậu phẫu trong tình trạng tỉnh táo, nói chuyện được với người nhà vào thăm.

Đến 23g đột nhiên chị Hà kêu đau bụng và cơn đau tăng theo thời gian. Người nhà đi hỏi thì y tá trực bảo đau do vết mổ nên không gọi bác sĩ kiểm tra hay xử trí gì. Đến 4g30 ngày 5-11 bác sĩ mới kêu gia đình vào ký giấy để gắn máy giúp thở do chị Hà thở không nổi. Hơn một giờ sau, bác sĩ tiếp tục kêu người nhà vào ký giấy mổ. Một điều dưỡng nói chị Hà bị vỡ động mạch nên máu tràn vào ổ bụng phải mổ cấp cứu. Sau ca mổ đó chị Hà sống đời thực vật. Theo người nhà bệnh nhân, từ lúc chị Hà có triệu chứng đau bụng đến khi được phẫu thuật lần hai là bảy giờ. Họ cho rằng nếu ngay khi thấy chị Hà kêu đau bụng, bác sĩ kiểm tra và phát hiện chảy máu hẳn sự việc đã khác đi.

Theo ông Hoàng Bắc - phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, đây là tai biến y khoa ngoài mong muốn, không phải do tay nghề bác sĩ non kém. Bệnh nhân bị bại não là hậu quả của việc mất máu chứ không phải do tai biến gây mê như người nhà khiếu nại. Lúc đầu bệnh nhân chỉ bị chảy máu ít nhưng sau đó bất ngờ ộc ra nhiều hơn, bệnh nhân đã được xử lý mổ cầm máu sau đó khoảng hai giờ.

Bệnh án của bệnh viện tư đã cấp cứu và chuyển viện cho ông T. trong ngày 20-1 chỉ chẩn đoán là sốt chưa rõ nguyên nhân trên bệnh nhân viêm gan siêu vi C đang điều trị. Khi đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP cùng ngày, bệnh nhân sốt 39,5oC và tại đây cấy máu mới biết ông T. bị nhiễm trùng máu.

Bệnh viện khẳng định: “Nguyên nhân tử vong khi bệnh diễn tiến nặng nhiều khả năng là do tình trạng nhiễm trùng huyết xảy ra trên bệnh nhân lớn tuổi, sức đề kháng kém do bệnh viêm gan C. Tình trạng viêm phổi có thể là thứ phát sau nhiễm trùng huyết”.

Liệt do bệnh khác

Còn trường hợp ông Lê Tấn Ngọc khiếu nại về tai biến của người vợ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM có văn bản trả lời bà Nguyễn Thị Hà nhập viện ngày 21-7-2009 với nguyên nhân mắt mờ đỏ, lồi nhẹ mắt phải vì rò động mạch cảnh xoang hang. Ngoài ra, bà Hà có tiền căn tăng huyết áp hơn một năm và uống thuốc không đều, đã mổ thoát vị đĩa đệm năm 2005, bị viêm chảy mủ tai trái.

Ngày 27-7 bà Hà được tiến hành can thiệp mạch máu não bằng biện pháp thả coils (lò xo) xoang hang qua đường tĩnh mạch, bơm keo bít tắc đường rò... Sau khi can thiệp thủ thuật, bệnh nhân ăn uống kém, mất ngủ, huyết áp cao dao động, mắt đỏ, lồi nhiều hơn. Ngày 31-7, bà Hà xuất hiện yếu nửa người phải, huyết áp cao dao động, phù nhẹ toàn thân, được chẩn đoán theo dõi nhồi máu não, hạ albumin máu, tăng huyết áp.

Bệnh nhân được điều trị tạm ổn và xuất viện ngày 7-8. Hơn nửa tháng sau bà Hà phải nhập viện trở lại vì khó thở, yếu liệt nửa người phải...

Theo bệnh viện, kết quả chụp mạch máu xóa nền phát hiện bà Hà có nhiều lỗ rò mạch máu màng não hai bên. Việc can thiệp gây tắc các lỗ rò rất phức tạp và tốn kém. Sau khi có đơn khiếu nại, bác sĩ trực tiếp làm thủ thuật đã giải thích thêm để bà Hà, ông Ngọc hiểu và thông cảm phần nào. Quá trình tiến hành thủ thuật, bác sĩ có gặp em dâu bà Hà và ông Ngọc để giải thích về bệnh lý và chi phí điều trị. Tuy nhiên, có thể việc giải thích chưa thấu đáo, chưa lường hết được sự phức tạp tình trạng bệnh lý của bà Hà cũng như mức độ tốn kém, nên khi can thiệp thủ thuật đã phát sinh các chi phí mà bác sĩ không tiên lượng được.

Bệnh viện cũng khẳng định các bệnh lý kết hợp của bà Hà như yếu nửa người phải và hội chứng thận hư là những bệnh đi kèm, xảy ra trùng lắp với bệnh chính là rò động mạch cảnh xoang hang. Vì vậy, bệnh viện đã chỉ đạo tất cả chi phí phát sinh trong đợt điều trị từ ngày 24-8-2009 đến nay gần 260 triệu đồng chưa thu để chia sẻ bớt khó khăn với gia đình bà Hà.

Ông Ngọc không đồng tình với trả lời này, tiếp tục gửi đơn khiếu nại. Ngày 25-11-2009, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM có trả lời việc chỉ định chụp mạch máu xóa nền cùng quá trình chẩn đoán và điều trị cho bà Hà là đúng quy chế chuyên môn. Chi phí điều trị cho bà Hà tăng là do diễn biến bệnh lý phức tạp, phải can thiệp thủ thuật mạch máu não với số lượng thả năm coils và bơm keo - là các loại vật tư y tế ngoại nhập rất đắt tiền, bác sĩ thực hiện thủ thuật đã giải thích và được bệnh nhân, thân nhân cam kết đồng ý thực hiện.

Tình trạng liệt nửa người là do tổn thương nhồi máu não tăng thêm, biến chứng tăng huyết áp dao động, không phải do tác động của can thiệp mạch máu não. Việc điều trị can thiệp mạch máu não đạt kết quả tốt, không xảy ra tai biến về kỹ thuật trong và sau khi can thiệp.

Ông Hoàng Bắc cũng khẳng định sức khỏe bà Nguyễn Thị Hà hiện nay gần như bình phục hoàn toàn, chỉ còn hơi yếu cơ, về nhà điều trị ngoại trú là được nhưng bệnh nhân nhất định không ra viện mà bảo “khi nào đi lại được bình thường mới về”. Theo ông Bắc, bệnh nhân bị nhồi máu não có khi phải mất nhiều năm mới hồi phục yếu liệt, thậm chí không hồi phục được nhưng bệnh nhân vẫn không chịu xuất viện.

Ông Bắc nói: “Nếu bà hiểu rằng việc chưa đi được là do tai biến của bệnh nhồi máu não gây ra thì bà sẽ không bức xúc. Bệnh viện đã chia sẻ, giải thích hết nhưng bệnh nhân vẫn không chịu hiểu và chăm chăm cho là do biến chứng khi làm thủ thuật và oán trách bác sĩ!”. Ông Bắc kết luận: “Bệnh viện cũng thật sự bế tắc, nếu gia đình các bệnh nhân kiện ra tòa, bệnh viện đành chờ tòa phân xử”.

______________

Một Việt kiều từ Mỹ về VN mổ mắt và bị tai biến. Sau khi về Mỹ ghép giác mạc, ông trở lại yêu cầu bồi thường 85.000 USD...

Kỳ tới: Vụ kiện con mắt

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên