Tôi đến gần làm quen. Bà thật cởi mở khi giới thiệu mình tên Cynthia, 62 tuổi, ở Florida nhưng lái xe về Washington DC thăm con gái và cháu ngoại. Tôi tò mò hỏi bà xem gì thì bà Cynthia trả lời: “Đọc báo”. Vâng, bà đang xem New York Times bằng sách điện tử Amazon Kindle.
Phóng to |
Kỳ 2: Uy tín là vấn đề sống còn Kỳ 1: Cái chết của Chauncey Bailey Kỳ 3: Vua cũng khóc!
Rẻ và tiện
Amazon Kindle xuất hiện vào năm 2007. Hai năm sau nó ra phiên bản thứ hai với màn hình 6 inch và mới nhất cách đây khoảng một tháng đã xuất hiện đời thứ ba có màn hình rộng đến 9,7 inch. Đời thứ ba hiện đại hơn, lớn hơn nhưng lại nặng (khoảng 500gam) gấp đôi đời thứ hai, vì vậy người tiêu dùng vẫn kết đời cũ hơn.
Bà Cynthia vừa giơ chiếc Amazon Kindle loại màn hình 6 inch lên vừa ca: "Nó chứa được 1.000 cuốn sách trong này. Tôi cũng thuê bao tờ New York Times để đọc với giá 13,99 USD/tháng, trong khi nếu mua báo giấy mỗi tháng tôi phải tốn khoảng 60 USD. Nó rất nhỏ gọn, nhẹ nhàng như một cuốn tập, trong khi một tờ New York Times vừa dày vừa nặng, đọc phải trải rộng ra rất bất tiện. Lên xe buýt, xuống tàu điện tôi đều có thể đọc sách, đọc báo bằng Amazon Kindle chứ không thể đọc báo in bình thường”.
Vâng, Amazon Kindle hiện nay khá phổ biến ở Mỹ (hơn Sony Reader, Nook...). Trên xe buýt, dưới tàu điện ngầm, trong sảnh chờ lên máy bay, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh mỗi người cầm một “cuốn” Amazon Kindle nghiền ngẫm. Matthew Reiss ở tờ New York Times cho rằng Kindle sẽ là “nhân vật” thay thế báo in trong tương lai không xa. Anh xin lỗi vì không thể cung cấp số lượng độc giả thuê bao đọc báo bằng thiết bị này (dưới dạng PDF) vì đó là bí mật của báo, nhưng thừa nhận loại hình này chiếm một số lượng đáng kể và đang phát triển mạnh.
Không ít người làm công việc nghiên cứu báo chí đã cho rằng Amazon Kindle là một cơn bão đang lớn dần, và chẳng bao lâu nữa sẽ đưa báo giấy vào bảo tàng báo chí!
Xung quanh chuyện báo giấy có bị khai tử hay không là một đề tài đang gây tranh cãi ngay trong giới nghiên cứu báo chí của các trường ĐH ở Mỹ.
Ông Ernest R. Sotomayor, trợ lý chủ nhiệm khoa báo chí Trường ĐH Columbia, cho biết đã có những cuộc thăm dò về chuyện này nhưng không phải ai cũng chấp nhận Amazon Kindle. Một lượng độc giả không nhỏ cho rằng việc đọc sách, đọc báo giấy mang lại cho con người một cảm giác ấm áp hơn. Đặc biệt với báo, đâu chỉ đọc chữ để nắm thông tin mà còn xem hình ảnh.
Hiện tại, Amazon Kindle chỉ mới chia thị phần với báo in, chưa thể đánh bạt báo in. Chỉ trừ khi nó mỏng và khổ to như một tờ báo, có thể gấp làm ba làm tư, ném bừa trên xe hơi như một tờ báo... thì khi ấy báo in đến lúc cáo chung.
Amazon Kindle còn mờ nhạt tại Việt Nam
Đầu tháng 4-2010, Amazon Kindle đời thứ ba đã xuất hiện tại Việt Nam và được bán với giá 630 USD/chiếc, còn loại màn hình 6 inch có giá 350 USD/chiếc. So với ở Mỹ, giá này cao hơn 120 USD đối với loại 6 inch, và 230 USD đối với loại 9,7 inch.
Thông tin từ tiệm sách USA Book tại TP.HCM, nơi nhập thiết bị này vào thị trường Việt Nam, cho biết những người mua Amazon Kindle chủ yếu trong lứa tuổi 25-40, có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá. Tuy nhiên, lượng người mua còn khá ít, chưa thể gọi là “bán chạy” và chỉ mới dùng để đọc sách, chủ yếu là giới bác sĩ, vì các tài liệu y khoa mua qua thư viện điện tử rẻ hơn rất nhiều so với sách in.
Amazon bán được 3 triệu chiếc Kindle? Hãng Amazon không công bố con số sản phẩm Kindle được bán ra, nhưng trên trang TechCrunch, người ta cho biết một thông tin đáng tin cậy là hãng này đã bán được 3 triệu chiếc Amazon Kindle đời thứ hai, tính đến cuối năm 2009, và thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Mỹ. |
Vì vậy, báo in tại Việt Nam, theo dự báo của những người làm báo (còn cảm tính) sẽ chưa bị uy hiếp bởi Amazon Kindle, khi nó chỉ mới xuất hiện một cách mờ nhạt chứ chưa mạnh lên như một “cơn bão” trong làng báo Mỹ.
Nếu chục năm trước, một tờ tin nhanh World Cup dễ dàng lên đến con số trăm ngàn bản/ngày thì hiện nay có nằm mơ cũng không thấy! Thậm chí với những tờ thể thao thường ngày, từ con số xấp xỉ trăm ngàn tờ/kỳ nay chỉ còn chục ngàn, thậm chí dưới nữa là chuyện bình thường. Giải thích chuyện này, tổng biên tập một tờ báo thể thao nói: ”Đối tượng đọc thể thao phần lớn là giới trẻ. Mà giới trẻ ngày nay thì kè kè chiếc laptop bên mình, ngồi bất cứ quán cà phê nào cũng nắm rõ thể thao thế giới trong lòng bàn tay thì báo giấy ngấc ngư là phải”.
Chuyện của làng báo thể thao cũng là một lời cảnh báo chung cho báo giấy vậy...
Vẫn say với nghề...
Có một điều thú vị là làng báo Mỹ rất ảm đạm nhưng các khoa đào tạo người làm báo vẫn nóng như không có gì xảy ra. Tại Trường ĐH Columbia, ở đợt tuyển sinh mới nhất hồi năm 2009 vẫn có đến 14.000 đơn xin học, nhưng chỉ xét tuyển chọn 300 sinh viên. Và chi phí học không rẻ chút nào: 45.000 USD/năm! Hay ở Trường ĐH Berkeley, mỗi năm chỉ nhận 115 sinh viên theo học khóa đào tạo thạc sĩ ngành báo chí, nhưng số đơn xin vào lên đến con số ngàn và học phí cũng lên đến 40.000 USD/năm.
Báo chí đang đối diện với đầy rẫy khó khăn, người thất nghiệp tràn lan, vậy sao các bạn vẫn chọn nghề này? Liên Hoàng, một cô gái Mỹ gốc Việt, đang là sinh viên khoa báo chí ĐH Columbia, trả lời bằng giọng Huế chính gốc:”Em mê nghề này. Có thể nó đang khó khăn nhưng chắc chắn sẽ tồn tại mãi mãi”.
Kết thúc loạt bài này, tôi xin kể câu chuyện của nhà báo Bob Butler, một trong những người đeo bám đến cùng cái chết của Chauncey Bailey.
Bob tâm sự như ông hiện nay không thể sống đủ bằng nghề báo. Nguồn thu nhập chính của Bob là tiệm bán linh kiện âm thanh. Bi kịch của đa số nhà báo Mỹ hiện nay nằm ở chỗ đó - không sống được bằng nghề chính. Nhưng Bob khẳng định: ”Nghề báo là lý tưởng sống của tôi. Tôi đeo đuổi nó đến cuối đời vì mục tiêu tranh đấu vì sự công bằng trong xã hội, vì quyền lợi cuộc sống của người dân”.
____________________
Phận “lính thợ” giữa đêm dài nước Pháp
Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khoảng 20.000 người Việt bị đưa sang Pháp trong vai trò “lính thợ”. Điều gì đã diễn ra với những người Việt khốn cùng trong những năm tháng tăm tối ấy?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận