21/06/2010 05:00 GMT+7

Báo chí Mỹ thời khủng hoảng - Kỳ 3: Vua cũng khóc!

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Nói đến báo chí Mỹ là phải nhắc đến hai cái tên: New York Times (NYT) và Washington Post. Trong lý lịch nghề nghiệp của các nhà báo, nếu ai từng có thời gian làm phóng viên cho hai tờ báo này cũng đều ưỡn ngực hãnh diện khi giới thiệu về mình: tôi từng là phóng viên của NYT hoặc Washington Post.

Vậy mà, hai ông vua của làng báo Mỹ, thậm chí cả thế giới, cũng phải khóc than...

ZHdKSCXz.jpgPhóng to
Từ Duy Linh: ”Trường ĐH nào cũng nghiên cứu về tương lai báo chí nhưng chưa có dự báo nào đưa ra”

NYT ở thuê trong nhà của mình!

Ngày 15-8-2010, NYT sẽ tròn 149 tuổi! Đây là một trong những tờ báo giàu truyền thống nhất nước Mỹ với biệt danh “Tờ báo của những kỷ lục”. Với ba giải Pulitzer nhận được trong năm 2010, tổng cộng NYT đã có 101 giải Pulitzer, một con số thể hiện sức mạnh tuyệt đối của tờ báo này.

Vào thời điểm thịnh vượng NYT có số lượng phát hành mỗi ngày trên 1,1 triệu bản; riêng số ngày chủ nhật trên 1,6 triệu. Ngoài trụ sở chính tại New York, NYT có 11 văn phòng trên toàn nước Mỹ và 26 văn phòng ở nước ngoài. NYT không chỉ phát hành trong nước Mỹ mà còn được phát hành ở một số quốc gia lớn tại châu Âu.

Tập đoàn New York Times không chỉ có mỗi NYT mà còn xuất bản sách, sở hữu một đài phát thanh và một số tờ báo khác như The Boston Globe, International Herald Tribune...Thậm chí tập đoàn này còn sở hữu cả đội bóng bầu dục khét tiếng Boston. Năm 2007, NYT đã khánh thành tòa cao ốc 54 tầng tọa lạc ở số 620 đại lộ 8, Manhattan, New York.

Nhưng đó là chuyện của quá khứ vàng son. Còn bây giờ? Chính người phụ trách đối ngoại thú nhận với chúng tôi: 26 văn phòng ở nước ngoài nay chỉ còn 19 và chưa biết có giữ được con số đó trong năm tới hay không. Đài phát thanh đã bán và đội Boston cũng đang được rao bán. Số lượng phát hành mỗi ngày của NYT nay chỉ còn khoảng 700.000 bản...

Đau nhất là tòa cao ốc hoành tráng 54 tầng, như một biểu tượng của sự phát triển NYT, ngay sau khi khánh thành đã phải bán để lấy tiền trả nợ! Hiện tại NYT đang phải co lại hết mức để gói gọn trong bốn tầng thuê lại của tòa cao ốc do chính mình xây nên!

Còn Washington Post tuy không phát hành rộng khắp như NYT, nhưng là tờ báo hàng đầu về việc khai thác thông tin liên quan đến Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ. Số lượng phát hành cao nhất của Washington Post là 715.000 tờ/ngày vào năm 2005 và tờ chủ nhật tròm trèm con số 1 triệu. Washington Post tại giải Pulitzer năm nay đã đứng đầu với bốn giải.

Nhưng, Washington Post của hôm nay chỉ còn khoảng 500.000 bản và Jackson, cây bút bình luận kỳ cựu đã có 21 năm thâm niên ở báo này, thú nhận:”Chúng tôi phải sắp xếp lại và cho nghỉ việc hơn 200 người”.

Hai ông vua của làng báo Mỹ còn như thế thì các tờ báo địa phương khác khỏi phải nói cũng biết họ phải vất vả như thế nào.

atzWDGAz.jpgPhóng to

Những thùng bán báo tự động vắng người mua trên đường phố San Francisco - Ảnh: H.T.

Quảng cáo đâu? Quảng cáo đâu?

Matthew Reiss, một trong những nhân vật phụ trách khai thác thị trường của lĩnh vực báo online ở NYT, giải thích về sự nguy khốn của làng báo in nước Mỹ: “Tại Mỹ, Internet bắt đầu phát triển cực mạnh vào đầu thập niên 1990. Và đó cũng là thời điểm báo in bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số lượng báo cứ rớt xuống từng ngày. Đơn giản bởi báo in không thể nhanh bằng online. Rồi ưu thế của báo giấy là những bài bình luận, điều tra cũng dần giảm sút khi blog ra đời. Song quan trọng nhất là cứ vào cuộc họp đầu ngày lúc 10g30 sáng, chủ bút cứ phải liên tục kêu lên “Quảng cáo đâu? Quảng cáo đâu?” khi số trang quảng cáo cứ vơi dần. Tại sao thế? Các bạn hãy nhìn người Mỹ hiện nay, khi muốn mua sắm một món đồ gì họ sẽ tìm hiểu qua kênh thông tin nào? Trên báo giấy, món hàng quảng cáo chỉ là một sản phẩm chết. Trong khi đó, trên mạng nó được người tiêu dùng chấm điểm, chia sẻ kinh nghiệm, được tham khảo hệ thống các cửa hàng bán sản phẩm đó... Chả trách sao các doanh nghiệp xa rời báo in”.

Căn bệnh của Washington Post cũng chẳng khác nào báo in. Ông Jackson Diehl cho biết: ”Trước đây nguồn thu lớn nhất của chúng tôi là rao vặt. Nay nó gần như không còn cũng bởi Internet”.

Nhưng Washington Post không nhìn vấn đề phát triển khủng khiếp của báo mạng một cách quá bi quan.

Ông Jackson cho rằng “sự phát triển mạnh mẽ của Internet cũng giúp chúng tôi quảng bá thương hiệu tốt hơn, vì trước đây Washington Post đâu có mặt trên khắp nước Mỹ, nhưng nay nhờ online cả thế giới biết đến Washington Post. Vì vậy, vấn đề là phải làm sao tận dụng ưu thế này”.

Trở thành giáo sư báo chí nhờ giỏi online!

Trong chuyến đi tìm hiểu báo chí Mỹ thời khủng hoảng theo lời mời của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chúng tôi còn được đến với các trường đại học nổi tiếng về đào tạo người làm báo như George Washington, Columbia, Berkeley...

Tại Trường ĐH Colombia, nơi có khoa đào tạo báo chí hàng đầu thế giới, chúng tôi may mắn gặp Từ Duy Linh, một trợ lý giáo sư còn rất trẻ, chỉ mới 32 tuổi, giảng dạy bộ môn new media (báo chí mới).

Khi ông trưởng khoa báo chí ĐH Columbia giới thiệu Linh với vẻ trân trọng, thấy mọi người tỏ vẻ bất ngờ về chuyện tuổi tác, Linh cười:”May mắn thôi các anh. Tôi không giỏi về báo chí mà chỉ giỏi về chuyện online nên mới được giao trợ giảng cho một giáo sư phụ trách bộ môn new media, một bộ môn chỉ mới có vài năm gần đây tại ĐH Columbia”.

Linh tâm sự: ”Người Mỹ thường làm việc rất khoa học, luôn nghiên cứu đón đầu các xu hướng phát triển ở mọi lĩnh vực. Vậy mà riêng chuyện báo chí người Mỹ đã tỏ ra lúng túng. Hiện tại, tất cả các trường ĐH có khoa báo chí đều lao vào nghiên cứu báo chí mới, hay nói cho dễ hiểu là các loại hình báo chí trên mạng. Sở dĩ người ta lúng túng là vì không hiểu tương lai sẽ như thế nào, phát triển tới đâu. Ví dụ như ban đầu khi các báo có online, không ai nghĩ lại xuất hiện blog (nhật ký điện tử cá nhân), rồi nâng lên facebook (mạng xã hội) và bây giờ là twitter (mạng xã hội nhắn tin, ít ký tự hơn, lan truyền nhanh hơn). Giờ đây xem thông tin đâu chỉ có báo, đài như ngày xưa, thậm chí online cũng là chuyện đã cũ. Có vô số sự kiện người ta theo dõi qua facebook, twitter nhanh hơn nhiều và đầy đủ hơn nhiều. Nhưng liệu nó đã dừng lại đây? Đó là vấn đề của bộ môn báo chí mới mà chúng tôi nghiên cứu. Nhưng cho đến hiện nay cũng chưa ai có được câu trả lời...”.

Sự lúng túng có thể thấy rõ nhất ở quyết định của NYT: từ 1-1-2011 sẽ thu tiền người đọc NYT online! Năm 1995, NYT từng thu tiền người đọc online, nhưng sau đó thất bại khi từ 13 triệu lượt người đọc/ngày rớt xuống còn 8 triệu! Liệu kỳ này có được người đọc chấp nhận? Matthew Reiss lắc đầu: ”Cứ làm thôi chứ chưa biết thế nào”!

____________

Lên máy bay, xuống tàu hỏa, vào xe buýt... đâu đâu cũng thấy Amazon Kindle. Liệu bao giờ “bão Kindle” tấn công báo giấy VN?

Kỳ tới: “Bão Kindle” có đến Việt Nam?

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên