Mục tiêu của họ đặt ra cho CIR là chuyên đi thực hiện những đề tài điều tra thật khó khăn, thật độc đáo trong mọi lĩnh vực, từ thế giới ngầm, lĩnh vực giải trí và đương nhiên là cả “soi” chính phủ để bán lại cho các tờ báo.
Phóng to |
Robert Rosenthal “khoe” bản kẽm New York Times về vụ Watergate, được lưu giữ làm kỷ niệm gần 40 năm nay - Ảnh: H.T. |
Kỳ 1: Cái chết của Chauncey Bailey
Rớt hạng vì đánh mất sự độc lập
Nhưng ý tưởng thì hay song đi vào thực tế mới thấy đầy những khó khăn. Thời điểm đó là lúc báo chí Mỹ cực thịnh. Các báo đều giàu có, đủ lực để thực hiện các đề tài điều tra riêng cho mình. Các sản phẩm của CIR đưa ra thường đều quá cao giá, không có lợi về mặt kinh tế cho các báo. Vì vậy, CIR tồn tại lây lất, mờ nhạt trong làng báo chí Mỹ.
Phải đến khi báo chí Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng thì CIR mới có cơ hội phát triển. Tại sao như vậy?
Giáo sư Steven Billet của Trường ĐH George Washington cho biết theo một điều tra mới nhất của trường này, báo chí Mỹ đã rơi xuống hạng 12 thế giới, nhường ngôi quán quân lại cho báo chí các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển...Dĩ nhiên, nói về vị trí số một của một tờ báo cụ thể thì New York Times vẫn còn đứng đầu, nhưng đây là đánh giá chung về cả làng báo.
Giải thích nguyên nhân, GS Steven Billet nói: ”Sự xuống dốc của báo chí Mỹ không phải do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế năm 1997 tại châu Á hay toàn cầu mới đây, mà chính là vì sự phát triển của Internet tại Mỹ quá nhanh. Số lượng trang quảng cáo trên các tờ báo in sụt giảm nghiêm trọng, dẫn đến việc các tờ báo bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế. Và một khi kinh tế sút giảm, rất nhiều tờ báo tại Mỹ đã không còn giữ được tính độc lập của mình. Họ sẵn sàng làm vui lòng tất cả những ai chịu mở hầu bao, dĩ nhiên trong đó có rất nhiều thế lực mà trước đây chính là đối tượng để báo chí săm soi. Một khi không giữ được tính độc lập, báo chí Mỹ đã tự đánh mất mình”.
Trong bối cảnh đầy bi đát đó, Roberts J. Rosenthal đã tìm được con đường đi cho CIR, hiện nay vốn được xem như một niềm hi vọng của báo chí Mỹ.
Từ Watergate đến CIR
Làm báo kiểu mới Quá trình điều tra vụ án Chauncey Bailey đã được Trường đại học California - Berkeley (một trong những trường có khoa báo chí mạnh của Mỹ) đưa vào chương trình giảng dạy. Người ta xem vụ này như một điển hình cho một kiểu làm mới trong làng báo Mỹ, khi nó không phải do cụ thể một tờ báo nào thực hiện mà do CIR đóng vai trò chính, phối hợp với các báo. |
Trong khoảng thời gian từ năm 1972-1974, báo chí Mỹ đã có một vụ gây chấn động thế giới, đó là scandal Watergate. Tờ báo khai mào cho scandal dẫn đến việc Tổng thống Nixon phải từ chức là Washington Post, còn New York Times dù vào cuộc chậm hơn nhưng cũng góp sức đáng kể. Robert J. Rosenthal năm 1972 vừa tròn 22 tuổi và là một trong những biên tập viên nằm trong êkip khai thác vụ Watergate của New York Times.
Ông kể: ”Nhóm chúng tôi luôn phải làm việc trong một căn phòng bí mật để nghiên cứu, khai thác những tài liệu lấy được từ FBI, Bộ Quốc phòng Mỹ. Đó là một vụ tuyệt vời của báo chí Mỹ và cũng là kỷ niệm, vinh dự khó quên trong cuộc đời làm báo của tôi”.
Sau ba năm rưỡi làm cho New York Times, Robert chuyển sang làm cho tờ Boston Globe, rồi Philadelphia Inquirer, San Francisco Chronicle và đầu năm 2008 chuyển về làm giám đốc điều hành cho CIR. Trong đó, thời gian làm việc dài nhất của ông là ở tờ Philadelphia Inquirer với 22 năm trong cương vị trưởng ban biên tập. Ông rời Philadelphia Inquirer vào năm 2001 bởi lý do không chấp nhận chạy theo doanh thu để đánh mất tính độc lập của tờ báo. Trong gần 40 năm làm báo, Robert đã đoạt được nhiều giải thưởng uy tín, đặc biệt là giải Pulitzer về một chuyên đề nghệ thuật điều tra trong báo chí.
Với những phẩm chất đó, đồng thời là một bậc thầy trong lĩnh vực điều tra từ báo cáo, Robert đã được mời về CIR nắm giữ vị trí quan trọng nhất - giám đốc điều hành. Chỉ trong vòng hai năm, Robert đã khiến cả làng báo chí Mỹ phải biết đến CIR qua vụ đeo đuổi đến cùng cái chết của nhà báo Chauncey Bailey.
Nỗi sợ của người Mỹ
Một ngày gần cuối tháng 3-2010, chúng tôi được Robert J. Rosenthal tiếp tại văn phòng của CIR tại TP Oakland (bang California). Người đàn ông tuổi 60 này trông vẫn còn rất phong độ, cường tráng. Đề cập đến những vấn đề liên quan lĩnh vực điều tra báo chí, ông nói say sưa như một chàng trai mới vào nghề.
Robert không giấu giếm khi kể về thực trạng của báo chí Mỹ ngày nay:”Thật sự là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Theo tôi biết, khoảng 1/4 số lượng người làm báo ở Mỹ bị mất việc. Ở tờ báo mà tôi làm lâu nhất - Philadelphia Inquirer, từ 680 người làm việc nay chỉ còn 300! Tôi là một trong những người bị sa thải đầu tiên, đơn giản bởi không chấp nhận đi ngược lại chuẩn mực của nghề báo để chạy theo doanh thu. Với tôi, báo chí phải độc lập. Không giữ được tính độc lập là mất uy tín. Mà uy tín là vấn đề sống còn của báo chí”.
Nghiệm từ trường hợp của mình, ngay sau khi nhận chức giám đốc điều hành CIR, Robert mở ngay một cuộc tuyển chọn phóng viên, vì ông tin rằng những người bị sa thải không hẳn tất cả đều do làm nghề kém. Đã có 700 ứng viên nộp đơn và Robert chọn được 11 người. “Đó là 11 phóng viên cực giỏi về lĩnh vực điều tra”, ông nói.
Với 11 con người ấy cộng với bảy người cũ, trung bình mỗi tháng từ CIR phát ra được một bài điều tra. Liệu tiền thu được từ việc bán các bài điều tra cho báo, đài có đủ để bù chi? Robert cười bảo:”Nó chỉ chiếm 5%”! Thế thì 95% kinh phí hoạt động của CIR lấy từ đâu? Robert cho biết là từ các nhà tài trợ như tỉ phú Bill Gates, Quỹ Ford, các trường đại học...
Giải thích thêm về việc Quỹ Bill Gates, Quỹ Ford... tham gia tài trợ cho CIR, Robert nói: ”Một trong những điều mà người Mỹ sợ nhất là việc báo chí không giữ được tính độc lập của mình. Một khi không giữ được tính độc lập, báo chí sẽ không còn là chỗ dựa của người dân, không bảo vệ được họ, bị sai khiến bởi các thế lực.
Như vụ Chauncey Bailey chẳng hạn, ban đầu các báo đều dừng lại ở chỗ đưa tin bắt được hung thủ bắn chết nhà báo. Ai cũng thừa hiểu sau lưng hung thủ là Yusef Bey 4, một tay trùm thế giới ngầm của TP Oakland. Ai cũng thừa hiểu cảnh sát đã lười biếng, tắc trách trong vụ này. Nhưng ai cũng ngại. Thậm chí không loại trừ cả việc thỏa thuận...
Và nếu không có ai làm tới cùng, xã hội sẽ như thế nào? CIR của chúng tôi hướng đến những điều đó, đã tung lực lượng của mình đi điều tra đến tận cùng để cung cấp cho báo chí. Còn việc nhận tiền từ Quỹ Bill Gates, Ford thì ở Mỹ đó là những quỹ phục vụ lợi ích của cộng đồng và được điều hành một cách trung lập, chứ không phải chúng tôi nhận tiền từ ông chủ Hãng Microsoft hay Hãng xe Ford. Trong vòng 15 tháng, CIR đã được tài trợ đến 5 triệu USD từ các quỹ này”.
__________
Cho dù đó là Washington Post hay New York Times... thì ai cũng phải “khóc”!
Kỳ tới: Vua cũng khóc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận