17/05/2010 04:17 GMT+7

Kỳ 3: Lão tướng 95 tuổi bàn việc nước

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Thật khó có ai ngăn được sự ngạc nhiên khi gặp ông, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một ông cụ tuổi đã 95 mà khang kiện, hồng hào, vui vẻ, nhanh nhẹn. Và sau sự ngạc nhiên, cũng sẽ không ai ngăn được xúc động khi theo dõi công việc ông đang làm mỗi sáng, mỗi chiều: dùng tất cả những trải nghiệm của tuổi 95 làm tất cả những việc có thể để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, nhiệm vụ mà ông đã chọn cho mình từ hơn 70 năm về trước, “nhiệm vụ Đảng, Bác Hồ đã giao cho”.

VDeEIlaK.jpgPhóng to
Ở tuổi 95, lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vẫn ngày ngày làm việc, cống hiến vì quyền lợi của đất nước, nhân dân - Ảnh: P.Vũ

Kỳ 1: Dân quyết Kỳ 2: Không có ai bị che khuất

Cùng Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn

Khi tôi đến, ông đang ngồi bên bàn, tay cầm bút. Và ông đang viết, nắn nót từng chữ, cẩn trọng từng câu. Nét chữ to, rõ, chân phương, nội dung mạnh mẽ, thẳng thắn, chỉ rõ những việc cần đắn đo, tính toán trong các mối quan hệ cấp nhà nước để bảo vệ chủ quyền đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc.

Hỏi ông sao không nghỉ ngơi cho thanh thản tuổi già, ông cười chỉ lên tường: một tấm ảnh thật đẹp chụp Bác Hồ tươi cười, hai tay giơ cao trong tư thế nhạc trưởng, và bên cạnh là ông, với nụ cười tươi không kém. “Tấm ảnh quý giá có được với Bác luôn nhắc nhở, thúc giục tôi. Còn hơi, còn sức thì còn làm việc, làm việc vì dân, đó là bí quyết sống khỏe, sống lâu của tôi, cô ạ”.

Tấm ảnh đẹp ấy được chụp năm 1961, khi ông Nguyễn Trọng Vĩnh đang là bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Những năm ấy phong trào xây dựng hợp tác xã, thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất lên cao, Bác liên tục đi xuống từng địa phương, từng thửa ruộng thăm dân, động viên bà con, nói chuyện với cán bộ xã.

Ông Vĩnh nhắc lại từng lời Bác dặn ông năm ấy: “Các chú phải hết sức để tìm ra phương cách lo cho dân được ấm no. Không được chỉ lo cho bản thân mình, không được làm cường hào, không được làm quan cách mạng”.

Nói chuyện với dân, Bác kêu gọi đồng bào hãy một lòng ủng hộ những chủ trương đúng đắn của Nhà nước để cùng nhau đạt đến một mục tiêu chung: nhà nhà ấm no, đất nước giàu mạnh.

Nói rồi, Bác quay lại bảo tôi: “Chú bắt nhịp bài Kết đoàn đi”. Tôi lúng túng, bao năm làm bộ đội, làm cán bộ xã, bí thư tỉnh ủy, tôi chưa hát bao giờ.

Bác như nhận ra điều đó. Không đợi tôi, Bác quay về phía bà con và giơ tay bắt nhịp. Chưa hết bối rối thì tôi đã nghe bài ca cất lên như sóng - ông Vĩnh kể, trên môi vẫn một nụ cười tươi như trong tấm ảnh năm xưa.

16 năm tham gia trung ương, 32 đợt họp hội nghị với Bác, nhiều lần tiếp khách, trò chuyện riêng với Bác, ông Vĩnh còn rút ra cho mình nhiều bài học sâu sắc nữa, và chiêm nghiệm để nó thấm dần, hình thành nên chính con người mình.

Ông nhớ một bữa cơm tiếp phái đoàn ngoại giao Lào, thức ăn dọn lên hơi nhiều, trước khi bắt đầu bữa Bác tự tay lấy bớt một đĩa thịt trao cho bộ phận phục vụ và giải thích với quan khách “Đã ăn thì ăn cho hết. Đã để thì để cho còn”.

Mọi người sửng sốt trước hành động vượt ngoài nghi thức ngoại giao của Bác, nhưng bài học nhân bản mà Người mang đến như một lẽ tự nhiên đã trở thành một ấn tượng cả đời.

Ông cũng nhớ lời Bác gửi gắm trước lúc ông lên đường sang Lào làm chuyên viên giúp chính phủ bạn: “Phải nhớ giữ tinh thần quốc tế trong sáng, giúp bạn trưởng thành. Chú tuyệt đối không được làm thay, không được làm ông toàn quyền”.

Còn hơi, còn sức còn lên tiếng

Những bài học của Bác đã giúp ông Vĩnh thấy mình vẫn luôn gắn bó máu thịt với Tổ quốc, với dân tộc trong hơn 10 năm nhọc nhằn giúp Lào củng cố nhà nước, hơn 13 năm trong vai trò đại sứ tại Trung Quốc. “Vì dân, cứ nghĩ làm thế nào để vì dân thì sẽ biết cách làm việc, biết cách sống, cô ạ”, ông nói giản dị phương châm đúc kết qua gần trăm năm trải nghiệm của mình.

Vì dân nên bao năm qua phần lớn tiền lương hưu ông đều dành để làm từ thiện. Nay giúp một em bé mổ tim, mai gửi cho một học sinh nghèo tiền học, giấy biên nhận của Quỹ Trái tim nhân ái của báo Hà Nội Mới gửi mang tên ông đã chồng lên thành một tập dày.

Trên bàn viết, còn hai bài báo về hai em học sinh giỏi đang phải vật lộn với hoàn cảnh khắc nghiệt để đến trường mà ông đã cẩn thận cắt rời, đánh dấu và để dành tiền trong phong bì chờ người của tòa soạn đến để chuyển cho nhân vật.

Vì dân nên tuổi đã 95 nhưng ngày ngày ông chỉ dành cho riêng mình vài giờ thư thái lúc đi bộ trong ngõ, bên hồ Kim Liên, khoảng thời gian còn lại ông đọc, ông viết, rút từ tâm can những đau đáu với vận mệnh dân tộc, dốc lòng, dốc sức tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã nguyện thề dưới cờ năm xưa.

Vừa nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc các tỉnh biên giới cho thuê rừng, ông lập tức viết bài cảnh báo “Cần xem lại việc cho thuê đất rừng”. Lời văn khúc chiết, ngắn gọn, vấn đề trình bày rõ ràng, khoa học, lập luận mạnh mẽ, không né tránh, các bài viết của ông cuốn hút người đọc bằng nhiệt tâm hừng hực, thuyết phục bằng kiến thức, lý luận vững chắc, chiếm lĩnh niềm tin bằng sự am hiểu từ trải nghiệm thực tế, và dũng cảm như khi xưa anh bộ đội Nguyễn Trọng Vĩnh lăn lộn trên những chiến trường Tây Bắc.

Không chỉ cảnh báo và đóng góp những vấn đề đối ngoại, các bài viết, thư gửi của ông đến các đồng chí của mình còn nhắc nhở sâu sắc, chí tình cả khía cạnh đối nội, có khi viết bằng thơ: Đất đai rừng biển của ta/ Tự cường dân chủ ắt là tiến mau/ Quyết trừ tham nhũng làm đầu/ Nghiêm trị những kẻ cường hào nhiễu dân/ Chỉnh Đảng trong sạch rất cần/ Nghe nhiều bớt cấm thì dân đồng lòng/ Tăng kinh tế, tăng quốc phòng/ Dân mà tâm phục thì không sợ gì...

95 tuổi, ông Nguyễn Trọng Vĩnh bảo ông coi công việc như là “những củ sâm” và chữ “nhàn” của tuổi già chính là cuộc sống thanh sạch không mưu cầu danh lợi.

Không có lời nào hay hơn lời ông tự mô tả về mình trong bài thơ khai bút xuân Canh Dần năm nay: Tuổi thọ trời cho đã chín nhăm/ Cuộc đời nếm trải đủ thăng trầm/ Đầu còn minh mẫn, tai còn tỏ/ Mắt vẫn tinh tường, tính chửa hâm/ Ấm lạnh tình đời còn phán xét/ Thịnh suy thế nước vẫn quan tâm/ Còn hơi, còn sức còn lên tiếng/ Là muốn quyền uy bớt lỗi lầm.

__________

“Khi biết rằng đó chính là những ngày tháng cuối cùng của Bác, tôi càng day dứt hơn vì đã không thể làm cho Bác vui. Nhưng chính thế mà bài học Bác để lại càng không thể nào quên”, GS Hoàng Tụy đau đáu tâm sự.

Kỳ tới: Bài học cuối của Bác

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên