15/05/2010 08:02 GMT+7

Tôi học Hồ Chí Minh

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Khi nhắc đến Người, chúng ta vẫn luôn nhắc đến những gì Người để lại. Trong số những thành quả Người để lại, không có gì bằng chính những con người “theo chân Bác”...

Kỳ 1: Dân quyết

Hai người họ, một đã từng cuốn hút cử tri cả nước với cách điều hành ấn tượng tại các kỳ họp Quốc hội, một đã từng có những câu thơ dậy sóng với âm hưởng lạ, giọng điệu lạ trong dòng cảm xúc chung của nhiều nhà thơ viết về Bác Hồ. Hai người họ, đôi bạn đồng hương vong niên gặp lại nhau trong một buổi sáng Hà Nội mát lạnh và lại cùng nhau bàn luận về chủ đề quen thuộc: tư tưởng Hồ Chí Minh. Một đời hoạt động, một đời thơ, những say mê, nhiệt thành đã lắng xuống để nung chín những suy nghiệm.

RwbA7iT4.jpgPhóng to
Nhà thơ Hải Như và nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (phải) gặp nhau và lại cùng bàn chủ đề quen thuộc: tư tưởng Hồ Chí Minh - Ảnh: CTV

Lợi ích của nhân dân - chìa khóa thành công

Nhà thơ Hải Như làm thơ cũng giản dị như khi ông nói chuyện, nên suốt buổi ông chỉ đọc thơ: Bác Hồ đắp chăn đơn - không muốn mình ấm quá/ Người trằn trọc canh dài vì tiếng trẻ rao đêm/ Khi còn những bất công/ Cần có những phút buồn/ Nâng chúng ta lên. Tự nhận cho mình sứ mệnh mãi mãi công việc nhà thơ/ thức tỉnh con người, Hải Như chọn cho mình một đường thơ về Hồ Chí Minh.

Tôi viết về một con người/ giống chúng ta nhưng lại khác chúng ta - Hồ Chí Minh trong thơ ông là một hình tượng văn học để sáng tác, để tưởng tượng, để gửi gắm. Và Hồ Chí Minh trong thơ ông đi dép lốp, mặc áo vải, đắp chăn đơn không chỉ vì bản tính giản dị, sâu xa hơn là lời nhắc nhở mà trước hết Người dành cho chính bản thân mình: “ham muốn tột bậc” vẫn chưa thành.

Gật đầu tâm đắc, nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An bảo ông cũng luôn tâm niệm trong lòng lời bộc bạch của Bác Hồ: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Xuất thân từ gia đình nông dân, Nguyễn Văn An lên Hà Nội làm công nhân điện, rồi giác ngộ cách mạng, đi theo lý tưởng độc lập, tự do, công bằng, ấm no, hạnh phúc. “Được học hành, được làm việc, được nghiên cứu, tôi nhận thấy lợi ích của nhân dân chính là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ, mọi hoạt động, mọi quyết định của Bác. Như khi tham gia Quốc tế cộng sản, Bác đã ủng hộ Quốc tế III vì ở đây có con đường giải phóng thuộc địa, giải phóng dân tộc. Độc lập dân tộc là mục tiêu tối thượng của Bác, nước có độc lập thì dân mới có thể được tự do, hạnh phúc. Khi thiết lập cương lĩnh đấu tranh năm 1930, Bác đã xác định rất cụ thể: độc lập dân tộc và người cày có ruộng.

Từng bước phát triển của cách mạng sau này cũng thế, sách lược, phương pháp có thể thay đổi theo điều kiện cụ thể, nhưng mục tiêu chỉ có một. Thực tế chứng minh khi thật sự xuất phát từ hạnh phúc của nhân dân thì các chính sách sẽ được ủng hộ, tập hợp và đoàn kết được quần chúng, nhất định sẽ thành công. Và ngược lại, cái gì không xuất phát từ mục đích tối thượng đó ắt sẽ thất bại, sai lầm. Hiểu và tôi cố gắng học, ghi nhớ và thực hành điều đó trong công việc của mình”.

Những ghi chép về thời kỳ “đêm trước đổi mới” còn ghi lại câu chuyện về chiến dịch Z30 năm 1982 quy kết những người dân mới làm nhà từ hai tầng trở lên phần lớn là làm giàu bất chính, phải kiểm tra hành chính và tịch thu tài sản. Năm ấy ông An đang là bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh, công an thành phố lập danh sách hơn 200 căn nhà đưa sang chờ ông ký lệnh kiểm tra hành chính, tịch thu theo chỉ đạo.

Đến hôm nay ông An bảo vẫn còn nhớ rõ cảm giác lạnh người của ngày hôm ấy khi nghĩ đến bao mồ hôi tâm sức của người dân sẽ bị tước đi một cách oan uổng, không đúng luật pháp, niềm tin vào chính quyền cũng sẽ rạn nứt vô phương cứu chữa. Ông ra lệnh cho công an án binh bất động và tức tốc lên Hà Nội.

Trên ấy có mấy gia đình đang bị tịch thu nhà, khóc lóc ai oán. Sững sờ, ông quay xuống Hải Phòng tìm ông Đoàn Duy Thành, bí thư thành ủy, người đồng chí, người anh thân thiết của mình. Hải Phòng cũng đang xao xác khi tin đồn từ Hà Nội loan xuống. Hai ông bàn bạc và nhất quyết thống nhất không thể để lợi ích của người dân bị xâm hại một cách phi pháp. Cùng với TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác, cuộc đấu tranh của các ông đã thành công.

Vế còn thiếu trong quyền làm chủ

Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An “bật mí” ba nguyên tắc mà ông luôn nằm lòng khi điều hành Quốc hội: Đảng lãnh đạo - Thượng tôn pháp luật - Hướng về lòng dân, trong đó lòng dân là gốc. “Ba yếu tố này gặp nhau, không mâu thuẫn với nhau thì khi đó những quyết sách của chúng ta sẽ ra đời, đi thẳng vào đời sống và lớn mạnh. Khi có những mâu thuẫn, những ý kiến khác nhau giữa các đại biểu Quốc hội về một dự thảo luật, chúng tôi cũng thảo luận và biểu quyết dựa trên nguyên tắc này”.

Ông kể một câu chuyện thú vị trong nhiệm kỳ của mình ở Quốc hội khóa XI: có lần Chính phủ đưa dự thảo đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xe gắn máy nhằm hạn chế sử dụng để giảm ô nhiễm môi trường. Ủy ban Kinh tế ngân sách không đồng ý, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng không đồng ý, nhưng Chính phủ vẫn bảo lưu ý kiến, đề nghị đưa ra Quốc hội biểu quyết.

Thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đã đứng từ phía lợi ích của người tiêu dùng để phân tích: xe gắn máy là phương tiện đi lại, mưu sinh phổ biến của người dân, từ cán bộ, công chức cho đến sinh viên, công nhân, nông dân, không phải hàng xa xỉ, không phải hàng cần hạn chế sử dụng... Cuối cùng, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tìm những biện pháp tích cực và hợp lý khác để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

“Hướng về lòng dân, thế nào chúng ta cũng tìm được lối đi đúng”. Cả hai ông, một nhà chính trị, một nhà thơ đều tâm đắc với bài học của Bác Hồ. “Bác nói nước ta là nước dân chủ, nghĩa là dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ của dân. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”... Không hẹn mà cả hai người cùng nhắc lại một định nghĩa giản dị mà sâu sắc của Bác.

Và ông Nguyễn Văn An lại “bật mí” lần nữa về một đề xuất ông dự định gửi đến Đại hội Đảng sắp tới: thêm mệnh đề “Dân quyết” vào phương châm công tác dân vận. “Dân biết, dân bàn, dân quyết, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, xác định quyền tối hậu của người làm chủ là quyền quyết định. Tư tưởng dân chủ của Bác đã được thể hiện rõ ràng trong Hiến pháp năm 1946: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” (điều 21). Chúng ta cần trở lại tư tưởng này của Bác.

Nhà thơ Hải Như lại đọc hào hứng bài thơ ông viết từ sự kiện Bác Hồ đến chúc giao thừa một gia đình nghèo nhất Hà Nội: Vui, ta vui. Nhưng đừng vui dễ dãi/ Đời rộng dài ta mới dựng xong khung/ Bao ngõ hẻm Bác giao ta phải xóa/ Em có dám theo anh đi hết mọi hang cùng...

_____________________________

Nhà thơ Hải Như nói đến một phát hiện rất lạ: Trong mọi thước phim, mọi bức ảnh, Bác Hồ luôn ở vị trí trung tâm nhưng lại không hề lấy mất không gian của ai khác, người sẵn sàng hòa lẫn vào đám đông...

Kỳ tới: Không có ai bị che khuất

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên