16/05/2010 04:14 GMT+7

Tôi học Hồ Chí Minh - Kỳ 2: Không có ai bị che khuất

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ông Nguyễn Văn An bảo trong những bài thơ Hải Như viết về Bác Hồ, ông thích nhất một bài thơ nhỏ: Bác Hồ đứng/ Người sau không bị khuất/ Ta đứng (thường quên)/ Che lấp.../ Bạn mình.

2pg2gAJI.jpgPhóng to
Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An - Ảnh: P.Vũ

Kỳ 1: Dân quyết

Nhà thơ Hải Như nói bài thơ đó ông viết từ những cảm nhận về Bác Hồ qua những tấm ảnh, những thước phim, những câu chuyện. Mảnh khảnh, gầy gò, Bác lúc nào cũng như sẵn sàng hòa lẫn vào đám đông, khi nào cũng là trung tâm của những bức ảnh nhưng Bác dường như không lấy mất không gian của ai khác. Và tất nhiên đó không chỉ là chuyện của những bức ảnh.

Đoàn kết không phải là vỗ tay

Ông Nguyễn Văn An: Bài thơ đó chỉ có vài câu thật mộc mạc, giản dị, nhưng đọc nó tôi như thấy cả tư tưởng nhân ái vĩ đại của Bác, cả phong thái lẫn cách làm việc tinh tế của Bác Hồ và hình ảnh đó luôn nhắc nhở bản thân tôi. Khi nói chuyện với bạn bè, đồng chí, tôi cũng hay nhắc bài thơ này.

Cho đến nay chúng ta chưa có nhà lãnh đạo nào có sức thuyết phục quần chúng như Bác, chưa ai tập hợp được quanh mình nhiều người tài năng và rất mực trung thành như Bác, có lẽ có phần chính vì điểm “che khuất, che lấp” này. Bác là một người cộng sản đã phải sống và làm việc cả đời trong hoàn cảnh khắc nghiệt, chiến tranh liên miên.

Bác luôn đặt tập thể lên trên cá nhân, đặt cái chung lên trên cái riêng, bản thân Bác hi sinh tất cả những gì thuộc về bản thân, nhưng những người quanh Bác lại không bị phủ nhận cái tôi, không bị chìm đi trong đám đông quần chúng. Họ đều được tạo điều kiện để làm việc, để thể hiện, để cống hiến cho dù ngày ấy cơ sở vật chất của chúng ta hầu như bằng không. Chỉ cần đọc tên những nhà khoa học quanh Bác ở chiến khu Việt Bắc: Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch... là thấy rõ chỉ một bài học này, chúng ta còn phải học và làm theo Bác rất dài, rất xa.

Nhà thơ Hải Như: Khi thành lập chính phủ, Bác còn viết thư tha thiết mời cựu hoàng Bảo Đại tham gia. Hình như Bác không muốn bỏ lỡ một cơ hội nào để tập hợp mọi nguồn lực, mọi tình yêu nước để cùng nhau phục vụ mục đích chung.

Tôi có viết một câu mộc mạc: Với Bác Hồ - Người thương nhất kẻ đi sau. Đấy là một trong những phẩm chất nâng Bác Hồ lên tầm vĩ đại. Bác nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” không phải chỉ là khẩu hiệu mà chính là vì lợi ích của nhân dân, đoàn kết vì lợi ích chung của dân tộc. Cái tâm, cái tầm của Bác đã làm nên một cuộc đại đoàn kết thật sự cho cả dân tộc, bất kể những khác biệt về con người hay lịch sử.

Ông Nguyễn Văn An: Tôi cũng đã cố gắng học tập cách hài hòa lợi ích ấy của Bác trong điều hành Quốc hội, dù chỉ cố gắng học được một phần nhỏ. Các ý kiến khác nhau, lợi ích khác nhau cần phải được tôn trọng, phương pháp thực hiện có mâu thuẫn, trái ngược thì tìm cách giải quyết hài hòa. Học tập và làm theo Bác Hồ, tôi hiểu sâu sắc rằng đoàn kết không phải là tập hợp một đám đông lại rồi cùng nhau vỗ tay. Đoàn kết chỉ thật sự bền vững và có thực chất khi có hạt nhân là lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, hài hòa lợi ích riêng chung. Những ý kiến khác nhau có lúc gây căng thẳng trong tranh luận, nhưng giải pháp hài hòa sẽ được tìm thấy khi quy về lợi ích của người dân.

Các đại biểu Quốc hội nhất định phải ý thức rõ trước khi bàn thảo luật và thông qua chính sách rằng tất cả ý kiến đều phải xuất phát từ lợi ích của người dân, tất cả mọi quyết định đều phải quy về phục vụ lợi ích của dân. Không có ai độc quyền chân lý. Những lý luận, giải pháp chúng ta đưa ra chỉ có thể tiệm cận ngày càng gần với chân lý qua tranh luận, qua cọ xát, trải nghiệm, thử thách trong thực tiễn cuộc sống. Và cuộc sống mới chính là chân lý.

Nhà thơ Hải Như (đọc thơ): Bác đã cho ta, Bác đã cho đời/ Lẽ sống của ngày mai trên trái đất/ Lẽ sống đẹp: không coi mình cao nhất/ Mong kiếp người ai cũng cất đầu cao...

Trái đất mai này còn lại tình yêu

Ông Nguyễn Văn An: Bác từng bôn ba khắp thế giới, tính nhân loại trong Bác rất cao và Bác luôn nỗ lực truyền cho mỗi chúng ta. Học được điều đó, công cuộc hội nhập của đất nước sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Đọc Tuyên ngôn độc lập, tôi đặt câu hỏi vì sao Bác lại bắt đầu bằng một đoạn trích trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và một câu trong Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp. Ấy là vì nó bao hàm ý chí, khát vọng của toàn nhân loại một cách cụ thể, thiết thực, đó là dân chủ, là độc lập, tự do, là hạnh phúc cho nhân dân.

Hồ Chí Minh luôn hài hòa, kế thừa văn hóa, tư tưởng Đông - Tây trong bản thân những nhận thức, suy nghiệm và sự vận dụng vào thực tiễn của Người. Bác nói: “Đức Khổng Tử dạy chúng ta lòng nhân nghĩa, Đức Phật dạy chúng ta lòng từ bi, Đức Jesus dạy chúng ta lòng bác ái, cụ Mác dạy chúng ta phép biện chứng duy vật, cụ Tôn Dật Tiên dạy chúng ta chủ nghĩa tam dân... Tất cả các vị đó đều mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”. Chính những tinh hoa tư tưởng của nhân loại đã hình thành nên tư tưởng, lý luận và là kim chỉ nam cho hành động của Người.

Năm 2006, đoàn nghị viện Hoa Kỳ sang thăm, tôi đưa họ xem bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, thư Bác Hồ gửi tổng thống Mỹ Truman năm 1946. Tôi nói với họ: “Cuộc gặp gỡ này của chúng ta đã chậm mất 60 năm. 60 năm ấy quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam đã trải qua bao nhiêu thác ghềnh, đổ bao nhiêu xương máu. Cuối cùng, mục đích của chúng tôi vẫn không có gì thay đổi, vẫn là những gì mà Bác Hồ của chúng tôi đã đề ra 60 năm trước: mục đích của Việt Nam là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”.

Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ ai cũng mang nặng nỗi ưu tư từ cuộc chiến Việt Nam, nhưng chắc chỉ một số ít người đã từng đọc lá thư ấy, họ đọc lại và nét mặt nhiều người tỏ ra xúc động khi nghĩ đến mấy mươi năm hòa bình của cả hai nước đã bị bỏ lỡ.

Nhà thơ Hải Như: Bác đã không bỏ lỡ một cơ hội nào để tìm kiếm hòa bình, cũng không lùi một bước nào khi đã buộc phải bước vào cuộc chiến. Cuộc chiến ấy cũng là để giành lại hòa bình, tìm lại hạnh phúc, cái đích cuối cùng của mỗi con người trên trái đất. Trong Bác, tính nhân loại cũng lớn ngang bằng tính dân tộc. Tôi mong mỗi người chúng ta thấu được điều ấy ở Bác. Nhân loại mới mai đây tìm đến Bác Hồ ta/Như tìm đến một con người cùng - thời - đại/ Ta chưa sống hết mình. Bác trọn đời cho lẽ phải/ Trái đất mai này sẽ còn lại tình yêu...

_______________________

Câu chuyện với nhân vật trong bức ảnh cùng Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn: tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cùng những trải nghiệm khó quên về giây phút được sống và làm việc bên Người.

Kỳ tới: Lão tướng 95 tuổi bàn việc nước

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên