Vụ du khách phản ứng thu vé Hội An: chính quyền công khai tài chínhBí thư thành ủy Hội An: Phải chấn chỉnh hoạt động kiểm soát véHội An: Đừng vì con tép mà mất cả con tôm
Tại cuộc họp, chính quyền Hội An khẳng định chủ trương chống thất thu vé tham quan khu phố cổ Hội An là không thay đổi. Theo đó, nguồn thu từ bán vé tạo sự công bằng cho các du khách tham quan phố cổ. Khoản thu này giúp TP có người hướng dẫn, có nguồn để trùng tu, tôn tạo, chi cho các hoạt động văn hóa phi vật thể khác... Theo thống kê của chính quyền, hiện nay khoản thất thu từ tiền vé này không dưới 40%.
Ông Võ Phùng, giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao TP Hội An, tái khẳng định việc mua vé có từ năm 1995 về trước. Từ tháng 10-1995, TP đã thay đổi phương thức phát hành vé tham quan trọn gói “quần thể kiến trúc văn hóa khu phố cổ Hội An”. Ông Phùng cho rằng việc nói “giá vào cửa 6 USD đã biến Hội An thành TP ma” là không có. Hiện tại Hội An vẫn tấp nập khách du lịch ra vào.
Ông Phùng so sánh: “Khác với các di sản văn hóa thế giới như Huế, Mỹ Sơn, Angkor (Campuchia)... là công trình di tích khép kín, Hội An được cấu thành bởi một quần thể di tích gồm nhiều loại hình: nhà ở, nhà thờ tộc, miếu, đình, hội quán, cầu, chùa, giếng, bến cảng, chợ, hệ thống giao thông, dòng sông, hệ thống cây cổ thụ, những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa đời thường, lối sống, nếp sống thị dân Hội An xưa... Vì vậy, TP không bán vé cho từng điểm di tích mà tổ chức bán vé trọn gói vào quần thể di tích phố cổ”.
Ông Nguyễn Sự, bí thư Thành ủy Hội An, nói thẳng: “Tôi nghĩ không ai không mua vé nếu họ biết 80% số tiền này dùng để trùng tu di tích”. Ông Sự công bố từ năm 2000-2014, TP đã thu 255 tỉ đồng từ tiền bán vé. Trong đó, phải trả lại cho các điểm trực tiếp thụ hưởng (là sáu điểm chính du khách tham quan) và chi phí bộ máy quản lý hết 94 tỉ đồng. Nộp ngân sách 160 tỉ đồng. Riêng công tác trùng tu trích từ khoản ngân sách này đến 104 tỉ đồng. Chi cho các hoạt động lễ hội phố cổ tăng thêm các sản phẩm du lịch để hút khách hết 35 tỉ đồng. Hoạt động nghiên cứu phố cổ, hội thảo hội nghị hết 15 tỉ đồng. Hoạt động ở các phố đêm không thu tiền hết 6,6 tỉ đồng. Rất nhiều ngôi nhà xuống cấp cần sửa chữa như nhà 16 Nguyễn Thái Học sửa hết 2,9 tỉ đồng, TP phải hỗ trợ 1,6 tỉ đồng. Nhà ở ngã tư Phan Châu Trinh - Trần Phú sửa hết 1,2 tỉ đồng nhưng TP đã góp 1 tỉ đồng.
Lý giải việc tại sao không dùng tiền thuế để trùng tu phố cổ, ông Sự cho biết năm 2013 tổng nguồn thu toàn phường Minh An là 11,8 tỉ đồng. Thu thuế trong khu vực phố cổ chỉ được 4,7 tỉ đồng/năm. “Số tiền này không thể trùng tu được một ngôi nhà” - ông Sự nói. Ông Sự cũng thừa nhận thẳng thắn rằng chính quyền sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp, chính quyền cũng có cái sai, và tiếp tục nghiên cứu cho ra chính sách vé một cách hợp lý nhất.
Tại sao phân biệt người VN và nước ngoài? Chiều cùng ngày, lãnh đạo TP Hội An đã gặp mặt hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn trên địa bàn để lắng nghe ý kiến về sự kiện vừa qua. Chính quyền đã nhắc nhở các doanh nghiệp cần thông tin rõ ràng cho du khách về trách nhiệm và quyền lợi của họ khi mua vé. Ông Lê Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cũng là người dân tại phố cổ Hội An - phản ảnh tại sao phải phân biệt người VN và người nước ngoài và giá vé chênh lệch như vậy. Còn đại diện của nhà hàng Đá Trắng, khu phố cổ Hội An, cho rằng chính quyền nói mọi việc sẽ ổn nhưng chưa chắc: “Giá vé cao hay thấp, ảnh hưởng của nó bây giờ chưa nói được, phải sáu tháng hoặc một năm sau mới nói được hiệu quả của việc bán vé”. Nhiều người dân trong phố cổ lo lắng có thể các kiểm soát viên không biết hết người trong phố cổ, bà con họ từ xa đến thăm 3-5 người tính sao? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận