Không công bố, chỉ thông báo dịch sởi!Hơn 7.000 ca bệnh sởi, 111 ca tử vongBệnh sởi gây biến chứng gì, điều trị ra sao?
Ông Phạm Bích San - Ảnh: V.V.T. |
Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc người dân phải lên tiếng về quyền được tiếp cận thông tin của mình.
* Ông Phạm Bích San (phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN):
Mất “hàng rào” cảnh báo trước dịch bệnh
Từ góc độ một người dân, tôi thấy trong dịch sởi này công chúng không có đầy đủ thông tin từ đầu. Thậm chí nhiều người có thể còn bị “ru ngủ” rằng bệnh sởi là bệnh của quá khứ, hay nói cách khác bệnh sởi đã được giải quyết từ lâu, nhất là ở ngay giữa thủ đô.
Tiếp cận từ góc độ như vậy, chúng ta có thể thấy công chúng thiếu thông tin. Trong khi đó với cách tổ chức nền y tế như hiện nay thì bất cứ chuyện gì dù đã qua rồi vẫn có thể trở lại và trở thành bệnh dịch, ví dụ như sốt xuất huyết rồi dịch cúm... Bệnh dịch dù mới hay cũ, nhưng với cách tổ chức hiện nay thì chúng ta đã mất hàng rào bảo vệ đầu tiên. Đó là hệ thống thông tin cần thiết để cảnh báo người dân, cảnh báo về khả năng diễn ra dịch, sẽ có dịch hay đang diễn ra dịch, rồi tiếp đó là việc phòng bệnh, chữa trị như thế nào, cá nhân hay tổ chức nào sẽ chữa bệnh cho dân? Vì tôi đọc báo thì thấy quan chức cấp cao của ngành y tế nói rằng ngay cả con cháu họ mắc bệnh sởi cũng không cho vào Bệnh viện Nhi trung ương. Như vậy nghĩa là thế nào?
Tôi được biết Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về dự án Luật tiếp cận thông tin. Chúng ta chưa bàn đến những điều cao xa, chưa bàn đến câu chuyện dân chủ, nhưng ở đây tối thiểu nhất là những thông tin liên quan đến sức khỏe của người dân phải được công khai, thông tin về các bệnh viện phải minh bạch. Sức khỏe là một trong những nhu cầu bản năng cơ bản của con người, rất cần thông tin kịp thời, đầy đủ để dẫn dắt con người có hành động đúng.
Nhớ lại trước đây dịch Sars đã lây lan rất mạnh nhưng nước láng giềng chúng ta đã giấu thông tin khiến dịch bùng phát dữ dội, truyền ra nhiều nước khác và gây tử vong hàng loạt. Chính việc giấu giếm thông tin đó đã tạo thành hiểm họa lớn cho cả cộng đồng địa phương và thế giới. Đây là bài học vẫn còn nguyên tính thời sự. Vì vậy, một mặt chúng ta hi vọng và đòi hỏi Quốc hội sẽ sớm ban hành Luật tiếp cận thông tin, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và khả thi cho người dân thực hiện quyền cơ bản này. Mặt khác, trong khi chưa có luật thì cần có những văn bản dưới luật quy định hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng, nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm như y tế, đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi cung cấp thông tin không đầy đủ, không kịp thời hoặc giấu giếm thông tin trái quy định. Đừng để người dân bị tước bỏ quyền được thông tin.
Ông Dương Trung Quốc - Ảnh: V.V.T. |
* Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:
Đừng coi truyền thông là đối tượng để đối phó
Quyền được sống và quyền tiếp cận thông tin đều là những quyền hiến định. Đi từ nguyên lý chung này vào vấn đề cụ thể đang được xã hội quan tâm là hậu quả của dịch sởi thời gian qua, chúng ta thấy rằng một trong những tác nhân là do người dân không đủ thông tin, vì theo như các cơ quan chuyên môn giải thích nguyên nhân gây tử vong vừa do sởi vừa do biến chứng.
Dù vấn đề chuyên môn là gì, đây rõ ràng không còn là chuyện nội bộ của ngành y tế, đây là chuyện mà cả xã hội quan tâm và cần có thông tin đầy đủ. Ví dụ với khuyến cáo người dân không nên tập trung quá đông vào bệnh viện tuyến trên, nếu quy định đang có dịch thì đương nhiên đó là chuyện phải làm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo, khuyến nghị thì người dân vẫn đổ xô đến bệnh viện tuyến trên với tâm lý làm cha, làm mẹ mà chúng ta có thể hiểu được.
Khi người dân đều tập trung đưa con em mình vào bệnh viện tuyến trên mà chính Bộ Y tế nói là do người dân thiếu thông tin, thế tại sao không tiến hành mọi công việc có liên quan một cách công khai, minh bạch để huy động tiếng nói chung của xã hội, trong đó có giới truyền thông? Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khai thác thế mạnh của giới truyền thông trong việc cung cấp thông tin, hoàn toàn có thể coi các cơ quan truyền thông là đối tác trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đừng coi truyền thông là đối tượng để đối phó.
Trong vấn đề này, nếu là cán bộ khác tôi không dám bàn, nhưng tôi nghĩ rằng bộ trưởng Bộ Y tế là cán bộ xuất thân từ ngành dịch tễ, hơn ai hết bộ trưởng hiểu việc này lẽ ra phải phát huy sở trường của mình để tổ chức việc ứng phó cho tốt.
Trở lại việc xây dựng đạo luật về quyền tiếp cận thông tin, về nguyên lý cũng như qua thực tiễn chúng ta đã thấy đủ rõ sự cần thiết, quan trọng nhất hiện nay là đưa đạo luật này vào thứ tự ưu tiên của chương trình làm luật. Và đây là chỗ trước hết cần sự chủ động của đại biểu Quốc hội, của Quốc hội trong việc xác lập thứ tự ưu tiên đó.
Ông Nguyễn Trần Hiển (viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) |
* Ông Nguyễn Trần Hiển (viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng):
Thông tin sớm hơn giúp hành động tốt hơn
"10 năm gần đây chỉ có năm 2009 ghi nhận hai ca tử vong do sởi, năm 2010 thêm hai ca, nhưng bốn tháng đầu năm 2014 thì đã trên 110 ca" Ông Nguyễn Trần Hiển (viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) |
Theo tôi, với dịch bệnh thì thông tin càng nhanh càng tốt, công khai thông tin về dịch bệnh sớm thì người dân, cộng đồng sẽ tham gia chống dịch tích cực hơn, hành động tốt hơn, giúp giảm được tử vong.
Tôi luôn giữ quan điểm là tôi có quyền thông tin đến đâu, tôi luôn công khai, nhưng nhiều thông tin khác là nhiệm vụ thông tin ở các cơ quan khác. Chúng ta đang trong chu kỳ tiến tới loại trừ sởi nên vẫn có thể có ca mắc và dịch không bất thường vì chu kỳ dịch vẫn còn. Dịch xảy ra trong năm nay, đặc biệt là giai đoạn trước và sau tết, thì ngay trong dịp tết đã có chiến dịch tiêm văcxin ở Yên Bái. Nhờ chiến dịch này Yên Bái gần đây không thấy thông báo ca sởi mới. Về điều trị, chúng tôi đang phân tích nguyên nhân tử vong để rút kinh nghiệm cho các mùa dịch sau. Đánh giá ban đầu cho thấy 28% tử vong là trẻ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm văcxin sởi, thứ hai là số tử vong cao bất thường.
Bác sĩ Trần Tuấn (Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng): Không trên cơ sở minh bạch thông tin Theo tôi, khủng hoảng ở đây nằm trong quan điểm của khối lãnh đạo y tế hiện nay. Từ những quan điểm chưa thống nhất ở bệnh viện, khối y tế dự phòng, các lãnh đạo Bộ Y tế. Theo tôi, khủng hoảng này xuất phát từ hành động đối phó và tình trạng chung là đổ lỗi cho người dân, cho rằng báo chí, truyền thông luôn luôn soi mói, mà chưa nhìn nhận rằng khủng hoảng trong giải quyết các sự cố ngành y tế, không chỉ là dịch sởi mà còn là dịch tả, tay chân miệng, bệnh “lạ”, tai biến văcxin... đều giống nhau và kéo dài nhiều năm. Cách xử lý của ngành y tế là khi dịch đã xảy ra mới trấn an dư luận mà không phân tích nhìn nhận trên cơ sở minh bạch thông tin và phương pháp xử lý vấn đề một cách khoa học. Việc hàng trăm trẻ em tử vong trong vòng hơn ba tháng qua liên quan đến dịch sởi, tập trung ở Bệnh viện Nhi trung ương mà bệnh viện vẫn tiếp tục nhận bệnh nhân vào, biến bệnh viện thành ổ bệnh, theo tôi, là vấn đề yếu kém cả về đạo đức lẫn chuyên môn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận