17/11/2013 23:11 GMT+7

Trắng tay sau lũ

D.THANH - TR.ĐĂNG - T.B.DŨNG - T.THÀNH
D.THANH - TR.ĐĂNG - T.B.DŨNG - T.THÀNH

TTO - Sáng 17-11, lũ ở Bình Định rút dần, nhưng sự hung hãn của lũ còn hằn rõ trên gương mặt của những người dân.

EY5JSuZA.jpgPhóng to
Hai cha con ông Bùi Ngọc Bích dọn rác trên đám ruộng chuẩn bị gieo sạ - Ảnh: Trường Đăng
CNrv9uYV.jpgPhóng to
Nguyễn Diệp Ngô, Huỳnh Văn Hầu, hai nông dân nuôi trại vịt bị lũ cuốn nhặt lại từng tấm tôn, gầy dựng lại từ đầu - Ảnh: Trường Đăng
VwR5kMc0.jpgPhóng to
Bà Đỗ Thị Lê Lành nhặt nhạnh từng tấm liếp, mẩu gỗ sót lại trong lũ để dựng lại mành vịt - Ảnh: Trường Đăng

Lũ rút để lại bộn bề những lo toan. Người dân mới vừa phải gồng mình thoát lũ, giờ phải đối diện với cảnh hoang tàn bởi lũ tàn phá.

Trắng tay

Bà Võ Thị Hoa (52 tuổi, ở khu vực Tiên Hòa, P.Nhơn Hưng, TP An Nhơn, Bình Định) tần ngần trên đống đổ nát trước ngôi nhà của mình. Đôi mắt buồn bã ngóng vào phía bên trong, nơi có thể thấy rõ áo quần đang móc trên tường, ly tách còn chưng trên kệ sách… nhưng bà không dám bước vô.

Ngôi nhà gác lửng được đúc kiềng giờ nghiêng xệ về một phía do toàn bộ nền móng bị lũ cuốn mất, trơ ra những dầm bêtông gãy, nứt; phần mái ngói bên trên “bay” về phía sau, trôi tứ tán; phần còn lại của ngôi nhà chằng chịt những vết nứt ngang dọc to tướng.

Cậu con trai Nguyễn Văn Kha (16 tuổi) đứng bên bà Hoa, mếu máo: “Mẹ ơi, sách vở của con còn nằm trên kia, ướt nhẹp hết rồi, lấy gì đi học?”. Mãi hồi sau, bà quay sang chúng tôi, thảng thốt: “Màn trời chiếu đất, trắng tay, tôi tuyệt vọng rồi. Sắp tới, ba mẹ con biết sống bằng gì?”.

Gia đình bà Hoa là hộ nghèo. Chồng bà mới mất khoảng một năm trước, một mình bà làm nông nuôi cô con gái học đại học Quy Nhơn và cậu con trai học THPT. Khoảng 21g đêm 15-11, nước lũ bất ngờ dâng cao, tràn vô nhà. Hai mẹ con bà Hoa vội khiêng bao lúa bỏ lên gác lửng, định bụng sẽ lên đó ở qua đêm.

“Nhưng đến 22g nước lớn quá, sợ lắm. Tôi chỉ kịp hô thằng Kha chạy sang nhà lầu của hàng xóm. Từ bên đó đứng rọi đèn pin nhìn ngôi nhà mình từ từ bị dòng nước lũ tàn phá, mọi vật dụng trong nhà, kể cả chiếc xe máy, đều bị lũ cuốn trôi đi mất”, bà Hoa xót xa.

Gần nhà bà Hoa, căn nhà trước của ông Nguyễn Văn Hồng (55 tuổi) bị nước lũ giật sập hoàn toàn. Đó cũng là căn nhà đúc gác lửng, được ông Hồng xây móng bằng đá chẻ nhiều lớp, nhưng giờ chỉ còn lại một bức tường. Ông Hồng buồn bã đứng nhìn căn nhà sau cao hai tầng đứng chênh vênh bên trên một hàm ếch khổng lồ. “Cả nhà tôi phải sang nhà hàng xóm ngủ nhờ, sợ nhà sập bất cứ khi nào”, ông Hồng lo lắng.

Tương tự, nhà ông Võ Văn Trừ bị lũ khoét một hàm ếch rộng hết cả gian phòng khách rộng hàng chục mét vuông. Nhà bà Nguyễn Thị Oan thì lũ giật hết nền móng của một căn phòng ngủ. Nhiều nhà khác bị nước xoáy khoét bứt móng nhà. “Nước lũ lấy đi tiền bạc, tài sản của nhà tôi, giờ nhà bị khoét hàm ếch lớn thế này không biết lấy đất ở đâu để lấp vào, mưa gió còn bời bời…”, bà Nguyễn Thị Oan than thở.

Ông Lê Trọng Tùng - chủ tịch UBND thị xã An Nhơn - cho biết: “Thị xã chúng tôi có tới 386 ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng. Chúng tôi chỉ có cách động viên bà con không đi ở nhờ chòm xóm, sau này mới tính toán được chuyện hỗ trợ”.

Ngồi trên đống nợ

Đến chiều 17-11, nhiều địa phương thuộc huyện Tây Sơn vẫn còn ngập trong nước lũ. Cơn lũ lớn bất ngờ đổ về cuốn trôi 20 căn nhà trong huyện, hàng ngàn ngôi nhà khác bị ngập sâu. Ông Tạ Xuân Chánh - chủ tịch UBND huyện Tây Sơn - cho biết thiệt hại do lũ gây ra cực lớn, đến giờ chưa thể thống kê chính xác.

Tại xã Tây Xuân, hai vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Nghĩa - Võ Thị Tâm nói như khóc: “Cả năm nay vợ chồng tôi ngày đêm chăm đàn gà còn hơn cả con mọn, đây là tài sản nuôi sống cả gia đình, nào ngờ chỉ sau một lúc nước ập vào là quét sạch tất cả”.

Ông Nghĩa cho biết gia đình ông nuôi trên 3.000 con gà, phải “cắm” sổ đỏ đi vay ngân hàng 200 triệu. “Khoảng 21g đêm 15-11, nước lũ bất ngờ đổ về ào ạt. Cả nhà tôi đang ngủ thì nước tràn muốn ướt lưng. Vợ chồng chỉ kịp bế con gái 4 tuổi lội nước ngang tới ngực để tháo thân. Khi bồng con chạy lũ, nước thì mênh mông mà lòng tôi nóng như lửa đốt, giờ đem chôn đống gà thì phải đối mặt với đống nợ”.

Ở các làng khác thuộc xã Tây Xuân, nước lên bất ngờ cũng khiến người dân không kịp trở tay. Ông Trần Văn Hiến (ở thôn Phú Hòa) nói toàn bộ tài sản nhà ông bị nước lũ làm ướt sạch, cả mấy tạ lúa mới thu hoạch ngập trong nước. Con heo do vợ ông chăm bẵm cả năm dự tính bán để lấy tiền trả nợ bị nước lũ cuốn trôi.

Gượng dậy

Chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến mùa gieo sạ, hai cha con ông Bùi Ngọc Bích (phường Bình Định, thị xã An Nhơn) phải căng sức dọn dẹp nhưng đám ruộng gần hai sào. “Nhà tui chỉ có hai thửa ruộng mà bị cát bồi hết một thửa rồi. Nếu không sạ kịp thời vụ thì cả nhà sẽ cầm chắc bị đói”, ông Bích nói.

Ông Nguyễn Diệp Ngô và Huỳnh Văn Hầu (ở thôn Liêm Trực, phường Bình Định) mất nhiều năm gầy dựng được đàn vịt gần 1.500 con với chuồng trại kiên cố. Đàn vịt chuẩn bị vào mùa đẻ trứng thì bị lũ cuốn phăng. Cả ngày 17-11, sau khi nước rút, hai ông mò tìm dưới bùn từng tấm tôn bị nước cuốn gom về làm lại chuồng trại.

Ông Ngô kể: “Hôm đó đang nằm ngủ trông vịt ngoài trại thì bầy nghe vịt kêu, một lát thôi, nước lũ dâng cao bất ngờ. Tôi quáng quàng chạy thoát thân. Đàn vịt bị cuốn trôi, vậy là trắng tay, bây giờ cả nhà phải chắt chiu gầy dựng lại từ đầu”.

Nhà ông Thân Văn Tài (ở phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) bị nước xoáy cuốn trôi một phần ngôi nhà nhưng anh vẫn cảm thấy đỡ tủi thân bởi xung quanh có mấy ngôi nhà khác trôi hoàn toàn, chủ nhà đang từng ngày sống cảnh màn trời chiếu đất. Ông Tài chèn chống lại nhà cửa và kêu những người hàng xóm bất hạnh sang tá túc.

“Tình làng nghĩa xóm là lúc ngặt nghèo, còn mấy bao lúa ướt cũng ráng phơi sấy để cơm cháo qua ngày với bà con. Mình còn gì phải chia đều cho làng xóm, lá rách ít đùm lá rách nhiều” - ông Tài nói.

Chiều 17-11, trên cánh đồng thôn Liêm Trực (thị xã An Nhơn), những người nông dân mặt mày còn hốc hác, còn bàng hoàng sau lũ dữ đã vác cuốc ra đồng. Ai cũng thấp thỏm hy vọng, sau mùa lũ dữ, ruộng được bồi phù sa, vụ đông - xuân lúa sẽ tốt. “Mong sao vụ mùa tới thu hoạch khá, rồi dành dụm, chắt chiu dựng lại nếp nhà”- nông dân Huỳnh Văn Hàu hy vọng.

D.THANH - TR.ĐĂNG - T.B.DŨNG - T.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên