Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông VÕ VĂN LONG - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - nói:
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được UBND TP ban hành, có hiệu lực từ ngày 3-9. Quy chế này quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc UBND TP.
Theo quy chế trên, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước được quy định ở quy chế lần này là rất rõ gồm: người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (gọi chung là người phát ngôn); trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn.
Đi từ khái niệm này thì thấy rằng người đứng đầu của cơ quan hành chính nhà nước bao gồm các sở, ngành hay các quận, huyện thuộc UBND TP. Ví dụ quận thuộc UBND TP, còn phường thuộc quận, theo quy chế quận sẽ trực tiếp trả lời hoặc ủy quyền cho phường trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí đối với những vấn đề liên quan trên địa bàn của mỗi phường. Nói chung người đứng đầu, theo tôi, ở đây được hiểu là người đứng đầu của các cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND TP và người này có thể ủy quyền lại cho những người cấp dưới (các đơn vị trực thuộc) để cung cấp thông tin, trả lời cho báo chí theo quy chế này .
* Nhưng thưa ông, thực tế nhiều cơ quan có rất nhiều đơn vị trực thuộc, đều phải chờ ý kiến của người đứng đầu hoặc người phát ngôn liệu có đáp ứng được nhu cầu, phản hồi về thông tin rất nhanh, nhất là trong điều kiện hoạt động của báo điện tử phải cập nhật liên tục?
- Tôi nghĩ đây là quy chế UBND TP đã ban hành và được vận dụng từ quy chế của Chính phủ, nên trước mắt phải chấp hành theo các quy định này. Nếu chưa đáp ứng yêu cầu trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, chúng tôi tổng hợp đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và đây cũng là điều rất bình thường. Trước mắt quy chế quy định người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, được hiểu là những cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND TP.
Đồng thời làm thế nào để cung cấp thông tin hay có phản hồi nhanh nhất cho báo chí cũng cần có vai trò của báo chí. Nếu phóng viên cần có thông tin nhanh từ cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước (chẳng hạn ở các đơn vị thuộc sở, ngành hay các phường, xã thuộc UBND quận, huyện) thì phóng viên có thể liên hệ với người đứng đầu cơ quan hành chính hoặc người phát ngôn để họ cung cấp thông tin hoặc ủy quyền cung cấp thông tin, cho báo chí.
Còn nếu những người ở các cơ quan, đơn vị không thuộc trực tiếp thuộc UBND TP (các đơn vị thuộc cấp sở ngành, cấp quận huyện) mà cung cấp thông tin cho báo chí thì hoàn toàn có quyền với tư cách cá nhân và chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin hay trả lời báo chí của mình. Những người này không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, quy chế này chưa phải giải quyết hết tất cả vấn đề khó khăn mà báo chí hiện đang gặp phải, mà còn có liên quan đến nhiều quy định khác của pháp luật. Do vậy, nếu như quá trình thực hiện có những gì chưa đáp ứng hoặc những vấn đề mà pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể thì các cơ quan báo chí cứ phản ánh với Sở Thông tin và truyền thông TP. Chúng tôi sẽ tập hợp, phản ánh kịp thời với Bộ Thông tin và truyền thông nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xem xét cụ thể để sửa đổi, bổ sung, làm sao tạo mọi điều kiện cho báo chí hoạt động, thông tin nhanh, chính xác kịp thời và phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân đúng như quy định của Luật báo chí.
* Thưa ông, tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, diễn đàn… có nhiều người đại diện cho các cơ quan chức năng tham dự, phát biểu ý kiến liên quan đến chủ đề của sự kiện. Tuy nhiên, khi báo chí đề nghị phỏng vấn hoặc cần thiết phải làm rõ hơn các thông tin liên quan thì nhận được câu trả lời “tôi không phải là người phát ngôn của cơ quan” và từ chối…
- Báo chí cần bám vào quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Như vậy có thể người được cử tham gia các hội nghị, diễn đàn… có thể là người phát ngôn, cũng có thể họ không phải là người phát ngôn. Nếu như người được cử đi dự thấy có thể phát ngôn với tư cách cá nhân thì họ hoàn toàn có quyền trả lời những gì báo chí đặt ra đối với họ và những trả lời của họ là nhân danh cá nhân, không phải nhân danh cơ quan hành chính nhà nước nơi họ đang công tác. Còn họ từ chối phát ngôn thì cũng không sai các quy định hiện hành và trong trường hợp này, phóng viên báo chí cần liên hệ với người đứng đầu, người phát ngôn để đề nghị cung cấp thông tin hoặc đề nghị ủy quyền cho người nào đó phát ngôn, cung cấp thông tin. Nếu họ là người phát ngôn được cử đi dự các hội nghị thì khi báo chí yêu cầu, họ có thể phát ngôn đột xuất hay định kỳ là theo tính chất của thông tin được quy định trong quy chế.
* Một trong bốn trường hợp từ chối cung cấp thông tin cho báo chí theo quy chế là “những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến”. Với quy định một cách rất chung này, liệu có phù hợp với xu hướng khuyến khích phản biện xã hội, thu nhận ý kiến rộng rãi của cộng đồng… về các chủ trương, chính sách ngay trong giai đoạn soạn thảo?
- Việc soạn thảo văn bản về các chủ trương, chính sách, theo tôi biết, phải trải qua nhiều bước khác nhau như thu thập thông tin, kiểm tra thông tin… Quá trình đó có thể có những bước mà theo quy định chưa được công bố và như vậy quy định cho phép từ chối cung cấp thông tin là hợp lý. Tuy nhiên, tôi nghĩ đến bước cần lấy ý kiến của nhân dân, của chuyên gia… thì lúc đó cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.
Tôi cho rằng khi những người có thẩm quyền phát ngôn với báo chí từ chối cung cấp thông tin cũng sẽ nêu rõ những lý do họ từ chối cung cấp thông tin. Báo chí có quyền đăng thông tin việc từ chối này cũng như lý do từ chối cung cấp thông tin, miễn sao việc đăng tải thông tin đó không vi phạm pháp luật và phải tự chịu trách nhiệm việc đăng tải thông tin của mình.
* Xin cảm ơn ông!
____________
Tin bài liên quan:
Cung cấp thông tin cho báo chí: Không nhất thiết phải là người phát ngônĐã có quy định xử lý vi phạm Quy chế phát ngônQuy chế mới để lấp “khoảng trống thông tin”Không phát ngôn cho báo chí có thể bị xử lý hình sựCung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận