07/05/2013 18:08 GMT+7

Đã có quy định xử lý vi phạm Quy chế phát ngôn

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Một trong những nội dung của Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành để thay thế quy chế cũ ban hành từ năm 2007 là làm rõ hơn việc cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật của các cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước.

Cung cấp thông tin cho báo chí: Không nhất thiết phải là người phát ngônNhà báo phải bảo vệ nguồn tinChủ động cung cấp thông tin cho báo chí

Ngày 7-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu (trưởng phòng pháp luật - chính sách Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết: “Từ trước đến nay không phải chỉ có người phát ngôn mới được cung cấp thông tin cho báo chí, các cá nhân khác của cơ quan hành chính nhà nước cũng có quyền cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật, chỉ có điều người phát ngôn thì được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí”.

Tuy nhiên, theo ông Trần Bá Dung (trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam), thực tế sau khi Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được ban hành vào năm 2007, trong đó có quy định “các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thì không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí”, nhiều cơ quan báo chí và nhà báo đã phản ảnh tình trạng khó tiếp xúc nguồn tin trong các bộ, ngành và địa phương hơn, lý do thường được đưa ra là “chúng tôi không phải người phát ngôn nên không được quyền cung cấp thông tin cho báo chí”.

Tại hội thảo “Vai trò của truyền thông trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương” được tổ chức vào cuối năm 2012, ông Nguyễn Văn Hiếu từng cho rằng việc Chính phủ ban hành quy chế vào năm 2007 là nhằm tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, nhưng có những nội dung trong quy chế đã bị một số cơ quan hiểu chưa đầy đủ, toàn diện. Thậm chí có cơ quan hoặc cá nhân của cơ quan hành chính cố tình hiểu sai quyết định này, đẩy trách nhiệm cho người phát ngôn, không tiếp xúc báo chí.

Là “người trong cuộc”, ông Nguyễn Xuân Bình (chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ) cho rằng việc làm rõ hơn như nêu trên “dù thực chất không phải là quy định mới nhưng sẽ tốt cho các bên liên quan khi vận dụng trong thực tế”.

Theo ông Bình, trong thời gian qua ở Bộ Nội vụ đã thực hiện theo tinh thần mà quy chế mới làm rõ hơn, cụ thể bên cạnh lãnh đạo bộ và người phát ngôn của bộ thì thủ trưởng các đơn vị chuyên môn trong bộ cũng phải chủ động cộng tác với báo chí để cung cấp thông tin.

Theo ông Bình, người phát ngôn của các cơ quan hành chính nhà nước thường chỉ có thể trả lời được những nét chung, những chủ trương, chính sách lớn của cơ quan đó, đối với các vấn đề chuyên môn sâu thì không một người phát ngôn nào có thể trả lời hết được. Do vậy, một mặt cần xác định rất rõ vị trí của người phát ngôn là định kỳ công bố thông tin chính thức, đồng thời làm nhiệm vụ đầu mối tổ chức việc cung cấp thông tin. Mặt khác cần có văn bản hướng dẫn và trang bị nhận thức đầy đủ về quyền được cung cấp thông tin cho báo chí của các cá nhân trong cơ quan hành chính nhà nước.

“Làm sao một ông vụ trưởng khi trả lời báo chí thì không cần nghĩ rằng cái này phải hỏi qua ông bộ trưởng hay là hỏi qua người phát ngôn. Vấn đề ở đây là anh không được trả lời những vấn đề không thuộc thẩm quyền của anh, còn bất cứ vấn đề gì thuộc thẩm quyền quản lý của anh thì anh có quyền thông tin cho báo chí, trừ những nội dung thuộc về bí mật nhà nước. Khi khẳng định được với nhau như vậy thì chúng ta sẽ tránh được sự mập mờ” - ông Bình nói.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mới đây Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến giao Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn về bồi dưỡng nghiệp vụ người phát ngôn cho các đơn vị trong cả nước.

Ông Hoàng Hữu Lượng (cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông) cũng cho biết cơ quan chức năng sẽ sớm tổ chức họp báo về quy chế này.

• Rút ngắn thời gian cung cấp thông tin. Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành năm 2007 (quy chế cũ) quy định việc họp báo để cung cấp thông tin định kỳ là “ít nhất sáu tháng một lần”, quy chế mới quy định “ít nhất ba tháng một lần”. Việc cung cấp thông tin trong trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu được rút ngắn từ 2 ngày xuống 1 ngày.

• Bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

• Bổ sung quy định về xử lý vi phạm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

• Bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo. Bên cạnh trách nhiệm “đăng, phát, phản ánh trung thực”, trong trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên