09/05/2013 09:02 GMT+7

Quy chế mới để lấp "khoảng trống thông tin"

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - Đó là khẳng định của ông Hoàng Hữu Lượng, cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - truyền thông), trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-5 về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

rBnFvB2I.jpgPhóng to
Ông Hoàng Hữu Lượng - Ảnh: V.Dũng

Ông Lượng nói:

- Mục đích của việc ban hành quy chế là thông qua cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, một mặt để cơ quan hành chính nhà nước công bố công khai, minh bạch những hoạt động của mình, mặt khác để người dân hiểu rõ hoạt động của các cơ quan này.

Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, do người đứng đầu thường bận nhiều việc nên có thể giao nhiệm vụ này cho người phát ngôn. Điểm mới lần này là quy định về người được ủy quyền phát ngôn để áp dụng trong hai trường hợp: Khi người phát ngôn đi vắng hoặc trong từng vụ việc có thời hạn nhất định thì người được ủy quyền phát ngôn sẽ cùng với người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí.

* Thưa ông, sau khi có quy chế cũ vào năm 2007, đã xuất hiện tình trạng các cán bộ, công chức thường “né” việc cung cấp thông tin cho báo chí bằng cách đùn đẩy cho người phát ngôn?

- Theo quy định của Luật báo chí, mọi cán bộ, công chức đều có quyền cung cấp thông tin cho báo chí, riêng người phát ngôn khi cung cấp thông tin được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước. Trước đây trong quy chế cũ chưa làm rõ vấn đề này vì đây được xem là điều hiển nhiên theo Luật báo chí. Trong quy chế mới đã sửa đổi theo hướng nhấn mạnh, làm rõ việc các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật. Tất nhiên anh cung cấp với tư cách cá nhân, không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước và chịu trách nhiệm về thông tin mà mình cung cấp.

* Quy chế cũ ban hành từ năm 2007, trong năm năm qua dù những người làm báo đã gặp nhiều trường hợp “né” cung cấp thông tin trái quy định nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý?

- Đúng là chưa xử lý trường hợp nào. Lần này quy chế mới đã có quy định rõ về việc xử lý vi phạm. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ví dụ như quy định họp báo theo định kỳ mà cơ quan nào không tổ chức họp báo thì sẽ bị xử lý; hay khi xảy ra vụ việc gây tác động lớn trong xã hội mà cơ quan hành chính có liên quan không tổ chức việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí một cách kịp thời, nói nôm na là anh để kéo dài “khoảng trống thông tin” gây tâm lý rối loạn trong xã hội thì cũng sẽ bị xử lý theo quy định.

* Quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ cũng như đột xuất lần này có gì mới so với trước đây?

- Trước hết quy chế lần này nêu rõ việc bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì họp báo mỗi tháng một lần. Lâu nay việc này đã được Văn phòng Chính phủ thực hiện hết sức gương mẫu và nghiêm túc. Đối với cơ quan hành chính cấp bộ và cấp tỉnh, trước đây quy định sáu tháng họp báo một lần, nay là ba tháng một lần, bên cạnh đó hằng tháng cung cấp thông tin định kỳ bằng văn bản và cập nhật trên cổng thông tin điện tử. Như vậy là hằng tháng cung cấp thông tin một chiều và ba tháng một lần có trao đổi hai chiều giữa người phát ngôn và báo chí. Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu thì thời gian chậm nhất là một ngày (trước đây là hai ngày).

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên