01/08/2013 10:28 GMT+7

Quy trình chích ngừa: Hà Nội sai nhiều, Quảng Trị thì không

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Qua các báo cáo từ 30 tỉnh thành, thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế về thanh tra, kiểm tra toàn diện việc sử dụng văcxin và sinh phẩm y tế trong điều trị, cho thấy vẫn còn nhiều sai sót về chỉ định tiêm, kỹ thuật tiêm, bảo đảm an toàn tiêm chủng...

Việt Nam: phản ứng sau tiêm chủng thấp hơn thế giới?Đề nghị đình chỉ công tác các cá nhân liên quanNỗi lo văcxin

TxStXCwh.jpgPhóng to
Chích ngừa cho trẻ sơ sinh ở Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Trong khi đó, dù có năm ca tử vong do văcxin 5 trong 1 Quinvaxem trong năm tháng đầu năm 2013 nhưng kết quả giám sát của các đoàn chuyên gia là chưa phát hiện sai sót về chất lượng dịch vụ tiêm chủng.

Hướng dẫn 50, thực tế chích... 138 trẻ/ngày

Cho sử dụng lại văcxin Quinvaxem

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa có ý kiến đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc tiếp tục sử dụng văcxin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học - công nghệ nghiên cứu, sản xuất văcxin đa giá 6 trong 1 tại VN. Đây có thể coi là bước đi của VN dần thay thế văcxin thế hệ cũ.

Trong công văn khẩn gửi ngày 29-7 cho chủ tịch UBND các tỉnh thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên tối đa không quá 50 trẻ/buổi/điểm tiêm, nhằm đảm bảo thời gian để tư vấn cho gia đình các lợi ích, nguy cơ của việc tiêm chủng và có thời gian lưu trẻ lại theo dõi 30 phút sau tiêm đúng quy định.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, mỗi tháng Hà Nội dành một ngày (ngày 5 hằng tháng) để tổ chức tiêm chủng. Riêng nhóm trẻ tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng, trung bình một ngày mỗi điểm tiêm tiếp đón... 138 trẻ, không kể số phụ nữ có thai đến tiêm văcxin ngừa uốn ván. Với số lượng thế này, trẻ chỉ có thể được hỏi qua loa và hầu hết ra về ngay sau tiêm do trạm y tế xã phường không đủ giường lưu trẻ lại theo dõi.

Tại Hà Nội, khảo sát 100 điểm tiêm chủng (trong số 577 điểm tiêm toàn TP), tỉ lệ bố trí điểm tiêm chưa hợp lý là 27,84%, chưa đạt về dịch vụ khám phân loại trước tiêm là 5,15%, có 37,11% kỹ thuật tiêm chưa chuẩn, 26,8% sai sót về dây chuyền lạnh, 4,12% cơ sở chưa đạt trong thực hiện quy định tư vấn sau tiêm... Từ năm 2011-2013, Hà Nội cũng có bốn trường hợp phản ứng nặng sau tiêm văcxin, trong đó có trường hợp sốc phản vệ và ba ca tử vong sau tiêm văcxin.

Trong khi đó, chánh thanh tra Sở Y tế Hải Phòng Nguyễn Đình Trình cho biết 100% cơ sở được thanh tra tại Hải Phòng đều đạt tiêu chuẩn sử dụng văcxin để tiêm chủng. Tuy nhiên, có tới 17% cơ sở không đạt về điều kiện vật chất tối thiểu, 11% cơ sở dụng cụ tiêm chủng không đảm bảo vô trùng, 11% không đạt về yêu cầu có hộp chống sốc, 28% chưa đạt yêu cầu tư vấn trước tiêm và lưu theo dõi sau tiêm.

Bất ngờ từ báo cáo của Quảng Trị

Đặc biệt gây chú ý là báo cáo của Sở Y tế Quảng Trị, địa phương vừa có ba bé sơ sinh tử vong sau tiêm văcxin viêm gan B, báo cáo hôm 1-7 gửi thanh tra Bộ Y tế cho hay 100% cơ sở đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất, thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn.

Tuy nhiên ngày 22-7, khi đi điều tra vụ tai biến sau tiêm làm ba trẻ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Nguyễn Trần Hiển lại cho rằng có sai sót trong quy trình tiêm chủng ở đây, như thực hiện tiêm chủng tại phòng bệnh nhân mà không phải phòng tiêm, không lưu vỏ, lọ văcxin theo quy định, để chung văcxin và các sinh phẩm khác dễ gây nhầm lẫn khi đông bệnh nhân... Đại diện bệnh viện này cũng thừa nhận có chuyện bỏ qua một vài quy trình tiêm chủng, chứ không phải đúng quy trình 100% như báo cáo trước đó của Sở Y tế.

Lo ngại giảm tỉ lệ chích ngừa

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình cho biết có thông tin một số bệnh viện dừng tiêm văcxin ngừa viêm gan B sơ sinh, mặc dù hôm 24-7 Bộ Y tế đã thông báo tiếp tục tiêm mũi văcxin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh cho trẻ. Theo ông Bình, tỉ lệ tiêm chủng viêm gan B mũi 24 giờ từng tụt xuống 20-25%, hiện nay dừng ở mức 50% và có thể còn giảm hơn nữa sau chuỗi tai biến vừa qua. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng chấn chỉnh về chất lượng dịch vụ tiêm chủng, minh bạch thông tin chứ không thể mỗi khi có tai biến lại yêu cầu thanh tra toàn diện và kết quả là nhận được những báo cáo 100% đảm bảo quy trình an toàn tiêm chủng như vừa qua, thật khó khiến các bậc cha mẹ yên tâm mỗi khi đưa con mình đi tiêm ngừa.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, áp lực trong ngày tiêm chủng rất lớn và tới đây Hà Nội sẽ tổ chức 2-3 ngày tiêm, thay vì một ngày như hiện nay. Trong ngày tiêm chủng, các quận huyện nên có đội trực cấp cứu, sẵn sàng ứng cứu khi có tai biến. Đã đến lúc nên chú ý chất lượng dịch vụ tiêm chủng bên cạnh chú ý chất lượng văcxin, bởi Hà Nội có 200 điểm tiêm ngừa dịch vụ, mỗi tháng phục vụ trên 10 ngày và mỗi ngày 30 bé/điểm, ba năm qua không có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm. Trong khi có đến ba tử vong và một sốc phản vệ trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ông Bình cũng cho biết Bộ Y tế đã gửi mẫu văcxin cùng lô liên quan tới tai biến tại Bệnh viện huyện Hướng Hóa đi kiểm định tính an toàn tại Viện Kiểm định quốc gia về văcxin và sinh phẩm y tế, theo yêu cầu của cơ quan công an. Đồng thời phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới gửi mẫu văcxin này ra nước ngoài, có thể là tới Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm Vương quốc Anh (địa điểm đã kiểm định văcxin Quinvaxem thời gian qua).

Bộ trưởng Bộ Y tế phải có ý kiến chính thức

Chiều 31-7, Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về tình hình thực hiện Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn TP. Về tình trạng trẻ sơ sinh chết sau khi chích ngừa, bà Lương Thị Thuận - chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM - phản ảnh: “Hiện nay, người dân hết sức lo lắng, băn khoăn và không biết phải làm sao. Không cho con chích ngừa trong vòng 24 giờ sau khi sinh thì sợ không biết sau này chích còn tác dụng gì không? Còn đem con đi chích thì không yên tâm vì mang tâm trạng đưa con vào chỗ nguy hiểm, trong khi cơ quan chức năng mãi vẫn chưa thấy lên tiếng giải thích chính thức”.

Ông Huỳnh Công Hùng, trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng: “Việc trẻ sơ sinh chết sau khi tiêm văcxin, bộ trưởng Bộ Y tế dứt khoát phải có ý kiến chính thức”. Bà Tô Thị Kim Hoa, chi cục trưởng Chi cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết mỗi năm trung bình TP có khoảng 70.000 bà mẹ mang thai. Chi phí sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cho 70.000 trẻ tốn khoảng 14,9 tỉ đồng/năm. “Tôi cho rằng chi phí này nên được bảo hiểm y tế chi trả vì quá trình sàng lọc này rất có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng dân số” - bà Hoa đề xuất.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên