29/06/2013 11:14 GMT+7

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng

C.V.K.
C.V.K.

TT - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vừa qua không phải thủ thuật dĩ hòa vi quý mà để cảnh tỉnh và sẽ lấy phiếu tín nhiệm cả trong Đảng.

Ngày 28-6, tại buổi tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1 ở Hà Nội, rất nhiều vấn đề hóc búa được cử tri đưa ra nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gần như trả lời tất cả, cặn kẽ.

ZvPbjniJ.jpgPhóng to
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình - Ảnh: V.Dũng

Phiếu tín nhiệm thấp rơi vào những “ghế nóng”

Tham gia phát biểu tại buổi tiếp xúc có Tổng bí thư, cử tri Trương Đức Ngãi, phường Cống Vị, cho biết cử tri chưa thỏa mãn lắm với cách lấy phiếu tín nhiệm ba bước hiện nay. Ông Ngãi nêu riêng lấy phiếu tín nhiệm với cấp xã phường hiện nay là... bước lùi. Vì trước đây cán bộ phường phải có bản kiểm điểm đọc cho dân góp ý, tổ chức hội nghị cấp phường, rồi đại biểu phường bỏ phiếu, nhiều vị đã bị thay đổi chức danh. “Giờ đưa về HĐND mấy chục người bỏ phiếu với nhau” - ông Ngãi băn khoăn và cho rằng ngay các đại biểu Quốc hội cũng nên để cử tri ở nơi cư trú bỏ phiếu tín nhiệm vì “khi ứng cử thì hăng hái lắm, nhưng trúng rồi thì thờ ơ”.

Về câu hỏi xử lý vấn đề biển Đông có tư tưởng coi nhẹ, chưa chuẩn bị cho mọi tình huống, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là vấn đề lớn và đặt lại câu hỏi: nhìn lại lịch sử, ta có chủ quan bao giờ? Trung ương Đảng có cả chiến lược phát triển biển, Quốc hội đã thông qua Luật biển, Ban chỉ đạo về biển Đông đã được thành lập, Tổng bí thư khẳng định lãnh đạo VN ở nhiều diễn đàn, thăm nhiều nước đều nêu vấn đề biển đảo và quan điểm của VN. Theo Tổng bí thư, xử lý các vấn đề phải giữ được môi trường hòa bình. “Không cẩn thận sẽ mắc mưu, nhất là kích động dân tộc hẹp hòi” - ông nói.

Ông Trương Đức Ngãi cũng nêu câu hỏi về lợi ích nhóm khi bất động sản khủng hoảng lập tức có 30.000 tỉ đồng cứu, trong khi ngành nông nghiệp cũng chạm đáy khủng hoảng, giá giảm thì... không thấy chính sách cứu.

Cử tri Trần Toại, phường Cống Vị, đánh giá đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi những vị có tín nhiệm thấp đều là trưởng những ngành quan trọng như tư lệnh các ngành ngân hàng, công thương, văn hóa - thể thao - du lịch, tài nguyên - môi trường... Ông Toại cho rằng Quốc hội cần phân tích nguyên nhân tín nhiệm không cao do năng lực, đạo đức hay lý do khác. Cử tri Phạm Ngọc Cơ, phường Thành Công, đánh giá kỳ họp Quốc hội vừa qua “có bộ trưởng trả lời vĩ mô, chung chung, nhiều vấn đề chưa đâu vào đâu”. Như vấn đề Vinashin, Vinalines, khai thác bôxit còn để ngỏ. Ông Cơ đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm chỉ nên áp dụng hai mức tín nhiệm hoặc không và có thể tiến hành sáu tháng/lần.

“Không dĩ hòa vi quý”

Trả lời ý kiến cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng kỳ họp Quốc hội vừa qua tiếp tục có nhiều đổi mới, nổi bật là không khí dân chủ, công khai, bàn bạc thẳng thắn. Ông đánh giá đây là bước tiến xa về dân chủ. Cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là thực hiện nghị quyết trung ương 4, Tổng bí thư đánh giá cả hệ thống đang ngày càng dân chủ và cho rằng có vấn đề Bộ Chính trị đề xuất nhưng trung ương không đồng ý thì đó cũng là dân chủ. “Đương nhiên có việc các bác chưa hài lòng - Tổng bí thư nói - Nhưng có việc ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

Trước các ý kiến quanh việc lấy phiếu tín nhiệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công nhận khi nhắc lại lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu “cả thế giới chưa nước nào làm như mình”. Các nước là bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng ở VN, theo nghị quyết trung ương 4, lấy phiếu là thăm dò tín nhiệm xem các chức danh đó làm việc được lòng dân và đại biểu chưa. Tổng bí thư khẳng định không chỉ Quốc hội, các cơ quan Đảng cũng sẽ phải lấy phiếu tín nhiệm từ Tổng bí thư trở xuống. Hiện nay, hai năm liền tín nhiệm chưa quá bán mới bỏ phiếu tín nhiệm, theo Tổng bí thư, ba bước như vậy “không phải thủ thuật hòa cả làng, dĩ hòa vi quý, có tính toán không trong sáng” mà đây là kênh thăm dò, đánh giá cán bộ. Quốc hội đã có tính toán, biểu quyết và chọn tiến hành ba bước.

Ông chia sẻ cảm xúc: “Chúng tôi cũng hết sức hồi hộp vì lấy phiếu tín nhiệm từ Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội”. Còn đề xuất nên lấy phiếu tín nhiệm sáu tháng/lần Tổng bí thư nêu cũng có ý kiến đề nghị hai năm mới lấy một lần, để người được bầu phải làm quen công việc đã. “Cái chính là cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn ngừa, đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại... Như thế hay hơn” - Tổng bí thư nói.

Trước câu hỏi của cử tri đánh giá thế nào việc lãnh đạo các ngành chủ chốt lại tín nhiệm thấp, theo Tổng bí thư, vì công việc khó, cọ xát với công việc phức tạp. Thậm chí ông đồng tình khả năng “anh nào càng hăng hái có thể càng phiếu ít”. Tuy nhiên, theo Tổng bí thư, những ngành dân kêu nhiều, như giáo dục - y tế, tín nhiệm thấp thì phải cố gắng. Còn với ý kiến nói lấy phiếu tín nhiệm cấp xã phường là thụt lùi, theo Tổng bí thư, trước là thí điểm của Mặt trận Tổ quốc, nay chủ trương là HĐND bỏ phiếu. HĐND là cơ quan dân bầu ra nên bỏ phiếu là phù hợp. Tổng bí thư cũng công nhận việc lấy phiếu tín nhiệm còn nhiều ý kiến là dễ hiểu. “Cái này là thẩm quyền Quốc hội, cứ làm đã, sau một thời gian sẽ rút kinh nghiệm, chấn chỉnh bổ sung” - ông nói.

Lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một biện pháp

Còn băn khoăn của cử tri về ý kiến khác nhau đánh giá kinh tế, vấn đề bôxit giữa Chính phủ và các cơ quan Quốc hội, chuyên gia, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng bất cứ vấn đề nào cũng có thể có ý kiến khác nhau do nhận thức, thông tin, cách nhìn... Tổng bí thư cho rằng người lãnh đạo tốt sẽ cố gắng tìm cái chung, nên nghe nhiều phía và tìm ra quyết sách. Ngoài ra, Tổng bí thư công nhận giữa Chính phủ và Quốc hội có ý kiến khác nhau càng dễ hiểu: do tâm lý người thực hiện, không phải tất cả nhưng bao giờ chả muốn nói mình làm hay. Bên giám sát muốn phát hiện vấn đề, chỉ cho thấy. Tổng bí thư không quên nhắc lại chính đường dây 500KV, thủy điện Hòa Bình... từng có ý kiến cũng rất khác nhau. Giờ bôxit cũng thế, phải bàn và quyết theo đa số.

Còn việc xử lý Vinashin, Vinalines..., Tổng bí thư cho rằng đây là quan tâm chung, cũng có ý kiến khác nhau. Bắt rồi giờ phải điều tra, cho rằng khâu điều tra vô cùng khó vì còn việc điều tra có chính xác không, rồi có thể có khai thêm vụ mới... Vì vậy Tổng bí thư nêu vụ việc đang trong quá trình giải quyết, khi nào có kết quả sẽ báo cáo.

Cuối cùng, Tổng bí thư khẳng định sẽ phải tiếp tục thực hiện nghị quyết trung ương 4 và lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một biện pháp. Qua phê, tự phê, có ý kiến bảo “hình như thất bại, không làm nữa”, Tổng bí thư khẳng định “không phải” và cho biết Bộ Chính trị đã thành lập các đoàn kiểm tra đi kiểm tra việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 với 31 tỉnh thành. Phải tính toán toàn diện, làm từng bước. Phải đặt trên tổng thể đất nước ổn định.

Tiêu xài như nước phát triển

Tiếp xúc cử tri tại hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng (Hà Nội), Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng chỉ bằng mắt thường cũng rất dễ nhìn thấy sự lãng phí: “Biểu hiện của lãng phí rất rõ, từ những dự án cấp phép mãi không làm, từ những ô đất đã giải phóng mặt bằng mãi không triển khai. Rồi cả nghìn biểu hiện khác như hội họp, mittinh, lễ hội đều có những thể hiện lãng phí tiền của”. Theo ông Nghị, căn nguyên của sự lãng phí bắt đầu từ chính ý thức về tiết kiệm tiền ngân sách, tiền của Nhà nước cũng là tiền của dân chưa tốt. Bên cạnh đó là “căn bệnh” hình thức, thích phô trương.

Theo ông Phạm Quang Nghị, ý nghĩa của tiết kiệm, chống lãng phí không thua kém gì việc phòng chống tham nhũng, chỉ có điều khi nhắc tới tham nhũng thì người dân thấy bức xúc hơn. “Đất nước chúng ta so với thế giới chưa phải là đất nước giàu. Mình mới thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo. Bình quân trên đầu người mới hơn 1.000 USD, đấy là tính theo bình quân chứ không phải ai cũng có thu nhập trên 1.000 USD. Nhưng mà mình tiêu xài mà nước ngoài vào thấy mình như nước phát triển” - ông Nghị cho biết thêm.

* Tin bài liên quan:

Quốc hội thông qua kết quả bỏ phiếu tín nhiệmTỉ lệ tín nhiệm là chỉ số rất quan trọngCông bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm 47 lãnh đạo cao cấpSoi lại mình qua kết quả tín nhiệmKết quả bỏ phiếu tín nhiệm 47 lãnh đạo cao cấpSáng nay có kết quả phiếu tín nhiệm lãnh đạo cao cấpDanh sách 47 lãnh đạo cao cấp được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệmDám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ được tín nhiệm caoĐề phòng thông tin nhiễu loạn khi lấy phiếu tín nhiệm Đừng quá kỳ vọng vào việc lấy phiếu tín nhiệm!Lắng nghe nhân dân, lấy phiếu tín nhiệm chính xác

C.V.K.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên