25/06/2013 07:50 GMT+7

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: "Đảng mong mọi người đều tốt cả"...

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Ngày 24-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch đã tiếp xúc cử tri quận 1 và 3.

ARPEmj9z.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với cử tri quận 1, TP.HCM trong buổi tiếp xúc sáng 24-6 - Ảnh: MINH ĐỨC

Tại các cuộc tiếp xúc này, nhiều cử tri đã đặt vấn đề liên quan đến công tác phòng chống lãng phí, đồng thời đóng góp ý kiến về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng thông báo một số nội dung sau chuyến thăm Trung Quốc vừa qua.

Tóm được “ông lãng phí” nào chưa?

Đó là chất vấn đầy bức xúc của cử tri Vũ Ngọc Bình (P.7, Q.3). Cùng với bức xúc này, nhiều ý kiến cử tri tại hai cuộc tiếp xúc đều nói lãng phí hiện nay rất nhức nhối, xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Ông Nguyễn Tiến Kẻng (P.Bến Nghé, Q.1) cho rằng lãng phí ngang hàng với tham ô nhưng chưa thấy ai bị xử lý bao giờ. Nhìn đâu cũng thấy lãng phí nhưng về trách nhiệm thì chưa thấy bị gì cả. T

heo ông Kẻng, chống tham ô có quyết liệt, còn chống lãng phí dường như hòa cả làng hay bị lãng quên.

Chưa thể cải cách triệt để chế độ tiền lương

Về cải cách tiền lương, Chủ tịch nước nói Hội nghị trung ương lần 7 đã bàn nhưng điều kiện để cải cách triệt để thì “thưa thật là hiện nay không có khả năng”. Đây là vấn đề rất lớn, phải tính lại, nếu để nguyên hiện trạng của bộ máy sẽ không làm được. Muốn cải cách triệt để tiền lương thì không thể nào tách rời việc cải cách, đổi mới bộ máy.

Về vấn đề Vinashin, Chủ tịch nước cho biết lần nào tiếp xúc cử tri cũng nghe, ở diễn đàn Quốc hội cũng nghe. Vụ này, Trung ương Đảng đã kiểm điểm rồi (trước Đại hội XI), xử lý hay không xử lý, cử tri biết hết rồi. Đợt kiểm điểm theo nghị quyết trung ương 4 vừa qua cũng đã kiểm điểm với nhau, tự phong kỷ luật và đưa ra biểu quyết, cử tri đều biết cả rồi. Tuy nhiên, qua ý kiến cử tri, Chủ tịch nước nói: “Tôi cảm nhận rằng nơi này nơi kia hay trong Quốc hội vẫn còn một số ý kiến có vẻ không thỏa mãn, không đồng tình. Chúng tôi ngồi đó hiểu được chứ không phải không hiểu”.

Trước những ý kiến này, Chủ tịch nước bày tỏ sự đồng cảm với cử tri. Ông nói: “Tôi theo dõi nhiều lần, rõ ràng cô bác cử tri không hài lòng. Lâu lâu mới có lời khen nhưng ít lắm. Mặt trận này còn lời chê rất nhiều. Chúng tôi thấy rất chua xót nhưng cũng phải kiên nhẫn và tiếp tục làm”.

Theo Chủ tịch nước, cử tri luôn mong muốn quy trách nhiệm cá nhân. Và trên thực tế, quy định không thiếu, nhưng trong tổ chức thực hiện không đủ nghiêm minh.

Giải pháp cho vấn đề lãng phí, Chủ tịch nước cho rằng sửa luật cứ sửa, ra văn bản mới thì cứ ra. Nhưng trong mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu Quốc hội, nên gia tăng chất vấn. Ông đề nghị cử tri cần theo dõi những người có trách nhiệm trả lời chất vấn trước Quốc hội có tốt không, đáp ứng được lời hứa với cử tri không. Làm như thế thì các thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội sẽ mỗi ngày một tốt hơn. Đó cũng là cách giám sát trực tiếp, sâu sát của nhân dân.

Lấy phiếu tín nhiệm: “Hãy để cử tri bình luận”

Dù cho biết bản thân rất phấn khởi về việc lần đầu tiên Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, nhưng ông Trần Đăng Trâm (P.Đa Kao, Q.1) thắc mắc sao lại có ba mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Ông Trâm chất vấn: “Xin hỏi các nhà làm luật định nghĩa giùm thế nào là tín nhiệm thấp, tín nhiệm và tín nhiệm cao?”.

Theo quan điểm của cá nhân ông, trong phiếu chỉ nên có hai lựa chọn “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Tuy đồng tình với cách làm hiện tại nhưng cử tri Nguyễn Hữu Châu (P.7, Q.3) vẫn cho rằng trong tương lai chỉ cần bỏ phiếu tín nhiệm, ai đạt dưới 50% thì đương nhiên xin từ chức.

Ông Châu còn nói người được phiếu tín nhiệm cao cần tiếp tục phát huy các mặt mạnh của mình, còn những người nhận được phiếu tín nhiệm thấp cần đề cao tinh thần trách nhiệm hơn, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ để nhận được tín nhiệm cao hơn trong các kỳ lấy phiếu sắp tới.

Trao đổi với cử tri về lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch nước nói ưu, khuyết điểm hãy để cử tri bình luận và đó là quyền phán xét của nhân dân. “Tôi rất mong sẽ là người được Ban Chấp hành trung ương bỏ phiếu tín nhiệm vào tháng

10-2013” - Chủ tịch nước nhấn mạnh. Ông cho biết rất thấm thía và xúc động về một ý kiến của cử tri nói rằng những người được phiếu cao hãy ráng giữ, đừng chủ quan, lơ là; còn những người phiếu thấp cần cố gắng để được phiếu cao. “Chế độ mình, nhân dân mình, Đảng mình đâu cố tình trị ai, đều mong mọi người tốt cả. Nhưng rất tiếc vẫn có người đi ngược đường, cho nên đành phải ký những quyết định này quyết định kia, dù hết sức đau xót cũng phải ký” - Chủ tịch nước chia sẻ.

Sẽ giải quyết các trục trặc của ngư dân trên biển Đông

Thông tin với cử tri về quan hệ Việt - Trung, Chủ tịch nước cho rằng chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của ông cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước ta đã mang lại kết quả tích cực. Lần này đã thỏa thuận được nhiều vấn đề mà trước đây chưa thỏa thuận được, kể cả một số vấn đề nhạy cảm.

Theo Chủ tịch nước, biển Đông là vấn đề rất hệ trọng, để giải quyết triệt để, dứt điểm không phải một sớm một chiều, vì lập trường hai bên hoàn toàn khác biệt với nhau. Chủ tịch nước khẳng định trước tình hình như vậy, điểm lại những việc đã làm trong thời gian qua và cho đến chuyến thăm mới đây tại Trung Quốc, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn giữ vững được quan điểm là “không phương hại đến đòi hỏi chủ quyền và lợi ích của chúng ta, đồng thời cũng không làm phương hại đến nước thứ ba”.

Đề cập một vài vấn đề nhạy cảm mà cử tri mong muốn được thông tin, Chủ tịch nước cho biết trong số đó có vấn đề về nghề cá và đây cũng là chuyện hệ trọng. “Bà con các tỉnh miền Trung nước ta bức xúc lắm. Lần đầu tiên thỏa thuận giữa VN và Trung Quốc lập đường dây nóng để giải quyết các trục trặc xảy ra trên biển Đông khi ngư dân đánh cá, trước đây chỉ thỏa thuận trên vịnh Bắc bộ” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch nước, giải pháp này giải quyết được những vấn đề trước mắt cho ngư dân, còn về lâu dài phải tiếp tục đàm phán.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Không có chuyện chỉ bảo vệ chủ quyền bằng miệngChủ tịch nước: Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm Ngư dân "tố" tàu Trung Quốc với Chủ tịch nước Vài câu chuyện nhỏ về Chủ tịch nước Mong bà con trong và ngoài nước phát huy đại đoàn kết "Người dân lo lắng, bức xúc về tình hình biển Đông là đúng"

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên