Tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc có chất gây ung thư phổi
Phóng to |
Đưa 26 tấn khoai tây Trung Quốc chứa chlorpyrifos (có trong thuốc trừ sâu) cao gấp 16 lần mức cho phép của Bộ Y tế đến bãi rác TP Đà Lạt tiêu hủy - Ảnh: Mai Vinh |
Nhiều năm qua, cơ quan chức năng TP Đà Lạt và người tiêu dùng nông sản trên cả nước đã nghi ngờ về việc khoai tây Trung Quốc kém chất lượng được đưa lên Đà Lạt để được xóa bỏ nguồn gốc bằng nhiều tiểu xảo. Sau đó với “lớp áo” khoai tây Đà Lạt chất lượng cao, khoai tây Trung Quốc được bán với giá của khoai tây Đà Lạt, giá cao gấp năm lần tại Hà Nội, TP.HCM.
Dư lượng thuốc trừ sâu cao gấp 16 lần
Nông sản lạ sẽ bị kiểm tra mẫu Đó là khẳng định của ông Dương Ngọc Đức, trưởng Phòng kinh tế UBND TP Đà Lạt. Ông Đức cho rằng đợt kiểm tra vừa rồi cơ quan chức năng TP Đà Lạt đã tìm ra cách để hạn chế nông sản Đà Lạt bị làm giả ngay tại Đà Lạt. Các loại nông sản bị nghi ngờ sẽ lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, dựa vào kết quả để ra quyết định xử phạt hoặc cho lưu thông. “Làm vậy thì hàng kém chất lượng sẽ không dám vô Đà Lạt nữa, tiểu thương sẽ khó có hàng Trung Quốc để làm giả” - ông Đức nhấn mạnh. |
Đáng chú ý, sau khi xét nghiệm, lô khoai tây này có dư lượng chất chlorpyrifos (có trong thuốc trừ sâu) cao gấp 16 lần mức cho phép của Bộ Y tế. Kho hàng khoai tây Trung Quốc bị kiểm tra là kho hàng lớn ở Đà Lạt, cung cấp khoai tây cho nhiều tiểu thương khác làm giả. 26 tấn khoai tây bị tiêu hủy nằm trong lô hàng 82 tấn của bà Nguyễn Thị Nguyệt (44 tuổi, ngụ tại tổ Thái An, P.12, TP Đà Lạt) nhập về thông qua Công ty TNHH MTV thương mại và xuất nhập khẩu Vân Linh (Lào Cai).
Theo các chứng từ, toàn bộ số hàng nông sản này đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc do doanh nghiệp Anh Quân và Vân Linh nhập về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh. Tại Đà Lạt, lô hàng này được bà Nguyệt bảo quản tại kho hàng trên đường 723 (tổ Hòn Bồ, P.12, TP Đà Lạt). Vào thời điểm cơ quan chức năng TP Đà Lạt kiểm tra thì trong kho chỉ còn 52 tấn khoai tây vàng và hồng, số còn lại bà Nguyệt cho biết đã xuất cho các tiểu thương tại TP.HCM. Đến chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra liên ngành đã ra quyết định xử phạt hành chính chủ lô hàng khoai tây 26 tấn, mức phạt 3 triệu đồng.
Điều đáng lưu ý, khoai tây chứa trong kho của bà Nguyệt đều có giấy chứng nhận dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đạt chuẩn cho phép do Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 (Lào Cai) cấp. Khi kiểm tra mẫu tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thì mẫu khoai tây hồng có dư lượng chất chlorpyrifos cao gấp 16 lần tiêu chuẩn của Bộ Y tế (mức cho phép 0,05 mg/g thực phẩm). Ngay sau đó, lô hàng này đã bị tiêu hủy tại bãi rác TP Đà Lạt.
Theo thạc sĩ - dược sĩ Lê Thị Lan Phương (giảng viên Đại học Y dược TP.HCM), dư lượng chất chlorpyrifos gấp nhiều lần như kiểm định là đáng lưu ý. Chlorpyrifos là một hợp chất hữu cơ được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp từ năm 1965. Hoạt chất hữu cơ này được dùng để diệt trừ sâu bọ và nhiều côn trùng khác. Nếu bị phơi nhiễm trong thời gian mang thai sẽ làm chậm phát triển trí não của trẻ, giảm cân và chu vi đầu của trẻ nhỏ hơn bình thường. Theo bà Phương, chlorpyrifos là một trong hai chất có nguy cơ cao gây ra bệnh ung thư phổi.
Phóng to |
Ở một kho hàng (P.11, TP Đà Lạt), người ta rửa khoai tây Trung Quốc bằng máy. Sau đó phun đất đỏ để biến thành khoai tây Đà Lạt - Ảnh: Mai Vinh |
Khoai tây Trung Quốc đội lốt
Ngành chức năng bắt một số lượng lớn khoai tây Trung Quốc kém chất lượng là phát súng lớn đầu tiên để bảo vệ uy tín nông sản Đà Lạt, ông Dương Ngọc Đức (trưởng Phòng kinh tế UBND TP Đà Lạt) cho biết. Một thời gian dài thương hiệu nông sản Đà Lạt đã bị nhiều tiểu thương lợi dụng để “rửa” sạch nguồn gốc khoai tây Trung Quốc và hậu quả khoai tây Đà Lạt chính hiệu bị nghi ngờ, hơn cả là sức khỏe người yêu chuộng nông sản Đà Lạt bị đe dọa. Nguyên nhân của hiện tượng này là giá khoai tây Đà Lạt cao hơn giá khoai tây Trung Quốc gấp năm lần. Khoai tây do bà Nguyệt nhập về chỉ với giá 3.344 đồng/kg, sau khi được chuyển đổi nguồn gốc bán ra với giá của khoai tây Đà Lạt 15.000 đồng/kg.
Hằng ngày các chợ đầu mối nông sản tại TP.HCM nhập từ 20-30 tấn khoai tây Đà Lạt. Tuy nhiên, khoai tây Đà Lạt chỉ thật sự có nhiều và đủ cung cấp với số lượng lớn trong khoảng thời gian sáu tháng (từ tháng 12 đến tháng 5). Theo ông Dương Ngọc Đức, chưa thống kê được số lượng cụ thể sản lượng khoai tây Đà Lạt nhưng việc xuất khoai tây từ Đà Lạt đi các tỉnh quanh năm suốt tháng một cách rầm rộ là vô lý. Ông kể quá trình theo dõi đã ghi nhận tiểu xảo của các tiểu thương trong việc “rửa” nguồn gốc khoai tây. Các tiểu thương tại Đà Lạt nhập khoai tây Trung Quốc từ thương lái ở các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Khi về đến Đà Lạt, khoai tây được đưa vào máy để rửa sạch lớp đất đen. Sau khi được phơi khô và làm cho trầy nhẹ lớp vỏ, sau đó khoai tây Trung Quốc được “mặc áo” là lớp đất đỏ đặc trưng của Đà Lạt. “Mắt thường khó phân biệt được đâu là khoai tây Trung Quốc, khoai tây Đà Lạt” - ông khẳng định.
Nguồn tin riêng Tuổi Trẻ cho biết bà Nguyệt đã bị cơ quan chức năng để ý cách đây hai năm khi lượng khoai tây Trung Quốc bà nhập về hàng trăm tấn mỗi năm. Sau khi nhập hàng về, bà “phù phép” hóa thân cho khoai tây Trung Quốc. Một lượng lớn khác bà phân phối cho các tiểu thương chợ nông sản Đà Lạt và nhiều địa phương khác tiếp tục “phù phép” rồi đưa ra chợ Đà Lạt bán cho du khách. Tại kho hàng lúc bị kiểm tra, bà Nguyệt thừa nhận đây không phải lần đầu bà làm ăn với Công ty Vân Linh, trước đây bà cũng đã nhập mấy lô hàng khoai tây có xuất xứ từ Trung Quốc từ công ty này nhưng đưa thẳng về TP.HCM để tiêu thụ.
Tiếp tục cho khoai “mặc áo” Đà Lạt!
Chiều cùng ngày, có mặt tại chợ nông sản Đà Lạt, chúng tôi thấy một số tiểu thương vẫn còn rửa sạch khoai tây Trung Quốc để chuẩn bị phun đất đỏ Đà Lạt lên. Chợ có 24 tiểu thương kinh doanh mặt hàng khoai tây, một số đầu tư cả máy rửa có gắn động cơ điện. Ông Dương Minh Sơn (phụ trách quản lý chợ nông sản Đà Lạt) cho hay nhiều lần UBND TP Đà Lạt đã làm việc với tiểu thương yêu cầu họ ngưng việc thoa đất đỏ Đà Lạt lên khoai tây Trung Quốc để tránh gây hiểu nhầm nhưng đâu lại vào đó. Tiểu thương cho rằng bạn hàng phía Sài Gòn yêu cầu như vậy nên phải làm vậy. Tinh vi hơn, tiểu thương còn trộn khoai tây Đà Lạt chính hiệu với khoai tây Trung Quốc và cùng “mặc áo” đất bazan ra chợ.
Ông Sơn nói: “Quản lý cực kỳ khó khăn, không có quy định nào để quy hành vi trộn đất lên khoai là làm giả nông sản. Tiểu thương làm giả khoai tây Đà Lạt diễn ra trước mắt nhưng không ngăn cản được”. Theo ông Sơn thì khâu quản lý còn có một lỗ hổng khác, ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt chỉ xét các chứng từ khi nhập hàng nhưng khi khoai tây vào chợ rồi thì đầu ra không quản lý.
Cách nhận diện khoai tây Trung Quốc Đặc điểm dễ nhận biết nhất là vỏ khoai tây Đà Lạt mỏng hơn nên thường bị trầy xước nhiều ngay khi thu hoạch và trong quá trình đóng hàng, vận chuyển. Khoai tây Trung Quốc có kích cỡ củ rất đều, củ thường dài hơn và to hơn khoai tây Đà Lạt, vỏ khoai dày nên ít trầy xước. Một đặc điểm nữa để nhận biết là giống khoai của Trung Quốc có mắt ở củ to hơn khoai Đà Lạt. Ruột khoai tây Trung Quốc cũng trắng hơn khoai nội địa. Khi làm món khoai tây chiên thì khoai tây Trung Quốc sẽ bở, dễ bị nát do hàm lượng tinh bột thấp. Đặc biệt tốn dầu hơn chiên khoai tây Đà Lạt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận