Phát động chương trình “Tháng 3 biên giới”Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979: nên đưa đầy đủ vào sử sáchChương trình "Tháng 3 biên giới": bạn đọc đã tặng 102,5 triệu đồng
Phóng to |
Điểm trường tiểu học ở xã biên giới Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé, Điện Biên). Các em học sinh với niềm vui nhận quà tết từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: L.Đ.DỤC |
Phóng to |
Giám đốc Bachy Soletanche Lê Nguyễn Minh Quang vội vã gọi đến đăng ký đóng góp 30 triệu đồng của công ty anh, thông báo sẽ quyên góp trong toàn thể nhân viên, và đăng ký luôn chuyến khảo sát Pò Hèn, tư vấn kỹ thuật cho các công trình xây dựng sắp tới. Ông chủ võng xếp Duy Lợi cũng mau chóng đến đóng 100 triệu đồng kể: “Tôi có kỷ niệm riêng với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2-1979 này, mấy ngày nay đọc báo cứ bần thần, nghĩ mình phải làm gì đó. Sáng nay đọc chương trình “Tháng 3 biên giới”, thở phào vì đã có chỗ đóng góp, vì Tuổi Trẻ đã đứng ra lo toan giúp nghĩa vụ của chúng tôi”.
Đại diện Đại học FPT gọi đến hỏi phương thức lập tủ sách và tặng học bổng cho ngôi trường mà Tuổi Trẻ vừa thông báo sẽ xây dựng. Khi biết sẽ còn phải chờ một thời gian cho đến khi trường được khảo sát, xây dựng, khánh thành, các bạn sốt sắng: “Vậy trước mắt chúng tôi sẽ tổ chức quyên góp trong sinh viên để đóng góp kinh phí xây dựng”, và không quên dặn thêm: “Nhưng khi khánh thành, Tuổi Trẻ nhớ phần cho chúng tôi đóng góp tủ sách và một số học bổng”.
Một bác tự xưng là nhà giáo về hưu ở quận 1 đến đóng góp 2 triệu đồng dưới tên hai bé cháu ngoại thì hiền lành: “Trước đây tôi vẫn biết, vẫn đọc nhiều về câu chuyện tháng 2-1979 ở biên giới phía Bắc. Thật mừng vì lịch sử đã được nhắc nhớ lại lần nữa, và càng mừng hơn khi mọi người nhận ra rằng tưởng niệm tinh thần không thôi chưa đủ. Phải có hành động và hành động cụ thể, thiết thực như Tuổi Trẻ kêu gọi hôm nay là thật đáng quý. Những vùng biên giới của chúng ta còn nghèo lắm, nhất là biên giới phía Bắc. Chương trình này nhất định sẽ được sự ủng hộ của mọi người, mọi thế hệ, cũng như chương trình “Góp đá xây Trường Sa” vậy”.
Như đáp lời bác, ngay lập tức một bạn trẻ xuất hiện: Nguyễn Hồng Vinh với tấm áo đồng phục của kho cảng Thủ Đức. Đóng 500.000 đồng cho chương trình “Tháng 3 biên giới”, Vinh bẽn lẽn đưa thêm một đĩa nhạc: “Đây là một bài hát về Trường Sa do tôi tự sáng tác, tự hát, tự thu, không có gì hay đâu nhưng là tình cảm. Tôi chưa có đủ tiền để đóng cả hai chương trình, xin gửi đĩa nhạc đến Trường Sa trước, cuối tháng lĩnh lương sẽ đóng góp thêm”.
Trường Sa hay Pò Hèn cũng vẫn là thế thôi, từng tấc đất, từng mỏm núi, từng vuông biển thấm máu người đi trước, nên khi mở nghe thử đĩa nhạc của Vinh, chúng tôi nghe tim mình đập mạnh: “... Dù cuộc sống nơi đây đơn sơ, anh em vẫn nhớ lời Bác Hồ/ Rằng Tổ quốc cha ông ta ngàn năm phải giữ mãi/ Chúng tôi yêu hòa bình, chúng tôi yêu cuộc đời, dòng máu thắm sâu bóng hình dân tộc/ Chúng tôi yêu hòa bình, chúng tôi yêu cuộc đời, nguyện hiến thân vì đất nước VN”.
Vậy nên, dù chỉ mới cách đây vài ngày thôi, địa danh Pò Hèn nghe còn quá xa lạ, và những câu chuyện ghi lại nơi đỉnh Pò Hèn hình như còn bất ngờ với nhiều người, thì với những bạn đọc như hôm nay, chương trình “Tháng 3 biên giới” đã có một khởi đầu nhanh, mạnh.
Thắp lên ngọn lửa... “Thật mừng, thật cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã giúp chúng tôi làm nhiệm vụ của mình, nối thêm tay cho chúng tôi”, cả TS Lê Nguyễn Minh Quang lẫn ông Lâm Tấn Lợi (giám đốc Hãng võng xếp Duy Lợi) không hẹn mà gặp đều nói khi đến đóng góp cho chương trình “Tháng 3 biên giới”, trước khi đại diện báo Tuổi Trẻ kịp nói lời cảm ơn, kịp viết thư cảm ơn thay cho phiếu thu như thường lệ. Cẩn thận hơn nữa, TS Lê Nguyễn Minh Quang nhắn tin nói rõ: “Cảm ơn Tuổi Trẻ tiếp tục đốt lên ngọn lửa yêu nước trong lòng bạn trẻ”. Ông Lâm Tấn Lợi thì tần ngần cầm những tờ báo đăng bài về Pò Hèn đọc lại và chợt chỉ vào tấm ảnh chụp những chiến sĩ đồn Pò Hèn mùa xuân Kỷ Mùi (1979) năm ấy: “Y như mấy tấm ảnh của chúng tôi ngày đó. Tháng 3-1979 tôi cũng có mặt ở Lạng Sơn...”. Thật bất ngờ khi một bạn đọc, mạnh thường quân quen thuộc của Tuổi Trẻ lại hóa ra chính là chứng nhân của những năm tháng đau thương và hào hùng ấy. Ông Lâm Tấn Lợi kể khi ấy ông đang là sinh viên năm 3 Trường đại học Cơ điện Bắc Thái. Sau những cuộc tấn công đẫm máu của quân Trung Quốc ở các tỉnh biên giới phía Bắc, tất cả nam sinh viên đã được huy động lên đường, trực chỉ biên giới để giúp quân chủ lực lập phòng tuyến phòng thủ. Nơi ông Lợi được điều tới là Khánh Khê, Lạng Sơn, cách đường giới tuyến chừng 10km. “Chúng tôi được lệnh đào giao thông hào, đào hàng trăm kilômet. Hơn một tháng thì được trả về trường học tiếp. Năm sau tốt nghiệp tôi gia nhập bộ đội. Những ngày ấy khí thế hào hùng lắm...”. Và ông Lợi mơ màng nhớ về bài hát đã nâng bước chân phơi phới của bao thanh niên đi về biên giới đầy hung hiểm khi ấy: “...Bên hoa hồi hoa quế thơm rừng biên giới/ Có bông hoa Hồng Chiêm thắm đẹp/ Gió hát bướm bay bên núi Pò Hèn/ Dư âm còn mãi mãi ngợi khen/ Một chiến công nơi biên ải/ Thắng lũ xâm lăng, gìn giữ sông núi mến thương...” (Bông hoa Hồng Chiêm - nhạc và lời: Dân Huyền). Bao nhiêu năm rồi, trong lòng những người từng có một thời hướng dòng máu nóng của mình về biên giới phía Bắc như ông Lợi, cứ đến tháng 2 khi hoa mơ hoa mận nở trắng núi đồi phương Bắc, lại có một nỗi buồn, ấm ức khó gọi tên. Để cho đến tháng 2-2013 này, khi đọc báo, khi lên mạng, nỗi lòng của họ mới có dịp òa lên thành hành động. “Tôi biết chuyện cũ nên khép lại, chuyện đau buồn không nên khơi ra, nhất là khi thiên nhiên và lịch sử đã chọn cho đất nước ta vị trí và vị thế này, không thể nào thay đổi. Nhưng lịch sử không được phép quên, nhất là khi Trung Quốc có hành vi gây hấn thì càng cần nhắc nhớ. Nhắc để biết, để hiểu và để đoàn kết, trên dưới một lòng mới bảo vệ được Tổ quốc” - ông Lợi nói với tư cách một cựu chiến binh. Và hôm nay, ông đến đóng góp cho chương trình “Tháng 3 biên giới” của Tuổi Trẻ với tư cách một doanh nhân với cái nhìn thật thực tế: “Các tỉnh biên giới còn nghèo lắm, việc xây trường học, giúp học sinh, giúp nông dân, đồng bào dân tộc là việc đương nhiên phải tính tới thường xuyên trong các chương trình xã hội, và đã có nhiều người, nhiều tổ chức thực hiện. Gắn những chương trình xã hội ấy với lòng yêu nước, với trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc thì hiệu ứng lại càng mạnh, càng cháy lên nữa, sẽ không có ai từ chối. Thế hệ chúng tôi coi đó là nhiệm vụ của mình, chỉ mong báo chí giúp các bạn trẻ 8X, 9X hiểu được, vì việc đó liên quan đến vận mệnh dân tộc”. Quả vậy, những ngày tháng 2 này, hơi tết còn chưa tan, nhưng trong cộng đồng các bạn trẻ, câu chuyện chia sẻ với nhau đã không chỉ có chuyện du xuân, hái lộc. Các bạn truyền cho nhau tin vui về những đóng góp cho chương trình “Cơm có thịt” giúp trẻ em vùng cao của nhà báo Trần Đăng Tuấn. Các bạn háo hức nghe những người thuộc thế hệ 6X, 7X kể những câu chuyện về mùa xuân 1979 với những tiếng đạn bất ngờ. Các bạn bất ngờ bật khóc khi có người gửi tấm ảnh những đứa trẻ chân trần trong gió rét, mắt thơ ngây, má đỏ hồng phúng phính nhìn máy ảnh trong những ngôi trường xác xơ lỗ chỗ và nhắc: Chính những đứa trẻ người Mông, người Dao, người Tày... thiếu ăn thiếu mặc thiếu học thiếu chơi này, mười, hai mươi năm nữa sẽ là những người đầu tiên đứng ở biên cương, ở địa đầu để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, trước tất cả chúng ta... Và khi đã nhớ như thế, thì lại có ngay “Tháng 3 biên giới” đang chờ, nối dài cho những cánh tay hăng hái. PHẠM VŨ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận