08/09/2012 08:08 GMT+7

11 người chết vì mưa lũ

Đ.BÌNH - H.ĐỒNG - V.ĐỊNH
Đ.BÌNH - H.ĐỒNG - V.ĐỊNH

TT - Trong hai ngày qua, đã có ít nhất 25 người chết vì mưa lũ ở Bắc Trung bộ và sập lò khai thác mỏ ở Yên Bái.

Yên Bái: sập lò, ít nhất 14 người tử nạn

EX5ovZ8s.jpgPhóng to
Người dân huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) dọn nhà sau trận lũ - Ảnh: Hà Đồng

Yên Bái: sập lò khai khoáng, 14 người tử nạn

Tin từ văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đến 17g30 ngày 7-9, mưa lũ trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh đã làm chết 11 người (Ninh Bình: 1, Thanh Hóa: 4, Nghệ An: 4, Hà Tĩnh: 2) và 1 người mất tích ở Thanh Hóa. Ngoài ra, tại Phú Thọ có 1 người bị sét đánh chết ngày 6-9.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lũ ở các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên.

T.PHÙNG - C.THỦY

Tính đến 18g30 ngày 7-9, lãnh đạo UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã ghi nhận có 14 người tử nạn, 3 người bị thương trong vụ sập lò khai khoáng tại xã La Pán Tẩn trưa 7-9.

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 7-9, ông Giàng A Tông, chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, cho biết vụ sập lò xảy ra lúc hơn 10g sáng cùng ngày. Tính đến 16g30, lực lượng cứu hộ địa phương đã đưa được thi thể 14 người ra khỏi khu vực sạt lở, sập lò. Trong số những người tử nạn, có một bảo vệ của Công ty TNHH Thịnh Đạt (đơn vị được phép khai thác khu mỏ này), 13 nạn nhân còn lại đều là người dân của xã La Pán Tẩn.

Theo ông Tông, khu mỏ chì, kẽm này nằm trên địa bàn bản Trống Páo Sang, cách trung tâm xã khoảng ba giờ đi bộ. Những ngày gần đây, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, nguy cơ sạt lở cao nên UBND huyện đã yêu cầu đóng cửa mỏ, và thực tế Công ty TNHH Thịnh Đạt cũng đã cho toàn bộ công nhân của mình nghỉ việc. UBND huyện cũng chỉ đạo UBND xã La Pán Tẩn tuyên truyền để người dân không vào khu mỏ “mót” quặng. Thậm chí UBND xã đã yêu cầu các hộ dân phải ký cam kết không xâm phạm khu mỏ. Tuy nhiên, sự việc đau lòng vẫn xảy ra do quá nhiều người dân bất chấp nguy hiểm để vào khu mỏ mót quặng. Chính vì vậy nên lúc này địa phương vẫn chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu người ở khu vực sập lò.

Cũng theo ông Tông, nguyên nhân sập lò nhiều khả năng do mưa lớn kéo dài nhiều ngày trên địa bàn. Hiện UBND huyện đã yêu cầu Phòng LĐ-TB&XH huyện trích tiền hỗ trợ 4 triệu đồng/nạn nhân để thân nhân lo mai táng. Huyện cũng chỉ đạo các lực lượng cứu hộ khẩn trương đào bới để tìm kiếm nhanh nhất các nạn nhân còn lại.

Thanh Hóa: lũ ống làm 4 người chết

Trận lũ ống chiều 6-9 trên sông Âm, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) đã gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào các dân tộc ở huyện này.

Tại bản Trãi 2, thị trấn huyện Lang Chánh - nơi có nhiều hộ dân bị lũ ống cuốn mất hết nhà cửa từ chiều 6-9, người dân đang thu dọn lại đồ dùng, vét bùn, rửa nhà sau mưa lũ trong tâm trạng buồn bã. Chị Ngân Thị Đào (30 tuổi, trú tại bản Trãi 2) nói như mếu: “Mưa lũ cuốn trôi hết nhà cửa, đồ đạc của gia đình tôi rồi. Ngôi nhà gỗ làm năm ngoái hết 50 triệu đồng bị lũ cuốn phăng ra sông Âm”.

Trận lũ ống đã làm gần 100 nhà dân ở đây bị ngập. Bà Lê Thị Hoa - chủ tịch UBND thị trấn Lang Chánh - cho biết: “Trận lũ ống chiều 6-9 đã cuốn trôi hoàn toàn 15 ngôi nhà của người dân, sập tại chỗ 12 ngôi nhà và 53 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng...”.

Theo báo cáo nhanh của Huyện ủy Lang Chánh, đến chiều 7-9, toàn huyện đã bị ngập 900ha lúa mùa, 200ha ngô, 180ha mía; 26 nhà dân bị cuốn trôi, hàng trăm ngôi nhà bị ngập nước. Mưa lũ cũng đã làm hỏng nhiều cột điện lưới quốc gia nên huyện này bị cúp điện từ chiều 6-9, đến chiều 7-9 vẫn chưa có điện.

Trước mắt, huyện Lang Chánh hỗ trợ tạm thời cho những gia đình bị trôi mất nhà cửa, thiệt hại nặng 700.000 đồng/hộ. Bên cạnh đó, UBND thị trấn Lang Chánh đã kịp thời cấp nước uống, mì gói, lương khô cho người dân ở vùng bị thiệt hại do lũ lụt; đồng thời bắt tay vào khắc phục hậu quả của trận lũ kinh hoàng này gây ra.

Còn theo báo cáo nhanh của văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 7-9 do mưa lớn nên ở nhiều huyện miền núi như: Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân, Như Thanh xảy ra ngập lụt nặng, nhiều khu vực bị chia cắt, cô lập.

Đến chiều 7-9, bốn người ở Thanh Hóa bị tử vong (hai người bị lũ cuốn trôi tại huyện Thường Xuân và hai người bị đất sạt lở đè chết ở huyện Lang Chánh); một người bị mất tích do chìm thuyền tại huyện Ngọc Lặc. Mưa lũ cũng đã làm sập, cuốn trôi 45 ngôi nhà; 1.732 ngôi nhà bị ngập trong biển nước; 9.274ha lúa mùa bị ngập, chưa kể các loại cây màu khác; 22 hồ, đập thủy lợi nhỏ bị vỡ; đê tả sông Chu bị nứt sạt hai đoạn dài 115m; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập, sạt lở, ách tắc giao thông. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra tại Thanh Hóa đến chiều 7-9 ước tính 413 tỉ đồng.

Hà Tĩnh: xã Phương Mỹ bị cô lập

Tuy nước lũ ở sông Ngàn Sâu đã rút nhưng xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) giống như một hòn đảo giữa biển nước mênh mông. 12 thôn, xóm của xã này bị cô lập từ ngày 4-9 cho đến nay. Các con đường liên xóm đều bị nước lũ nhấn chìm, người dân đi lại chủ yếu bằng thuyền đóng sẵn.

Theo Ban chỉ huy phòng chống bão lũ Hà Tĩnh, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh này 29 tỉ đồng. 1.500 hộ dân bị ngập lụt nặng, 3.886ha lúa bị chìm trong lũ.

Đ.BÌNH - H.ĐỒNG - V.ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên