07/06/2012 06:14 GMT+7

Đề nghị nâng mức phạt để giảm tai nạn giao thông

Ông Chu Sơn Hà (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)
Ông Chu Sơn Hà (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)

TT - Ngày 6-6, đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật đã nghe lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Công an đại diện Chính phủ báo cáo việc thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải.

HWXq7dJJ.jpgPhóng to
Cảnh sát giao thông xử phạt một trường hợp vi phạm tại quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Tại đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng và thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an - tha thiết đề nghị Quốc hội tăng mạnh các chế tài xử phạt vi phạm giao thông.

“Tha thiết đề nghị”

"Phạt tại chỗ mức 2 triệu đồng là quá cao, bản thân tôi đi ra đường có khi trong túi không có đến 500.000 đồng. Việc yêu cầu chủ phương tiện phải ký quỹ cũng bất cập, người lái xe ôm trị giá cái xe chỉ 4-5 triệu đồng, chạy ăn từng bữa lấy đâu ra tiền mà ký quỹ"

“Đề nghị cho tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông vận tải vì hiện nay tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông rất trầm trọng” - ông Lê Mạnh Hùng nói. Cụ thể, Chính phủ đề nghị mức xử phạt trong lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt tối đa 200 triệu đồng; lĩnh vực hàng hải, hàng không và bảo vệ công trình giao thông là 400 triệu đồng. Nâng mức tiền xử phạt cho thanh tra viên và chiến sĩ công an nhân dân lên 2 triệu đồng (gấp 10 lần mức quy định hiện tại); mức xử phạt của giám đốc cảng vụ hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa lên 50 triệu đồng. Tịch thu và sung công quỹ đối với các trường hợp nguy hiểm cho xã hội như đua xe trái phép (không phân biệt chủ sở hữu) vì đối tượng đua xe phần lớn là thanh niên, người chưa đủ 18 tuổi, xe sử dụng để đua có giấy đăng ký mang tên người khác.

Chính phủ cũng đề nghị quy định bổ sung điều kiện đảm bảo (ký quỹ) để các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đạt được hiệu quả, có tính khả thi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt thiệt hại cho người vi phạm.

“Chúng tôi tha thiết đề nghị bổ sung các quy định trên. Nếu các đề nghị không được chấp nhận thì rất khó khăn cho anh em khi xử lý, lực lượng cảnh sát giao thông hiện nay còn thiếu lắm nên phải huy động cả lực lượng khác là như vậy” - ông Đỗ Đình Nghị nói.

Có dám hứa tăng phạt sẽ giảm tai nạn?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho biết: “Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính đã nâng thẩm quyền xử phạt của chiến sĩ cảnh sát giao thông từ 200.000 đồng lên 1 triệu đồng, tức là đã tăng gấp năm lần. Phải căn cứ vào mức thu nhập của người dân, nếu tăng cao quá thì không phải ai cũng có đủ tiền trong túi, lúc đó lại phải tạm giữ phương tiện của người vi phạm chờ họ về lấy tiền nộp phạt và trong trường hợp nhà của người vi phạm ở xa thì rất bất tiện”. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền cũng cho rằng “phạt nóng 1 triệu đồng là được, chứ tăng lên 2 triệu đồng lại dễ xảy ra tình trạng chia chác giữa người vi phạm và người xử phạt, chỉ làm phát sinh tiêu cực”.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh đặt câu hỏi: “Các đồng chí có dám hứa rằng nếu Quốc hội đồng ý tăng mức phạt, tăng thẩm quyền xử phạt thì sáu tháng sau, tai nạn, ùn tắc giao thông sẽ giảm và nếu không giảm thì các đồng chí chịu trách nhiệm?”. Rồi ông Minh khẳng định: “Chắc là các đồng chí không dám hứa”. Ông Nguyễn Bá Thuyền nói thêm: “Nên ứng dụng khoa học kỹ thuật, chứ bây giờ cứ đề nghị tăng thêm người, tăng thêm chốt chặn. Tôi nghĩ rằng tăng người thì tăng tiêu cực. Đi các nước thấy rất ít bóng cảnh sát ngoài đường, người ta sử dụng các trạm camera giám sát người đi đường, xử phạt văn minh, khách quan”.

Ông Chu Sơn Hà (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên