Xe
22/12/2011 07:45 GMT+7

Nhiều xe cháy bất thường: Cảnh sát PCCC vào cuộc

TS NGUYỄN HỮU HƯỜNG
TS NGUYỄN HỮU HƯỜNG

TT - Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), cho biết cục đã yêu cầu lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ các địa phương báo cáo về những vụ cháy ôtô, xe máy để tiến hành điều tra nguyên nhân.

PZyNorHD.jpgPhóng to
Công an phường Ngọc Khánh, Q.Ba Đình, Hà Nội thu gom hiện vật chiếc xe máy bị cháy- Ảnh: NGUYỄN QUANG
hEuXSErd.jpgPhóng to

Hiện trường vụ cháy chiếc SH tại ngã tư Kim Mã - Liễu Giai, Hà Nội - Ảnh: Q.THẾ

NzwBW9WE.jpgPhóng to
Chiếc Mercedes E300 đột ngột cháy khi đi trên đường ngày 18-12 ở Hà Nội -Ảnh: A.QUANG

Xe Honda tự cháyCháy xe Honda: Họp đến khuya vẫn chưa kết luậnXe khách bốc cháy ngùn ngụt ở Hòa Bình

Theo ông Sơn, trước đây đã xảy ra một vài vụ cháy ôtô, xe máy nhưng nhỏ lẻ, số lượng ít. Các vụ cháy nổ này chủ yếu có nguyên nhân từ tai nạn giao thông hoặc do sự cố về điện. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ cháy nên trở thành một vấn đề bất thường, cần điều tra xác định rõ nguyên nhân để phòng ngừa.

Ông Sơn nói không loại trừ nguyên nhân liên quan đến chất lượng xăng. Hiện cơ quan nghiên cứu khoa học của cục đang tiến hành tập hợp, thống kê các vụ cháy nổ xe trên toàn quốc, nhất là ở Hà Nội. Qua đó cơ quan khoa học của cục sẽ tiến hành phân tích, giám định và có kết luận chính thức.

"Theo tôi, xe cháy thì cháy chứ khó có thể nổ được. Nổ bình xăng thường chỉ do chất lượng phụ tùng không tốt, chịu sự ăn mòn của xăng kém, khiến rò rỉ gây nổ. Khi cháy, xăng có thể thoát bằng đường dẫn từ bình xăng lớn ra bình xăng con rồi chảy ra ngoài rồi cháy thôi. Trừ trường hợp áp suất xung quanh dồn ép quá lớn mới có thể gây nổ. Hoặc khi bình xăng lớn nằm trong tình trạng xung quanh toàn là lửa"

Đại tá Nguyễn Đức Thắng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học - công nghệ PCCC (thuộc Cục Cảnh sát PCCC), cho biết nhiều vụ cháy nổ xe máy không được thông báo lên cơ quan chức năng nên không thể xác định được nguyên nhân có yếu tố hình sự hay chỉ do bất cẩn.

Khi xảy ra cháy nổ phải giữ nguyên hiện trường, tìm hiểu tại hiện trường nhiều vấn đề như: xe thuộc đời nào, các hệ thống dây dẫn của xe ở hiện trạng nào, bộ chế hòa khí ra sao, thậm chí phải xem xăng loại gì, mua tại cây xăng nào...

Phân tích về mặt khoa học, ông Thắng cho rằng để xảy ra cháy đối với ôtô, xe máy phải hội tụ nhiều điều kiện, phải có chất cháy là xăng và có sự rò rỉ xăng ra ngoài, phải có tác động về nhiệt như chập điện... Trong vụ nổ xe máy Honda Dream của nạn nhân Nguyễn Thị Quỳnh tại Bắc Ninh, về nguyên lý xăng trong bình kín thì không thể xảy ra nổ mà chỉ cháy. Theo cơ chế, nếu xảy ra nổ phải có hỗn hợp với khí hơi, xăng trong bình kín không nổ mà chỉ cháy. Vụ nổ ở Bắc Ninh có thể do hỗn hợp xăng và khí nằm trên giới hạn nổ. Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cũng đã cho cán bộ nắm tình hình về vụ việc này.

Cũng theo phân tích của ông Thắng, đối với các loại xe tay ga có bình xăng nằm trong cốp nếu hở một lỗ rất nhỏ thì hơi xăng và xăng rò rỉ sẽ nằm trong cốp xe. Đây là điều kiện tạo thành một hỗn hợp nằm trong giới hạn nổ và chỉ cần xuất hiện tia lửa là nổ. Tia lửa điện được xác định nằm dọc theo thân xe qua hệ thống dây dẫn điện của xe. Có thể do bị chuột bọ cắn gây hở hoặc dây dẫn ăcquy hở, chập vào nhau sinh ra tia lửa.

Thêm hai xe gắn máy bị cháy

Ngày 21-12, Công an thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) cho hay rạng sáng cùng ngày trên địa bàn huyện đã xảy ra vụ cháy hai xe gắn máy. Tuy nhiên, đến nay công an chưa xác định chính xác nhãn hiệu cũng như nguyên nhân gây cháy vì hai xe này đã bị cháy gần như hoàn toàn.

Bà Bùi Thanh Hậu (nhà ở khu phố 6), chủ nhân hai xe trên, cho biết: “Khoảng 1g sáng khi cả nhà đang ngủ say thì một ngọn lửa bùng phát dữ dội. Khi mở cửa ra thì thấy một chiếc xe Air Blade và một chiếc xe Wave bùng cháy. Gia đình hốt hoảng lấy nước giội và lấy mền nhúng nước trùm lên xe, nhưng khi ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn thì cả hai chiếc xe trên cũng đã bị thiêu rụi. Trong đó chiếc xe Wave chỉ còn lại cái khung”.

Theo bà Hậu, chiếc xe Air Blade gia đình bà vừa mới mua được khoảng một tuần, chưa có biển số. Nhiều người nhận định xe cháy vì chập điện trong nhà, nhưng gia đình bà Hậu khẳng định khi xảy ra vụ cháy thì điện trong nhà vẫn sáng bình thường. Vụ cháy còn làm nhiều đồ đạc trong nhà bị thiêu rụi.

Cùng ngày, Công an huyện Dầu Tiếng đã khám nghiệm hiện trường và lập biên bản để điều tra làm rõ.

Luật sư Đặng Dũng(Văn phòng luật sư Đặng & Associates - Đoàn luật sư TP.HCM):

Thế nào là sản phẩm “khiếm khuyết do nhà sản xuất”?

Thông thường ở nước ngoài khi một sản phẩm được gọi là khiếm khuyết rơi vào ở một trong ba tình huống sau: khiếm khuyết do sản xuất, do thiết kế và khiếm khuyết vì không thông báo cho khách hàng các hướng dẫn đầy đủ liên quan đến sản phẩm và việc sử dụng.

Tình huống thứ ba rất quan trọng đối với các sự việc vừa xảy ra trong thời gian qua. Ở đây, một sản phẩm vẫn bị cho là có khiếm khuyết bởi nó không có được các hướng dẫn làm cách nào để được sử dụng tốt nhất, phù hợp nhất và nhà sản xuất không đưa ra các cảnh báo nếu không sử dụng đúng theo cách ấy. Ví dụ nếu một loại thực phẩm chức năng ghi rõ là “không được uống loại này với bia và rượu” mà người sử dụng không nghe và gặp sự cố thì nơi sản xuất không chịu trách nhiệm.

Đối với trường hợp xe máy của Hãng Honda, nếu khi bán xe cho khách hàng, Hãng Honda không hướng dẫn người sử dụng xe phải sử dụng loại xăng nào, đồng thời phải có cảnh báo cụ thể, ví dụ “nếu sử dụng xăng máy bay hay pha cồn thì sẽ xảy ra cháy nổ xe”, thì hãng đã rơi vào tình huống thứ ba, tức sản phẩm của hãng có khiếm khuyết. Thậm chí nếu Honda có hướng dẫn nhưng chỉ là hướng dẫn chung chung về độ octan, không pha chì... quá chuyên môn thì Honda cũng đã làm chưa hết trách nhiệm với khách hàng.

TS Nguyễn Hữu Hường(trưởng khoa kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa TP.HCM):

Xe cũ, xe mới đều có thể xảy ra cháyChỉ có hai yếu tố có thể gây ra cháy đó là nguồn lửa và vật liệu cháy. Trước tiên, về nguồn có thể phát sinh lửa bên trong các loại xe thì chỉ có hệ thống điện mà thôi. Hệ thống này bao gồm bình ăcquy, bộ biến áp, cầu chì bảo vệ được nối bằng dây dẫn điện vào bugi. Ngoài ra, bình ăcquy còn cung cấp điện cho hệ thống đề, đèn, còi báo động... Và tất cả đều được kết nối với nhau qua hệ thống dây dẫn điện. Như thế chỉ có hệ thống điện là có khả năng tạo ra tia lửa điện khi hệ thống dây này hở. Do quá trình sử dụng có thể làm các đầu nối, mối nối dây lâu ngày lỏng lẻo, bung sút, chảy lớp nhựa cách điện... khi vận hành rung lắc, va quẹt đều có khả năng tạo ra tia lửa điện. Cũng có thể do quá trình lắp ráp, sửa chữa gây ra lỏng dây nối, các mối nối không được cách điện đúng cách, đúng tiêu chuẩn, chưa kể dây dẫn điện chất lượng kém dễ chảy lớp cách điện... sẽ khiến tia lửa điện phát sinh. Ngoài ra, bộ biến áp không bảo đảm chất lượng, không đủ khả năng chịu điện cũng có thể gây nẹt lửa.

Yếu tố thứ hai là vật cháy, ở đây chủ yếu xăng là dễ cháy hơn cả. Phần lớn nguyên nhân là từ vấn đề rò rỉ xăng do các co nối giữa ống dẫn xăng và bình xăng con không chặt, hở, khiến rò xăng ra ngoài. Các bộ phận nối xăng lỏng hoặc mất vòng xiết, bình xăng gỉ, thủng cũng có thể gây rò rỉ. Các vật liệu khác như yên nệm, chi tiết bằng nhựa cũng có thể bắt lửa nhưng khả năng rất thấp.

Tóm lại, ngoài quá trình vận hành, khi lắp ráp mới, sửa chữa mà không bảo đảm kỹ thuật và không kiểm tra kỹ chất lượng lắp ráp trước khi xuất xưởng, đưa vào vận hành thì đều có khả năng xảy ra các hỏng hóc về điện, xăng nói trên. Cũng có giả định chất lượng xăng không bảo đảm có thể gây cháy. Theo tôi, có thể xăng kém chất lượng còn đọng lại làm ăn mòn các mối ghép nối cũng khiến xăng rò rỉ. Xăng tốt dễ cháy hơn xăng kém chất lượng.

Riêng xe tay ga có hệ thống điện, điện tử phức tạp hơn xe số rất nhiều. Do đó rủi ro nhiều hơn xe số.

Với các rủi ro kể trên cho thấy xe cũ, xe mới đều có thể xảy ra cháy.

TS NGUYỄN HỮU HƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên