15/11/2011 06:47 GMT+7

Dự thảo luật né vấn đề khó

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Góp ý về dự thảo Luật giáo dục đại học trong phiên thảo luận chiều 14-11, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nói trong 67 điều thì dự thảo né những điều, những khoản rất quan trọng, chuyển cho Thủ tướng, cho Chính phủ quy định. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thì cho rằng những vấn đề thực tiễn rất bức xúc đã không được dự luật đề cập.

* Cần quy định rõ việc đòi bồi thường do quảng cáo sai

od9liP6m.jpgPhóng to
Bà Phạm Thị Trung (Sở GD-ĐT Kon Tum) - Ảnh: V.D.

Hơn 150 ý kiến đã đóng góp tại phiên thảo luận tổ ngày 4-11 nhưng đến phiên thảo luận tại hội trường chiều 14-11, Luật giáo dục đại học (ĐH) vẫn được rất nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến.

Ở trong số những đại biểu góp ý đầu tiên, ông Lê Văn Học (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng) cho rằng phiên thảo luận về Luật giáo dục ĐH là cơ hội tốt để ngành giáo dục, những người soạn thảo luật “được nghe ý kiến để giải quyết những vấn đề rất khó, rất tế nhị, rất bức xúc trong các trường ĐH hiện nay”. Vì thế, ông Học thẳng thắn cho rằng việc dự thảo quy định giao bộ trưởng Bộ

GD-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành khác quy định cụ thể điều kiện tự chủ, mức độ tự chủ, việc thu hồi quyền tự chủ... sẽ tạo cơ chế xin - cho quyền tự chủ. Ông Học đề nghị phải sớm ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn về tự chủ để sau khi luật có hiệu lực thì có thể thực hiện luôn.

Luật thiếu linh hồn

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) khẳng định quyền tự chủ là linh hồn của giáo dục ĐH nhưng ông bày tỏ sự thất vọng khi dự thảo luật chỉ nêu vấn đề này trong một điều mà trong điều đó lại có một khoản đẩy cho Chính phủ quy định. Ông Đáng đề nghị nếu Quốc hội quyết định cần ban hành luật này thì quy định về tự chủ phải được nêu trọn một chương, không chỉ là vài ý trong một điều.

Bà Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) lấy kinh nghiệm giảng dạy ĐH của mình để thống nhất với quan điểm của ông Đáng và nhấn mạnh rằng giới giảng viên mong chờ nhất là quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH. Bà Lan nói: “Nếu đọc sơ qua thì thấy rất hay nhưng cuối cùng gút lại hoặc là bộ trưởng quyết định, hoặc là Thủ tướng quyết định. Tôi rất mong phải thống nhất về quan điểm là thật sự chúng ta có muốn tự chủ hay không? Tự chủ rất quan trọng, người giảng dạy phải có điều kiện phát huy khả năng tư duy. Thầy không được tự chủ thì rất khó có được trò chất lượng, có khả năng tư duy, tự chủ sau này”.

Cũng đồng tình với việc trao quyền tự chủ cho các trường ĐH nhưng bà Phạm Thị Trung (Sở GD-ĐT Kon Tum) lại đặt vấn đề không nên trao quyền tự chủ một cách triệt để và đồng loạt cho tất cả các trường.

Công khai chất lượng kiểm định

Bổ sung ý kiến của bà Trung, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề xuất: “Chỉ nên trao tự chủ cho những cơ sở đủ năng lực, đạt kết quả kiểm định. Luật cần ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn để xác định trường nào được trao quyền tự chủ, được tự chủ mức độ nào”. Ông Tuấn cũng đề nghị phải công khai kết quả kiểm định của các cơ sở giáo dục ĐH được giao tự chủ.

Vẫn theo ông Tuấn, giáo dục ĐH là một ngành cung cấp dịch vụ đặc biệt nên nếu dịch vụ này có chất lượng cao thì ngoài việc đem lại lợi ích cho người sử dụng, nó còn mang lại lợi ích to lớn cho xã hội. Vì vậy, theo ông Tuấn, “cơ quan kiểm định phải là đơn vị độc lập với cơ quan quản lý nhà nước”. Bà Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) lo ngại hoạt động kiểm định còn yếu nên đề nghị cần quy định cụ thể về tổ chức kiểm định và trao quyền kiểm định độc lập như quyền kiểm toán độc lập của Nhà nước để nâng cao vai trò của tổ chức này.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) phân tích nếu chỉ giao Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục ĐH sẽ không toàn diện vì kiểm định chất lượng phải do ba chủ thể thực hiện là Nhà nước, xã hội và nhà trường.

Cái gì khó thì... né

Song song với việc thảo luận đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật giáo dục ĐH, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chê dự thảo luật còn nặng tính “luật khung” và nhiều vấn đề được để lại cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng những vấn đề thực tiễn rất bức xúc đã không được luật đề cập. “Vấn đề quy định nhiệm vụ, quyền hạn của ĐH, ĐH quốc gia, mối quan hệ giữa ĐH, ĐH quốc gia với các trường ĐH rất quan trọng vì thực tế cho thấy những trường ĐH thành viên thuộc ĐH quốc gia, ĐH vùng đều có xu hướng muốn tách ra và là điều mà ngành giáo dục phải suy nghĩ nên cần quy định vấn đề này ngay trong luật, không giao cho Chính phủ quy định như dự thảo” - ông Nghĩa nói.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) liệt kê tới 20 điều cần sự hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng Bộ GD-ĐT dù đây là luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức giáo dục ĐH.

Mạnh mẽ hơn, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nói: “Trong 67 điều thì dự thảo né những điều, những khoản rất quan trọng, chuyển cho Thủ tướng, cho Chính phủ quy định. Làm luật thế thì dễ quá, an toàn quá. Vậy luật này nếu ban hành thì có cái gì? Trước chúng ta nói có luật khung, luật ống thì giờ có luật... né vì cái gì khó né hết”. Ông Đáng đề nghị không nên ban hành luật, đồng thời “xin ban dự thảo cũng bình tĩnh” và đưa ra giải pháp là trước mắt cần tiếp tục thực hiện Luật giáo dục và các nghị định, các văn bản dưới luật liên quan, có giải pháp quyết liệt xử lý những vấn đề bức xúc để có những bài học kinh nghiệm trước khi xây dựng một Luật giáo dục ĐH vững bền hơn, chất lượng hơn.

Để khắc phục những hạn chế đang tồn tại

Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi giới thiệu bản dự thảo lần thứ năm Luật giáo dục ĐH trước khi trình Quốc hội.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, mục tiêu cơ bản của Luật giáo dục ĐH là tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động giáo dục ĐH, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Trong một buổi giới thiệu dự thảo luật trước khi trình Quốc hội, ban soạn thảo khẳng định luật được kỳ vọng để khắc phục những hạn chế đang tồn tại như phương pháp quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục ĐH chậm được thay đổi, chưa bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ được sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và người học.

TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM): Sẽ giúp chấn chỉnh tình trạng lộn xộn

Có thể Luật giáo dục ĐH chưa hoàn chỉnh nhưng ít nhất cũng đã có điều khoản về kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Như thế vẫn tốt hơn là không có. Luật hóa việc kiểm định sẽ buộc các trường và cơ quan quản lý phải thực hiện việc này. Điều này có thể sẽ giúp chấn chỉnh được tình trạng lộn xộn trong giáo dục ĐH hiện nay. Thực tế tốc độ kiểm định hiện nay (do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT thực hiện) khá chậm, việc phối hợp với các cơ sở đào tạo lớn để thực hiện kiểm định chưa nhiều. Với số lượng trường ĐH rất nhiều, Bộ GD-ĐT nên ủy quyền cho các cơ sở đào tạo lớn để tiến hành kiểm định.

GS Trần Hồng Quân (chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập): Lo rằng sẽ có một kiểu “xin - cho” mới

Ở dự thảo Luật giáo dục ĐH đã đề cập việc trao quyền tự chủ cho các trường ĐH nhưng thay vào việc cho phép những việc cụ thể như trước đây, theo dự thảo, các trường ĐH sẽ chỉ thực hiện tự chủ khi được cơ quan quản lý nhà nước cho phép. Có nghĩa, sẽ rất dễ hình thành một kiểu xin - cho mới, xin cho “cơ chế”. Việc này rất nguy hiểm và có thể nảy sinh tiêu cực. Tôi cho rằng khi các trường đã có tư cách pháp nhân, rồi tiếp đến được phép tuyển sinh, hoạt động, các trường sẽ phải đảm bảo những điều kiện cần thiết. Nếu trường nào làm sai, còn thiếu điều kiện theo quy định thì phần nào sai, thiếu sẽ chỉ chế tài phần đó. Làm như vậy sẽ không phải xin - cho mà chỉ bị chế tài khi đã vi phạm. Việc này cần được quy định trong luật.

Cần quy định rõ việc đòi bồi thường do quảng cáo sai

Sáng 14-11, thảo luận về dự án Luật quảng cáo, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự luật cần cụ thể hóa hơn nữa các quy định nhằm loại bỏ quảng cáo sai sự thật nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp quảng cáo phát triển.

Khẳng định “ngành quảng cáo là một ngành công nghiệp sáng tạo”, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) “đề nghị Chính phủ làm rõ hơn sau khi luật ban hành, ngành công nghiệp quảng cáo sẽ tăng trưởng ra sao, có những đóng góp gì cho nền kinh tế”.

Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng “luật cần tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo đáp ứng nhu cầu cơ bản của một xã hội phát triển cạnh tranh lành mạnh, tránh đưa ra những quy định cứng nhắc, cào bằng làm hạn chế năng lực quảng cáo của các cơ quan, tổ chức”. Đối với quy định quảng cáo trên báo chí, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) “nhất trí với dự thảo các quy định tăng diện tích và thời lượng quảng cáo cho các loại hình báo chí nhằm tạo điều kiện cho các báo, nhất là các báo hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, phát triển dịch vụ tăng doanh thu. Đồng thời cũng thúc đẩy các báo nâng cao chất lượng và thúc đẩy ngành công nghiệp quảng cáo phát triển”.

Bức xúc trước tình trạng quảng cáo sai sự thật, đánh lừa người tiêu dùng xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là quảng cáo trên truyền hình thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định phải bồi thường thiệt hại cho người tiếp nhận quảng cáo. “Điều này thể hiện quan điểm đúng đắn là phải bảo vệ người tiêu dùng trước khả năng thông tin quảng cáo bị sai lệch.

Tuy nhiên, trong thực tế việc xác định thiệt hại do quảng cáo gây ra đối với người tiếp nhận quảng cáo là một điều rất khó khăn. Vì vậy trong luật cần có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại liên quan đến quảng cáo, trình tự thủ tục, thẩm định mức độ thiệt hại do quảng cáo gây ra. Tương tự như vậy, trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo cũng cần được quy định rõ” - đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đề xuất.

Ưu tiên chi đầu tư xây dựng cơ bản

Với đa số phiếu tán thành, chiều 14-11 Quốc hội đã thông qua nghị quyết về phân bố ngân sách trung ương năm 2012.

Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách trung ương năm 2012 là 493.675 tỉ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 269.225 tỉ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương năm 2012 là 633.875 tỉ đồng, trong đó có 151.633 tỉ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương. Trong các khoản chi năm 2012, Quốc hội quyết định dành 100.000 tỉ đồng để trả nợ và viện trợ, 43.300 tỉ đồng dành cho cải cách tiền lương.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên