Phóng to |
Giờ đây là hình ảnh của anh Nguyễn Tăng Tiên thương tích khắp mình chỉ vì tích cực tố giác tội phạm đang gây xúc động lớn trong dư luận xã hội. Câu hỏi được đặt ra là khi gặp hiểm nguy, người dân biết dựa vào đâu để bảo vệ sự an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của mình?
Quyền thế nào và báo tin tố giác tội phạm ở đâu?
Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm là quyền cơ bản của công dân được quy định tại điều 71 của Hiến pháp và điều 7 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Trong một phạm vi hẹp hơn, người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan điều tra, viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và phải trả lời kết quả giải quyết cho cơ quan nhà nước đã báo tin hoặc kiến nghị biết. Ngoài quy định về tiếp nhận tố giác và tin báo về tội phạm tại điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự, vấn đề áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác tội phạm cũng đã được đặt ra.
Luật an ninh quốc gia năm 2004, Luật công an nhân dân năm 2005 quy định trách nhiệm của cơ quan công an trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người cộng tác, người tố giác, người làm chứng, người bị hại, cũng như bảo vệ, giữ bí mật cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Luật phòng chống ma túy năm 2000, Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan điều tra phải bảo vệ người tố cáo, người làm chứng và người bị hại trong vụ án ma túy, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng. Các hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.
Công an phải chủ động bảo vệ dân
Trong khi pháp luật và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng và vận động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm, thì đến lượt mình, các cơ quan bảo vệ pháp luật lại chưa tổ chức một cách chủ động, bài bản việc bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại và những người dân bị đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm theo quy định của pháp luật.
Có thể khẳng định một trong những nguyên nhân phong trào toàn dân chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội chưa hiệu quả là do những tiếng kêu cứu khẩn thiết của người dân chưa được tiếp nhận và có biện pháp bảo vệ kịp thời, làm giảm sút lòng tin cậy về sức mạnh của bộ máy cưỡng chế nhà nước.
Trong trường hợp này, chúng tôi nghĩ quy chế bảo vệ, khen thưởng người tố giác tham nhũng thông qua việc hình thành cơ chế phối hợp, bảo vệ của cơ quan chuyên trách, công an, quy định trách nhiệm của người làm lộ nguồn tin được TP.HCM ban hành ngày 22-6-2010 là một mô hình tốt cần nhân rộng trong cả nước.
Trước thực trạng cấp thiết hiện nay, chúng tôi đề nghị cần sớm dự thảo và ban hành Luật bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại, đưa vào chương trình xây dựng pháp luật ngay thời gian đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đồng thời Chính phủ cần xây dựng chương trình quốc gia về bảo vệ nạn nhân và nhân chứng, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ những người dân lương thiện, những người dũng cảm tố giác và đấu tranh chống lại cái ác đang làm tổn thương xã hội.
Theo điều 3 quy chế thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam và hoạt động điều tra của lực lượng công an nhân dân ban hành kèm theo quyết định số 729 ngày 9-11-1998 của bộ trưởng Bộ Công an quy định: Cơ quan điều tra phải bố trí địa điểm thuận lợi và bố trí cán bộ trực ban hình sự 24/24 giờ trong ngày để tiếp nhận, giải quyết đơn, thư khiếu nại và tin báo, tố giác về tội phạm của các cơ quan, tổ chức xã hội và công dân. Việc tiếp nhận, giải quyết đơn, thư khiếu nại và tin báo, tố giác về tội phạm phải nhanh chóng, đúng thẩm quyền, thủ tục và thời gian theo quy định của pháp luật, nơi tiếp nhận phải có hòm thư góp ý. Theo khoản 1 điều 10 quy chế ban hành kèm theo quyết định 07 ngày 2-1-2008 của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, kiểm sát viên phải vào sổ thụ lý, ghi rõ ngày, tháng, năm tiếp nhận; nội dung tố giác, tin báo về tội phạm; tên, tuổi, địa chỉ của người cung cấp; chuyển ngay các tố giác, tin báo tội phạm kèm theo các tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết. Đối với những tin báo, tố giác về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hoặc cần thiết phải có biện pháp xử lý khẩn cấp, trưởng ca trực phải báo cáo ngay lãnh đạo viện kiểm sát cùng cấp để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. |
* Tin bài liên quan:
Sợ bị trả thù khi bắt tội phạmNgười bắt cướp bị chém trọng thươngThả vì chưa chứng minh được hành vi phạm tộiPhê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp Tuấn "chó"Tiên “bánh mì”- khắc tinh của tội phạm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận