27/06/2011 07:55 GMT+7

Lũ kinh hoàng ở miền tây Nghệ An

V.TOÀN
V.TOÀN

TT - Sáng 26-6, trời miền tây Nghệ An đã tạnh ráo nhưng vẫn còn nhiều xã ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn bị cô lập do nước lũ rút chậm. Toàn huyện vẫn mất điện và mất cả sóng điện thoại, các cơ quan cấp huyện phải chạy máy nổ để làm việc.

* Bão số 2 làm thiệt mạng 17 người và 4 người mất tích

Theo thống kê ban đầu, huyện Kỳ Sơn có 700 nhà bị ngập, 110 nhà và 25 phòng học bị sập mái và trôi. Tuy nước lũ đã rút khỏi thị trấn Mường Xén nhưng đoạn quốc lộ 7 đi qua cầu 8 bùn vẫn còn ngập khoảng 2,5m.

t0VRRIbk.jpgPhóng to
Quốc lộ 7 bị lũ cắt đứt ở xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - Ảnh: Vũ Toàn
KdtYdieO.jpgPhóng to
Nhà dân ở xã Yên Tĩnh (Tương Dương) bị lũ tàn phá - Ảnh: V.Toàn

Trước đó chiều 25-6, hai cầu treo dân sinh ở bản Phẩy (khu vực thị trấn) và ở Khe Tang (xã Chiêu Lưu) làm từ năm 1978, có hàng trăm học sinh và người dân qua lại mỗi ngày, đã bị lũ cuốn trôi, nay chỉ còn trơ lại mấy mố cầu bên bờ.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Bùi Trầm cho biết: “Dù trận lũ diễn ra chớp nhoáng trong vài ngày nhưng đây là trận lũ kinh hoàng nhất từ trước tới nay vì đỉnh lũ trên thượng nguồn sông Nậm Mộ cao hơn đỉnh trận lũ năm 2005 gần 3m. Nguyên nhân gây lũ là do mưa kéo dài nhiều ngày phía Thượng Lào rồi bất ngờ đổ ào sang đầu nguồn Nậm Mộ như một bể nước khổng lồ trên đỉnh rừng trút xuống”.

Nước lũ từ sông Nậm Mộ hòa với nước lũ từ sông Nậm Nơn tạo thành sông Cả ở huyện Tương Dương khiến trận lũ càng trở nên hung dữ. Hai chiếc cầu treo ở bản Khe Ngâu (xã Xá Lượng) và bản Cạp Chạng (xã Yên Tĩnh) đã bị lũ cuốn phăng vào chiều 25-6. Các xã vùng sâu Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa nằm bên bờ sông Cả có 254 nhà bị ngập nước, 7 phòng học bị cuốn trôi. Hai trạm y tế của xã Lưu Kiền và Tam Thái ngập sâu trong nước. Một số nhà dân bản bị lốc cuốn chỉ còn trơ lại bộ khung nằm chênh vênh bên bờ sông. Anh Lương Văn Phong (26 tuổi, trú tại xã Nga My) bị mất tích.

Nguy hại nhất là tuyến quốc lộ 7 lên cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn bị trận lũ tàn phá nghiêm trọng. Do nước lũ dâng cao hơn mức bình thường 12m nên đã gây sạt lở hàng trăm khối đất đá tại mười điểm quanh co đèo dốc. Đoạn đường từ km172-174 thuộc địa bàn hai xã Lưu Kiền, Thạch Giám bị lũ xé nát. Nước lũ tràn qua mặt đường, uy hiếp bờ đá đang kè dở dưới chân núi.

Cũng trên quốc lộ 7, tại km170-180, nước lũ gây sạt lở taluy âm, ăn sâu vào lòng đường và chia cắt cung đường này. Từ sáng 26-6, được lệnh của Bộ Giao thông vận tải, Khu quản lý đường bộ 4 và Ban dự án các công trình giao thông (đơn vị 358) phải huy động nhiều lực lượng khoét sâu taluy dương và sử dụng hàng trăm rọ đá kè chặt bên taluy âm. Các xe ủi bùn được huy động để thông được một vệt xe con lưu thông, còn xe khách và xe tải chưa thể đi qua. Từ km180 (cách thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn 19km) hiện đang ách tắc do mái núi dọc đường liên tục sạt lở, đất đá, bùn bồi đắp nhiều vị trí.

Khu vực quốc lộ 7 nối quốc lộ 48C hiện đang bị đứt hai đoạn lớn chưa thể thông xe được. Cầu Hiếu, cầu Dinh trên quốc lộ 48 đều bị ngập trên 3m, nước đã rút nhưng bùn lầy đang lấp đầy mặt cầu.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt Nghệ An, trận lũ gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Bão số 2 làm thiệt mạng 17 người, 4 người mất tích

Thống kê từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và địa phương, đến ngày 26-6 số người chết trong đợt bão số 2 là 17 người. Trong đó Hải Phòng có thêm một người bị thương nặng trong trận lốc xoáy ở An Lư đã không qua khỏi. Như vậy, số người chết ở Hải Phòng là 7 người, Yên Bái và Hà Giang có 2 người chết do lũ (trong đó có một công nhân quốc tịch Trung Quốc), Thanh Hóa, Nam Định và Thái Bình có 8 người chết do sét đánh. Số người mất tích là 4 người gồm 3 người bị lũ quét cuốn trôi ở Yên Bái và 1 người bị chìm thuyền tại Nghệ An. Số người bị thương là 63 người, tăng so với báo cáo trước đó 3 người do có thêm 2 người ở Thái Bình và 1 người ở Nghệ An bị thương do sét đánh.

Diện tích lúa bị ngập úng, đổ giập là 10.150ha, trong đó Ninh Bình 1.190ha, Thái Bình 580ha, Thanh Hóa 2.030ha, Nghệ An 3.535ha...

Về trường hợp tàu cá do ông Nguyễn Văn Hạnh (trú tại thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) làm chủ kiêm thuyền trưởng mất liên lạc trưa 23-6, đến nay đã liên lạc được và đang đánh bắt bình thường. Tàu đánh cá do ông Nguyễn Tấn Huy (trú ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, Phú Yên) làm thuyền trưởng bị hỏng máy, trôi dạt đến vị trí cách mũi Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 120 hải lý về phía đông đã được tàu hải quân tiếp cận cứu hộ.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết đêm 25-6, lũ các sông ở Thanh Hóa và thượng nguồn sông Cả đã đạt đỉnh và đang xuống. Đỉnh lũ trên sông Cả tại Mường Xén (Nghệ An) ở mức 145,49m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2005 là 3,34m.

T.PHÙNG

Huấn luyện phòng chống thiên tai cho người Xê Đăng

Ngày 26-6, trên 200 người dân tộc Xê Đăng thuộc các xã Văn Xuôi, Đăk Tơ Kan, Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) và xã Đăk Tơ Lung, Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) được huấn luyện kỹ năng phòng chống lũ bão, sạt lở núi, lũ quét, lũ ống... Theo đó, bà con được hướng dẫn cách sơ tán ra khỏi vùng lũ quét nguy hiểm, cách dựng lều bạt, làm hầm trú ẩn, neo giằng nhà cửa, thông báo nhanh đến người dân đang lao động trên ruộng rẫy kịp thời trở về nhà. Bà con còn được huấn luyện xử lý các tình huống bị núi vùi lấp nhà, giải pháp cứu người bị vùi lấp trong đất và đống đổ nát, cấp cứu người đuối nước...

Đây là hoạt động thuộc dự án xây dựng năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai cho cộng đồng vùng cao, nguồn vốn đóng góp từ các tổ chức nước ngoài.

TRẦN THẢO NHI

V.TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên