Hôm nay, công bố quyết định kỷ luật ông Nguyễn Trường TôÔng Nguyễn Trường Tô: Tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp ở Hà Giang"Kết luận ông Nguyễn Trường Tô sống buông thả là chưa thỏa đáng"Xử lý ông Nguyễn Trường Tô như thế là thỏa đángLuật sư nói gì về vụ Chủ tịch tỉnh Hà Giang?
Đáng tiếc là những vi phạm của ông Tô đã kéo dài quá lâu, từ năm 2005 đến nay, nhưng đáng mừng là chỉ khoảng nửa tháng sau khi Ủy ban kiểm tra trung ương thông báo công khai về vụ việc này, cấp có thẩm quyền đã kịp thời đưa ra hình thức kỷ luật.
Phóng to |
Ông Nguyễn Trường Tô - Ảnh: Linh Đan |
Như nhận xét của nguyên phó trưởng Ban tổ chức trung ương Nguyễn Đình Hương trên báo Tuổi Trẻ về trường hợp của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô “những người có chức vụ, quyền hạn nhưng thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh, không xứng đáng làm người đảng viên”, đông đảo cử tri cho rằng hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Trường Tô như vậy là nghiêm minh và chính xác.
Trước thềm đại hội Đảng, quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ ông Nguyễn Trường Tô ra khỏi Đảng không chỉ góp phần làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh, củng cố niềm tin của người dân vào công tác kiểm tra, kỷ luật trong Đảng, mà còn tạo ra tiền lệ. Không riêng gì Hà Giang, lâu nay vẫn có dư luận nơi này, nơi khác về một số cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, những dư luận đó đang đòi hỏi cơ quan chức năng, cơ quan kiểm tra các cấp vào cuộc thẩm tra, xác minh làm rõ, nếu không có vi phạm thì thông báo công khai cho người dân biết, nếu có vi phạm thì người vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời, không để “con sâu làm rầu nồi canh”.
Qua sự việc liên quan đến ông Tô, chúng ta thấy rằng mặc dù là cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, nhưng khi UB kiểm tra trung ương có thông báo kết luận về những vi phạm của mình, chưa rõ ông Nguyễn Trường Tô tiếp thu kết luận đó đến đâu, nhưng lại để cho Văn phòng UBND tỉnh Hà Giang gặp gỡ báo chí và thông tin rằng “việc UB kiểm tra trung ương kết luận ông Nguyễn Trường Tô sống buông thả là chưa thỏa đáng”, rằng “quá trình kiểm tra của UB kiểm tra trung ương chưa được thấu đáo”.
Trong khi đó, nhìn ra nhiều nước khác, nhiều quan chức khi dính dáng đến các vi phạm, được cơ quan chức năng kết luận và thông báo công khai, đều có hành động từ chức. Trên nghị trường và bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã nhiều lần lên tiếng về việc ở nước ta chưa có “văn hoá từ chức”.
Rõ ràng, trong số những yếu tố quan trọng để xây dựng được văn hoá từ chức, có việc kỷ luật nghiêm minh của các cơ quan chức năng, cũng như sự dân chủ về thông tin, người dân được biết, được bàn về những việc làm khuất tất của quan chức. Trước đòi hỏi chính đáng của dư luận, cũng như sự vào cuộc kịp thời với các hình thức kỷ luật mang tính răn đe cao của các cơ quan chức năng, những người có vi phạm sẽ khó ngồi yên trên chiếc ghế mà họ không xứng đáng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận