Cùng ngày, ông Nguyễn Hồng Trường - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - đã đến trụ sở Vinashin công bố quyết định đình chỉ chức vụ của ông Phạm Thanh Bình. Ông Bình rời khỏi trụ sở Vinashin sau đó.
Phóng to |
Tàu Hoa Sen được Vinashin mua với giá 60 triệu euro (khoảng 1.300 tỉ đồng thời điểm năm 2007) sau một năm hoạt động đã phải nằm “bảo dưỡng”. Trong ảnh: bar và nhà hàng trên tàu Hoa Sen - Ảnh: Tuấn Phùng |
Ông Nguyễn Xuân Phúc - bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ - cho biết ngày 13-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có quyết định đình chỉ chức vụ ông Phạm Thanh Bình. Đồng thời, Thủ tướng ra quyết định phân công Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT Vinashin.
Về lý do đình chỉ chức vụ của ông Phạm Thanh Bình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhằm kiểm điểm trách nhiệm phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Vinashin.
Cùng với quyết định đình chỉ chức vụ ông Phạm Thanh Bình, Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập nhóm công tác với năm nhiệm vụ cụ thể gồm: cơ cấu lại Vinashin nhưng phải bảo đảm duy trì phát triển ngành đóng tàu của đất nước; sử dụng hiệu quả và ít thiệt hại nhất những tài sản đã và đang đầu tư; hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực tới công ăn việc làm người lao động; không để đổ vỡ dây chuyền; xử lý nghiêm vi phạm, đúng người, đúng việc, đúng quy định của pháp luật.
Ông Phạm Thanh Bình sinh năm 1953, quê Hải Phòng, xuất thân là kỹ sư vỏ tàu. Trong quá trình công tác, ông Bình thăng tiến nhanh và gặp nhiều thuận lợi.
Từ tháng 5-1977, ông được tuyển dụng vào làm cán bộ phòng vỏ tàu Viện Nghiên cứu thiết kế cơ khí GTVT, năm 1991 lên chức trưởng phòng, đến 1994 lên chức phó viện trưởng viện này. Từ phó viện trưởng, tháng 1-1996 ông Bình được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Vinashin, tháng 8-1998 được bổ nhiệm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc.
Từ tháng 6-2003, ông Bình kiêm luôn chức bí thư đảng ủy tổng công ty. Từ cuối năm 2005 đến nay, ông Bình giữ các chức: ủy viên Ban thường vụ đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương, bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Vinashin.
Rà soát ngành nghề của Vinashin Tập đoàn kinh tế Vinashin được thành lập theo quyết định số 103/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 15-5-2006 và quyết định 104 QĐ-TTg thành lập công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN. Tiền thân của Vinashin là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN, được thành lập ngày 31-1-1996 trên cơ sở sắp xếp lại các cơ sở đóng tàu trong cả nước. Ngày 18-6-2010, Thủ tướng ra quyết định số 926/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu Vinashin để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tập trung vào ngành nghề chính. Đến ngày 25-6, Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Quyết định này nêu vốn điều lệ tại thời điểm chuyển đổi là 14.655 tỉ đồng. Việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu là Thủ tướng Chính phủ và các bộ theo sự ủy quyền của Chính phủ thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Vinashin. Bộ GTVT chịu trách nhiệm rà soát lại ngành nghề kinh doanh của Vinashin để tập trung vào ngành cơ khí đóng, sửa chữa tàu thủy, trình Thủ tướng phê duyệt trong điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Vinashin: cơ chế "độc nhất vô nhị” Kiểm điểm, xử lý kỷ luật chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình Bài học Vinashin: Xem lại cơ chế giám sát các tập đoàn Tái cơ cấu để sửa chữa 3 năm sau Vinashin hết khó khăn Vinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồngVinashin vẫn phải trả khoản nợ nước ngoàiĐình chỉ chức vụ ông Phạm Thanh Bình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận