Phóng to |
Ba vườn hoa xung quanh hồ Tây (P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ) là nơi có rất nhiều ghế đá cho người dân đến ngồi hóng mát, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, cứ 20 ghế là có 4-5 ghế bị chiếm dụng.
Mua nước uống mới được... ngồi ghế đá
Nhiều ghế đá trong ba vườn hoa nói trên bị bao vây bởi bàn ghế do chủ quán giải khát bên kia đường xếp đặt. Một số ghế khác bị che lấp hoặc không thể sử dụng vì xe máy xếp dọc lối đi. Nhiều mặt ghế đá “không cánh mà bay” trông rất mất thẩm mỹ.
Quanh hồ Thủ Lệ, hồ Giảng Võ, hồ Hoàn Kiếm, để được ngồi ghế người nghỉ chân buộc phải mua nước uống, nếu không sẽ bị người bán nước xua đuổi hoặc bị đối xử bất nhã. Nhiều trường hợp người bán hàng quanh các hồ còn ra giá mỗi ghế tối thiểu phải uống nước trên 15.000 đồng, nếu ai gọi đồ uống ít hơn số tiền này họ sẽ không bán và không cho ngồi ghế.
Xung quanh khu vực hồ Thiền Quang, trong gần 100 ghế có 20 chiếc bị chiếm dụng làm điểm bán trà đá, ba chiếc bị biến thành điểm tập kết xe rác, bốn chiếc nằm gọn trong một quầy bia hơi. Trong khi đó, mỗi chiều người dân đến đây hóng mát phải chen chúc 3-4 người ngồi chung một ghế.
Bác Nguyễn Văn Liên (75 tuổi, ở P.Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng) bức xúc: “Cả quận có được cái hồ mát nhất để hóng gió thì chẳng chen nổi chân mà ngồi. Ngồi đâu cũng đụng chỗ bán hàng hoặc chỗ đậu xe ôm. Muốn ngồi cho yên phải mua cốc trà đá 3.000 đồng. Hôm nào chủ nhật thì mang theo ghế nhựa từ nhà là chắc ăn nhất. Ra hồ ngồi bằng ghế của mình không ai đuổi”.
Mặc dù ở nhiều vườn hoa, thảm cỏ, nơi vui chơi nghỉ chân của người dân thường có bảng quy định đề rõ “không bán hàng, kinh doanh dịch vụ”, hoặc “không nằm ngủ trên ghế đá, không phơi quần áo chăn màn lên ghế đá” nhưng thực tế ghế đá vẫn bị chiếm dụng. Theo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, đường Thanh Niên (khu vực quanh hồ Tây) có 24 ghế đá và ai muốn nghỉ chân ở những ghế này hầu như đều bị người bán hàng yêu cầu trả tiền... mua nước, mua hạt dưa...
Cha chung... khó khóc?
Bà Mai Hương Giang, trưởng phòng kế hoạch - tổng hợp Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, cho hay công ty chỉ quản lý hơn 1.300 ghế đá. Trong đó có 1.075 ghế sử dụng được, hơn 100 ghế bị sứt, vỡ, mất, còn số ghế đá bị chiếm dụng không thể thống kê... Số ghế đá còn lại của Hà Nội chủ yếu nằm trong vườn hoa, công viên thuộc sự quản lý của Công ty một thành viên công viên Thống Nhất và Công ty Vườn thú Hà Nội.
“Hiện nay những vườn hoa, công viên do công ty quản lý đa số không có tường bao, không có bảo vệ và việc quản lý lại thuộc nhiều đơn vị khác nhau. Trong danh mục quản lý của chúng tôi đúng là có hệ thống ghế đá nhưng chúng tôi không được cấp kinh phí để làm việc này. Giao cho nhân viên trồng một thảm cỏ, quét một lối đi trong vườn hoa, tỉa một cây xanh chúng tôi biết rõ trả công cho họ bao nhiêu. Nhưng nếu giao họ quản lý một số ghế đá nào đó thì họ phải làm không công nên rất khó. Mỗi khi mất ghế đá, hàng rào chúng tôi chỉ biết làm công văn gửi đến phường để nơi đây xử lý mà thôi” - bà Giang giãi bày.
Ông Nguyễn Văn Vinh, chủ tịch UBND P.Thụy Khuê, cho biết hiện nay ghế đá, hạ tầng chung ở các vườn hoa xung quanh khu vực hồ Tây do nhiều cơ quan đồng quản lý. Cụ thể như vườn hoa Lý Tự Trọng, cây xanh, thảm cỏ, ghế đá là do Công ty Công viên cây xanh Hà Nội quản lý; đường đi dạo xung quanh do Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý; môi trường thì do Công ty môi trường đô thị Tây Đô quản lý... Còn lại những vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự xã hội do phường đảm nhiệm.
“Lực lượng công an phường chúng tôi đã nhiều lần thu hàng quán, xử phạt hành chính những đối tượng ngang nhiên chiếm dụng ghế đá công cộng. Tuy nhiên, những đối tượng này rất phức tạp, chủ yếu không có công ăn việc làm, rất khó xử lý. Chúng tôi thu xe hàng hôm trước, hôm sau họ lại kiếm xe khác bán. Thậm chí chúng tôi thu được cả kiôt và xe hàng trị giá 25 triệu đồng nhưng họ không có tiền nộp phạt nên bỏ của chạy lấy người” - ông Vinh kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận